Nhuần yêu thật nhiều người để
cuối cùng lấy một người không yêu làm
chồng. Thoả, chồng cô hơn cô gần mười
tuổi. Cô ngót năm mươi, Thoả ngót sáu mươi.
Thoả không đẹp trai, không hào hoa, không biết
làm người yêu nhưng sẽ làm chồng tốt
hơn những chàng trai cô đã yêu. Ngày ấy,
Thoả lại là con nhà giàu có trong làng. Anh có xe
cúp tôm là của hiếm lúc bấy giờ. Nhờ
Thoả chân chỉ hạt bột mà Nhuần mới
tha hồ được đầy đoạ, làm
nũng chồng. Hơn mười ngày nay vì biết
mình mắc chứng ung thư vú, cô sợ chết
khóc hết nước mắt không ngủ
được. Vì không ngủ thấy đêm dài
và cô quạnh đến rợn người nên cô
bắt Thoả phải thức cùng cho đỡ sợ
và đấm bóp chân tay cho cô bớt đau nhức.
Cô nằm sấp, ôm gối. Thoả ngồi cạnh
bóp tay vợ. Cặp mắt thiếu ngủ của
anh cứng đờ. Anh nhắm mắt, người
mềm đổ gục xuống lưng vợ. Anh
cất tiếng ngáy khò khò. Nhuần nghển cổ
ngoái nhìn lại rồi nghiến răng bấm thật
lực vào cổ chồng. Thoả mở choàng mắt,
ngồi dậy một tay xoa chỗ đau, một
tay vội vàng đấm bùm bụp vào vai vợ. Tưởng
các bệnh nhân khác trong phòng đã ngủ, cô rầy
la chồng, tuy khẽ, nhưng giọng đay nghiến
chì chiết:
- Anh ra khách sạn mà ngủ kẻo thiệt. Tôi
chết mặc tôi. Khổ thân tôi lắm rồi!
Chị bệnh nhân mổ cắt khối u ổ
bụng bị tắc ruột phải quay lại viện
cấp cứu nằm giường cạnh thỉnh
thoảng cất một tiếng rên khe khẽ. Chồng
chị ta do háo ngủ đang ngáy khò khò trên cái giường
bạt kê sát tường dọc theo lối đi.
Chị tiến sỹ xã hội học nằm giường
kê sát tường nhổm dậy, nhẹ nhàng sang
vén màn, hỏi khẽ:
- Em đau lắm phải không?
- Khổ em quá, bá ơi. Em tắc bụng muốn
đi mà không đi được.
Chị ta vừa nói vừa bò ra mép giường.
Chị tiến sỹ đỡ người bệnh
dậy. Trong ánh sáng lờ mờ của đèn
điện hắt từ hành lang vào thấy rõ hai
người bệnh dìu nhau bước lần từng
bước ra phòng vệ sinh. Thực ra, chị tiến
sĩ là bệnh nhân nặng nhất phòng. Chị bị
ung thư giai đoạn cuối di căn xa. Tuy không
đau đớn nhưng chị biết mình không
còn nhiều thời gian. Tuy thế, chị vẫn
yêu cầu anh chị em ở viện nghiên cứu
và người nhà không báo cho chồng con ở nước
ngoài biết để họ yên tâm công tác và học
tập. Nằm viện, chị vẫn tranh thủ
viết xong báo cáo đề tài khoa học cấp
Nhà nước do chị làm chủ nhiệm. Đêm
đêm, chị không ngủ, ra bật điện hành
lang ngồi hí húi viết lách. Vừa nãy, thầy
thuốc ra nhắc nhở, chị mới cất giấy
bút vào giường nằm nghỉ. Từ khi vào viện,
chị chưa bao giờ than thở tỏ ra sợ
chết. Thoả thường nói về chị tiến
sỹ để nhắc nhở vợ mình:
- Nhà chị tiến sỹ bản lĩnh mà tốt
bụng thật đấy. Bệnh nặng mà đố
có thấy kêu ca.
Sáng hôm sau, chị tiến sỹ đem ghế
đẩu ra hành lang ngồi hý hoáy viết lách.
Hai anh chồng đi nuôi vợ ốm đều ra
ngoài mua nước sôi và bánh trái cho vợ ăn sáng.
Nhuần hỏi chị bệnh nhân cắt khối
u ổ bụng:
- Đêm qua, chị đau, sao không đánh thức
ông xã dậy?
Dù hơn tuổi Nhuần nhưng chị bệnh
nhân ấy quen xưng "em" với mọi
người, cả với Nhuần:
- Em muốn để cho nhà em ngủ, cô ạ.
Anh ấy vất vả đưa em đi chữa
hai ba bệnh viện rồi đấy.
- Kệ các lão ấy, chị ạ. Mình mà chết
các lão ấy có khối mà chịu ở vậy. Chả
lấy ngay người khác, em chỉ bé bằng...
- Thật tình, em chỉ thương cho anh nhà em,
ngộ mà em chết, chả có ai chăm sóc tốt
bằng mình. Còn các con em, trai cũng như gái,
đứa nào có danh phận đứa ấy rồi.
- Em thì em chỉ tiếc đời - Nhuần chẹp
miệng nói - với lại thương hai đứa
con còn bé bơ vơ không có mẹ.
Vừa khi ấy có hai cô con gái mơn mởn vào
phòng tìm người nhà bệnh nhân. Họ ra khỏi
phòng, Nhuần lắc đầu thở dài nhìn theo
chửi:
- Cha bố cái thân phận mình rủi ro. Người
ta thì hơ hớ ra thế, chả ung thư ung thót
cho.
Chị bị cắt khối u ổ bụng nói:
- Cô chả phải lo đâu. Đến bằng
bá tiến sỹ bị giai đoạn cuối còn
chả lo nữa là, khối u của cô nay mai người
ta xẻo xong cho tia xạ hoặc dăm sáu liều
hoá chất là tiệt nọc, có chết đâu mà
sợ. Bệnh ổ bụng như em bị mổ
mới đau khốn đau khổ, cô ạ.
Buổi trưa, khi các cánh cửa sắt mở
ra thì người nhà bệnh nhân ùa vào phòng thăm
người bệnh lũ lượt như đi
trẩy hội. Người nào cũng đeo túi,
xách quà nặng lệch bên vai. Bệnh viện sạch
và sáng sủa nhưng lúc nào cũng có mùi thuốc
gia-ven cọ rửa nền nhà, nồng nặc nhất
từ các phòng vệ sinh phả ra.
Có đến gần chục người bước
vào phòng 7. Một số người từ Nam Định
xa xôi lên thăm chị bệnh nhân mổ cắt
khối u ổ bụng. Một số khác ở Hà
Nội vào thăm chị tiến sỹ. Không có ai
thăm Nhuần. Cô ta định lôi chồng ra
ngoài lấy cớ nhường giường cho khách
ngồi để đỡ ngượng vì không
có ai thăm hỏi mình. Thoả bèn kéo vợ ngồi
xuống. Tuy ít lời nhưng Thoả lại
nghĩ sâu xa, bắt vợ ngồi lại để
buộc phải chạnh lòng, phải nhìn lại lối
sống ích kỷ của cô ta. Thoả tự nhận
thấy mình cũng có lỗi ít lời, không hề
góp ý cho vợ bớt đi tính quá quắt của
cô ấy. Anh là người tài nhịn nhục. Tuy
thế, cũng thấy sự nhịn nhục ấy
là nỗi khổ cùng cực của mình. Khi tìm hiểu
Nhuần, anh bị cả nhà phản đối
nhưng vẫn cố lấy bằng được
mặc dù biết rõ cô ta đã yêu rất nhiều
người. Giữa lúc hai anh chàng đang cùng yêu
cô ta thì Thoả liều chết xông vào. Anh hỏi
liều: "Cô có đồng ý làm vợ tôi
không?". Em sẵn sàng, nếu người nhà anh
sang đây có nhời với nhà em cho nghiêm chỉnh".
Thoả không ngờ anh "cưa" cô ta còn dễ
hơn thuyết phục gia đình nhận Nhuần
về làm dâu nhà mình. Thoả thích Nhuần chỉ
vì cô ta đẹp. Anh nghĩ, xấu nết có thể
giáo dục được, chứ xấu người
thì chịu cứng. Bắt anh lấy cô vợ xấu
xí thì thà ở vậy còn hơn. Giờ đây
"chịu đòn" rồi, anh mới thấy
thấm thía câu nói dân gian: "Cái nết đánh
chết cái đẹp". Anh đâu có biết
bây giờ nhờ mỹ viện, chỉnh hình, người
ta có thể làm cho mặt mũi từ xấu thành
đẹp. Nhưng tính xấu của vợ anh có
trời huấn cải nổi, nó còn nan y hơn cả
bệnh ung thư.
Khi khách ra khỏi phòng, chị tiến sỹ
đem bánh trái, xoài cam chia đều cho hai bệnh
nhân cùng phòng. Nhuần nói hai tiếng "em
xin" ráo hoảnh, nhưng chị bị cắt khối
u ổ bụng có vẻ khó nói cứ ấp a
ấp úng:
- Bá cho chúng em nhiều quá... chúng em chả biết
nói thế nào.
Nhuần bảo chị ta:
- Bá ấy trí thức có cho thì cánh nông dân ta
đừng từ chối - Đợi lúc chị tiến
sỹ ra khỏi phòng, Nhuần nói tiếp: - Trí thức
Hà Nội người ta sởi lởi thế chứ.
ở quê chúng mình chỉ thấy bóp cổ bóp họng
nhau.
Chị bị cắt khối u nói:
- ở đâu cũng có người tốt
người xấu, cô ạ.
Thoả vừa nắn bóp cánh tay vợ vừa
nói:
- Trước mắt nhà tôi thì chả có ai tốt
cả. Nhất là anh em bên nội.
- Vâng, tốt đẹp nhất anh em bên nội
nhà anh - Nhuần vừa nói vừa bĩu môi.
Bỗng có người đàn ông ăn mặc
sang trọng, áo vét tông thắt cà vạt, đầu
bóng mượt, xách túi đường sữa ngấp
nghé ở trước cửa. Cặp mắt anh ta sáng
lên khi nhận ra Nhuần.
- Nhuần! Tìm mãi mới thấy em ở phòng
này!
- Ôi anh Bích. Anh đi đâu vậy?
- Thăm Nhuần.
Bích làm như không có mặt chồng Nhuần,
liền đi vào đặt túi đường sữa
ở chốc tủ con và ngồi sát người
Nhuần, nói:
- Anh về quê mới biết em phải về
đây điều trị. Rất thương em bị
căn bệnh hiểm nghèo này. Thôi thì còn nước
còn tát, em ạ. Cứ yên tâm mà điều trị.
Chị tiến sỹ đi vào, nghe người
khách nói thế, bèn lên tiếng trấn an tinh thần
cho Nhuần:
- Dân ta vốn ít thông tin về ung thư nên cứ
tưởng mắc ung thư là chết. Bệnh cô
Nhuần có nguy hiểm gì đâu.
Từ hôm vào nằm viện không có người
nhà đến thăm, Nhuần hơi khó nghĩ, vì
thế sự có mặt của Bích lúc này sẽ
khoả lấp phần nào cái hố sĩ diện
ở trong cô. Cô không ngờ Bích còn đến
thăm mình. Anh ta là người đã theo đuổi
cô. Cô cho Bích rớt cũng như để rớt
hàng tá anh chàng khác. Có nhiều người theo
đuổi mình làm cô sĩ diện với đám
gái làng. Thực ra không phải cô không thích họ.
Anh nào cũng được cô yêu một thời
gian. Tính cô chóng yêu nhưng cũng chóng chán. Gặp
người con trai mới nào cô cũng thích nên
chán ngay người yêu cũ. Cô thay người yêu
như thay giẻ rách. Anh chàng Bích bị cô "đá"
khi chưa chán. Mà vì cô tỉnh táo sợ anh ta dẻo
mồm tán khéo lại không giàu có bằng Thoả,
nên Thoả vừa ướm hỏi cô đã nhận
lời ngay, đá phốc Bích ra ngoài. Hơn nữa,
yêu chán chê rồi cô chỉ còn nhu cầu lấy một
tấm chồng để có người hầu hạ
mình mà thôi.
Phải vài phút sau Thoả mới nhận ra Bích,
kẻ đã từng yêu vợ mình. Bích ở làng
bên, sau đó nghe nói đi công tác ở ngành bưu
điện nên mấy chục năm nay không gặp
nhau. Nghe Bích "anh anh em em" với vợ mình,
Thoả tức, đứng dậy đi ra ngoài.
Nhuần hỏi:
- Anh bây giờ ở đâu nhỉ?
- Anh ở Viện Thiết kế xây dựng, gần
đây thôi.
- Không ngờ anh còn nhớ đến em đấy.
- Anh vẫn nhớ suốt đời chứ.
Biết mọi người trong phòng đều
nghe rõ câu nói ấy của Bích, Nhuần vui lắm.
Cô muốn mọi người thấy mình vẫn
có người theo đuổi. Người ấy lại
làm ở Viện Thiết kế hẳn hoi. Cô cười
tủm, bấm vào mu bàn tay Bích, nói:
- Anh diễu cợt em đấy nhé.
- Anh muốn đón em ra phố, thích gì anh mua cho
thứ đó.
- Em đang bệnh tày trời, thích gì mua sắm
nữa.
- Nếu chữa bệnh tốn kém, anh sẽ hỗ
trợ cho chút đỉnh.
- Em cảm ơn anh.
- Đi ra phố với anh đi.
- Nhưng đi chóng thôi đấy. Anh ra cầu
thang cho em thay áo đã.
Khách ra ngay quên chào mọi người. Nhuần
sắm nắm lôi từ trong túi du lịch ra cái áo
màu be hồng rồi đi ra cửa sau thay áo mới.
Cô vào chải lại mái tóc, vê hai bên tóc mai làm
cho chúng quăn lên như phi dê. Da dẻ cô vẫn
sáng sủa, tươi tắn như người không
có bệnh tật.
Mọi người trong phòng nhìn nhau. Chị tiến
sỹ nói:
- Nhuần ơi, theo chị, em đi chơi nên
xin phép chồng đã.
Nhuần cười, nói:
- Lão ấy ư, em thấy. Em đi một chốc
thôi, các chị nhé.
Nhuần đi rồi, Thoả mới vào phòng, ngồi
vật xuống giường. Chị tiến sỹ
nói:
- Chú nên giữ cô ấy lại.
Thoả nói: "Kệ cô ấy" nhưng lại
vùng đứng dậy đi ra đi vào.
Lần cuối cùng bước ra khỏi cửa,
anh mím môi chạy nhanh xuống cầu thang. Xuống
đến cầu thang tầng một, thấy vợ
đang sánh vai với Bích, anh gọi giật vợ
lại:
- Cô Nhuần, cô lại tôi bảo!
Nhuần bảo Bích ra cổng chờ rồi quay
lại. Thoả nói:
- Tôi cho cô đi luôn với nó. Đi luôn đi,
tôi sẽ lấy quần áo ra ga về ngay tức
thì. Cô đừng bảo tôi vô trách nhiệm!
Lần đầu tiên, Nhuần thấy chồng
nổi nóng với mình. Cô lại đang phải
điều trị bệnh ung thư tốn kém hàng
đống tiền. Nếu chồng bỏ về lúc
này, chắc chắn cô sẽ chẳng có tiền
để chữa bệnh tiếp theo. Tình thế
buộc cô phải xuống thang:
- Ơ nhà anh này, em tiễn chân khách cũng không
được à.
- Tôi không cấm! Nhưng cô còn bước một
bước theo nó thì tôi về, thế thôi.
Thoả quay ngoắt vào nhà. Không còn cách nào
khác, Nhuần đuổi theo chồng, gọi:
- Anh Thoả, anh chờ em với. Em mệt lắm
rồi!
Từ sau hôm ấy, Nhuần thôi, không dám khoe có
hàng đống người yêu như trước.
Cũng từ hôm ấy, thấy Thoả lầm lì,
cô không dám ngầy chồng. Nhờ vậy, Thoả
được ngủ ngon lành, chẳng phải thức
trắng đêm ngồi nặn bóp cho vợ.
Chờ bệnh viện hội chẩn xong, biết
đích xác thứ sáu là ngày vợ mình lên bàn mổ,
Thoả mới gọi điện về báo cho gia
đình biết. Trưa thứ năm, hơn mười
người từ quê đi tàu hoả về Hà Nội
thăm hỏi và chăm sóc Nhuần. Tất cả
họ không ưa Nhuần nhưng vì thương
Thoả vất vả nên mọi người rủ
nhau về Hà Nội để đỡ đần
anh trông coi vợ mổ. Họ tưởng ai lên
bàn mổ cũng cần nhiều máu nên kéo nhau
đi để nếu bất trắc bệnh viện
thiếu máu còn có máu của người nhà đáp
ứng kịp thời. Mặt khác, ông cụ thân
sinh Thoả vì lo xa nên thúc giục con cháu bớt giận
làm lành về Hà Nội chăm sóc vợ Thoả.
Họ đeo ba lô, túi xách, nào là soong nồi, gạo
nước, mắm muối, rau dưa, kể cả
củi chẻ nhỏ trong bao tải lỉnh kỉnh
như một đoàn dân công lên công trường
đê. Nhìn thấy họ, Nhuần sửng sốt
đến không tin ở mắt mình. Lâu nay, họ
xa lánh cô và cô cũng cạch mặt họ. Chẳng
còn ai thuộc anh em nhà chồng mà cô không cãi nhau.
Nếu lúc khác, cô sẽ quay đi không thèm nhìn mặt,
nhưng giờ đây cô mới thấy cần họ.
Cô sẽ đỡ mang tiếng ốm đau không
ai thăm hỏi. Ngày mai lên bàn mổ, có họ
ở gần cô sẽ yên tâm hơn. Vì thế, cô
niềm nở chào hỏi họ và giới thiệu
từng người với các bệnh nhân cùng
phòng:
- Đây là cô Táo em gái chồng em. Còn đây là
chú Chổi con trai chú chồng em. Đây là chị
gái con ông bác..
Thoả xếp gọn đồ thô của mọi
người ra hiên kẻo y, bác sỹ phàn nàn. Nhuần
cười nói:
- Gớm, mọi người việc gì mà phải
mang cả gạo muối đi theo. Anh Thoả ra nhà
trọ thuê phòng cho mọi người tối có chỗ
nghỉ. Đến bữa ra ăn cơm bình dân
vài ba ngàn đồng chán no rồi, không phải thổi
cơm đâu, mọi người ạ.
Một người chị nói:
- Mợ yên tâm, chúng tôi cứ thực tế
chúng tôi diễn, chẳng màu mè gì sốt, tối
giải ni lông ra hè ngủ đỡ tiền trọ.
Đói thì nhóm bếp nấu cơm. Chúng tôi ăn
thùng bất chi thình, cơm hàng nào cho đủ.
Chị tiến sỹ gật gù nói:
- Quý hoá lắm, quý hoá lắm, thế mới biết
là tình người.
Nhuần nói với chị cắt khối u ổ
bụng:
- Quê em xa xôi, mọi người lặn lội
xuống tận đây thăm em, chị bảo có
hết ý không.
Người vui nhất là Thoả vì lần đầu
tiên vợ anh làm lành, vui vẻ với anh em nhà
mình. Anh chỉ về phía chị tiến sỹ,
nói:
- Bá này là tiến sỹ đấy, mọi
người nhé.
Một chị ở quê nói:
- Eo ôi, bá học đến tiến sỹ kia
ư? Thế thì bá phải học hết chữ rồi,
bá nhỉ?
Mọi người cười oà lên. Trong tiếng
vui cười ấy, thấy hoà lẫn cả tiếng
cười của Nhuần. Tiếng cười của
một người mắc bệnh K./.
Nguyễn Hữu Nhàn