Dựng cái chổi và chiếc xô tôn còn dính
đầy vôi vữa bên ngoài chái nhà quản trang,
ông Bộc bước vào trong với cái ấm
đất, rót một chén nước uống rồi
miệng nhẩm tính. Như thế là cộng với
mười một ngôi mộ vô danh - hôm nay vừa
quét xong, cả thảy ở nghĩa trang này có
chín mươi ngôi lẻ một.
Không đủ kiên nhẫn ngồi uống hết
chén nước, dường như còn áy náy điều
gì, ông Bộc đứng phắt dậy, với
tay lên bàn thờ nhà quản trang, lấy cuốn sổ
bìa đỏ rồi cẩn trọng đặt xuống
bàn, giở đi giở lại. Sợ lầm lẫn,
ông Bộc bấm chặt ngón tay cái vào từng
dòng trang sổ, đếm đến con số chín
mươi mốt - cũng là con số cuối cùng
của sổ ghi danh sách tên các liệt sĩ mà xã
giao tất cả cho ông quản lý. Gấp cuốn
sổ bìa đỏ vào chỗ cũ trên ban thờ,
ông Bộc thấy yên tâm vì danh sách các liệt sĩ
cũng đúng với số ngôi mộ ngoài nghĩa
trang. Ông thư thái ngồi uống chén nước
trong ngôi nhà quản trang hướng quay về phía
tây. Lúc này, những tia nắng cuối cùng của
mùa thu vàng rực, cũng nhạt dần sau luỹ
tre xa xa ở phía ngoài con đê sông cái.
Thằng Nền, đứa cháu nội của
ông Bộc - vừa ủ xong nồi cơm dưới
bếp, đã bưng nồi canh cua nấu với mấy
quả mướp hương vừa hái ở giàn
thơm lừng - vô nhà, ríu rít nói với ông:
- Trường cháu mấy hôm nữa cũng tổ
chức đi thăm những gia đình liệt sĩ,
thương binh. Ông cho cháu xin hai nghìn để
đóng với lớp mua quà ông nhé!
- ừ, ông sẽ cho! Nền này, hôm nay ông cũng
vừa quét vôi xong tất cả các ngôi mộ
ở nghĩa trang, ông thấy nhẹ nhõm quá! Bây
giờ có mưa cũng chẳng sợ. Nền, cháu
đã ra xem ông sửa sang nhà cửa của các liệt
sĩ ở nghĩa trang chưa? Ngày mai chủ nhật,
ông cháu ta cùng ra nhặt cỏ trên các mộ liệt
sĩ nhé!
- Vâng. Thế tại sao mộ lại gọi là
nhà hả ông?
- Người sống thì có nhà che mưa che nắng.
Còn người chết thì có ngôi mộ để
che hài cốt bên dưới mà cháu. Thế gọi
là nhà chứ sao.
***
Ông Bộc thật ra không phải là trai tế của
làng Tân Minh. Ông quê ở vùng núi xa lắm. Phải
duyên cô gái ở làng, thế là ông theo vợ về
ở hẳn quê Tân Minh tới nay đã gần bốn
chục năm. Ông sinh được ba người
con, hai trai một gái. Người con gái cả lấy
chồng xa khác huyện. ở Tân Minh bây giờ,
đúng ra chỉ còn một người con trai,
nhưng bao giờ ông cũng tính là hai, vì ông nghĩ
thằng út dẫu đã hy sinh, nhưng nó như vẫn
còn bên ông ở cái đất làng này. Sau khi nhận
được tin thằng Hậu hy sinh ở chiến
trường, vợ ông nghĩ ngợi đổ ra
ốm nặng rồi cũng qua đời...
Ông còn nhớ, cũng đã lâu lắm rồi, một
hôm, ông Chủ tịch xã và ông Chủ tịch Mặt
trận, hình như đi theo còn có một thanh
niên, chắc là làm ở đoàn thanh niên xã đến
nhà đề nghị ông giúp trông coi nghĩa trang và
quản lý khu nghĩa địa của xã. Lúc
đầu ông chưa nhận vì còn phải suy nghĩ.
Ngay tối hôm ấy, biết chuyện, người
con trai lớn tỏ ra không đồng tình:
- Bố trông coi làm sao được. Chỉ sợ
lên đó được ba bảy hai mốt ngày
thì bố buồn mà thoái thác bỏ về.
Thấy con nói vậy, ông Bộc chỉ lặng
im suy nghĩ... Nửa tháng sau, ông Chủ tịch
xã lại đến đặt vấn đề
như hôm trước. Lần này, ông Chủ tịch
nói thẳng với ông Bộc:
- Chúng tôi đã họp và bàn đến việc
này. Anh em đều bảo là, chỉ có bác mới
gánh vác được, phải là người có
tâm, có đức. Vả lại, tôi nghĩ, bác
lên đó phải đâu xa lạ, gần thêm chú Hậu,
người con út liệt sĩ của bác cũng là
người trung hiếu của đất này đã
hy sinh vì nghĩa nước. Bác lên đó, xã sẽ
đổi mảnh ruộng ở đồng ngoài về
khu miếu, gần nghĩa trang để bác làm cho
tiện.
Nghe Chủ tịch xã nói đến đây, ông Bộc
khẽ cười, thành thật nói:
- Như vậy là, các ông và bà con ở xã chưa
hiểu được tấm lòng của tôi. Tôi
là dân "ngụ cư", là chàng rể của
đất làng này... Phải đâu tôi ngại khó
khăn cơ cứ!
Biết được nỗi niềm ấy của
ông Bộc, Chủ tịch xã nắm chặt lấy
đôi bàn tay chai sạm của người lính
già năm xưa, nói quả quyết, chân tình:
- Không ai khác, bác phải giúp xã việc này.
Thế là từ bữa ấy đến nay,
đã hơn bảy năm trời rồi. Lúc đó
thằng Nền đứa cháu nhỏ của ông Bộc
mới độ bảy tuổi. Ông còn nhớ rõ
khi ấy, rủ thằng cháu lên chơi nghĩa
trang với ông, nó còn bảo sợ lắm. Bây giờ,
thằng Nền nó đã mười bốn tuổi
đang học lớp tám. Nó đã biết cắm
nén hương lên mộ của chú Hậu, và hỏi
nhiều chuyện về người con út của
ông đã hy sinh ở chiến trường như
thế nào...
***
Thời gian trôi nhanh quá, thế là ông đã gắn
bó với những linh hồn liệt sĩ ở
nghĩa trang này thiếu mấy tháng nữa là tròn
tám năm. Như một thói quen thường nhật,
khi mọi người đến viếng nghĩa
trang về nhà cả, bao giờ ông Bộc cũng nán
lại hồi lâu đi quanh các ngôi mộ. Những
giây phút ấy, ông thành tâm theo dõi từng nén nhang
đang cháy trên các ngôi mộ liệt sĩ. Ông
để ý xem hương của ngôi mộ nào
cháy hết, và ngôi mộ nào hương thường
tắt dở dang. Rút nén hương tắt, ông
thay vào đó nén hương khác. Ông thầm nhủ
lòng mình không bao giờ được quên những
người đã khuất, nhưng cũng là để
nói với các liệt sĩ về cả những gì
còn khiếm khuyết của dương thế.
Ông cũng dành thời gian nhiều nhất để
đến với những ngôi mộ còn khuyết
danh, vì thế mười một ngôi khuyết danh
ở đây không khi nào ngớt hương khói.
Và ngay cả tám mươi ngôi mộ có tên, ông cũng
thuộc lòng từng ngôi. Nằm ở phía Tây của
nghĩa trang này là ngôi mộ của ông Thanh, ông Lưu,
ông Thuận... Họ là những người chạc
tuổi ông, hy sinh thời đánh Pháp đuổi
Nhật. Phía Nam kia là những ngôi mộ của
các chiến sĩ thời đánh Mỹ. Phần lớn
họ còn trẻ, trong đó có cả thằng Hậu,
người con út của ông, mà ông vẫn thương
họ như những đứa con. ấy là mộ
thằng Thạch, thằng Bàn, thằng Thắng...,
chúng đã từng tham gia chiến dịch Mậu
Thân, Đường 9, Nam Lào. Rồi phía Đông
kia là mười một ngôi mộ khuyết danh
được quy tập riêng theo sơ đồ của
nghĩa trang. Phải nói thật rằng, trước
khi ông Bộc chưa về trông coi nghĩa trang này,
trẻ nhỏ thường để trâu bò vào gặm
cỏ, chúng chơi trò tập trận giả ở
khu miếu và ở nghĩa trang. Nhiều ngôi mộ
không được trông coi chu đáo bị sứt
mẻ, xuống cấp. Về được ít bữa,
nhìn thấy cảnh tượng này, lòng ông Bộc
xót như dao cứa. Ông đã dùng tiền góp nhặt
của mình, và xin xã một ít tiền mua xi măng,
vôi, gạch, tu sửa lại. Thậm chí, có ngôi mộ
chẳng may bị lún, sụt, ông Bộc đã bàn
với xã thay tiểu, xây lại phần mộ chu
đáo.
Một điều làm ông rất thương cảm
là có một số chiến sĩ quê ở miền
Nam hiện cũng còn nằm lại nghĩa trang này.
Càng nghĩ, ông càng thấy mình như còn nhiều
thiếu sót với những linh hồn liệt sĩ
đang an trụ tại đây. Nhiều đêm trời
trở bão, gió vặn cành, vặn lá, những cây
cổ thụ xanh rì bên ngoài nghĩa trang ầm ào,
ông không sao chợp mắt được. Trong
mưa gió, lòng không yên, nghe như có tiếng người
vọng lại. Ông bật dậy, đốt ngọn
đèn bão, đặt lên ban thờ, thắp nén hương
ở ngôi nhà quản trang, rồi vội vã cầm
đèn pin, lao vào trong đêm bất chấp mưa
gió ra tận các ngôi mộ. Đợi lúc trời
ngớt ngát, ông bật đèn thắp nhang nơi
nhà bia của nghĩa trang. Có lần ông Bộc
ở đó cho đến sáng...
Từ khi ông trông nom nghĩa trang này, quang cảnh
nơi đây sáng sủa hơn, cây cối ở
quanh khu ngày càng xanh tốt. Hoa bên mộ các liệt
sĩ mùa nào hoa ấy nở. Những bông cúc đã
vào tiết cuối thu rồi mà vẫn vàng rực
rỡ. Ông với thằng Nền, đứa cháu nội,
đã gắn bó bảy tám năm ở cái nghĩa
trang này. Hai ông cháu vui vầy sớm hôm. Có những
buổi sáng trăng đẹp trời, ông Bộc
thường ra mộ trò chuyện với thằng
Hậu con ông. Nhìn bức ảnh lồng kính trên mộ,
thấy Hậu mỉm cười, ông ngỡ nó
không hề xa ông chút nào. Ông chỉ thương Hậu
còn quá trẻ. Nhiều lúc ông tưởng nó vừa
đi học về đến sân nhà chào ông như
ngày nào. Khi thì tâm cảm nói chuyện với đứa
con út, lúc thì ông Bộc lại đưa tay run rẩy
lần lên những gương mặt liệt
sĩ khác. Ông xoa tay nhẹ trên những tấm
ảnh mà như chạm vào da thịt họ.
Hôm nay, như thường lệ, khi mọi
người đến viếng nghĩa trang ra về
cả, ông Bộc ở lại bên những ngôi mộ
khuyết danh. Ông bật lửa, thắp thêm một
tuần nhang vào mười một ngôi mộ đó
và ông tự coi đó như mình là người thân
của họ. Vừa thắp, ông vừa thì thầm
như trò chuyện với ai đó. Có lần thằng
Nền, đứa cháu nội đã nấu xong bữa
cơm chiều chờ mãi không thấy ông về,
nó đảo ra nghĩa trang, tìm ông. Nó đặt
tay vào lưng ông, hỏi:
- Ông đang nói chuyện với người chết
à?
Ông Bộc quay lại cười trước sự
non dại của nó. Rồi ông kéo thằng cháu
vào lòng xoa đầu nói nhỏ:
- Cháu à, có phải ai chết cũng đều là
chết cả đâu! Hãy yên lặng để ông
nói chuyện tiếp với các liệt sĩ. Cháu
biết không, các bác, các chú đang nằm đây
đâu có chết mà vẫn sống mãi với mọi
người!
Mãi đến lúc xẩm tối, hai ông cháu cùng
lễ lạy các hương hồn liệt sĩ,
rồi mới trở về ngôi nhà quản trang bé
nhỏ đầu làng./.
Nguyễn Đức Sinh