Thông thường, ở mỗi khu tập thể
là một tập hợp những người tứ
xứ với nhiều ngành nghề khác nhau. Thế
nên, việc không hiểu rõ gốc gác những người
láng giềng cũng là chuyện thường tình.
Nhà tôi với nhà anh Thịnh ở kề vách cũng
vậy. Vợ anh cùng làm việc với chồng
tôi ở bệnh viện K. Còn anh, nghe nói, trước
đây là cán bộ An ninh hoạt động trong vùng
địch từng vào sinh ra tử. Nhưng đấy
là chuyện thời đánh Mỹ. Còn từ ngày
anh về hưu với quân hàm trung tá, thì đấy
là một người đàn ông điềm đạm,
kiệm lời. Hàng ngày, ngoài việc chăm nom
dăm mái gà đẻ, tưới tắm vài chậu
cảnh, tôi thường thấy anh ngồi đọc
báo ngoài hiên.
Còn tôi là nhà báo, quanh năm tất bật những
chuyến đi, hễ về đến nhà lại
cặm cụi ngồi viết. Với anh Thịnh,
tôi cũng ít có dịp hàn huyên. Nhưng anh lại
hay quan tâm đến công việc của tôi. Mỗi
lần đọc báo thấy có in bài tên tôi, anh thường
đọc kỹ rồi gật gù bảo: "Bài
này chị viết sắc đấy". Hoặc:
"Theo tôi, giá như chị khai thác thêm khía cạnh
này sâu hơn nữa...".
Một hôm, biết tôi lại sắp đi công
tác xa, anh Thịnh nói:
- Lần này vào thành phố Hồ Chí Minh, chị
có qua quận Bình Thạnh không?
- Tôi làm việc ở quận 1, rồi đi các
tỉnh miền Tây. Nhưng anh cần nhắn gì
hay gửi thư cho ai ở Bình Thạnh tôi sẽ
chuyển giúp. Hình như hồi Mỹ nguỵ chiếm
đóng Sài Gòn, anh hoạt động ở trong
đó lâu hả? Có lời hẹn ước nào với
ai đó ở Bình Thạnh chăng?
Tôi hỏi đùa. Nhưng anh Thịnh trả lời
nghiêm trang:
- Hẹn ước thì không. Chỉ có một người,
tôi phải mang ơn cứu mạng. Hiềm một
nỗi trong lúc vội vã, tôi chẳng kịp hỏi
rõ tên tuổi, giờ muốn tìm cô ấy cũng
khó lắm.
Thói quen nghề nghiệp thức dậy, tôi ghé
ngồi xuống bên anh:
- Chuyện ly kỳ vậy? Anh kể cho nghe nào.
- ờ, mà cũng chưa có dịp nào tôi kể
chị nghe chuyện này nhỉ. Hồi đó, tôi
là cán bộ An ninh hoạt động trong nội
thành. ở gần chợ Bà Đá có Năm Thạnh
là một tên chỉ điểm rất lợi hại.
Hắn làm việc ở Tổng nha cảnh sát
đô thành nhưng lại núp dưới cái vỏ
bọc là thợ mộc. Hắn chuyên đi sửa
đồ vặt trong lối xóm để lân la dò
hỏi. Hắn đã chỉ điểm cho địch
bắt được những cán bộ quan trọng
của ta. Tôi được lệnh phải khử
tên này.Hôm đó, tôi nguỵ trang là một người
đạp xích lô đi theo hắn. Tới con hẻm
đầu phố Trần Quốc Toản, hắn vừa
dựng chiếc môbilét trước quán sinh tố,
tôi liền đạp dấn lên, tới ngang chỗ
hắn, tôi rút súng. Vừa nhìn thấy mũi súng
trong tay tôi. Năm Thạnh đã la hoảng. Tôi vẩy
liền ba phát. Hắn gục ngay. Nhưng tiếng
súng và tiếng la của tên chỉ điểm
đã lọt tới tai bọn tuần cảnh. Bọn
địch huýt còi, rầm rập đuổi theo.
Tôi vội bỏ xích lô, vọt lẹ. Nhưng không
kịp. Một viên đạn bắn đuổi của
bọn chúng đã dính bắp chân tôi. Còn may là vết
thương chỉ sượt qua phần mềm.
Trong cơn nguy cấp, tôi luồn qua mấy con hẻm,
tới bờ rạch Thị Nghè. Trên con rạch
ở quãng này cũng như mọi khúc sông nhỏ
chảy qua thành phố, thường có những
túp lều tạm bợ của bà con nghèo cư ngụ.
Trước mặt tôi lúc ấy là dòng nước
đen hôi hám, mà có lội được qua bờ
bên kia chưa chắc đã thoát, lại càng dễ
bị lộ. Túng thế, tôi liều chạy vào một
nhà sàn ở sát mí nước. Tôi nhìn thấy một
cô gái đang ngồi cạnh bếp lửa. Trên bếp,
nồi nước sắp sôi. Cạnh đó là cái
bu nhốt đầy vịt xiêm với con dao và chậu
nước. Cô gái đang lựa bắt vịt thì
tôi chạy xộc vào. Cô ta tái mặt lắp bắp:
- Trời ơi, ai đó?
Tôi gắng bình tĩnh:
- Tôi là cán bộ giải phóng đang bị cảnh
sát rượt. Cô làm ơn...
Cô gái tròn mắt, lắc đầu lia lịa:
- Không. Ông ra khỏi đây ngay. Không thì tôi la
đây nè. Bớ làng nước...
Tôi vội xua tay:
- Cô đừng la, tôi sẽ lội qua sông.
Nói rồi, tôi dợm bước ra sàn, tính
phóng ngay xuống nước. Lúc ấy, cô gái bỗng
nghiêng đầu lắng nghe. Tiếng còi cảnh
sát đuổi bắt tôi đã đến gần.
Cô chợt nắm áo tôi kéo giật lại:
- Trời đất, ông bị thương rồi
mà. Chạy bây giờ cảnh sát bắn chết
đó. Ông ở lại đây.
Rồi cô hối hả vào buồng. Lát sau, cô
đi ra cầm theo một xấp quần áo cũ dúi
vào tay tôi:
- Quần áo của ba tui làm phu hoả xa đó.
Anh thay lẹ đi.
Tôi vội làm theo lời cô, cũng chẳng
để ý cô đã đổi cách xưng hô từ
bao giờ. Quần áo cũ tôi thay ra, cô gái gom vội
vàng rồi cho vào chiếc xô cũ móp méo, xúc ngay
dăm xẻng than lấp đi. Rồi quay lại,
cô ấn tôi ngồi xuống cạnh bu vịt. Tôi
tròn mắt nhìn cô thò tay bắt một vịt mái
kêu to nhất, đoạn cầm dao khía nhẹ cổ
vịt. Một dòng tiết vịt nóng hổi phun
ra. Cô cầm vịt giơ cao cho tiết vịt vung
vãi trên sàn nhà. Cả áo quần chân tay tôi cũng
tèm nhem tiết vịt. Rồi nhẹ tay, cô thả
con vịt xuống sàn. Con vịt còn sống kêu thảm
thiết, chạy cuống cuồng rồi lao đại
xuống mặt nước, vẫn không ngừng
quàng quạc kêu váng cả một khúc sông. Bọn
cảnh sát đã tới bờ rạch. Chúng chia
nhau xộc vào từng nhà tìm tôi. Có hai tên lăm
lăm tay súng xông thẳng vào túp lều tôi
đang ẩn náu. Nhìn thấy chúng sắp bước
vào lều, cô bỗng túm lấy tôi lắc dữ
dội, rồi vừa khóc vừa la lối om xòm:
- Tội nghiệp thân tôi chưa, chồng ơi
là chồng. Tối ngày đi đánh bạc, uống
rượu. Trưa chầy trưa trật mới
buồn mở mắt. Nhờ làm giúp con vịt
để tui nấu cháo gánh lên phố bán kiếm
đồng đong gạo thì làm xổng vịt mất
rôì! Cực thân tôi chưa? Hu hu.
Trong giây lát, tôi đã hiểu ra sự việc,
bèn làm bộ nổi xung, quát lên:
- Thì người ta trót lỡ tay. Gì mà la lối
dữ vậy.
Bọn cảnh sát đứng sững trước
cảnh tượng náo loạn. Một tên đeo
lon thiếu uý chợt nạt nộ:
- Chị kia im đi nào. Có thấy thằng Việt
Cộng chạy vô đây không?
"Vợ tôi" quệt nước mắt:
- Việt Cộng nào? Nó trốn ở đâu các
ông cứ tìm, tui hổng thấy - Rồi quay qua
tôi, lại tru tréo - Còn ngồi im đó hả?
Không nhanh tay làm sao tui kịp nấu cháo bán đây.
Chồng con thế này, thà tui chết cho đỡ
cực. Hu hu.
Hai thằng cảnh sát nhìn ngó khắp mái lán
ọp ẹp không thấy gì. Lúc quay ra, tên thiếu
uý còn trừng mắt nạt "vợ tôi":
- Hứ, cái thứ đàn bà trời đánh.
Ăn hiếp chồng hoài!
Kể đến đây, anh Thịnh nhấp một
ngụm nước, rồi nói thong thả:
- Thế rồi đêm đó, đợi đến
khuya, cô ấy chèo mủng chở tôi về căn
cứ. Trên đường đi, tôi khen cô xử
trí thông minh. Cô ấy cười nhỏ nhẹ:
"Em cũng run lắm chớ. Có điều, anh
Hai em cũng đi giải phóng in anh vậy. Các anh
sa vào tay giặc chắc chết. Em thương lắm
nên mới liều. "Khi chia tay, tôi hỏi tên,
cô chỉ nói: "Anh cứ kêu em là út".Anh Thịnh
ngồi lặng. Còn tôi cứ nghĩ miên man. ừ,
giả thử tôi có cất công đi tìm hộ anh
bạn hàng xóm một con người không rõ tung
tích và tên tuổi ở giữa một nơi đông
đúc như thành phố Hồ Chí Minh hiện giờ,
khác nào đi tìm bóng chim tăm cá. Nhưng tôi tin rằng,
một cô gái giàu lòng yêu nước, biết cách
ứng xử thông minh như cô út mà anh Thịnh
đã gặp sẽ có nhiều, ở khắp nơi,
khi đất nước mình có giặc./.
Nguyễn Thị Như Trang