Là trẻ con, ít đứa không mê cổ tích.
Tôi cũng thế thôi. Ngoài bao nhiêu cổ tích Việt
Nam, tôi còn biết thêm nhiều chuyện dân gian, thần
thoại các nước. Tất cả đều nhờ
sách báo, chiếu bóng, tivi. Riêng cảnh quấn
quít nghe bà kể chuyện, tôi chưa hề
được sống qua một lần.
Tôi thường đọc thấy người
ta hay viết rằng: Được buổi trời
trong gió mát, mấy đứa bé lại rủ nhau
khênh chõng kê giữa sân. Hoặc đơn sơ trải
manh chiếu bên thềm...ấy là lúc thư thả.
Mấy bà cháu quây quần đợi ông giăng
lơ lửng lên khỏi ngọn tre xanh đen gật
gù.Bà ngồi còng còng như gốc cổ thụ dãi
dầu mưa nắng. Đàn cháu xúm xít làm nụ
làm hoa. Đứa cậy bé, sà vào lòng bà nũng nịu.
Đứa bíu quanh lưng bà. Đứa bò toài lê
la, nghênh nghếch mặt hóng về phía bà... Là trẻ
con, đứa nào không háo hức chờ nghe chuyện
ngày xưa. Sao chẳng có tôi trong lũ trẻ
đó? Bà ngoại tôi xa, bà nội tôi làm công nhân
cùng trong thị xã này, nhưng vẫn ở căn
hộ tập thể nhà máy mấy khi tôi được
gặp. Còn người bà cổ tích, nhiều lúc
tôi lại ngỡ đang ngồi trước mặt...
Khẽ cau mày mắng yêu lũ cháu vòi vĩnh
xong, bà bỗng móm mém cười. Bà hiền từ
ngẩng lên, khuôn mặt ngời ngợi ánh trăng,
nhẩn nha câu vào chuyện muôn thuở. Rằng
ngày xửa ngày xưa... Tiếng bà rủ rỉ xa
gần, lúc vui lúc buồn. Như tiếng ngân của
cỏ cây xóm mạc. Như tiếng vọng của
đất cát trời đêm...
Chuyện bà kể, dắt díu miên man, tối này
gối sang tối khác. Bà là nguồn cổ tích chẳng
bao giờ vơi cạn. Tôi trông rõ dòng chảy
sóng sánh lấp loáng. Tôi nhảy xuống tùm tũm
tập bơi, tập lặn. Nước mát vỗ
quanh tôi nổi bọt. Hoa sóng phập phồng bao
bóng dáng kì ảo của cô Tấm, chàng Sọ Dừa,
nàng Tiên, ông Bụt. Rồi quan Trạng, lão Phú
ông...
Những nhân vật ấy tôi thuộc tự tấm
bé, thuở vỡ lòng học chữ, bà nội mua
cho quyển truyện tranh làm quà. Tôi đã biết
đánh vần từ tập "Tấm Cám"
đó. Bây giờ vẫn thèm nghe ai kể lại,
cho mình ôn đủ câu nhớ câu quên. Biết tìm
đâu người xưa cũ ấy? Bà nội
tôi tất bật suốt ngày. Lâu lâu mới thấy
bà phóng xe máy ghé qua. Mãi gần đây, cô tôi
đi lấy chồng, chú út vào đại học,
bà có dịp đến nhà tôi lâu hơn.
Nhớ lần ấy, chú mèo con cứ quẩn
bên bà. Tôi đuổi mãi không xong, tức lắm,
dư dứ định đá nó mấy lần. Bà
cười vuốt ve lưng con vật, nựng nịu
như nói cùng ai: "Tội nghiệp nhỉ... Bé
tí thế này sao cứ bị dậm dọa. Thôi nằm
ngoan ngoan đây nào..."
Tôi lạ lùng nhìn con vật tinh nghịch cuộn
khoanh góc ghế ra vẻ khoái chí. Suốt buổi
nó không còn chạy trước nhảy sau, vướng
víu lung tung nữa. Tiếng gừ gừ chú mèo con,
êm ả như của đêm trăng nào quen lắm.
Như tự thời con vật còn hiểu
được tiếng người.
Tình cờ, bà đến bên cửa sổ, có chậu
cảnh chả hiểu sao héo rũ. Bà xuýt xoa:
"Thứ hồng quế này quý lắm. Ai nỡ
để chết khô thế này. Nào, hồng tươi
lên nhé..." Ngọn cây mềm oặt, dưới
cơn mưa nhẹ tay bà, chợt cứng cáp đứng
lên. Mấy nụ xúm xít he hé nở. Nụ bụ
nhất xòe cánh hoa đỏ thắm ngan ngát. Tôi
đứng lặng giữa làn hương hồng
lâng lâng, chợt tưởng đến đâu
đây, những giàn lý búi nhài. Có lẽ mình
đang được sống cảnh bà kể chuyện
thật chăng?
Hoa còn nở, bà đã phải về. Con mèo meo
meo muốn vọt theo. Tôi vội cúi xuống bế
nó lên, đặt ngồi bên bậc cửa cạnh
chậu hồng. Mấy đứa chúng tôi cùng mê
mải, dõi theo mãi bóng xe máy tàng tàng của bà,
đang hòa dần trong dòng sáng đường phố
vừa lên đèn. Đông đúc. Vội vã... Tấm
áo công nhân bạc phếch vai, và mái tóc cắt cao
uốn gọn, với mùi khói xăng xe, tìm đâu
trong chuyện ngày xưa?./.
Anh Vũ