GẶP LẠI


Minh hoạ : Trương Hiếu

Chiếc xe vừa thắng lại, tiếng đẩy cửa sắt cót két, xe chầm chậm chạy vào độ khoảng 10 mét rồi dừng hẳn. Tiếng ổ khoá khua lanh canh, hai cánh cửa sau được mở toang, một luồng gió lùa vào. Tôi sảng khoái. Tên lính nguỵ khom người xuống đẩy chiếc băng ca, bốn chân sắt chạm dưới lườn tạo một âm thanh rờn rợn. Những tia nắng ban mai chiếu lấp loá, tôi choá mắt đành nhắm lại...

- Thưa bác sĩ, đây là tên Việt cộng bị ta bắt trong trận càn quét vào mật khu Ngãi Tứ. Nó rất gan lì, đã bị thương còn cố bắn chặn cho đồng đội thoát, làm bên ta chết thêm 10 người. Khi hết đạn, nó mới chịu thúc thủ.

Tên lính nói một hơi dài như muốn phô trương vẻ yêng hùng của bọn chúng, rồi đưa tay vào túi áo lấy tấm giấy chuyển bệnh ra trình.

Vị bác sĩ thản nhiên cầm lấy chuyển qua cô y tá. Chân tôi được ông ta nghiêng qua xem xét. Tên lính có vẻ bực tức, mặt nhăn nhúm trông khó coi.

- Cô cắt hết băng nơi chân chú ấy ra - Ông bảo cô y tá.

Mũi kéo lành lạnh chạy dọc theo xương ống quyển. Tôi cố ngồi lên. Mảnh băng vừa bung ra. Thân tôi nhột nhạt, khó chịu còn hơn bị những cực hình nơi địa ngục. Bởi những con dòi từ trong vết thương, chúng nhung nhúc chui lên bò quanh vùng da thịt lở lói. Cô y tá rửa sạch vết thương. Vị bác sĩ nhìn vào, rồi ngẩng lên nói với tên lính:

- Sao các anh để đến nông nỗi này?

- Nó là Việt cộng - Tên lính đáp cộc lốc.

- Anh nên nhã nhặn một chút. Dù là gì đi nữa nhưng đến đây, tôi xem anh ta là một bệnh nhân.

Lời bác sĩ như trăm nghìn mũi kim xuyên vào não làm mặt tên lính co rúm lại, trông thảm hại. Tôi cố nén sự khoái cảm trong lòng...

Đang thay băng, giọng cô y tá chợt xa vắng:

- Vết thương của anh hôm nay sắp bình phục. Hình như vài hôm nữa bên an ninh quân đội, họ qua nhận anh về.

Tim tôi co thắt. Có hơn nửa tháng nằm đây, tôi bị cuốn hút vào đôi mắt hiền từ cùng nụ cười của cô. Điều đó dễ dàng làm tôi quên đi nỗi đau của người chiến sĩ bị thương sa vào tay giặc. Giờ sắp xa cô, làm sao tôi không buồn. Biết cô có buồn như tôi không?

Trăng thượng tuần lên cao lấp loáng ngoài vuông sân bệnh viện như trải nhẹ qua hồn tôi chút gam màu quê hương. Đêm yên ắng, chỉ còn tiếng thở, tiếng ngáy, tiếng rên khe khẽ của bệnh nhân. Có tiếng chân bước vào phòng, tôi chống tay ngồi dậy. Cô y tá đã đến bên đầu giường, thấy tôi định hỏi, cô vội đưa ngón tay lên môi ra hiệu. Cử chỉ lạ lùng của cô làm tôi rất đỗi ngạc nhiên. Chắc có việc gì đây? Chưa chi cô xoay người lại, đi ra. Tôi lo lắng. Định tâm lại, tôi mở nhanh gói giấy mà cô vừa để nơi đầu giường. Bên trong là một miếng thép không gỉ nhỏ dẹt, một mảnh giấy được xếp lại rất nhỏ, một bộ đồ được ủi thẳng tươm tất. Dưới ánh sáng lờ mờ của bóng đèn tròn, tôi đọc nhanh những dòng chữ viết vội trên mảnh giấy. Rồi hành động...

Trong bệnh viện đã có người vào ra, sự sinh hoạt ngoài cổng được đánh thức. Tôi ung dung thả từng bước như người đi nuôi bệnh. Cố chịu cơn nhức, tôi bước nhanh. Vừa quăng cái còng vào lỗ cống, nghe tiếng xe máy dừng lại ở phía trước, tôi giật mình. Cô y tá giục: "Nhanh lên...". Tôi ngồi phắt lên cái ba ga phía sau. Cô tăng ga, chiếc xe vun vút qua những con đường vắng tanh. Chân tôi buốt nhức vì dằn sóc, hai tay quờ quạng tìm chỗ bấu. Có lẽ cô hiểu, nên nói to lên trong gió: "Anh ôm chặt vào người em...". Đến ngã ba Cần Thơ, cô điều xe lao nhanh qua. Tôi chồm người về phía trước: "Sao cô không ghé ở ngã ba dễ đón xe hơn?". "Anh không thấy đồn cảnh sát ở đó à!".

Cô cho xe dừng lại trên một đoạn đường vắng. Một chiếc xe Hồng thập tự cùng vừa trờ tới. Cô tiến đến bên ca bin dặn dò điều gì đó với anh tài xế, rồi quay lại. Tôi chưa kịp nói lời từ biệt, bỗng cô nắm chặt bàn tay tôi, giọng nồng nàn trầm ấm: "Chúc anh gặp nhiều may mắn".

Qua khung cửa, qua ánh đèn phía sau, tôi thấy cô vẫn còn đứng bên vệ đường trông theo. Lòng tôi tê tái.

Bàn chân tôi đã đi khắp phố phường Sài Gòn nhưng không một nơi nào nhận tôi vào làm. Họ dửng dưng trước những lời xin việc, mặc dầu tôi chỉ cần hai bữa cơm thôi. Tôi thầm nghĩ, cùng là con người với nhau, sao họ không có tình thương nhân loại như những người ở quê tôi. Hay họ sợ tôi điều gì? Cuối cùng tiền cô cho tôi cũng hết, cái đói lại cồn cào trong bụng. Đang lang thang, chợt một thanh niên hai chân cụt tới gối ngồi trên chiếc xe lăn bên hè phố ngoắc tôi lại, có lẽ anh ta thấy tôi đi khập khiễng.

- Mày là thương phế binh hả?

Tôi đáp liều:

- ừ!

- Mày vào hội chưa?

Tôi nào biết hội gì? Cũng đáp liều:

- Chưa.

- Thôi mày theo tao mà sống, tao sẽ giúp...

Như kẻ chết đuối vớ được cái phao, còn gì bằng! Tôi theo anh ta. Nhà anh nằm ngoài mặt tiền trên đường Khổng Tử. Anh ta nói vẻ tự hào: "Đây là khu thương phế binh do bọn tao tự chiếm, rồi cất, chứ chẳng có con "ma" nào cấp. Mày thấy có oách không? Tôi ngồi yên lặng lắng nghe. Anh ta "đế" luôn: "Bọn tao ở đây tự do ăn, tự do nói, tự do chửi, đ.sợ thằng chánh quyền...". Bỗng giọng anh chùn xuống: "Vậy mà con vợ tao, nó đành đoạn bỏ đi lấy Mỹ...!".

Mỗi sáng, tôi đẩy anh đi góp tiền chỗ ngoài chợ Cầu Muối, nơi bọn họ độc quyền. Đổi lại, tôi cũng có ít tiền tiêu vặt cùng hai bữa cơm và không biết bằng cách nào anh ta làm được một thẻ thương phế binh, một giấy chứng chỉ giải ngũ cho tôi. Giờ tôi là một công dân hợp pháp sống trong ngôi nhà của anh. Vậy mà tôi chưa tìm bắt được liên lạc để quay về với đơn vị. Không lẽ phải sống mãi thế này sao? Tôi nghe nhịp tim gõ buồn, lại nhớ những ân tình chan chứa ẩn trong đôi mắt của cô y tá mà mấy lâu vẫn còn xốn xang trong lòng tôi...

Tiếng súng nổ ròn tan khắp đường phố, mọi người ngờ bọn lính nguỵ dùng súng thay pháo đón giao thừa. Ngoài đường, tiếng động cơ rú ga đinh tai nhức óc hoà cùng tiếng đạn bom ì ầm. Lửa trong tim như được nhen lên, lòng tôi xôn xao. Trong nhà, giọng say rượu lè nhè của anh ta vọng ra: "Sao mày không vô, Việt cộng đến chúng giết hết cả lũ!". Tôi cười thầm... Tiếng chân rầm rộ của đoàn quân giải phóng đang băng qua lộ. Tôi vội vã chạy theo. Vài anh bộ đội chĩa súng bắn vào tôi, chặn lại. Tôi vén ống quần lên chỉ vào vết thương, tỏ rõ nhanh chóng cảnh tình. Vị chỉ huy tiến lại nhìn tôi phân vân...

***

Ông tiểu đoàn trưởng ngồi xuống bên tôi, giọng từ tốn:

- Cuộc họp Chi bộ chiều qua, ban lãnh đạo nhất trí cho chú nằm an dưỡng, đây là nơi an toàn. Tôi định phân trần. Hình như ông hiểu ý, vội tiếp:

- Trên chiến trường cũng như trong lao động, chúng ta cần có sức khoẻ. Vì thế, chú cứ an tâm.

Tôi yên lặng, thở dài.

Khi phần lý lịch của tôi được đơn vị gởi ra, vết thương nơi chân chưa được lành hẳn. Tôi được điều về công tác ở địa phương Bình Long.

Thoắt đó, đã 7 năm. Giờ tôi là một thanh niên ở tuổi 27 tràn đầy sức sống và dày dạn trong chiến đấu. Những tin chiến thắng từ mặt trận trên khắp các miền đất nước giòn giã bay về. Rồi cuộc chiến đến hồi kết thúc.

Trong ánh nắng chói chang của một ngày cuối tháng tư, tôi lại tìm cô. Hơn một tiếng đồng hồ vòng quanh hết các phòng, các trại trong bệnh viện Vĩnh Long, hỏi thăm, không ai biết được về cô. Tôi liền tìm đến vị bác sĩ, nhưng ông đã về hưu và cũng không ai biết rõ hiện giờ ông ở nơi đâu? Tôi thất vọng.

Hơn hai năm phục viên về quê nhà, lòng tôi lúc nào cũng khao khát gặp lại cô y tá, lúc nào cũng mải miết kiếm tìm, nhưng tin tức về cô như phiến mây gầy bay ngang giữa chiều. May sao có một hôm người bạn rủ tôi đi tìm cô vì cô chính là nhân vật mà anh cần gặp để viết bài. Đi quanh co khắp mấy thôn rồi, chúng tôi cũng gặp được một bác nông dân cho hay:

- Trước đây, cô ấy đang đi thực tập ngành gì đó, tôi không được rõ lắm. Không biết vì sao cô bị địch bắt rồi buộc tội làm Việt cộng. Nghe đâu bọn chúng dùng đủ mọi cách tra tấn, cô kiên quyết không nhận. Chúng mới đày cô ra Côn Đảo. Tại đây, cô tham gia vào phong trào, đấu tranh chống chào cờ ba que, vận động chị em đòi hỏi cải thiện chế độ đối với nữ tù nhân nên bị chúng nhốt vào chuồng cọp...

Rồi bác còn kể tiếp:

- Hoàn cảnh cô ấy rất đáng thương. Lúc ở Côn Đảo về, cha mẹ đều qua đời, cô là con một nên phải ở nhà lo hương khói. Cô chỉ nhận công tác phụ nữ ở địa phương để có thời gian rảnh rỗi chăm sóc ruộng vườn. Còn việc chồng con, tôi già cả ít đi đâu, nên không được biết.

Ngôi nhà cô nằm khuất sau khu vườn toàn cây tạp trong một ấp thuộc xã Tích Thiện, phía trước là dòng sông Hậu xuôi về Cần Thơ. Trong nhà vắng lặng, chúng tôi ra đứng ngắm những bông hoa đang khoe sắc trong ánh nắng heo hắt giữa chiều tà.

- Cô chủ nhà ơi...! Cô chủ nhà ơi...!

Độ hơn phút, một phụ nữ khoảng gần 30 tuổi trong bộ bà ba đen vừa ra vừa tháo cái khăn rằn quấn nơi cổ lau lau hai tay, rồi hỏi:

- Hai anh tìm nhà ai vậy?

- Thưa cô... có phải đây là nhà cô Thanh...?

Tôi bỗng reo lên. Thôi, đúng là em rồi! Tiếng reo của tôi quá to làm cô giật mình, sửng sốt nhìn tôi chăm chú hồi lâu:

- Anh... là... anh Thới. Lê Minh Thới phải không? - Tiếng cô lập bập.

Tôi gật gật đầu rồi tiến lại. Bỗng có tiếng xe tắt máy ngoài rào, một người thanh niên dẫn chiếc Honda 67 đi vào nhìn hai đứa tôi rồi gật đầu chào. Cô lên tiếng giới thiệu:

- Đây là ông xã nhà em, anh Thới còn nhớ ảnh hông?

Như bị cú sốc, tôi đứng tần ngần. Có lẽ hiểu được tâm trạng tôi, cô nhắc với giọng lắng buồn:

- Ông xã em chính là người lái chiếc xe Hồng thập tự trong đêm đưa anh đi thoát đó... Chúng em mới cưới nhau...

Anh tiến lại, bắt tay tôi niềm nở. Đâu đây tiếng chim vót giọng gọi mùa.

Vương Sĩ Ca

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC