MỘT ĐÊM CỦA ÔNG TỔNG BIÊN TẬP


Minh họa của Văn Thuỷ

Chồng chị vừa chân ướt chân ráo về đến nhà đã có tiếng điện thoại eo éo gọi. Vẫn cái giọng ẽo ợt quen quen mấy hôm nay. Cô ta xưng tên là Vân - Kiều Vân. Mới về toà báo mấy tháng nên chị chưa tường mặt. Nghe nói đa tình lắm. Đa tình thì sẵn đàn ông. Nhưng cẩn thận kẻo ế. "Về rồi đấy!" - Chị đáp bằng giọng không niềm nở. Từ đầu dây kia: "Xin chị nói giúp, em có việc cần đến gặp anh chút xíu". Không có tiếng đáp lại. Chỉ nghe tiếng đặt ống nói "cộc" một cái.Chồng chị bắt tay nhân viên thuộc quyền thân mật, hồ hởi. Cô nàng, tuổi dễ không hơn mấy con gái. Em em - anh anh ngọt sớt. Nàng đặt xuống bàn chồng bản thảo, nói: "Anh Vĩnh - Thư ký toà soạn giao em đưa việc đến cho anh khỏi thất nghiệp đêm nay đây. Thủ trưởng Bộ phái anh ấy đi công tác đã hai hôm rồi. Anh vừa về, một lô việc ập đến thế này thì vất vả quá!". Vẫn nàng: "Chuyến đi khảo sát các tỉnh miền núi đợt này bị mấy ngày rét cắt thịt, anh nhỉ. Cuối tháng ba ta mà còn đổ rét đến thế. Anh mang đủ áo ấm không?...". Chị nấu ăn bên cạnh phòng khách, thầm nghĩ: "Rõ lo bò trắng răng. Cứ như là vợ con người ta!".

Hơn nửa tháng nay, anh chị mới lại có bữa ăn đầm ấm thế này. Chén rượu thuốc uống chung, chỉ một hớp đã làm rân rân cơ thể anh. "Anh uống một chút thôi, em ạ. Đêm nay anh còn phải quần thảo với cả đống bài kia". Anh vừa nói vừa nhìn vào mắt chị. Chị đón nhận ánh mắt long lanh, âu yếm của chồng. Thời son trẻ, mỗi khi bắt gặp ánh mắt như thế, vòng tay chị xoắn xuýt anh, chả kể lúc đang là bữa ăn. Nỗi ngất ngây của tình yêu trong không gian riêng biệt, luôn luôn có sức quyến rũ chị. Gần đây, anh bảo: "Chúng mình đã vào tuổi trung niên rồi, nên khác thời trẻ một chút, em ạ!". Chị "vâng", coi đó là chức phận. "Nhưng đêm nay em không để anh thức khuya đâu!". Anh cười: "Thật thế à?".

Bữa cơm kết thúc nhanh hơn mọi lần, không làm chị buồn lòng. Cả đống việc đang chờ anh ấy mà! Đến nỗi, vừa nâng chén nước anh vừa giở số tạp chí mới nhất ra xem chất lượng in ấn thế nào. Mấy lần anh cau mày bởi những lỗi không đáng để xảy ra. Nếu Thư ký toà soạn có nhà, anh đã gọi điện trao đổi ngay. Nhớ khi mới nhận trách nhiệm Tổng biên tập, có lần anh đã phải nặng lời: "Là Thư ký toà soạn được phân công theo dõi in ấn, nhân viên morát để lỗi, nhà in in xấu, sao lại nói không chịu trách nhiệm? Không! Đồng chí phải chịu trách nhiệm ở cương vị kiểm tra giám sát chứ!". Cũng như trong cương vị Tổng biên tập, anh phải gánh toàn bộ trách nhiệm về nội dung đúng sai, hay dở, hình thức xấu đẹp của tờ tạp chí; cho dù cả số ấy anh không viết một bài nào, không là hoạ sĩ trình bày, không trực tiếp quan hệ với nhà in. Mấy năm nay anh muốn cải cách một loạt vấn đề của tạp chí, mà chưa làm được bao nhiêu. Cả những bất hợp lý rành rành cũng không làm nổi. Như trường hợp hoạ sĩ Đính chẳng hạn. Tạp chí ra tháng một kỳ, vậy mà trước đó người ta nhận anh vào biên chế. Công việc cả tháng, anh thực hiện vài ba ngày là xong. Muốn bố trí thêm việc đọc morát, nhưng chữ nghĩa anh không rành. Bởi, việc đọc morát phải coi là khâu biên tập cuối cùng mới bảo đảm nội dung ấn phẩm chính xác được. ở độ tuổi ngoài năm mươi, bắt anh học vi tính cũng khó. Buộc nghỉ việc thì không đành. Không nên vì thực hành chủ trương giảm biên chế mà quăng con người ra vỉa hè, hoặc vứt bỏ họ mà không cần biết người ta sống chết ra sao.

Trong nội dung chuyến đi của anh vừa rồi, biết cần có bài in trong số tới của tạp chí, anh đã thức đêm viết tại nhà khách xong xuôi. Chờ ngày về, lấy đâu thời gian để giở bút ra. Số tạp chí tới, không thể chậm, mới kịp phát hành trước kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống của ngành. Cả đêm nay nữa, việc duyệt bài vở cũng phải xong. Nhất thiết sáng ngày mai hoạ sĩ bắt tay vào trình bày. "Cho nên em phải cho anh chong đèn đêm nay thôi!" - "Thì có bao giờ em làm trái ý anh đâu." - "Nhưng đôi lần anh cảm thấy em không thoải mái." - "Thế anh bảo em có tội gì nào?". Anh biết chị nói trêu anh vậy thôi. Cũng như bao lần khác, chị sẽ chẳng làm khó dễ cho anh đâu! Thay câu nói, anh kéo chị vào lòng, đặt nhẹ từng cái hôn.Với chị, hơi ấm nồng nàn quen thuộc từ anh, bao giờ cũng vẫn mới và cuốn hút chị. Mỗi chuyến anh đi xa, cho dù rất tin nhau, song chị không tránh khỏi những phút giây chột dạ. Những cuộc chiêu đãi ngả nghiêng nơi khách sạn, nhà hàng, quán karaoke... với đủ chuyện phức tạp, khiến chị nghĩ ngợi là phải thôi. Cũng đã có lần, trong câu chuyện tâm sự, anh nói: "Đời người làm báo nay đây mai đó, anh không dám khẳng định tuyệt đối mình sẽ không mắc sai lầm. Có điều, nếu xảy sự cố ngoài ý muốn, em tha thứ, bỏ qua cho anh chứ? Nói thế không có nghĩa là anh vạch đường để hươu chạy đâu!". Chị vít đầu anh, hôn tới tấp rồi đứng phắt dậy. Như thể, nếu không làm như vậy, chị khó có thể rời anh. Để phích nước mới bên bàn khách, chị nhắc anh có cà phê, khi nào cần thì pha, rồi mỉm cười: "Từ giờ phút này đến sáng mai, anh tự do!". Anh âu yếm nhìn chị nhẹ từng bước chân đi sang buồng ngủ. Bộ váy xẫm thật hợp nước da trắng trẻo. Vẫn thon thả như tuổi đôi mươi!

***

Anh cặm cụi làm việc, không hề để ý đến mọi động tĩnh xung quanh. Không cả nghĩ tới vợ mình thức hay đã ngủ. Những đêm viết không gấp gáp, anh thường vào ngồi bên giường nói đôi ba câu vui vui với vợ, rồi mới trở ra bắt tay vào việc. Chị rất thích những câu nói vui vui vào giờ này. Như là lời ru dịu êm đưa chị chìm dần trong giấc ngủ. Đương nhiên, chị cũng quen cả những lần như đêm nay, anh không ngồi bên giường ru chị. Cả đống việc đang chờ anh ấy mà!

Mặc dầu vội, anh vẫn tự nhủ đọc toàn bộ bản thảo. Chẳng phải anh thiếu niềm tin vào cấp dưới mình. Họ đã biên tập và sắp xếp từng trang trong mỗi số tạp chí giúp anh. Anh không thể không có họ. Song, anh không dám không đọc mà cứ hạ bút ký duyệt vào từng bài viết, cho dù đó chỉ là một tin ngắn mấy chục từ. Một lần anh bị kiện chỉ vì cái tin ngắn đăng tạp chí này: "Để sản xuất không bị đình đốn, hợp tác xã X đã tìm được một loại nguyên liệu nội địa để thay thế nguyên liệu nước ngoài, sản phẩm thảm len xuất khẩu vẫn được khách hàng chấp nhận". Từ nội dung này mà khách hàng đòi giảm giá bán sản phẩm, gây thất thu không nhỏ cho hợp tác xã. Thế đấy! Đâu cứ phải một bài viết dài mới cần soi xét. Đâu chỉ cần thận trọng trước một bài viết phê bình.

Một bạn đồng nghiệp nước ngoài hỏi anh: "Nếu ra báo hàng ngày, ông cũng đọc thế à?". Anh: "Đọc chứ! Nhưng không chỉ mình tôi đọc. Sẽ có bộ máy kiểm soát của báo ngày cùng đọc" - "Còn hiện tại, báo tháng của ông chưa có bộ máy đủ tin cậy, nên ông phải đọc tất cả?" - "Tin cậy được. Nhưng trong điều kiện có thể, bao giờ tôi cũng muốn trực tiếp đọc tất cả". Trước nay, anh coi việc đọc như vậy là rất cần thiết. Nhờ đọc, anh nắm chắc được nội dung từng số tạp chí. Nhờ đọc, anh đánh giá được năng lực đội ngũ phóng viên. Nhờ đọc, anh hạn chế được những sai sót xuất hiện trên tạp chí và cả hành động tiêu cực của phóng viên... Anh tự nhủ, chừng nào lười đọc, tức lười kiểm soát, anh sẽ tự nguyện thôi chức Tổng biên tập.

Hơn một giờ rồi. Có lẽ vợ anh chưa ngủ. Hay là thức giấc. Rõ có tiếng bàn chân rê trên chiếu đấy thôi. Anh thèm ngả lưng ít phút. Nhưng nằm xuống, sợ khó dậy nổi. Đống bài, đọc đã xong đâu.

Đọc chỉ để quyết định bài đăng hay không thì chẳng mất nhiều thời giờ. Từ tối đến giờ, ngốn nhiều thời gian là mấy bài của cộng tác viên, anh đã sa tay vào sửa. Cho dù các biên tập viên đã sửa, anh vẫn thấy cần sửa thêm. Đưa đến bạn đọc một bài báo có nội dung tốt chưa đủ. Còn cần bảo đảm cấu trúc chặt chẽ và ngôn từ chính xác nữa.

Lúc này đúng bốn rưỡi. Công việc tạm xong xuôi. Ngồi bên bàn nước, anh mới sực nhớ đến cà phê. Dùng cà phê bây giờ không lợi. Uống chén trà loãng cho ấm bụng thôi. Để còn tranh thủ nhắm mắt vài giờ.

Vợ anh kéo tấm chăn mỏng đắp ngang người chồng. Chỉ mấy phút sau đã nghe tiếng anh thở đều đều, thật sâu. Sẽ có lúc chị tả giấc ngủ này, tả miệng để anh nghe (như trước nay đã nhiều lần chị tả về anh ở mọi góc cạnh khác): "Sau chuyến đi, vất vả mà sao bộ mặt chàng bự hơn? Hẳn dự chiêu đãi nhiều?(!) Mặt chàng phẹt ra, tưởng như mặt viên quan lớn trong các tiểu thuyết cũ vậy. Thế mà nàng vẫn chết mê chết mệt chàng là bởi tại sao? Và tại sao, khi ngủ nét mặt chàng hiện lên sự thoả mãn đến thế? Như ở đời này chẳng còn gì để chàng ao ước, quan tâm...". Chị đoán sẽ được trận cười nổ ra. Và thế nào chẳng có lời thanh minh của anh, cũng hài hước, dí dỏm chẳng khác chuyện chị đùa.

Chị rón rén rời giường, để không làm mất giấc ngủ của chồng. Nằm bên anh giờ này, sự đụng chạm sẽ làm anh thức giấc. ánh đèn ngủ xanh ảo, lờ mờ, chị cũng tắt luôn.

Vậy mà chỉ nửa giờ sau đã thấy anh bật dậy. "Sao thế anh?" - chị hỏi. Anh: "Bao giờ anh chẳng thức dậy vào giờ này" - "Nhưng anh vừa mới ngủ" - "Ngủ sớm ngủ muộn cũng thế thôi".

Chưa kịp nhấm nháp ly cà phê chị pha, anh đã cúi lom khom bên bàn viết, lật lật chồng bản thảo. Anh vừa soát xét trong đầu, phát hiện hai bài "tít" gần như nhau, nên phải đổi một. Trong cùng số báo không nên để hiện tượng trùng hợp như thế. Nhưng đổi thế nào anh chưa nghĩ ra. Phải xem lại nội dung hai bài ấy mới quyết định đổi "tít" bài nào. "Tít" mới không hay thì đừng để nó tồi hơn. Tồi hơn là sinh chuyện. Khi còn làm phóng viên ở tờ tuần báo, chính anh đã đập bàn trước biên tập viên về cái "tít" bài viết của mình bị đổi, giống trường hợp bài này đấy thôi. Nghe giải thích, anh chịu im vì thấy có lý. Cả việc thay đổi câu từ cũng vậy. Không thay được câu, chữ hay hơn thì chớ uốn bẻ văn người khác thành văn mình. Chỉ bắt buộc anh thay đổi khi câu chữ trong nguyên tác sai toét toè loe. "Anh à, uống chút cà phê cho tỉnh nào!". Tiếng chị nhỏ nhẹ, quyện hương thơm cà phê thoang thoảng khiến anh xiêu lòng. Đỡ ly cà phê chị đưa, anh nói: "Uống cà phê hay uống tình yêu em dành cho anh đây?" - "Cả hai, anh ạ!... Em nghĩ anh xong việc rồi?" - "Xong thì xong. Nhưng với văn chương, việc sửa chữa là khôn cùng. Trừ đã in ra, còn bản thảo để trước mặt thì còn muốn sửa" - "Em biết, nhiều lần anh xì xục cả đêm với những bài báo của anh". Đúng vậy. Ngay số tháng trước, anh chẳng thấp thỏm suốt đêm là gì.

Có tiếng chuông điện thoại. Mới bảnh mắt đã lại điện thoại. Suốt đêm qua, anh ấy mất ngủ. Nghe xong anh nói, Bộ trưởng Khoa triệu tập họp đột xuất ngay đầu giờ làm việc. Thời gian cả buổi sáng. Vậy phải gọi điện Kiều Vân đến nhận bản thảo giao cho hoạ sĩ Đính. Báo cho Tân Dung đến toà soạn sửa bài theo giám định đã ghi. Nhà cô ấy chưa mắc điện thoại, chẳng biết có trục trặc gì không, Đầu giờ sáng mai duyệt ma két.

Ăn sáng xong, anh mặc quần áo chỉnh tề. Chiếc cà vạt đúng mốt chị vừa mua, hợp ý anh. Đôi giầy da Italia mềm bóng, cô con gái gửi về biếu bố, rất ôm chân. Biếu bố cũng hay. Nhưng chớ có lơ là học tập. Nhìn anh cân đối, khoẻ khoắn, cái bụng không phệ, chị tủm tỉm trêu: "Diện thế này, mình trẻ đến chục tuổi" - "Tức là anh mới bốn chục, bằng tuổi em".

Vừa lúc này Kiều Vân xuất hiện. Lại bắt tay nhau thân mật, hồ hởi. Lại em em - anh anh ngọt sớt. Cặp mắt cô nàng lúng liếng. Đa tình thật. Chẳng sợ nhưng vẫn nên đề phòng. Ngày xưa, ai dám nghĩ anh ấy có một mối tình. Chỉ chị biết thôi. May mà anh nghe chị, rút ra nhanh. Trẻ đẹp chưa hẳn là cái gì. Nhận bản thảo rồi còn cứ chuyện trò mãi. Làm anh ấy muộn thì sao?

Trước khi anh đi, chị bảo: "Em chờ anh về ăn trưa đây!" - "Biết đâu hôm nay Bộ chiêu đãi!" - "Chống tiêu cực, không có đâu! Em cứ chờ!"./.

Giang Trung Học

 

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC