Tôi đi làm về trong một tâm trạng cực
kỳ vui vẻ. Tháng lương đầu tiên
đấy. Tháng lương đầu tiên trong
đời, tháng lương đầu tiên sau hạnh
phúc được làm vợ anh, được làm
mẹ của bé Thanh Tùng. Rồi những ngày dài
ở nhà trông con, thu vén nhà cửa, chuẩn bị
bữa ăn đón anh đi làm về. Anh ôm cả
hai mẹ con, hôn tôi rồi mới bế con, nhấc
bổng nó lên quá đầu, rúc mặt vào quả
ớt tí xíu của nó. Tôi sung sướng ngất
ngây trong hạnh phúc làm mẹ, làm vợ như thế...
Nhưng tôi vẫn thèm được ra khỏi nhà,
rồi được về nhà như thế này,
với tư thế của người đi làm về,
với những đồng lương trong sắc,
dù ít thôi cũng được, miễn là do mình
kiếm để góp vào cái ngân sách bé nhỏ của
vợ chồng tôi, mà từ bao giờ đến bây
giờ, chỉ có mình anh bỏ vào. Nhưng với
tháng lương đầu tiên này thì... tôi có quyền
kiêu hãnh một tí chứ. Nó đang nằm im trong
chiếc ví sắc của tôi mà sao tôi vẫn như
nhìn thấy nó rất rõ kia chứ. Trước
đây một giờ, chưa bao giờ tôi nhìn thấy
nó, được cầm nó trên tay. Nó mỏng tang
như không hiện hữu trên tay, mà sao tôi vẫn
cảm nhận được tất cả sức
nặng của nó. Vì tôi biết, nó to hơn cả
tháng lương vất vả của anh trong khi tôi
chỉ đi làm có 8 buổi. Đến trước
gương, tôi cởi áo, váy ngắn, tự ngắm
mình, mà thoáng nóng đỏ lên.
Nhẹ nhõm, khoan khoái từ nhà tắm bước
ra, tôi đảo qua chiếc gương đứng
một lần nữa. Mặc bộ đồ trong
nhà trông chả ra làm sao cả. Nhưng thôi chuẩn
bị bữa tối cho nhanh còn sang hàng xóm đón
con.
Học trò của tôi là một người
nước ngoài đứng tuổi đã biết
tiếng Việt ít nhiều giờ muốn học
nâng cao. Tôi dạy ông tiếng Việt qua tiếng
Anh nhưng ngược lại, ông lại bổ
túc tiếng Anh cho tôi qua giao tiếp bằng cả
hai thứ tiếng, do đó ông tiến bộ rất
nhanh.
Ai cũng biết người nước ngoài
phát âm tiếng Việt thường lơ lớ, vì
thế tôi kiên nhẫn dạy ông phát âm thật
chuẩn, dù có mất bao nhiêu thì giờ đi nữa.
Ông chăm chú nhìn miệng tôi đọc mẫu, rồi
cố sức cong cái miệng, uốn cái lưỡi
làm sao cho âm phát ra được tôi gật gật
đầu chấp nhận mới thôi. Trông một
người lớn tập nói như trẻ con, lắm
khi không nhịn được cười.
- Cô giáo cười tôi à?
- Không cười ông đâu, cười cái miệng
ông tập nói thôi.
- Còn cái miệng cô giáo nói, sao đẹp thế!
- Có gì mà đẹp, bình thường thôi!
- Đẹp lắm mà. Bên nước tôi, một
cái miệng đẹp như thế này phải bảo
hiểm cả triệu đôla đấy.
- Sao buồn cười thế. Thôi hôm nay ta dừng
ở đây nhé.
- Tất nhiên là dừng bây giờ cũng
được. Nhưng theo hợp đồng thì
còn những mười tám phút cơ đấy. Cô
giáo đừng nghĩ là tôi tính toán chi li. Chẳng
qua là tôi cứ muốn ngồi bên cô giáo thế
này càng lâu càng tốt thôi.
Giữa một buổi học, ông bỗng hỏi
tôi:
- Đố cô giáo, trong tiếng Việt có hai con
chữ nào kỳ diệu nhất?
Tôi ngẩn người một lúc, cố vắt
óc ra nhưng cũng không thể nào tìm được
một lý lẽ cho câu hỏi ấy. Hai mươi
bốn chữ cái, chữ nào chả quan trọng,
chả kỳ diệu. Làm sao thiếu được
một chữ. Như thế có khác nào hỏi,
trong tám nốt nhạc, nốt nào kỳ diệu nhất?
- Thế nếu điều tôi sắp nói ra đây
khiến cô giáo phải chịu thì sao?
- Thì tôi... cho ông tốt nghiệp ngay!
- ấy chết. Tôi muốn cô giáo dạy càng
lâu càng tốt kia mà. Thôi được, nếu cô
giáo chịu thì tôi chỉ xin một điều nhỏ
xíu thôi. Cô giáo cứ bằng lòng đi.
- Thì ông cứ nói đi nào!
- Thế là giao kèu rồi nhé!
Lúc bấy giờ tôi không hề nhận ra điều
này; ông tập nói thì có vẻ khó khăn. Và nói
thì chậm chạp. Nhưng ý tứ và từ ngữ
thì... đấy, chính xác không khác gì một người
Việt Nam có học vấn cao. Tôi cũng không nhận
ra cái lối suy nghĩ chắc chắn, nhưng có
cái gì đó rất sòng phẳng và bao giờ cũng
có vẻ chắc lép. Tôi nhìn ông chờ đợi.
Ông chậm rãi:
Hai con chữ kỳ diệu nhất là M và E. Tôi
đã suy nghĩ rất nhiều về nó. Đêm
qua, tôi đã tra từ điển suốt 2 tiếng
đồng hồ và bỗng nhiên tôi nhận ra sự
kỳ diệu của nó. Này nhé, ghép lại mà
không dấu, thì đó là thứ quả có vị
chua, một thứ rau mọc dưới ruộng
nước cũng có vị chua chua, đúng không
nào cô giáo? Thay bằng dấu huyền, là một
thứ thức ăn (theo cách gọi của người
Nam Bộ), lại cũng là một thứ đỡ
trên mái nhà để lợp ngói hay lá lên. Nếu
là dấu hỏi, thì đó là một thứ gia vị
đặc biệt do vi khuẩn lên men, là hậu quả
của một hiện tượng va chạm đổ
vỡ. Dấu sắc là một vẻ bề ngoài với
nghĩa xấu, hoặc dùng ghép với một từ
khác chỉ sức mạnh về tinh thần, về
tính cách. Hay nhất là khi nó mang dấu nặng.
Đó là người mang nặng đẻ đau
ra ta mà ta phải mang ơn suốt đời.
Điều kỳ diệu nhất là khi đảo
lại thì đó là cách một người đàn
ông gọi một người phụ nữ mà ta
yêu. Ông nhìn tôi chăm chắm. Đôi mắt xanh nồng
nàn, âu yếm ve vuốt.
Đúng thế không nào? Vẫn hai con chữ
ấy, chỉ cần thay đổi vị trí thôi
mà một bên là người phụ nữ cho ta sự
sống, còn một bên là người phụ nữ
cho sức sống. Không có sự sống thì không
có sức sống. Không có sức sống thì sự
sống cũng không có ý nghĩa gì! Phải thế
không nào cô giáo?
Tôi ngạc nhiên trước điều giản
dị mà quả thật, rất kỳ diệu này.
Nó lại được nói ra từ một cái miệng
cương nghị dưới một hàng ria mép rất
đàn ông của một đôi mắt xanh kỳ lạ.
Lúc ấy, tôi hoàn toàn không nhận ra rằng phải
là một người hiểu khá sâu sắc tiếng
Việt mới có thể có được nhận
xét như thế, một sự lý giải như thế.
Tôi cứ nghe ông nói, cứ nhìn vào đôi mắt
long lanh biếc xanh của ông, mỗi lúc càng long
lanh hơn. Đôi mắt ấy cũng chăm chắm
nhìn vào mắt tôi. Và khi ngừng nói, ông
đưa cả hai tay qua chiếc bàn hẹp, miệng
vừa hỏi "Đúng không nào?", hai tay vừa
giữ chặt lấy hai bên đầu tôi, vừa
vươn người sang, nghiêng đầu hôn
tôi. Tôi vội đưa hai tay gỡ tay ông ra, nhưng
không được. Tôi có giẫy ra khỏi cái miệng
ông cứ gắn chặt lấy miệng tôi, nhưng
không lại!
Cảm thấy không phải với anh, đêm
ấy tôi chủ động gợi ý, nhưng anh
không hưởng ứng. Công việc vắt kiệt
sức anh sau ngày làm việc ở cơ quan mà vẫn
phải đem về nhà làm mới xong. Anh mải
mê với công việc, không mảy may nhận ra rằng,
thỉnh thoảng tôi lại nhìn trộm anh, lại
đưa tay lên môi, lên má. Ngay cả lúc soi gương
tôi vẫn như nhìn thấy dấu vết tội
lỗi trên mặt.
Buổi học sau đó, ông đưa ra một
tờ báo, chỉ vào chỗ dưới tên báo, có
ghi dòng chữ: cơ quan của trung ương... (tên
một cơ quan chủ quản) và hỏi như thế
có nghĩa là gì? Tôi giải thích là, lẽ ra phải
ghi đầy đủ là cơ quan ngôn luận của...
(tên cơ quan chủ quản) và điều đó
có nghĩa là cái ngành kia có một hệ thống
cơ quan từ cơ sở các địa
phương lên đến trung ương, và tờ
báo này là cơ quan ngôn luận của cái cơ
quan trung ương ấy. Để tôi trả lời
xong đâu đấy, ông mới đưa ra một
tờ báo khác, dưới, tên báo này lại ghi: cơ
quan trung ương của... (tên một cơ quan chủ
quản).
Nếu theo giải thích của cô giáo và theo vị
trí của từ của thì chẳng hoá ra cơ
quan báo là cấp trung ương mà cơ quan chủ
quản lại là cơ quan cấp dưới của
cơ quan trung ương ấy à?
Tôi chịu và bảo: - Chắc chắn trường
hợp sau ghi như thế là sai.
Lại một sự phát hiện đặc biệt,
mà hình như, không một người Việt Nam nào
nhận ra.ở nhà sau khi giải quyết xong công
việc, ông lại mở băng ghi âm buổi học
ra nghe lại. Ông cũng thường đọc báo
của ta, rồi sau đó ghi lại những từ
ngữ không hiểu, hoặc thắc mắc vào sổ
tay để hỏi tôi. Nói chung thì tôi giải
thích được. Nhưng tôi nhận thấy,
càng ngày ông hỏi càng khó hơn, thậm chí không
làm sao giải thích được, ví như: vì sao
cuối một câu kể, mà không thể kể hết
ra người ta lại viết v.v... Viết như
thế nhưng tại sao lại không đọc là
vi vi chẳng hạn, vu vu chẳng hạn, mà lại
là vân vân. Vân vân là gì thì biết rồi, nhưng
tại sao lại là vân vân mà không phải là tân
tân, hân hân, cân cân... Tôi chịu.Lúc bấy giờ,
tôi không hiểu, vì sao ông lại có được
những câu hỏi như thế.
Rồi ông đề nghị, thay cho việc học
"trên lớp" là việc đi thực tế,
nghĩa là đi dạo phố, xem hàng, đi chợ,
mua bán, ăn sáng, ăn trưa... Thế là vừa
ăn, tôi phải vừa giải thích cho ông, phở
gồm những "thành phần" gì, người
ta chế biến ra sao, cách ăn như thế nào.
Ăn xong ông gật gù: "Hơi bị ngon đấy
cô giáo ạ". Tôi bảo:
- Phải nói là "rất ngon!"
- Thấy người Việt Nam nói thế mà!
- Nhưng đấy là cách nói vui, nói đùa
thân mật giữa những người bạn thân
thôi. Ban đầu nó chỉ là cách nói giả vờ,
khiêm tốn, nhún nhường thôi...
Một lần ăn xong bát bún thang ở phố
Hàng Bè, ông gật gù: "Rất, rất ngon, rất
chi là ngon cô giáo ạ".
Tôi cười vui vì sự tiến bộ và dí dỏm
của ông trong cách dùng từ ngữ. Những cuộc
dạo phố làm tôi thực sự thích thú. Giống
như một hướng dẫn viên du lịch, chỉ
có một điều khác là tôi phải giải
thích kỹ về từ ngữ, và giúp ông liên tưởng
tới những vật, sự vật, hiện
tượng đồng âm với những từ
trung tâm mà tôi và ông đang quan tâm. Ăn phở chín
thì giải thích thế nào là "phở chín đích
thực" của Nguyễn Tuân, rồi mở rộng
ra thế nào là chín tới, thế nào là chín ép,
là chín cây, là chín nẫu... Trong xã hội, chính trị
hay triết học thì có từ chín chắn, chín muồi.
Cùng ăn với ông một đĩa bánh trôi, tôi
đọc cho ông nghe "Thân em thì trắng, phận
em tròn..." cái trắng của bánh trôi là trắng
ngà, của tờ giấy là trắng tinh, của mảnh
vải kia là trắng lốp, của bông tuyết
trên tấm thiếp Noel là trắng phau, tấm thân
của người thiếu nữ là trắng
trong... Những con ngựa trắng, con chuột trắng
thì phải gọi là ngựa bạch, chuột bạch
đấy; còn con gà, con vịt, con chó... thì chỉ
gọi là chó trắng, gà trắng thôi, không ai gọi
là chó bạch đâu... Tôi thì thích thú thể hiện
những hiểu biết của mình, cố vận
dụng tất cả vốn sống, vốn từ
ngữ của mình. Lần đầu tiên trong đời,
tôi được mang kiến thức của một
sinh viên ngữ văn có luận văn tốt nghiệp
loại giỏi ra để kiếm sống. Còn
ông thì chăm chú, thích thú nghe, thỉnh thoảng lại
hý hoáy ghi vào sổ tay cùng với những tiếng
"ồ, à, thế à? Hay thấy đấy...".
Ông thích lang thang với tôi trong khu phố cổ.
Đứng ngắm rất lâu Ô Quan Chưởng.
Nhận xét của ông làm tôi bất ngờ: Chỉ
có mấy ngôi nhà là cổ thôi, gọi là khu phố
cổ thì không đúng, ngay cả khi đối chiếu
với Hội An. ừ, mà đúng thật. Phụ
nữ như tôi, cứ nói theo sách báo thôi, làm sao
có được những phản bác sắc sảo
và rất có lý như ông được. Nhiều
điều thấy rất rõ sự hiểu biết
của một người có học vấn cao mà một
phụ nữ như tôi không thể ngưỡng mộ.Sau
cái hôn hôm ấy, ông đặc biệt ân cần
với tôi và chăm sóc thì... tôi chưa bao giờ
được ai chăm sóc như thế, kể cả
anh. Cũng chưa thấy một người đàn
ông nào chăm sóc một phụ nữ như thế.
Ông dắt tôi lên cầu thang như thể dắt
tay một đứa bé mới tập đi. Qua một
rãnh nước giữa hai luống đào Nhật
Tân mà ông nhờ tôi đưa đi xem, ông xốc
nách tôi, nhấc bổng từ luống này đặt
sang luống bên kia (chắc ông chủ vườn
tưởng chúng tôi là vợ chồng) và dù việc
ấy chỉ xảy ra trong giây lát, nhưng cái cảm
giác bay bổng, lâng lâng trong cánh tay mạnh mẽ
của ông thì không gì so được.
Trời nắng, đi dưới tán ô ông che,
trên tay tôi cầm cái quạt điện du lịch
nhỏ xíu ông đưa, cảm thấy có thể
đi mãi với ông như thế này. Ông không cho
tôi sang đường tuỳ tiện. Bao giờ
cũng phải đi đúng chỗ dành cho người
đi bộ, và dù chỗ ấy, hay những chỗ
không có vạch sơn ngang quy định thì ông vẫn
cứ dắt tay tôi: "Tôi rất sợ xe cộ
ở Việt Nam". Cái cảm giác tin cậy khi
đi bên ông làm cho tôi dễ chịu và thích thú.
Những buổi đi làm như thế, thật sự
là những ngày vui của tôi. Tôi chải chuốt
kỹ càng hơn, bắt đầu quan tâm tới
các loại mỹ phẩm chăm sóc mái tóc, làn da
và mong ngóng nhanh đến ngày đi làm.
Đúng ngày trả lương, ông đưa tôi
một chiếc phong bì, bên ngoài ghi rõ số tiền,
gấp đôi tháng trước. Tôi ngước mắt
nhìn ông, như muốn hỏi tại sao, thì ông
rành rọt:
Thì tôi chẳng vi phạm hợp đồng là
gì? Tất cả những buổi học ngoài trời
đều vượt thời gian rất nhiều.
Vả lại cô giáo đi như thế vất vả
lắm. Tôi biết mà!
Điều gì ông đã nói đều là hợp
lý, vì nó được cân nhắc cẩn thận,
tính toán cẩn thận. Việc gì ông làm đều
có chủ đích rõ ràng, và tất nhiên nó càng
được cân nhắc tính toán cẩn thận,
do đó bao giờ ông cũng đạt được
mục đích.
Thật ra, bấy giờ tôi chưa nhận ra
điều ấy.
Một buổi đi học ngoài trời, lúc
đi ngang qua một hàng hoa, tôi mua một bó hoa hồng.
Ông hỏi:
- Cô giáo mua hoa tặng ai đấy?
- Hôm nay là ngày sinh chồng tôi.
- Thế à? Tôi cũng xin được chúc mừng.
Ông cầm một cành phong lan Thái Lan rất đẹp
lên - Làm ơn chuyển giúp tôi. Thế ngày sinh của
cô giáo là ngày, tháng nào?... Thế à, cũng sắp
đến rồi.
... Ngày ấy, ông đeo vào cổ tôi một sợi
dây chuyền bạch kim, cùng với những lời
này:
- Đúng là gái một con trông mòn con mắt.
Chúc cô giáo mãi trẻ đẹp như thế này.
Ông siết chặt lấy tôi, phủ lên trán
tôi, mắt tôi, má tôi những chiếc hôn mỗi
lúc một đắm đuối hơn và dừng
lại rất lâu, rất lâu trên môi tôi. Bỗng
nhiên, hít một hơi thật sâu rồi ông bế
bổng tôi lên quay mấy vòng. Vì chóng mặt, và
vì trong tôi bỗng cũng dâng lên một cảm
giác giới tính không kìm nén được, nên
tôi cũng ôm chặt lấy ông. Mắt vẫn còn
nhắm và đang trong cảm giác chòng chành thì ông
nhẹ nhàng đặt tôi xuống.
- Hôm nay cô giáo phải về sớm, và nên cất
cái dây chuyền này đi thì hơn.
Hôm ấy, anh có một bình hoa hồng cho tôi, một
gói thịt lợn nạc quay, thơm mùi lá móc mật
mà anh nhờ một người bạn chạy tàu
Lạng Sơn mua về, món ăn tôi thích nhất.
Một đôi tất chân dài để tôi đi với
váy ngắn, và khi bé Thanh Tùng đã ngủ say là một
cuộc làm tình rất nồng nàn. Nhưng anh không
thể ngờ rằng, nguyên nhân của sự nồng
nàn hơn mọi lần như thế, chính là vì
trong lúc ấy tôi đã... nghĩ đến ông. Một
phụ nữ còn chưa hiểu bao nhiêu về
đàn ông, ngay cả với chồng mình cũng
chưa hiểu gì cho ông, ngay cả với chồng
mình cũng chưa hiểu gì cho lắm, lại gần
gụi như thế, với một người
đàn ông mà cái gì cũng có sức hấp dẫn
mạnh mẽ kỳ lạ, kể cả tấm
thân đàn ông cao lớn với nước da trắng
hồng của ông. Làm sao bứt ra khỏi sức
cám dỗ ấy? Và việc ấy đã đến
với ông và tôi trong suốt một buổi học,
chỉ sau ngày sinh của tôi có một ngày.
Tôi lao vào cuộc truy hoan, với niềm đam mê
khoái lạc rất đàn bà, mà với sự từng
trải của mình, lần nào ông cũng biết
thổi bùng nó lên làm tôi cứ mê đi rất lâu.
Nhưng, rồi một hôm, ông bỗng bảo
tôi rằng phải về nước gấp và
đưa cho tôi một chiếc phong bì khá dày:
"Coi như chúng ta đã thanh lý hợp đồng".
Tôi tái mặt thất thần. Người vẫn
còn bừng bừng ngất ngây sau trận mây mưa
cuồng phong, bỗng rũ ra như tàu dưa héo
chợ chiều. Tôi không thể gào lên, không thể
chửi ông. Không phải vì tôi không biết chửi,
mà vì biết rằng, mình không thể chửi người
ta được, ngoài việc phải chửi rủa,
phải xỉ vả chính mình.
Tôi phóng xe đến nhà con bạn đã giới
thiệu hợp đồng này, thì nó cũng
như đứa chết rồi: "Thằng mắt
xanh, mũi lõ của tao cũng biến rồi. Thật
ra, cái thằng của mày sõi tiếng Việt từ
lâu rồi. Tao kéo mày vào cuộc, để tính
sang bên ấy cho có bạn có bè. Ai ngờ!".
Mở cửa vào nhà, vừa định bấm nút
máy thu hình theo thói quen cho đỡ trống nhà, tay
tôi đã vội rụt lại. Một mảnh giấy
màu vàng dính vào giữa màn hình: "Ngẫu nhiên
anh phát hiện ra mình bị phản bội. Không
gì có thể biện hộ được đâu.
Vĩnh biệt em!"./.
Nguyễn Bắc Sơn