Cha tôi năm nay sáu mươi ba tuổi, cái tuổi
cầm tinh con mèo lại đứng chữ kỷ,
người ta nói sớm muộn cũng lẻ loi,
lẻ loi đến hết kiếp. Từ ngày mẹ
tôi qua đời, đã hai năm, buồn phiền
và trống trải, đã không dưới mười
lần, ông thốt lên trước phần mộ và
bàn thờ của bà: "ấm chỗ ấm dằm,
bà cho tôi đi theo với, nguyện vọng thiết
tha từ tâm can của tôi đấy, bà ạ".
Ông nói to chứ không thầm thào gì, nói trong hai
dòng nước mắt lã chã trên gò má nhăn nheo.
Nghe khẩu khí rầu rĩ thật lòng của
ông, tôi hoảng sợ vô cùng. Nhà có hai anh em, tôi
là con trai độc nhất, em đã theo chồng
vào làm vườn ở phía Nam. Mồ côi mẹ
đã héo hon lòng, nếu cha đi nốt tôi sống
sao nổi. May mà phần kinh tế của gia đình
tôi không đến nỗi nào. Giàu thì không nhưng
nghèo chắc chắn đã qua rồi. Bố mẹ
tôi lại dành dụm xây được ngôi nhà ba
tầng, nom cũng bề thế lắm. Vợ chồng
tôi và đứa con lên ba một phòng gác hai, ông một
phòng cũng ở tầng ấy. Tầng một dành
tiếp khách, nấu nướng, ăn uống, tầng
ba đặt bàn thờ và để phòng bà con
khách khứa nội ngoại đi về. Cái ăn
không còn lo, nơi ở như vậy là lý tưởng
rồi, cha con, ông cháu quây quần, cơm nước,
giặt giũ, ốm đau đã có con trai, con
dâu. Vả lại, đồng lương cỡ
thượng tá hưu trí của cha tôi, gì chứ
ăn tiêu thường ngày cũng là đủ, san
sẻ chia bôi cho một khẩu nữa có mà rồ.
ấy vậy mà, sau ngày giỗ thứ hai của mẹ
tôi, ông nẩy ý định kiếm một bà vợ
mới. Đúng là ông già đã rồ thật rồi.
Từ cái chiều hôm đó, gia đình tôi thường
lục đục, thậm chí đã mấy lần
rất căng thẳng.Với trình độ đại
học, không phải không biết ăn nói, không biết
phân tích có trước có sau, thế nhưng tôi rất
lấy làm lạ cho cái tuổi già lẩm cẩm,
vừa lẩm cẩm vừa bảo thủ, khi ông
cứ một mực: "Xin lỗi anh, anh cứ
nói thế, nói thế chứ được một
mặt thôi. Con nuôi cha không bằng bà chăm ông,
anh ạ".
- Bố cứ lo xa, nghĩ không đúng. Chẳng
nhẽ con là người dưng nước lã, mà
để bố khổ, bố đói cơm đói
thuốc, thiên hạ, nội ngoại người
ta lại không mắng vào mặt con ấy à. Bố
nghĩ về con như vậy là không hiểu ý
con. Rồi bố xem, đến khi run rẩy trên
đầu gậy, khi cần thìa cháo thang thuốc,
con đẻ còn có khi bữa đực bữa cái
huống hồ người xa lạ. Vả nữa,
bố nghĩ kỹ đi, bây giờ bố mà rước
một người xa lạ về đây, con nói thật,
với cái tuổi đã ngoài sáu mươi,
người ta dị nghị, khinh rẻ có khi mất
ăn mất ngủ mà tổn thọ nhanh chứ chả
đùa, ấy là chưa nói cảnh con ông, con tôi,
con chúng ta. Con nói vậy chắc bố hiểu.
Tôi dừng lại ở câu then chốt dễ hiểu,
dễ hình dung ấy. Đáp lại là sự im lặng
đến lạnh lùng của ông. Sự im lặng
ấy khiến tôi không thể suy đoán ông đã
đồng tình hay đang phản ứng dữ dội
đến mức lời nghẹn lại.
Bất chấp những lời lẽ góp ý của
tôi, lợi dụng không khí thuận hoà trong bữa
cơm chiều thứ bảy, cha tôi nâng chén rượu
thuốc làm một ngụm lòi đáy, rồi cởi
mở tâm sự:
- Vợ chồng các con thông cảm cho bố, bố
đã ngắm được một bà rồi.
Thôi thì trẻ có tình trẻ, già có bạn già.
Các con còn lo ăn lo làm, đua đánh đua chạy,
bố lủi thủi một mình khổ cái thân bố.
Rồi nửa đêm gà gáy, trái gió trở trời
có người để trò chuyện, động
viên, nhờ bát nước, lấy lọ dầu,
đấm bóp. Con cái không thương cha mẹ thì
thương ai, nhưng đến sự thể hệ
trọng kia đâu mọi chuyện dễ dàng. Nói
thật, bố dạo này ăn uống thất
thường lắm. Đói, thèm ngại nấu ngại
đi rồi cũng thôi. Các con thấy đấy,
bố đã nằm là không buồn dậy, đã
đi là không muốn trở về nhà. Về đến
nhà cũng chẳng biết trò chuyện tâm sự
với ai. Dì ghẻ con chồng, bố biết,
không ít người bằng mặt không bằng
lòng là lẽ thường tình. Bố cũng sợ
cũng lo chứ đâu chỉ mình các con. Sự
đời là vậy các con ạ, mất cái nọ
được cái kia, không ai dám chắc được
tất cả, mất sạch sanh. Bố cũng
nghĩ, nếu có người thay mẹ các con
đã đi xa, thay các con để chăm sóc bố
thì chắc các con cũng thấy phải đạo
phải không.
Cha tôi dứt lời, tôi phang ngay:
- Thôi thì mặc bố. Nhưng với điều
kiện đừng để người đàn
bà xa lạ ấy về đây.
Cha tôi quẳng cái nhìn giận dữ vào mặt
tôi lúc đó đang nhếch mép cười kiểu
nửa miệng mỉa mai.
- Với bố, mày không được đùa cợt.
- Con chẳng cợt đùa gì cả.
- Im!
- Nhưng mà bố đừng vống lên như
thế. Già rồi, thiên hạ người ta cười
cho cả cha lẫn con.
- Chỉ có đứa ngu, đứa ích kỷ mới
gàn tao tục huyền. ý đồ lũ chúng mày
là rắp tâm giam hãm tao cố chịu đựng sống
đơn lẻ thui thủi một mình thế này
cho đến chết để không bị chia sẻ
nhà cửa, hao hụt kinh tế chứ gì. Sao chúng
mày độc ác như con thú dữ là vậy.
- Con không nói với bố nữa.
- Đi ngay!
- Con cũng nói trước, đưa ai về nhà
này là không xong đâu. Rồi bố xem, chưa chắc
người ta hầu bố hay bố còng lưng
bưng chậu đổ bô cho người ta. Đến
lúc ấy, bố đừng có mà trách thân trách phận,
đổ cho con cái không có lời.
Vợ tôi đế thêm:
- Bố nghĩ cho xa một chút, có rồi
được mươi bữa nửa tháng ông
bà chia tay nhau thì vừa mang tiếng vừa mất
của dại người. Mà bố nào còn trai trẻ
cho cam.
- Hổ vằn ngoài da, người vằn trong bụng.
Chúng mày xéo đi cho rảnh mắt tao.
- Được, bố cứ làm theo ý nguyện
của bố đi - Tôi thách thức.
- Tao sẽ làm theo ý tao đấy.
- Nhưng ở nơi khác.
- Thằng láo xược, phản phúc. Mày xéo khỏi
nhà tao đi, xéo ngay!
- Con chẳng đi đâu cả. Nhưng cũng
chẳng ai được lọt vào ngôi nhà này.
- Được, mày cứ sống đấy mà
nhìn. Tao sẽ xách cổ mày ra pháp luật.
Cha tôi dằn mạnh li xuống mâm. Chiếc li vỡ
toang, rượu bắn tung toé. Mùi thuốc bắc
trong rượu toả nhanh khắp nhà, vừa thơm
vừa nồng, có đắng cay của quế chi,
hoàng liên và vị ngọt mát của táo tầu,
cam thảo. Ông tức tối đứng dậy,
gương mặt già nua càng thiểu não hơn. Bụng
chưa có hạt cơm nào.
Không thể thế được, tôi nghĩ. Bố
có vợ mới trước hết là phụ bạc
với mẹ tôi. Sau nữa, tôi cũng tính, tính rất
kỹ, ngôi nhà ba tầng này, cả số lương
cỡ thượng tá của ông, cả kho chất
xám vẫn còn tương đối dồi dào mà
ông đang dùng để viết về đề tài
dân trí và chiến tranh theo đơn đặt hàng
của các tỉnh, tất cả, sẽ bị người
đàn bà xa lạ ấy lợi dụng, bòn rút, nắm
giữ và muốn hay không vợ chồng tôi cũng
chỉ là một thành viên mà thôi. Dứt khoát là
không, không thể mất tong những cái đang nằm
trong tay như thế được.
Tôi cũng biết, chí bố tôi đã quyết
thì chẳng có cái gì ngăn cản được
và điều tôi thấy lại cũng chẳng có
cơ sở đạo lý, pháp lý nào. Chắc chắn
là pháp luật sẽ ngả về cha tôi, ông sẽ
thắng, thắng tuyệt đối, đến lúc
đó tôi chẳng được gì ngoài hai bàn tay
trắng. Biết là biết vậy, nhưng tôi và
cả vợ tôi nữa không bỏ lỡ một cơ
hội nào, không ngừng nghĩ ra những mưu mẹo
mới, để cha tôi từ bỏ ý định
tục huyền.
Hôm ấy, nhân ngày giỗ mẹ tôi, rất
đông đủ nội ngoại, cả bạn bè
của bố và mẹ, bố tôi nghiêm túc trình
bày ý định của mình. Chao, tôi không ngờ
nhiều người tán thành đến vậy. Duy
chỉ có một bà, bà ấy lúc nào cũng đứng
về phía tôi, dè dặt rào đón:
- Nên hay không cũng phải cân nhắc thêm. Nhưng
theo tôi, cứ thư thư năm ba năm nữa
thì hơn.
Ông anh họ bên ngoại, tuổi chưa đến
tứ tuần, mặc áo lính, nói liền:
- Thằng Giang cũng như tôi thôi, đàn ông
đàn ang hầu hết là vậy, đến khi có
chuyện đại sự mới xắn tay áo lên.
Vậy tôi xin hỏi, ông Ba đây trở trời
trái gió nằm dễ ngồi khó, con gái ở xa,
con dâu có dám cởi quần lót để lau bẹn
lau háng cho ông được không. Phải có bà,
các ông, các bà ạ, phải có người gọi
ông Ba là chồng mới làm nổi việc đó,
mới thực sự tối lửa tắt đèn,
nửa đêm gà gáy có nhau. Còn chờ anh em ư? Láng
giềng vẫn gần hơn, nhưng làm sao bằng
mình có vợ có chồng? Đời là như vậy,
cuộc sống thực là như thế.
Hôm đó, biết yếu thế, tôi không nói năng
chi, không ít người nhìn tôi vẻ thăm dò,
đợi tôi có ý kiến. Thế rồi quả
là không ngờ lại nhanh đến thế. Chỉ
sau đó ba tháng, cha tôi cùng một người
đàn bà trạc ngoài bốn mươi tuổi,
không béo không gầy, không đẹp không xấu,
nước da có vẻ lam lũ với gương
mặt chất phác quê kiểng, đi thăm bà con
họ hàng nội ngoại. Đến nước
ấy, tôi chẳng còn cách nào khác là băm bổ
nói với bà ta như một quân lệnh mà chẳng
nể nả gì cha tôi đang ngồi đấy.
- Tôi là tôi nói trước, bà đã tự dưng
ôm quần ôm áo về nhà chúng tôi thì nhất nhất
phải nhập gia tuỳ tục. Gia đình tôi sạch
sẽ, có truyền thống văn hóa, có học
hành tử tế, sống luộm thuộm, nói năng
bừa bãi, bẩn thỉu, cơm hàng cháo chợ
là không xong đâu đấy.
Cha tôi trừng mắt ngắt lời:
- Mày huyên thuyên dạy đời cái đấy,
hử?
Ngày đầu người lạ về nhà, dù
người ta là con người như thế nào,
cha con to tiếng với nhau không tiện. ấy là
điều tôi cố nhịn để giữ thể
diện cho cha. Rồi để bộc lộ phản
ứng, tôi thẳng chân đá văng cái ghế
vào góc nhà, quệt mạnh chân lên gác, ngồi mà
như lửa đốt trong đầu, tìm mọi
cách nghĩ kế để tống cổ người
đàn bà xa lạ này ra khỏi nhà càng sớm
càng tốt.
Trong đời, tôi chưa từng thấy một
người đàn bà nào lì lợm và kiên nhẫn
như người đàn bà này. Tôi cho rằng vì
quá thương yêu bố tôi chăng, hay vì gia sản
và đồng lương bố tôi đang có. Trước
những lời lẽ và thái độ lỗ mãng
của tôi, những cái nguýt hằn học với
bộ mặt lạnh lùng của vợ tôi, bà
để ngoài tai ngoài mắt tất cả. Điều
đó càng làm tôi sôi máu hơn. Tôi cố gắng
sắp xếp công việc cơ quan về đón
con từ trường Mầm non sớm hơn
thường lệ nhưng bao giờ cũng chậm
chân hơn bà ấy. Hơn tháng đầu, quần
áo của vợ chồng tôi và của thằng nhỏ,
dù bà ta giặt giũ cẩn thận đến mấy,
vợ tôi đều đưa ra giặt lại, cả
những cái đã khô xếp gọn gàng rồi.
Không ít lần, khi về đến nhà, chúng tôi vội
vàng bảo thằng bé tắm rửa để thay
quần áo cho nó, bà nhẹ nhàng:
- Thằng cu đùn đã tắm rồi đấy.
Thằng bé cứ nằng nặc đòi tắm nước
lã. Vội mấy thì vội, phải dùng nước
ấm cho bé, anh chị ạ.
Vợ tôi không nói nửa lời, cứ lôi thằng
bé để tắm lại, mồm không ngớt lầu
bầu. Những lần trước thì không, lần
này cha tôi nói to:
- Tôi đã bảo với bà, chúng nó không cần
thì bà chẳng việc gì phải ôm rơm dặm
bụng.
Vợ tôi lầm bầm câu gì đó, tôi bước
tới, trừng mắt:
- Cô cũng vừa vừa cái mồm thôi, hỗn
với ông lần nữa thì đừng trách.
Một tháng, rồi một tháng tiếp theo. Quả
thật độ lì lợm và bản tính chịu
thương chịu khó đến kiên nhẫn của
bà khiến tôi thấy mình bắt đầu bất
lực. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng,
từ ngày xuất hiện bà trong nhà, mọi công
việc cho thằng nhỏ, nhà cửa, giặt giũ,
cơm nước, đâu vào đấy cả, vợ
chồng tôi không còn tất tả như trước.
Yên tâm nhất là độ cáu kỉnh thường
nhật của cha tôi giảm hẳn. Ông lúc nào cũng
vui vẻ, nhẹ nhàng và hay bắt chuyện với
tôi. Điều đó đã khiến lòng tôi rất
nhẹ nhõm. Ông không còn thường xuyên vắng
nhà cả những ngày tết, thứ bảy và chủ
nhật như trước.
Những tưởng cuộc sống gia đình
dù sao cũng đã trở lại yên ổn, đầm
ấm, đã bắt đầu có chuyện vui tiếng
cười. Thế nhưng, đúng là hoạ vô
đơn chí, sau hai năm người mẹ kế
có mặt, vào cái năm có bão từ, áp huyết
cha tôi dâng lên cao đột ngột, rồi sinh chứng
tiền đình. Từ đó, bà Lương,
người mẹ kế của chúng tôi, không xa
ông nửa bước. Hai người như cái
bóng của nhau. Bà luôn động viên ông đi lại,
lúc quanh hồ, lúc rảo bước trong ngõ phố.
Cơm cháo ông thích gì bà chiều nấy, đấm
bóp thuốc thang thì hết lòng. Thực tình, bà chưa
nhờ vả cha tôi được điều gì.
Bà có lương hưu của bà, bà cũng đã
có với người chồng trước một
mặt con, họ hàng anh em còn đông đủ.
Nhiều lúc, rất nhiều lúc tôi thầm nghĩ,
nếu không có bà thì cha tôi sẽ tồn tại ra
sao trong khi vợ chồng tôi vẫn phải lo làm
ăn, vẫn phải trông nom thằng con khờ dại
chứ không thể ngồi bên cha suốt ngày qua
đêm được. Tuy không nói ra, nhưng trong lòng
tôi thật sự xúc động và biết ơn bà,
người đàn bà mà tôi cho là xa lạ tự
nhiên xuất hiện trong gia đình tôi như một
hiện thân của mẹ tôi vậy./.
Lê Xuân Khoa