MÙI TRẦU KHÔNG

Mùa hè năm ấy, bố đưa nó về quê gọi là để thay đổi không khí. Quê nội của nó. Một miền quê quanh năm nắng lửa mưa dầm. Vừa đặt chân xuống miền đất ấy, bố cầm tay dắt nó vào một ngôi nhà tranh. Nó nhìn thấy một bà già móm mém ngồi nhai trầu trên chiếc chõng tre đã cũ kỹ. Thấy bố và nó bước vào, bà cầm lấy cây gậy, tay run run đứng dậy, chậm chạp bước tới. Bà hôn lên má nó, nó nhăn mũi khi ngửi thầy mùi trầu không trên miệng bà, đôi bàn tay nhăn nheo của bà cầm lấy tay nó.

- Vô trong ni với bà...

Nó quay lại nhìn bố, mặt thoáng bối rối.

- Thằng Ký mô rồi? Đi lấy nác (nước) cho bác Bình rửa chân tay...

Mấy đứa trẻ ở quê cứ đứng thập thò ngoài cổng kể từ khi nó và bố bước vào trong nhà, nghe giọng bà, có một đứa mặt mũi nhem nhuốc đen đủi trong đám ấy chạy ra và đi tới cái giếng đất cạnh hàng rào râm bụt.

- Ông đâu rồi hả bà? Bố nó hỏi.

- Ông đi rú (rừng) sáng ni... Khi sáng, ông vừa nhắc tới bố con nhà anh... đúng là thiêng thật!

Buổi tối, trong bữa ăn, nó thấy lờ mờ chỉ có đĩa dưa muối, vài con cá kho và bát canh rau.

Bố nhìn nó:

- Đây là bà nội của con. Và đây là ông nội. Bố chỉ vào ông cụ có chòm râu dài trắng muốt, nước da đồi mồi và đôi mắt rất sáng. Nó liếc nhìn ông cụ và thấy hình như có một vẻ gì đó rất giống bố. Ông nhìn nó cười trìu mến:

- Con vô đây có nhớ mẹ và nhớ Hà Nội không?

Ông vừa nói vừa gắp cho nó miếng cá. Nó không nói gì bố chợt đỡ lời:

- Cháu nó còn lạ người, lạ nhà, vài hôm nữa cháu sẽ quen ông bà thôi.

Kể từ khi về nó bắt đầu cảm thấy khó chịu với cái nắng và nóng ở vùng quê mà bố bảo là quê nội của nó. Nhưng nó cũng bắt đầu quen dần với lũ trẻ hàng xóm.

- Các bạn đi học có xa trường không? Nó hỏi.

- Bọn tui không được đi học, phải ở nhà mần (làm) đỡ cha mẹ!

Một đứa tóc dài bế em bé hỏi nó:ở ngoài tê đi học chắc là vui lắm nhỉ?ừ vui lắm, bọn tớ được học đàn, học hát, học vẽ... nhiều thứ lắm. Chiều thứ bẩy, bố lại đèo mẹ và tớ đi chơi Bờ Hồ, công viên... Thế các bạn đã ra Hà Nội chưa?Mấy đứa trẻ cứ tròn mắt nghe nó kể về Hà Nội bỗng nghe nó hỏi thì lắc đầu. Đang vui cùng lũ trẻ bà nó từ trong bếp chống gậy bước ra.

- Thuỳ Trang ơi, vô ăn cơm đi cháu.

Nó bực bội, mặt xị xuống, ngúng nguẩy bước vào nhà.

Buổi trưa, trời nóng, nó trằn trọc, ấm ức và buông ra một câu ngắn ngủi:

- Quạt điện đâu rồi...

Bà vẫn hiền từ ngồi quạt cho nó và chậm rãi:

- Quê mình nghèo, tiền mô mà mắc điện. Khi nào ra Hà Nội cháu nhớ gửi cho bà ít điện nhé. Bà lại cười, nụ cười thật hiền. Nó không nói gì, quay mặt vào tường rồi thiếp đi lúc nào không biết...

Tỉnh dậy, nó vẫn thấy bà ngồi bên cạnh phe phẩy quạt cho nó. Nó ngồi dậy, lấy tay dụi mắt. Bà chống gậy chậm chạp bước ra giếng múc một chậu nước, tay run run mang vào.

- Cháu rửa mặt đi cho tỉnh ngủ.

Nó dựa lưng vào bức tường gỗ, mắt nhắm lại. Bà ngồi xuống vò khăn rồi vắt hết nước:

- Lại đây bà lau mặt cho nào!

Nó lại gần, bàn tay bà thô ráp, mùi trầu không vẫn toả ra khó chịu. Nó nghĩ: đây là bà nội của nó ư? Đây là quê nội mà bố vẫn kể cho nó nghe ư? Đây là... Đang miên man suy nghĩ thì bà mang ở đâu ra quả ổi to tướng đưa cho nó.

- Cháu ăn đi, ông vừa bứt ở cây ổi sau vườn đó.

Nó uể oải cầm lấy quả ổi và chạy ra ngoài ngõ.

- Mô đó, đừng đi nhởn ngái (đi chơi xa) nha! Bà nó gọi với theo.

Rồi những ngày hè cũng trôi qua. Nó phải trở về Hà Nội để chuẩn bị cho năm học mới. Ngày đi, ông nó đứng cạnh bố dặn dò gì đó. Còn bà cứ ôm chặt lấy nó, mùi trầu không vẫn toả ra khó chịu. Rồi cái gì rơi xuống tay nó nóng nóng, nó nhìn xuống, giọt nước mắt trong vắt đang từ từ lăn trên mu bàn tay, bà nó nghẹn ngào:

Khi mô nghỉ hè lại vô đây với bà nghe.

Nó không nói gì, mắt ráo hoảnh. Xe lăn bánh, nó nhìn qua tấm kính gương và thấy dáng bà nhỏ bé, lưng hơi còng, tay chống gậy, đứng dưới luỹ tre đầu ngõ. Rồi quê nội của nó khuất dần và xa hẳn...

Thời gian vèo qua. Nó lớn lên nhiều mà không hiểu sao cái miền quê ấy cứ ám ảnh trong nó. Một buổi trưa, nó nghe thấy tiếng gọi giật giọng của bố:

Thuỳ Trang, sắp xếp quần áo nhanh lên, lát nữa gia đình mình phải về quê gấp...

Quê nào ạ? Lại phải về nữa hả bố. Con ứ về đâu, sắp thi rồi. Về quê chán lắm... bố đi mà về.

Im ngay... Cô chú vừa gọi điện ra báo là bà ốm nặng... chuẩn bị quần áo nhanh lên...

Nó hừ một tiếng, ném cây bút xuống bàn, ngúng nguẩy...

Chuyến xe chiều hôm đó ì ạch, cuối cùng cũng về đến quê thì trời đã tối mịt. Trong ánh sáng của mấy ngọn đèn măng xông hắt lên luỹ tre đầu làng, nó nhìn quen quen. Rồi những tiếng chân người vội vã, tiếng khóc nấc lên thảm thiết, bố kéo tay nó chạy nhanh về phía ấy và tiến vào ngôi nhà cũ kỹ ngày nào. Bố quỳ thụp xuống, vạch chiếc chiếu ra, nó nhìn thấy khuôn mặt bà bạc phệch, miệng ngậm chiếc đũa, chân tay cứng đờ. Bà đã chết. Bố nó đậy tấm chiếu lại, buồn bã đứng lên và ngồi thừ xuống nền đất. Nó vẫn đứng trơ trơ, hết nhìn tấm chiếu, nhìn bố, lại nhìn mọi người đang khóc lóc thảm thiết. Chẳng biết nó nghĩ gì..

Trưa hôm sau, bố đội cho nó chiếc khăn trắng lên đầu, dắt tay nó lặng lẽ đi bên linh cữu bà ra phía nghĩa địa ngoài cánh đồng trong tiếng kèn, tiếng nhị réo rắt bi thương. Nó nhìn thấy mọi người đưa quan tài bà xuống một cái hố sâu và lấp đất lên, nó định hỏi bố câu gì đó nhưng thấy mắt bố đỏ hoe mặt quay đi hướng khác. Nó chợt thấy tấm ảnh bà cười hiền từ như đang nhìn nó. Bỗng nó rùng mình và thấy thoáng đâu đây một mùi hương quen thuộc: Mùi trầu không. Nó dáo dác nhìn quanh như mình đã mất cái gì đó. Vội vã, nó chạy lại, quỳ sụp xuống ngôi mộ và nấc lên: Bà ơi!

Nguyễn Công Cường

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC