Trong hàng trăm người chơi chim gáy ở
Hương Sơn thời ấy - cách đây hơn
nửa thế kỷ, có nhiều người nổi
tiếng. Nhưng nổi tiếng nhất, là ông Hương
Toản - bác ruột tôi.
Bác nổi tiếng bởi có một con chim gáy mồi
rất quý. Một con chim có giọng thổ đồng
- trầm và ngân xa như tiếng chuông chiều
đồng vọng. Con chim gáy ở với bác tôi
gần hai mươi năm. Nó đã giật giải
thi gáy hàng tổng, hàng huyện nhiều lần, rất
nhiều lần. Đến nỗi trong căn nhà chật
chội, không còn chỗ để hoành phi, câu
đối, những vuông lụa điều... giải
thưởng.
Bác tôi quý con chim gáy như quý con cháu trong nhà. Bởi
con gáy mồi là cần câu cơm, là danh dự của
thú chơi. Mỗi sớm khi bác treo lồng ra sân,
đổ thóc, nước - con gáy đã gật
đầu chào lia lịa: Cù... cu... cù... cu. Và nó
thích nhất, khi bác phủ áo lên lồng, ngoắc
nó vào sào, chuẩn bị lên đường đi
bẫy, lập tức nó gù lấy gù để.
Tiếng đồn con gáy mồi của bác tôi
lan xa hàng mấy huyện. Những người hiếu
kỳ, những người mê thú chơi gáy đến
thăm, đến học hỏi không ngày nào vắng.
Ai cũng muốn mình có một con chim mồi như
thế. Ai cũng muốn con thổ đồng thuộc
về mình. Nhưng bác tôi không bán, không thích người
đến chơi nhà ngỏ lời đổi chác.
Có một người mê con gáy thổ đồng
đến mất ăn, mất ngủ. Đó là
lão Chánh tổng Biện. Trong dinh cơ nguy nga, trong
trại mênh mông của lão đã có mấy chục
lồng gáy sơn son, thếp vàng, tiếng gáy
ồn ã cả ngày. Nhưng không có một con nào
có giọng thổ đồng vang và ngọt như
con mồi của bác tôi.
Đã nhiều lần, lão Chánh Biện bỏ xe
cộ, đi bộ đến nhà bác. Lão đành tạm
vứt hết bộ dạng quan cách, đến nhà
như một người sành điệu chơi
chim. Im lặng nghe... với đôi mắt lim dim,
đôi tai mê đắm, thỉnh thoảng lão vỗ
đùi kêu lên: Tuyệt! Tuyệt! Độc nhất
vô nhị!
Rồi lão thờ thẫn ra về.
Một thoáng sau, viên lý trưởng tay chân của
lão, tìm đến bác Toản. Không vòng vo, y đi
thẳng vào đề:
- Cụ Chánh mê con gáy của bác đấy. Bác
để lại cho cụ để lấy
đường đi lại...
Bác tôi cười nhạt, nhìn ra vườn.
- Tôi thấy nhà bác tuềnh toàng trâu bò không
có. Cụ Chánh cám cảnh... Thôi thì bác nghe tôi
đổi con gáy mồi lấy một con trâu cày của
cụ Chánh.
Bác tôi lắc đầu, đứng dậy.
Đêm đó, bác tôi mang con gáy mồi treo ngay đầu
giường ngủ. Bác sợ...
Một tuần sau. Viên lý trưởng lại
đến.
- Cụ Chánh biết bác quý con gáy mồi lắm.
Nhưng bác có tài vực gáy, thôi thì con này đi
con khác lại đến. Đời còn dài mà. Tôi
nói thực ý của cụ Chánh, là muốn đổi
một mẫu thượng điền ở cánh
Bàu Pho để lấy con gáy đấy. Giấy tờ,
văn khế đầy đủ. Bác đừng
lo. Bác gật đầu đi để tôi về
bẩm với cụ Chánh.
Một mẫu thượng điền to lắm,
nhưng đổi con gáy mồi ở với mình mấy
chục năm trời... để lấy ruộng
là mình tham, mình bạc. Nó đi khỏi nhà, liệu
mình có sống nổi không?
Cuộc đổi chác không thành. Con gáy thổ
đồng vẫn ngày ngày cất tiếng gáy âm
vang trong khu vườn yên tĩnh của bác tôi.
Lão Chánh Biện tuy cay cú, nhưng kiên nhẫn chờ...
Rồi một năm sau, thời cơ mỉm
cười với lão. Đang cữ cuối xuân tạnh
ráo, gió nồm nam thổi tím những đồi
hoa mua. Bác tôi bắt đầu vỗ căng cho con
thổ đồng chuẩn bị vào mùa đi bẫy.
Thì... có trát của tỉnh về quê.
Một buổi chiều, viên lý trưởng khệnh
khạng vào nhà bác Toản, chìa ra cái giấy có dấu
son đỏ choé:
- Thằng Cả nhà bác được vinh dự
có tên đi Tân thế giới đấy. Hai ngày nữa,
tập trung ở sân huyện đường. Hê...
hê... hê, dặn dò vợ con đi thì vừa... Mừng
cho nhà bác. Tôi về.
Bác tôi gần như ngất xỉu. Bác biết
vì sao thằng con trai độc nhất của bác
phải đi phu. Mà đi phu Tân thế giới có
nghĩa là chết!
Tối đó, bác tôi thắt ruột, rớt nước
mắt, mang con gáy thổ đồng đến nhà
lão Chánh Biện... Thôi thì của đi thay người!
Bác Toản ốm liệt giường mất ba
tháng. Tóc trắng xoá, bác ngơ ngẩn như
người mất hồn...
Rồi khởi nghĩa, kháng chiến chống
Pháp. Tôi đi bộ đội. Mãi đến hoà
bình, tôi mới có dịp về thăm nhà. Bác Toản
đang ngồi bên hiên. Trời tháng tư. Nắng
và gió nồm thổi lất phất. Chợt một
tiếng gáy trầm vang từ cây bưởi
trước nhà vọng xuống. Tôi lặng người.
Một giọng thổ đồng chính hiệu, nhưng
trẻ hơn, vang xa hơn.../.
Thái Giang