ÔNG NGHÈ THỨ TƯ

Bảo vệ xong luận văn tiến sĩ nông nghiệp, tôi xin nghỉ phép. Chi phí cho ba năm đào tạo, Bộ Giáo dục - Đào tạo và trường đại học lo cho tất. Thế mà tôi cũng phải góp phần, ngót nghét mười triệu. Nghe nói, có người còn mất gấp ba... Vợ tôi an ủi: - Thôi cũng may anh ạ! Đã là cá chép, muốn hoá rồng thì trước sau cũng phải vượt vũ môn. Dù sao thì cũng là bằng thật, học thật, dạy thật... nên không mắc tội với tiên tổ. - Biết mình vẫn chưa hoá Rồng nhưng nghe vợ nói, tôi cũng thấy vui. Suốt ba năm đèn sách, không chỉ mình tôi vất vả. Vợ tôi cũng héo hon... Nghỉ phép chưa được hai ngày thì ông bác trưởng tộc ở quê nhắn tôi về gấp.

***

Gọi là bác nhưng ông chỉ hơn tôi khoảng mười tuổi. Ông thuộc chi trên. Lại là con cả. Ông mặc một chiếc áo the xanh, đầu đội khăn xếp. Đứng ở bậc cửa nhìn vào, lúc đầu tôi cứ tưởng đó là một diễn viên điện ảnh đóng vai cụ tiên chỉ trong một bộ phim truyện nói về thời phong kiến... Ông ngồi trên chiếc sập gụ. Vẻ mặt trầm tư... Thấy tôi vào, ông vội đứng dậy, xỏ chân vào đôi giày da, mác Tàu màu gụ, đánh xi bóng nhoáng. Tôi cứ tưởng tượng đôi giày ấy đang "tuyên chiến" với cái áo the và chiếc khăn xếp. Ông bảo phải ăn mặc nghiêm chỉnh để tiếp tôi. Theo tộc phả, ông là bề trên nhưng trong xã hội phải biết tôn trọng người có nhiều chữ hơn mình...

- Cháu mới về đấy à? Xe để đâu? - Phải đến hơn một phút tôi mới hiểu hết ý câu ông hỏi.

- Thưa bác! Cháu đi tàu hoả... Từ thị xã về làng bằng... xe ôm.

- Vất vả quá! Vất vả quá... Đáng ra phải có xe con đưa cháu về tận nhà. Ngày xưa, như cháu là phải có võng, có lọng ấy chứ! Dân làng phải vái chào từ chân đê kia đấy! Ông nghè vinh quy chứ bỡn?

Tôi suýt bật cười thành tiếng... Bác tôi nói tiếp:

- Chiều nay họp cả họ. Không sót một người. Bàn thêm chuyện ăn mừng cháu đã vinh quy. Trong họ Nguyễn ta, cháu là ông nghè thứ hai. Nếu tính cả họ Bùi... thì thứ tư. Mỗi bên... hai ông. Thế là chẳng bên nào hơn bên nào! Là thứ nghè thật nên phải ăn mừng! Vừa rồi trên tỉnh kiểm tra, ối ông bằng giả đấy! Mà cũng chỉ mới là cử nhân, kỹ sư! Đàng này lại là tiến sĩ. Của này hiếm lắm...

Đến đây thì tôi không nhịn được cười. Bác tôi nghiêm mặt:

- Việc nghiêm túc thế, sao cháu lại cười? Bác đã chỉ đạo cả họ chuẩn bị hàng tháng đấy! Cỗ bàn chủ lực đã có năm con lợn. Lợn ta thôi. Lợn lai kinh tế không giã được giò! Thêm một trăm con gà. Gà ri chứ không phải gà công nghiệp đâu nhé! Giống gà công nghiệp chỉ được cái to con chứ thịt thì nhạt thếch. Mỗi nhà đóng hai con... Rượu thì cất từ nếp hoa vàng. Lại ủ thêm rượu nếp, chắt nước cốt trộn vào. Đậm mà không nhức đầu. Chứ thứ rượu Tây ngoài thành phố dù có lấy tên hoàng đế Napoleon cũng không bằng. Lại thêm khoản này... Bí mật đấy! Món thịt hươu. Đã đặt mua hai con ở tận miền Trung. Giống ấy bây giờ xuống giá thậm tệ. Một thời vang bóng. Nay đã nhường ngôi cho... gấu. Họp họ xong, cho người đi ngay đêm nay. Thuê hẳn một xe tải hai tấn. Gì chứ cánh họ Bùi... cứ phục sát đất!

Quả thật tôi không ngờ sự việc lại diễn ra như thế. May mà trước lúc về quê, tôi có gặp cậu Thắng. Theo cách gọi của ông bác, Thắng là "ông nghè thứ ba". Bảo vệ tiến sĩ ở nước ngoài trước tôi một tháng. Cậu ấy kể lại, họ Bùi cũng có bàn tới việc ăn mừng. Tranh luận nẩy lửa... Cũng định làm món bê thui và ngan quay cho lạ miệng. Cũng định mời một ban nhạc sống cùng với đoàn chèo tỉnh về biểu diễn. May sao, cuối cùng chỉ làm có ba mâm với hai con gà, một cỗ lòng lợn và mấy miếng cá thu nướng... Tôi cố thuyết phục ông bác:

- Thôi bác ạ. Ta nên liên hoan như anh Thắng đã làm. Vừa tiết kiệm, vừa tránh được thiên hạ chê cười. Vả lại, quê mình còn nghèo. Vừa rồi lại bị lừa mất khối tiền trong vụ đi lao động Đài Loan... Đến đây thì bác tôi nổi nóng thực sự. Cứ theo cách xưng hô là biết ngay.

- Thì ra mày cũng mất gốc chẳng khác thì thằng Thắng. Tao muốn họ Nguyễn mở mày mở mặt với xóm làng mà mày nỡ phá đám. Mày ngu thật! Nó là tiến sĩ ngoại, họ Bùi có làm láo nháo cũng chẳng sao. Đằng này mày chỉ là "nghè nội", phải làm cho tươm để bù lại chứ? Mày nỡ để họ Nguyễn mất mặt hay sao? Là tao nói thế thôi chứ "cái ngoại" của nó chắc gì đã bằng "cái nội" của mày? Nó là tiến sĩ khoa học viễn thông, việc cụ thể là mấy cái điện thoại di động. Thứ ấy họ hàng nhờ vả được gì? Sắm một cái để a-lô mất đứt... ba tấn thóc! Ngay cái ngoài trụ sở uỷ ban xã, có dây hẳn hoi mà cũng hỏng lên, hỏng xuống! Nghe nói thỉnh thoảng lại nghẽn mạch, cứ như cái nạn tắc xe ở các thành phố lớn. Còn mày, cứ vài tháng đem về cho bà con một ít giống mới năng suất cao, ít sâu bệnh... là họ mang ơn suốt đời. Có khi lại được phong Anh hùng chứ chả chơi?

Thì ra thế! Cái "bệnh sĩ" sau luỹ tre làng tưởng đã mất đi nay bỗng nhiên đang sống lại. Tôi đành làm kế hoãn binh, xin phép ông bác về suy nghĩ. Nghe chuyện, mẹ tôi cứ thở dài: "Khốn khổ cho con tôi! Nghè với chả Trạng!"...

***

Tôi quyết định đi tìm "đồng minh". Đến ông anh con bác ruột, một nhà văn đã nghỉ hưu.

- Thế nào? Chú vừa ra trước "vành móng ngựa" chứ gì? Cũng tương tự như cậu Thắng thôi! Ba tuần trước, làng quê cứ rộn cả lên vì chuyện mấy ông nghè. Đang yên lành mà cứ như chiến tranh sắp xảy ra! Khiếp!

Nghe anh hài hước, tôi cũng bớt buồn. Tôi kể lại cuộc gặp bác tộc trưởng. Hỏi anh cách xử trí thế nào cho ổn. Anh lại cười:

- Chú cứ yên tâm. Đâu có đấy! Chẳng qua bác ấy muốn thử gân chú một lần cuối nên mới gọi chú về. Bác tộc trưởng đã chủ trì hai cuộc họp họ. Chú mà dự thì chắc hôm nay hai anh em mình đã không còn gặp nhau...

Tôi nóng ruột ngắt lời anh, muốn biết cái hoạ suýt xảy ra. Anh lại cười:

- Ngoài chuyện "tam sinh" nghĩa là lợn, gà, hươu... bác ấy còn đề nghị mỗi hộ đóng một ít tiền để xây nhà thờ... cho chú. Bác ấy bảo cụ nghè thứ nhất đã có nhà thờ. Chẳng lẽ ông thứ hai trong họ, ông thứ tư trong làng không có nơi thờ cúng. Cứ lo trước đi là vừa. Không biết bác ấy nghe ai nói họ Bùi cũng đã có quyết định tương tự... Chuyện có thật mà nghe cứ như bịa. Lo cho con cháu mà cứ như rủa cho chúng nó chết sớm!

Nhà văn không nói gì thêm về chi tiết hai cuộc họp đó. Anh rủ tôi đi thăm bà con, bạn bè. Không thăm họ sẽ trách. Nhân đó sẽ biết thêm nhiều điều... Có điều tưởng đã rơi vào dĩ vãng không bao giờ trở lại thì bỗng nhiên lại quay về. Cả "bình", cả "rượu"... cứ nguyên xi như cũ, như vừa mới hôm qua.

Làng tôi có hai họ lớn. Nguyễn và Bùi. Tộc phả, gia phả đã thất lạc từ lâu. Chỉ còn truyền miệng nên không tránh khỏi "tam sao, thất bản". Tổ tiên về đây khai phá từ ngàn xưa. Tới nay đã đến tộc hệ thứ hai mươi sáu. Hiềm một nỗi, làng quá nghèo. Nghèo nên từ thuở khai thiên lập địa đến trước Cách mạng Tháng Tám ít người được cắp sách tới trường. Vì thế mới chỉ có hai ông nghè. Chia đều cho hai họ...

Có những điều, vừa khó hiểu, vừa dễ hiểu. Hễ khi đất nước có việc trọng đại thì hai họ luôn luôn đùm bọc lẫn nhau. Chống ngoại xâm thời phong kiến, chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, hợp tác hoá, khoán 10... cứ răm rắp. Thời chiến, một người họ này ngã xuống là cả họ kia đau buồn như chính ruột thịt của mình. Thế mà, hễ cứ liên quan tới cái danh, cái sĩ... là y như rằng có chuyện lục đục. Những người trong họ Bùi thì bảo cấp nghè của ông tổ mình cao hơn ông nghè họ Nguyễn. Học vị dễ phải ngang tầm với Trạng nguyên. Bằng chứng là, trong các lễ hội khi chia phần bao giờ cụ cũng được thêm... cái thủ lợn. Người trong họ Nguyễn thì bảo nhờ chức tri huyện nên ông nghè họ Bùi mới được đặc ân, chứ cái vốn chữ thì thua đứt ông nghè họ mình. Có người còn khẳng định ông nghè họ Nguyễn chính là bạn thân của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, người đã từng chỉ huy công cuộc khai hoang, lấn biển. Chữ có giàu như nhau thì mới là bạn tri kỷ... Bây giờ đến lượt Thắng và tôi. Một ông nghè ngoại, một ông nghè... nội!

Qua câu chuyện với bà con xóm làng cùng với những gì còn đọng lại trong ký ức, tôi thấy nguyên nhân sâu xa về tính thủ cựu của bác tộc trưởng cũng dễ hiểu. Suy cho kỹ, cũng thấy tiềm ẩn một nét đẹp.

Từ lâu ở làng tôi đã có hội tư văn. Một kiểu "hội đồng khoa học" ở làng. Đấy là một tổ chức gồm những người có bằng cấp kể cả bằng sơ học yếu lược, ngang với lớp bốn bây giờ. Trước Cách mạng Tháng Tám trong hội chưa có tú tài, cử nhân, nói chi đến phó tiến sĩ, tiến sĩ... Người theo tân học có bằng cấp cao nhất làng chính là thân phụ bác tộc trưởng. Cụ đỗ thành chung. Tiếng Pháp gọi là "đíp-lôm", tương đương với lớp chín bây giờ. Bố là nhà giáo nhưng con trai lại không mặn mà với cái chữ. Lớp nào cũng phải... "đúp". Học hết lớp ba thì bỏ. Cụ buồn vì đứa con trai duy nhất không kế thừa được gia phong.

Con người đến lúc xế chiều thường dễ hối hận. Hối hận thì nhớ tới cha ông. Ông tộc trưởng khẳng định trong một cuộc họp: "Kẻ ít chữ phải kính trọng người nhiều chữ". Thế mới có chuyện lễ mừng ông nghè thứ tư vinh quy về làng...

Cuộc họp toàn họ Nguyễn lần thứ ba không thành. Những nhà nghèo thở phào nhẹ nhõm. Những nhà khá giả có tiếc ít nhiều về chuyện thịt hươu và rượu pha huyết hươu... Vừa đến vụ gặt, công việc ngày mùa ngổn ngang... Họ chóng quên chuyện mừng ông nghè thứ tư. Thế là, cuối cùng tôi cũng "thoát nạn".

***

Hôm ra đi, nhiều người thân và bạn cũ tiễn chân tôi tới bến xe ôm ngay tận chân đê. Ông anh văn sĩ vẫn hài hước:

- Thôi thế là ổn! Chứ cứ cái đà sính bằng cấp như hiện nay thì ít nữa các ông nghè có khi còn đông hơn nông dân! Nhà thờ cứ mọc lên như nấm. Đâu còn đất cấy lúa, trồng khoai! Mỗi nhân khẩu may lắm chỉ được chia vài mét vuông đất. Có khi lại phải đi xây dựng vùng kinh tế mới mãi tận... sao Hoả...

Tôi nhắc anh việc đã rồi, nói đi nói lại chỉ tổ mất đoàn kết. Anh cười:

- Anh đùa tí tôi mà! Chú cứ yên tâm chuyện quê mình. Lớp trẻ tuy có lúc chệnh choạng nhưng vẫn chưa quên tiên tổ. Cánh già thủ cựu nhưng nói cho rõ ngọn ngành cũng biết phục thiện. Đa số cựu chiến binh vẫn giữ được phẩm chất anh lính cụ Hồ. Đảng bộ cũng đang vươn lên tầm trí tuệ. Anh chỉ lo chú đã "mang mũ, thắt đai" không khéo lại chẳng làm thêm được gì cho đất nước...

Từ xa, tôi nghe tiếng gọi tên mình. Thì ra bác tộc trưởng. Ông ấy ôm lấy tôi, bảo tôi bỏ qua câu chuyện hôm nào. Dặn tôi một lần nữa, hễ có giống lúa năng suất cao, ít sâu bệnh, lại hợp với xuất khẩu... thì cứ gửi về, càng nhiều càng tốt.

Tôi lại lên xe ôm... Đang mải mê nghĩ tới quê hương, nghĩ đến cái "vòng xoắn ốc" của lịch sử sau luỹ tre làng, tôi chợt nghe tiếng chim tu hú đang gọi bầy sau những chùm vải thiều chín đỏ.

Tiếng chim như nhắn nhủ nhiều điều.../.

Truyện ngắn Đan Hoà

(Tháng 12 năm 2000)

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC