CHIẾC MÁNG TRÙM BẠT ĐỎ

Trong thời gian đang theo học cao học thì nàng mang bầu. Từ chỗ khoảng cách giữa bàn và ghế ở lớp học quá xa so với vóc người mảnh mai của nàng đến chỗ trở nên quá gần, cái bụng tròn vun của nàng muốn đội gầm bàn lên, chật chội đến mức đứa con trung bụng lâu lâu tức mình đạp nàng một cái và nàng nắm lấy bàn chân bé nhỏ của nó bóp lại một cái rõ đau, là cả tám tháng trời. Đến tháng thứ chín thì nhà trường phải cấp cho nàng một chiếc ghế tựa để ngồi riêng. Lúc này chồng nàng bảo em nên xin nghỉ ở nhà vì không biết bể bầu lúc nào. Nàng không chịu. Nghỉ học quá lâu sẽ phải bảo lưu. Mai đẻ nay nghỉ cũng còn kịp, ít nhất có được một tháng để ở nhà chăm con và dưỡng sức mà vẫn đuổi kịp bạn bè.

Nhưng đứa bé không biết điều được như vậy. Nó toài mình, một hai đòi thoát ra khỏi ổ bụng chật chội của mẹ nó khi nàng đang ngồi uống nước dưới căng tin trường. Không kịp đến chạy lên lớp lấy sách vở, không kịp đến nhắn nhủ ai lấy một lời, nàng tức tốc ngoắt xích lô đưa nàng đi bệnh viện để nàng cho ra đời một thằng cu mình mẩy mặt maỳ tèm lem cát bụi, vì ông bảo vệ hách dịch, lề mề đã khiến nàng đẻ rớt ngay ngoài cổng bệnh viện.

Lúc đã nằm yên ổn trên giường, ôm đứa con được lau rửa sạch sẽ trong tay, nàng mới nhớ đến chồng, người vừa mới đây được thăng chức cha. Nàng không biết làm cách nào để báo tin cho chồng biết em đang ở đây và con chúng ta vừa mới chaò đời, con trai, giống anh y hệt. Nhà vợ chồng nàng ở tút hút trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo rắc rối, ở mút đuôi con chuột, không có số không có điện thoại, những nhà hàng xóm lao động kế bên nàng cũng vậy. Chồng nàng làm một công việc tầm thường, suốt ngày chạy long sòng sọc ngoài đường, anh không có nhắn tin, di động, cũng không thuộc về cơ quan đoàn thể nào để có số điện thoại.

Chiều tối hôm đó chồng nàng về nhà, thấy bếp núc lạnh tanh, anh quăng mình lên giường đánh một giấc tới 10 giờ đêm, giật mình dậy vẫn không thấy nàng đâu, anh lo phát cuồng, nổ xe chạy tìm khắp thành phố cho tới khi hết xăng mà trên đường chẳng còn ai thức bán xăng, anh đành tắp xe vô một hàng hiên trằn trọc tới tờ mờ sáng, còn suýt hai lần đánh nhau với hai cô gái ăn sương vì cứ bám theo anh, nằn nì...

Tự nhiên, anh bị mất tích bà vợ sắp bể bầu suốt 3 đêm 4 ngày. Trong thời gian đó, anh vừa chạy khắp nơi tìm kiếm, vừa rà soát lại bản thân xem mình có làm gì cho nàng giận dỗi đến mức bỏ nhà đi không? Anh gọi điện cả về quê, làm náo động hai bên họ hàng. Chỉ có khả năng hiện giờ nàng đang nằm ở một bệnh viện nào đó cùng với đứa con trong tay là không hề xuất hiện trong đầu anh.

Đến ngày thứ năm, anh đã định đi báo công an thì chiều hôm đó, trở về nhà, chưa kịp tắt máy xe đã nghe từ trong tổ chim cu của mình vọng ra tiếng khóc gắt gỏng của con nít và tiếng vợ anh ru nựng đứa trẻ. Nâng con trên tay như cách người ta bưng trái dưa bở, anh ngượng ngùng: "Ngó ngộ quá há!".ở cữ được 1 tháng, nàng để con ở nhà cho chồng ôm sách vở lên giảng đường, chuẩn bị cho đợt thi học kỳ. Anh tạm ngưng việc chạy long sòng sọc ngoài đường kiếm tiền, ở nhà nuôi con thay vợ. Cứ đến gần 9 giờ sáng và 3 giờ chiều, ngày hai cữ anh cột nôi con sau yên xe, chạy lên trường vợ đậu trước quán cà phê Văn Khoa chờ chuông reo giải lao, vợ anh chạy xuống cho con bú. Lâu lâu có các học viên cùng lớp với nàng đi ngang qua, họ dừng lại bẹo má thằng nhỏ, nựng nịu, vài chú làm bộ ngó kỹ mặt đứa bé xong ngạc nhiên hỏi: "Sao không giống chú chút nào hết dzậy con?". Vợ chồng anh vui vẻ đối đáp lại với các cô các chú, cười rần rần làm thắng nhỏ nhả vú mẹ, ngước mắt thỏ lên nhìn không chớp. Chuông reo vào tiết, đứa bé bú no nê thoả mãn, anh lại nổ máy chở con về. Đến bữa thứ năm, chiếc nôi mây to lớn cồng kềnh của cha con anh quẹt phải chiếc xe đạp của chị mua bán dây kém gai cuốn thành từng bó lùm xùm tua tủa gai sắt. Nếu chiếc nôi mây không bị những túm gai sắt kia khều lấy, treo lơ lửng thì thằng con vừa tròn tháng của anh đã lăn lông lốc xuống đường như một lon Coca vừa tuột khỏi tay...Anh bỏ ngay ra một ngày mua gỗ về đóng chiếc nôi kiểu dáng tự chế. Khi chiếc nôi gỗ thành hình, nàng ôm con nhận xét: "Sao ngó giống chiếc máng cho heo ăn, quá anh?". Anh bào chữa: "Kệ nó em. Miễn tiện lợi, an toàn thôi mà!". Nàng tự tay khâu chiếc chăn nhỏ bọc bông gòn lót kín lòng máng, anh làm một cái lồng chụp, chụp lên để che nắng và cản khói bụi trên đường. Đều đặn ngày hai cữ anh đặt thằng cu vào lòng máng êm ái, cột sau yên xe máy chở lên trường nàng cho nó bú mẹ. Nhiều phen người đi đường dồn mắt nhìn anh kinh dị khi nghe tiếng con nít khóc tu oa phát ra từ chiếc máng cho heo ăn cột sau yên xe. Hai lần anh bị cảnh sát vịn, kè xe bắt chạy về đồn công an vì ngờ anh có hành tung ám muội như bắt cóc con nít chẳng hạn. Thôi thì thanh minh, thanh nga chứng tỏ tình phụ tử, rồi thì năn nỉ mấy anh công an ngó kỹ mặt cha con tôi, ai cũng nói nó giống tôi y hệt mà. Nhưng thật khó để tìm ra nét giống nhau y hệt giữa một thắng bé còn bú sữa mẹ với một người đàn ông đã quá 30 tuổi đầu. Nhưng cuối cùng rồi họ cũng phải để cho anh chở con về vì thằng nhỏ tới cữ bú sữa khóc la váng óc. Từ đó trong túi áo ngực anh không bao giờ thiếu hai tờ giấy: giấy hôn thú của hai vợ chồng và giấy khai sinh của thằng bé.

Nàng thương anh, thương cả đứa con bé bỏng vì bà mẹ ham học mà phải chịu trần ai, bàn với anh hay là để nàng nghỉ ở nhà, bảo lưu kết quả học tập đến sang năm. Anh gạt: "Hồi nào anh với cu Tí chịu hết nổi, anh sẽ tức khắc lên tiếng".

Mùa nắng hết, mùa mưa tới với cha con anh không đường đột nhưng làm anh đầy ngạc nhiên và bất mãn. Nàng may thêm cho con tấm bạt ni lông màu đỏ tươi cắt ra từ chiếc áo mưa rách của nàng. Nhiều lần nàng chuồn ra trước giờ giải lao, đứng dựa lan can ngóng từ tầng bốn xuống đường, tìm nhìn chiếc máng trùm áo mưa đỏ chót nổi bật giữa dòng xe cộ, trôi trong làn mưa mịt mùng.

Vào một chiều cũng mưa gió như vậy, nàng ra ban công dõi tìm hoài chiếc nôi đỏ thắm với ông "thuyền trưởng" tội nghiệp của mình mà không thấy. Mạch đập của nàng nghẽn lại từng chặp. Ngóng hết giờ giải lao, chuông reo vào tiết, nàng chạy vô lớp ôm sách vở lao sầm ra cửa suýt va vào ông giảng viên già. Không nhớ ra để xin phép ông một lời, nàng chỉ hơi né người rồi chạy hai bước một xuống cầu thang...

Đạp xe về tới ngõ, đôi dép mủ đứt quai ngả màu lạ lẫm nằm trước cửa, kề đôi sandal của chồng nàng thậm chí cũng không kịp báo động cho nàng điều gì, cho tới khi qua tiếng mưa rơi lắc rắc, nàng nghe trong nhà vọng ra giọng bà già quê mắng yêu cháu: "Thằng chó con của bà khát sữa, khóc dữ há. Con mẹ mày hư quá mà, đi chợ gì cả buổi chưa về. Để nó về đây...". Nàng rụng rời. Má chồng nàng vô! Không kịp nghĩ ngợi, nàng chụp lấy túi sách vở trước giỏ xe, vứt xoạch trước hiên nhà hàng xóm. Rồi nàng quay xe, cắm cổ đạp muốn đứt hơi ra chợ, từ đầu chợ vô cứ gặp đâu mua đó như mộng du, không biết, không nghĩ ra mình tính nấu những món gì.

Rồi cũng đến lúc má chồng nàng than nhớ nhà, than ăn không ngồi rồi mỏi mệt quá, đòi về. Tới lúc xe đò nổ máy nhằm hướng miền Trung chạy tới, cái nón của má chồng nàng thò ra cửa xe đã thôi ngoắt ngoắt và khuất dạng, vợ chồng nàng mới nhìn nhau thở phào, bụm miệng cười, nghĩ về bao nhiêu lời nói dối trí trá mà trong suốt tuần qua, cả hai đã phải dựng lên để đối phó với bà má chồng tuy hiền lành nhưng lại gánh trên vai cả ký quan niệm cổ hủ. Trên đường chở nhau từ bến xe về nhà, vợ chồng nàng đã phải dừng xe táp vô lề để cười cho đã khi nàng nhắc lại anh đã trả lời hết sức dài dòng và quyết liệt với bà má khi bà tỏ ý muốn xin cái máng lót nệm của con trai nàng để đem về quê làm ổ cho chó đẻ. Trước khi ra về, bà còn giận dỗi: "Cái máng tụi bây nói bỏ không mà tao xin cũng không cho". Nàng cứ bíu lấy áo chồng mà nói hoài: "Mừng quá! Mừng quá! Rốt cục má về mà cũng không biết gì về chuyện em đi học. Em cứ lo má phát hiện ra, thì công sức của em với anh và cu Tí chịu cực bấy lâu nay thành công cốc hết".

Trước hôm trường nàng làm lễ tốt nghiệp thạc sĩ cho học viên khoá Y hai ngày, có một nữ phóng viên chắc được thần đèn giúp sức, tìm được tới tận nhà nàng sau hai tiếng đồng hồ quần qua đảo lại cách hẻm nhà nàng có... bốn cái quẹo trái quẹo phải nữa. Cô phóng viên trẻ mới vô nghề, đề nghị nàng, thủ khoa của năm nay, giúp cô có được bài chân dung thủ khoa và một tấm hình của nàng đăng lên báo kịp ngày báo ra. Nàng cười, chỉ lên đức ông chồng đang đánh đu trên xà nhà giặm lại miếng ngói bể, mặt mày bám bồ hóng đen thui, nói: "ổng mới đúng là người chị cần để phỏng vấn, vì không có ổng thì thạc sĩ cũng chẳng có chứ đừng nói tới thủ khoa". Anh cười, phô hàm răng trắng bóng, nói vọng từ trên cao xuống ồm ồm như thần Sấm: "Em quên công của một người rồi. Cu Tí nó cũng...". Anh chưa dứt câu, cu Tí đang ngủ say không hiểu có nỗi niềm gì, khóc váng lên, dõng dạc hiếm có, như để chứng tỏ sự có mặt của mình là không ai được quên.../.

Hải Miên

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC