Nửa đêm về sáng, trời chuyển mình bức
bối. Chị thức giấc vì cảm thấy ngực
mình căng tức, rạo rực đến khó thở.
Sợ con thức giấc, chị rón rén trở dậy
bước ra mở cửa sổ. Đêm cao nguyên
vật vã. Bầu trời loang lổ mây, khoảng
đen khoảng sáng. Thoảng như có hơi
nước? Mưa, mưa đi! Trong đời mình,
chưa bao giờ chị khát mưa như lúc này.
Chị khát cho mình, khát cho vườn cây với
ngàn vạn nụ hoa căng nhưng nhức đang
héo úa dần. Chỉ cần một trận mưa
thôi là ngày mai những nụ hoa kia sẽ tung cánh
trắng, hương thơm bị nén chặt bao
ngày sẽ bung ra ngào ngạt!
Cả huyện Đăk Hà này đang nghĩ chị
điên. Cà phê hai năm liền rớt giá, người
ta đã bảo nhau chặt hạ hay bỏ mặc
những vườn cà phê vật vờ, thì chị
lại cố công chăm bón. Vì sao, chỉ một
mình chị hiểu.
Ngày chị mới đến đây, vùng đất
này còn hoang hoá như chính nỗi lòng của chị.
Dưới con mắt của những hộ dân kinh
tế mới quanh đó, chị là một con đàn
bà chửa hoang. Chị lao vào làm hùng hục như
trâu. Làm để nguôi đi nỗi nhớ nhà.
Làm để quên đi nỗi tủi nhục bị
bỏ rơi. Đất ở đây tốt quá,
đỏ sậm như được ngào bằng
mật, cắm cây gì xuống cũng lên nhanh vùn vụt.
Thấy người ta trồng cà phê chị cũng
trồng theo, đau có biết cây có giá trị kinh
tế cao. "Cái số chị giàu!". Nhiều
người bảo thế khi bé Thương 5 tuổi,
vườn cà phê nhà chị trái sai chi chít, thương
nhân ở đâu kéo đến vườn nườm
nượp. Người ta tranh nhau mua, đua nhau nâng
giá. Nghe đâu bên châu Âu, châu Mỹ người
ta chặt hạ cà phê giống cũ thay giống mới
nên thị trường cà phê khan hiếm. Một
cân cà phê bằng mười cân lúa. Chị trở
thành triệu phú mà ngỡ như trong mơ. Chị
chưa biết dùng số tiền ấy vào việc
gì thì có người khuyên nên mở rộng diện
tích cà phê. Chị nghe theo và lại trúng lớn.
Đúng lúc ấy thì hắn trở về. Gần
chục năm trời hắn không thèm ngó ngàng
đến mẹ con chị, bây giờ hắn ngang
nhiên tuyên bố nhận con. Hắn đã bị cắt
chức vì tội tự ý cho chặt cao su để
trồng cà phê. Chị biết thế nhưng vẫn
mủi lòng trước lời lẽ của hắn:
"Bây giờ không vướng bận tổ chức,
anh sẽ hết lòng chăm sóc mẹ con em". Vì
con, chị lại một lần nữa xiêu lòng.
Những tháng đầu về ở với chị,
hắn hết lòng thật, cũng xăm xắm làm
cỏ bón phân. Có tiền, có chồng, chị trẻ
lại thời con gái. Giữa vườn cà phê bạt
ngàn hoa trắng, chị nâng một cành lên ngửi,
bảo hắn: "Anh xem, hoa cà phê rất giống
mùi hoa bưởi này!". "Giống mùi tiền
thì có!" - Hắn cười hềnh hệch rồi
ôm thốc và rúc đầu vào ngực chị y như
những lần trong rừng cao su rợp lá 10 năm
về trước. Xung quanh hai người, từng
đàn bướm bay lơi lả, có con lao vào cả
mặt chị. Lúc này chị mới để ý cứ
đến mùa hoa nở, vườn nhà chị lại
có rất nhiều bướm. Những con bướm
xanh đỏ tím vàng đủ loại, khi hết
mùa hoa chúng lại biến đi đâu mất
tiêu. Oằn mình trong vòng tay hắn, chị đem
điều thắc mắc này ra hỏi. Là kỹ sư
nông nghiệp nên hắn quá rành. Hắn chỉ cho
chị thấy những cái kén sâu treo lủng lẳng
dưới tán lá cà phê, giảng giải: "Bướm
từ đó chui ra hút mật, giao hoan rồi lại
đẻ trứng vào lá, trứng nở thành
sâu...". Hắn nói chưa hết câu, bất
giác chị nhếch mép cười. Nhận ra, hắn
díp mắt, nhăn nhở: "Hỏi vớ hỏi
vẩn", rồi lại vục mặt vào ngực
chị.
Cũng vào mùa hoa năm đó có một người
đến hỏi thuê vườn nhà chị để
đặt ong. Thâm tâm chị không thích những con
ong, cho rằng bướm ong là loài bạc bẽo,
hút hết mật hoa lại vỗ cánh bay đi. Chị
hỏi ý kiến hắn, hắn sáng mắt lên:
"Cho thuê. Mất chó gì đâu. Vừa được
người canh vườn hộ, vừa tăng
cường khả năng thụ phấn cho
hoa".
Người nuôi ong cất một cái chái nhỏ
làm bếp, xếp những chiếc hộp gỗ
xinh xinh thành hàng trong vườn nhà chị, rồi
mắc võng ở hai cây muồng của hàng rào chắn
gió, căng lên một tấm tăng như mái nhà
để ngủ tại đấy. Nghe tiếng ong
râm ran, chị cảm thấy vui vui. Bầy ong say mật
bay chuếnh choáng. Chị cũng chuếnh choáng say
bởi nghĩ đến một mùa quả bội
thu.
Rồi tới mùa quả chín. Chẳng biết
có phải nhờ ông hay không mà năm đó cà
phê nhà chị nhiều trái quá. Trái chi chít, đỏ
mọng, trĩu cả cành, ước tính phải
gấp rưỡi, gấp đôi năm trước.
Nhưng hỡi ơi, cà phê tụt giá! Một cân
cà phê không bằng một cân gạo. Nhiều nhà
điêu đứng hoảng loạn lên vì cà phê.
Người ta kêu trời kêu đất. Hắn
cũng nghiến răng chửi đời đen
như mõm chó! Còn chị, chị chỉ thất vọng
chứ không buồn. Tuy giá cà phê hạ nhưng chị
không lỗ, bởi chị không thuê nhân công. Chết
là chết những "ông chủ đời mới"
bỏ tiền ra mua và thuê người làm toàn bộ,
một tuần mới cưỡi xe từ thị xã
lên, mang theo bia lon, thịt rừng để nhậu
với bạn bè như một thú chơi thời
thượng. Vì thế nên khi hắn bàn với chị
bán quách vườn, ra thị trấn mua nhà, chị
đã không nghe. Hắn nổi khùng: "Cô là người
không thức thời". Chị chỉ im lặng.
Ngày còn làm giám đốc nông trường, có lúc
hắn đã được đánh giá là có năng
lực, linh hoạt, nhạy bén... Biết đâu hắn
đúng? Biết đâu hắn nói thế cũng là
để lo cho cái gia đình nhỏ nhoi vừa mới
được gây dựng.
Nhưng chị đã nhầm. Chị đã kêu
lên một tiếng trời ơi rồi ngất xỉu.
Khi tỉnh dậy, chị thấy người nuôi
ong đang ngồi bên cạnh. Anh khẽ khàng:
"Tôi thấy cháu Thương ra gọi mới vào.
Không hiểu có chuyện gì...". Chị không
đáp, đôi mắt mở to thất thần nhìn
trần nhà. Chị cứ ngỡ hắn giận chị
không chịu bán vườn nên bỏ đi mấy
ngày. Ngờ đâu, khi mở tủ mới biết
hắn đã lấy đi toàn bộ số tiền
chị dành dụm từ trước tới nay.
Khi hoa cà phê tan là mùa hoa cao su nở. Đã hết
mùa hoa cao su mà người nuôi ong vẫn chưa thể
đi được như thoả thuận ban
đầu. Chị ốm liệt giường. Bé
Thương còn quá nhỏ. Chị hỏi trong lúc
bàn tay anh run bắn trên trán chị: "Anh giúp tôi
thế này, còn đàn ong?". "Chị cứ
yên tâm. Chúng phải lấy mật xa hơn thôi.
Khi nào chị khỏi tôi sẽ đi".
Anh khuyên chị không nên nằm nhiều. Nghe lời,
mặc dù đầu óc còn vàng vất, chị cũng
cố trở dậy đi thơ thẩn trong vườn.
Anh vắt mật ong cho chị uống và bảo:
"Mùa này mật tốt nhất vì là mua hoa đắc
đốm". "Hoa đắc đốm ở
đâu anh?". "Cách đây 40 cây số
đường chim bay". Tự dưng mắt chị
cay xè. Bé Thương hồn nhiên hỏi: "Kìa,
sao mẹ lại khóc?". "Mẹ thương
những con ong, con ạ". "Con ước gì vườn
nhà mình thiệt là rộng, thiệt là nhiều
hoa". "Để làm gì con?". "Để
những con ong không phải bay xa". Cả anh và
chị đều bật cười trước câu
hỏi vô tư ấy.
Chẳng biết từ lúc nào, chị đem lòng
yêu đàn ong như chính chủ của chúng. Mỗi
sáng, chị lại háo hức cùng anh mở những
chiếc hộp để nghe tiếng ong xuất phát
vần vũ như mưa. Rồi đến khi bầy
ong đi hết, khu vườn ắng lặng, chị
lại thấy lòng mình trống trải.
Càng cuối mùa khô, bầy ong đi lấy mật
càng xa. Chị đã rớt nước mắt khi
thấy những con ong kiệt sức sau chặng
đường tìm mật, lảo đảo bay xa
tổ để chết, khỏi làm phiền đến
bầy. Và chiều đó, khi mặt trời đỏ
rực chìm dần xuống dãy núi, đàn ong mới
trở về. Nhưng lạ thay, có những con
không bay về tổ mà lừ đừ, chuệnh
choạng mãi rồi lơi lả tả xuống sân
nhà. Những cánh ong run rẩy trên nền đất
xám lạnh. Anh run run nhặt lên một con đặt
vào lòng bàn tay. Con ong oằn mình một cái rồi
duỗi cánh chết, từ bụng nó tiết ra một
giọt mật đặc keo, xanh lét. Anh giật
mình dùng ngón trỏ chấm giọt mật dị
thường ấy bôi lên mu bàn tay. Một phút sau
nơi đó nổi lên những mụn đỏ
li ti, bỏng rát. Mặt anh biến sắc, thẫn
thờ: "Mật hoa độc".
Sáng hôm sau, mở cửa những hộp ong, chị
giật mình nghe tiếng vỗ cánh lạ. Đàn
ong bay xoay tròn như chong chóng xung quanh ong chúa rồi
bốc dần lên cao. Anh đứng như ngây như
dại rồi hốt hoảng cởi áo tung lên. Nhưng
vô vọng. Mở chiếc hộp thứ hai. Cũng
vậy. Chị lo lắng hỏi: "Bây giờ
làm sao, anh?". Anh thở dài buồn bã: "Chắc
phải đưa chúng đi thôi". Chị đề
đoán: "Chắc chúng đói. Hay ta cho chúng
ăn đường?". Anh im lặng hồi lâu
rồi khe khẽ lắc đầu. Chị buồn:
"Mất có hai tổ ong mà anh tiếc à!". Anh
không trả lời. Từ hai hốc mắt thâm quầng
của anh rỉ ra hai giọt nước đặc
quánh, đỏ bầm như máu. Trong đời chị
đã nhiều lần thấy nước mắt,
nhưng chưa bao giờ thấy giọt nước
mắt kỳ lạ như vậy. Nó đọng
dai dẳng trên gò má sạm đen của anh. Tim chị
nhói lên những nhịp đập khác thường.
Bằng trực giác nhạy cảm đàn bà, chị
đoán anh sắp bỏ nơi này mà đi.
Sau trận ốm ròng rã mấy tháng liền, nhờ
bàn tay chăm sóc của anh, nhờ mật ong nguyên
chất, chị dần tươi tỉnh lại.
Đêm ấy, vâng, cái đêm cách đây đúng một
năm, chị ngủ một giấc ngon lành không mộng
mị. Chợt chị thức giấc vì có tiếng
sấm vọng ì ầm. Trong đêm trời đất
chuyển mùa, chị cảm thấy tâm hồn tưởng
đã tàn lụi bởi giông tố cuộc đời
bỗng nhiên được đánh thức, như
mầm cây bị vùi trong tro đất cựa mình
khao khát vươn lên. Chị thốt lo lắng cho
anh. Nếu trời mưa xuống thì sao? Như có
ai xui khiến chị trở dậy khêu đèn rồi
ngồi thừ ra nghĩ ngợi. Trời mỗi lúc
một bức bối. Bé Thương đang trong giấc
ngủ, khuôn mặt đẹp tựa thiên thần.
Chị cả quyết đứng dậy và khẽ
khàng bước ra vườn, đứng lặng
trước chiếc võng buông mùng kín mít. Im lìm.
Chân chị run bắn, muốn khuỵu xuống khiến
chị phải ôm gốc cây muồng thở dốc
không biết bao lâu nếu như không có một
ánh chớp rất gần. Tiếng sét nổ
đanh đã hất chị nhào tới võng lay anh:
"Dậy... anh Đạo!". Anh ngỡ ngàng ngồi
dậy ngơ ngác: "Gì thế... chị?".
"Vào nhà kẻo... mưa...". "ồ, cám
ơn chị, có mái che, ướt làm sao được".
Nghe anh trả lời thế, chị tủi thân bật
khóc. Và trời mưa. Mưa xối xả. Mưa
điên cuồng. Anh bật khỏi võng xô chị:
"Vào nhà ngay! ốm lại thì chết!". Mặc
kệ. Chị vẫn đứng như trời trồng.
Hai người đứng như hai pho tượng
nhà mồ ngây dại nhìn nhau qua những lằn chớp
nhoá nhoà không ngớt. Cuối cùng, nhận ra ánh mắt
quyết liệt thi gan cùng trời đất của
chị, anh đã phải lập cập dìu chị
vào nhà.Người lo lắng lẽ ra phải là
anh. Nhưng không, chị cuống cuồng bắt
anh trút bỏ bộ quần áo sũng nước,
cuống quýt lấy khăn lau cho anh. Lúc đó, anh
đứng đực giữa nhà như thân cây chết
đứng, gối run nhong nhóc, răng va vào nhau cầm
cập. Anh ngoan ngoãn nằm xuống giường
để chị xoa dầu, cạo gió. Bàn tay chị
ban đầu còn lăn tăn, sau hối hả chà
siết đến nóng ran trên người, rồi
run rẩy dừng lại ở ngực anh. Trong chị
cồn lên nỗi khát thèm mãnh liệt của bản
năng mới hồi sinh. Bất chấp anh có phản
đối hay không, chị cứ kéo tuột anh vào
vòng mê đắm. Nhưng đáp lại sự cuồng
nhiệt như thuỷ triều cuồn cuộn, anh
vẫn nằm ngay đơ trong vòng tay siết chặt
của chị. Toàn thân anh căng cứng, nóng hừng
hực như một hòn núi lửa sắp sửa
phun trào. Răng anh nghiến chặt đến bạnh
quai hàm, yết hầu chạy lên chạy xuống
như thể cố nuốt khan một vật gì tắc
nghẹn trong cổ. Chị nhắm mắt lại cảm
thấy mình đang tan rữa như một cây kem mướt
mát. Đúng lúc đó, một cơn gió mạnh
đã hất tung cánh cửa khép hờ, mưa quất
vào nhà ràn rạt. Anh bật dậy như mũi tên
rời nỏ lao vụt vào đêm mưa đen kịt.
Chị rã rời, hẫng hụt, rơi tõm vào vực
thẳm ê chề. Chị đã nguyền rủa
anh, nguyền rủa tính hèn nhát của anh, nguyền
rủa cả cơn mưa gió vô tình. Mưa đã
đẩy chị đến với anh rồi chính
mưa lại giật anh ra khỏi vòng tay của chị.
Sáng hôm sau anh gõ cửa sớm, tiếng gọi
ngàn ngạt như hụt hơi. Chị giận dỗi
trùm chăn kín đầu để không nghe gì nữa.
Mãi đến trưa, bé Thương chạy vào mếu
máo: "Mẹ ơi, bác Đạo đi rồi!",
chị mới hoảng hốt chạy ra. Khu vườn
không còn những hộp ong trở nên trống trải
tựa vườn hoang. Mấy con bướm đói
ăn đang tranh nhau bâu vào những chiếc hoa cà
phê mới nở quắt queo dị dạng. Vậy
là chị đã đoán đúng. Anh tiếc bầy
ong nên đã bỏ đi. Bầy ong quý hơn chị
ư? Chị chua xót nghĩ. Được rồi.
Đã thế chị sẽ chặt hết cả vườn,
xem anh và bầy ong sang năm lấy đâu chỗ
trú. Chị vùng vào nhà lấy dao ra chặt như
điên như dại vào hai cây muồng nơi anh mắc
võng. Nhưng rồi... tay dao của chị đã phải
khựng lại khi nhìn thấy trên cây muồng có
một bọc nilon. Chị mở ra và càng giận
dữ. Tiền! Anh ta trả tiền thuê vườn?
Cái chị cần là thứ khác cơ. Chị hất
tung xấp tiền vào gốc cây. Và chị sững
sờ: Một lá thư!
Chị đứng bàng hoàng giữa vườn cây
im ắng mà nghe đâu đây những lời anh
nói âm âm như của một người đã chết:
"Chị Tâm! Tôi ra đi không phải vì đàn
ong đói mật, mà vì một lẽ khác tôi chưa
nói cho chị biết. Tôi đã có vợ. Chắc
chị bảo tôi lên giọng đạo đức
chứ gì? Không, vợ tôi đã chết 20 năm,
chết ngay trên bàn đẻ, đứa con đầu
lòng của chúng tôi chỉ là quái thai không chân tay,
toàn lông lá. Chắc chị đã hiểu rồi chứ.
Tôi đã từng mắc võng ngủ trong những
cánh rừng hồi đêm còn xanh tốt, sáng ra
đã trơ trụi bởi chất khai quang. Tôi là
đàn ông nên tôi không thoát khỏi lẽ thường
tục. Tôi bỏ làng ra đi làm nghề nuôi ong với
suy nghĩ: cuộc sống nơi hẻo lánh sẽ
tránh cho mình những quan hệ không nên có. Nhưng
cuộc đời đã run rủi tôi gặp chị.
Rồi... tôi yêu chị. Yêu thực lòng. Tôi sợ,
nếu ở lại, một lúc nào đó, tôi không
giữ nổi mình thì tội cho chị quá. Mong chị
hiểu cho tôi".
Chào chị và cháu Thương.
Đạo
Chị khóc. Khóc ghê quá. Hai mẹ con ôm nhau khóc
như mưa, như gió. Bé Thương hỏi trong
tiếng nấc: "Bao giờ bác Đạo về?".
Chị nín bặt. Biết trả lời con thế
nào? Nhưng rồi như có tâm linh mách bảo, chị
trả lời tự tin: "Đến mùa hoa năm
sau, con ạ!". Trong chị lớn dần một
niềm tin mãnh liệt. Chị lao vào chăm sóc vườn
cà phê với một ý nghĩ và tình cảm chỉ
mình chị biết.
Một tràng sấm nổ ran. Bầu trời
đêm như bức màn đen bị xé toạc ra
làm nhiều mảnh. Một làn gió mát rượi
từ hướng núi Chư Mon Ray thổi thốc
vào nhà. Và tiếng mưa. Mưa rộn ràng reo. Chị
đưa tay hứng nước từ giọt hiên
vã lên mặt tận hưởng cảm giác hồn
nhiên thời thiếu nữ. Mặc cho những bụi
mưa li ti theo gió vào quấn quít quanh mặt, quanh
hai cánh tay trần, mơn man cả khoảng ngực
áo trễ tràng. Chị hân hoan đón mưa như
những cây trong vườn đang hoan hỉ. Chị
sẽ đứng, đứng đến sáng nếu
như trong cơn mê ngủ bé Thương không ú
ớ gọi: "Mẹ ơi... Bác Đạo...".
Chị bước những bước lâng châng
đến giường ngả lưng vỗ về
con: "ừ, ngủ đi con ngoan. Bác Đạo sắp
về!". Chị dỗ con. Chị tự dỗ mình.
Chị chìm vào giấc ngủ. Chị nghe có tiếng
tí tách của nụ hoa cựa mình. Chị ngửi
thấy hương hoa đã bắt đầu
thoang thoảng. Rì rào. Rì rào... trong giấc mơ chị
nghe có tiếng đàn ong mật bay về./.
Đỗ Tiến Thuỵ