Ngày ấy còn đọc được sách chữ
Nho, cứ đêm hè chờ trăng lên, ông ngoại
tôi thường đem đàn bầu ra gẩy. Cái
đàn thì bố Toàn mua dưới Hà Nội biếu
khi mới về làm rể. Bài đàn là do ông tự
chế, bà ngoại bảo vậy. Ông lại giảng
giải đó là khúc "Nam ai nam bằng", tôi
nghe mãi thành quen. Có một đêm, trăng treo hờ
ngọn tre trước ngõ và hoa dẻ dâng hương
thơm vào tận nhà. Chả hiểu hứng chí thế
nào, mẹ Phụng lại nài nỉ ông đàn thử
bài "Câu hò bên bến Hiền Lương". Mẹ
hát mấy lần cho ông nghe, giọng ca mới ngọt
ngào lạ. Nhưng ông ngoại bảo bài ấy
là tân nhạc không mò được "nốt"
trên sợi dây thép nhỏ tí đã bị nối
hai chỗ.Rồi ông than vãn:
- Học hành chả ra sao. Được vào Trung
cấp sư phạm còn làm cao không đi. Giờ
đã có con gái lớn tướng vẫn ở nhà
làm ruộng, lại còn hát xướng nữa thì
chả thoát khỏi cái nghiệp cầm ca đâu.
Mẹ ra giếng múc nước thổi cơm, bà
ngoại còn nói bâng quơ:
- ái ố mĩ miều lắm đấy. Ngày xưa
mười tám tuổi, lấy vợ rồi mà
đêm nào cũng còn mò ra bến đò Đà Sơn
hát ví. Vợ chờ cửa không biết bao nhiêu
đêm mà kể. Giờ lại còn khéo chê trách
cái nỗi gì.
Đến bữa cơm, có đĩa tép gạo
rang khế với lá chanh, ông sai tôi lấy nậm
rượu. Cái nậm ấy là quả bầu con
đã phơi khô rút ruột, rượu với mồ
hôi ngấm thuộc lâu ngày đen bóng. Phải
khéo tay mới rót được rượu vào
cái chén hạt mít, việc ấy trong nhà chỉ
có tôi. Ông nhìn chăm chú bàn tay tôi nói cứ như
thầy địa lý:
- Nhà này xem ra chỉ mỗi con Thảo là theo
được việc đèn sách. Tao đã ngẫm
chán rồi, có khi là tại cái thế đất của
làng thôi. Hễ cứ ở bên này sông Cầu thì
rặt chỉ làm nghề nông, khá nữa lại cũng
chỉ theo nghề đàn hát. ở Đà An bên kia
sông mới là đất học. Bên đấy có
hẳn mấy đứa được đi học
tận Liên Xô. Mà cùng học một trường cấp
ba huyện này, cùng cô giáo Hạnh làm chủ nhiệm".
Hè năm ấy tôi được giấy báo
trúng tuyển đại học Ngoại ngữ
Thanh Xuân dưới Hà Nội. Bà ngoại bỏ buổi
làm đồng, xuống tận bến đò mua cá
tươi về liên hoan. Ông Diu chuyên nghề vó
bè, lúc nào cũng sẵn cá nhốt dưới sông.
Ông chọn con chép hơn hai ký bỏ vào rổ cho
bà, nói:
- Con Thảo kỳ này trúng đại học là
mát mặt cho cái làng Đà Sơn mình rồi. Có
con cá chép ngon mới đánh đây, bà đem về
cho ông làm chén rượu để cả nhà
ăn mừng, tiền nong gì".
Tôi sung sướng chả muốn ăn uống
nữa, đạp xe một mạch xuống nhà cô
chủ nhiệm. Cô giáo Hạnh biết tin trước
đã luộc sẵn rổ lạc. Có mùi nước
lá bưởi phả hương thơm tận ngoài
ngõ. Tôi lúng búng không nói thành lời, mặt đỏ
dừ, chạy tọt xuống bếp xem cô tranh thủ
gội đầu. Dội xong lần nước cuối,
cô đứng lên lấy khăn thấm khô mái
tóc. Vẫn mùi lá bưởi quen thuộc đàn
bà con gái trong làng thường đun nước gội
đầu với bồ kết, nhưng mùi hương
ấy giờ lại toả ra từ suối tóc
óng mượt đang buông dài xuống tận
đôi chân thon thả kia, mới thơm lạ. Cô
Hạnh cúi xuống quay người càng làm nổi
rõ lên những đường cong đầy đặn
mà đứa con gái như tôi cũng phải mơ
ước. Cái dáng người Hà Nội đi
đâu cũng chả lẫn. Chỉ lạ là cô
gái Hà thành đẹp mê hồn như thế lại
chịu khốn khó mấy chục năm nay để
dạy học ở một trường cấp ba
chẳng tên tuổi như thế này.
Đến lúc mẹ Phụng kể lại, mọi
chuyện mới rành rọt.
... Ngày ấy cuối chiến tranh. Bom Mỹ ném
xuống khắp vùng này. Cô Hạnh học sư phạm
Hà Nội xin về trường cấp ba Quang Phú
thực tập. Thầy cô giáo đều ở
trong nhà dân, cô Hạnh chọn ở nhà bà ngoại.
Làng Đà Sơn được coi là dặc biệt
do có đoàn cán bộ dưới Hà Nội lên sơ
tán. Dân làng phải đào thêm hầm hào, áo quần
đều phải đem nhuộm nâu hoặc xanh
lá cây. Người ta giữ bí mật lắm. Nhưng
cô Hạnh lại là người đầu tiên
phát hiện ra đó là Đoàn ca nhạc của
Đài phát thanh và quả quyết những cái vali
dèn dẹt màu đen ấy là hộp đựng
đàn với kèn sáo. Tin ấy lan nhanh khắp
làng.
Mấy hôm sau máy bay Mĩ lên ném bom Khu gang thép, bị
lính cao xạ bắn đuổi. Qua vùng trời
Quang Phú cứ bay thấp ràn rạt tránh đạn.
Bố Toàn bảo đó là lối bay trinh sát. Thế
là người ta đổ tội cho cô Hạnh
làm lộ chuyện Đoàn ca nhạc về Đà
Sơn sơ tán nên cơ sự mới ra như thế.
May mà làng vẫn yên lành, bom đạn chỉ nổ
ùng oàng nơi khác. Cô với mẹ thân thiết như
chị em gái. Cô biết trước những buổi
đoàn tập ca khúc mới và thường rủ
mẹ đi nghe từ đầu đến cuối.
Nhất là biết tin có ca sĩ Hoàng Phong tập với
dàn nhạc thì không bỏ sót buổi nào. Hạnh
kể hồi còn sinh hoạt trong đội ca múa
'Hoạ mi" dưới Hà Nội, chính Hoàng Phong
đã dạy cô học thanh nhạc và ký xướng
âm. Nhiều người yêu thích khen ngợi giọng
hát của anh bởi cái vẻ thô mộc tự
nhiên như nỗi niềm thật lòng người.
Hạnh và lớp đàn em trong đội "Hoạ
mi" cố bắt chước mà cũng chả
được.
Về sau hai người ấy tìm được
nhau, thân nhau đến đâu chả biết. Chỉ
thấy hôm làm lễ tổng kết học kỳ
một năm ấy, cô Hạnh "kéo"
được Hoàng Phong về trường hát.
Không ngờ chiều hôm sau, bố Toàn vừa
được giữ chức Trung đội
trưởng dân quân, đi họp Uỷ ban xã, về
đến cổng đã quát tướng:
- Cái tay ca sĩ ấy còn đến đây là
tôi đuổi. Nếu không nể cô giáo Hạnh
ở trọ nhà này thì tôi đã lệnh cho dân
quân trói gô cổ ngay đêm qua rồi. Bom đạn
ầm ầm, hầm hào công sự đào khắp
hai bên sông Cầu thế này mà hát hỏng kiểu
gì lại cứ gào tướng lên "Xây cho nhà
cao cao mãi". Rõ là mất lập trường.
Cô giáo Hạnh và cả nhà ngồi im không ai dám
cãi.
Từ đó không thấy ca sĩ Hoàng Phong đến
nhà chơi nữa. Cô giáo Hạnh bị đình chỉ
thực tập. Làng Đà Sơn hè năm ấy,
đêm xuống chỉ còn tiếng sáo diều bơ
vơ giữa trăng sáng.
Chiến tranh kết thúc, cô giáo Hạnh lại
lên Đà Sơn dạy học. Trường cấp
ba xây mới trên phố Huyện có khu tập thể
khang trang, cô ở luôn trên đó. Mẹ và cô cũng
không gặp lại nhau...
Những chuyện ngày ấy đã lùi xa. Gia
đình tôi đã chuyển về Hà Nội. Tôi chẳng
thể về thăm quê ngoại. Chỉ còn nhớ
mỗi cây gạo trổ đầy hoa đỏ
đầu bến đò Đà Sơn, nơi gái
trai đôi bờ sông Cầu trao nhau câu hát ví. Ngẫm
ra người đời đều thế cả.
Khi không thực hiện được mong muốn
tuổi tuổi thơ, ai cũng có nghìn lẻ một
thứ lý do biện hộ cho mình. Mọi việc
đã an bài theo cách của tự nhiên mà chính người
trong cuộc cũng không giải thích nổi.
Tôi đã không được theo theo học khoa
tiếng Anh như dự định mà lại trở
về nước với tấm bằng tốt nghiệp
nhạc viện Tchaicovski không đến nỗi tồi.
Đời sống khó khăn đã hiện ra cụ
thể hơn tôi tưởng. Mẹ bắt đầu
tiếc: "Giá ngày ấy đừng đi nước
ngoài, cứ học Ngoại ngữ thì bây giờ
tiền dạy thêm tiếng Anh cũng nuôi sống
được cả nhà". Bố thức thời
nên không hay tiếc nuối. Ông bày cho tôi mở lớp
dạy pianô. Đây là lối thoát dễ chịu,
tất nhiên chẳng nhẹ nhàng gì.
Lớp chỉ có được ba học viên.
Hai bé gái đang học phổ thông và một anh
chàng nhỉnh hơn tuổi tôi, học xong Tổng
hợp Văn mấy năm nay đang chờ việc.
Cái tên Tú quả là rất hợp với cậu
ta. Khôi ngô, trắng trẻo. Mười ngón tay búp
măng, thon dài, Tú lại có nhạc cảm tốt
nên chơi các bài tập thực hành không mấy
khó khăn và khi trả bài, bao giờ cũng làm
tôi bất ngờ. Tiếng đàn của Tú có
chút gì lạ hơn những nốt "son phe"
trong bản nhạc.
Đến khi học những bài tập khó, phải
sử dụng cả hai "pê đan" thì Tú thực
sự làm tôi thích thú. Mỗi lần ngồi vào
đàn, gặp bài hợp ý thích, Tú thường cúi
sát đầu say sưa lắng nghe những hợp
âm vang lên và mười ngón tay như nhảy múa
trên hàng phím lóng lánh sáng. Tiếng đàn của
Tú nghe chắc lại sâu. Điều đó làm tôi
vừa thích, vừa lo ngại. Ngày còn học
ở Nga, Giáo sư Bát-smét khi nghe tôi đàn bản
"Sonat số 5" của Beethoven hôm thi tốt
nghiệp, đã nói: "Tiếng đàn của em
có nội tâm lắm. Người như thế
thường hay khổ đấy".
Sang năm học sau, hai bé gái kia bỏ học. Lớp
tôi dạy chỉ còn một mình Tú. Mẹ lại
thở dài lo lắng.
Bố Toàn bóng gió nhắc mãi chuyện con gái người
bạn làm thư ký cho ông tây Thụy Điển,
hình thức còn thua kém tôi, chỉ cần nói lơ
lớ gần giống tiếng Anh thôi mà lương
tháng đã ba "vé".
Rồi đến lượt Tú cũng lại
xin thôi học. Tôi thực sự chán nản. Đến
thăm nhà Tú mới vỡ nhẽ.
Bác Năm, bố của Tú kể nguyên do:
- Sau khi về hưu, bác xin làm hợp đồng
ở công ty Môi trường đô thị. Nhận
chăm sóc mấy chục con chim cảnh trong công
viên chỉ để thêm tiền cho Tú học
pianô. Công việc đang trôi chảy và có thể
tốt đẹp hơn nếu bác không bày đặt
ra chuyện cải tiến việc nuôi chim cảnh.
Vốn thương những con chim trời bị nhốt
trong những cái lồng chật hẹp, bác đem
thả tất số chim cảnh vào chung cái nhà cao
rộng đã chăng kín lưới thép xung quanh.
Tưởng làm thế cho lũ chim sung sướng,
hoá ra lại gây hoạ cho chúng. Mấy chục con
chim cùng lúc vụt bay ra khỏi lồng chực lao
vội lên trời xanh nhưng lập tức lại
đâm sầm vào những mắt lưới mỏng
manh bằng thép. Chúng loạng choạng rơi xuống
đất đau đớn rồi đánh lộn
nhau đến xơ xác, tội nghiệp lắm.
Bác Năm ngừng lời, rót nước giục
tôi uống, rồi kể tiếp:
- Hôm sau họp giao ban trên công ty, chú tổ trưởng
báo cáo với giám đốc rằng ông Năm sợ
vất vả đã đem nhốt cả bầy
chim cảnh vào một chỗ nên chúng đánh nhau,
sắp chết hết. Bác bị cắt hợp
đồng. Mất hai trăm ngàn một tháng là ra
vấn đề đấy.
Tôi ái ngại, hỏi lại:
- Thế bác định bắt Tú bỏ học
pianô luôn ư? Tú có năng khiếu thực sự
mà phải bỏ học, cháu tiếc lắm. Cháu sẽ
không thu học phí nữa, bác cứ cho Tú đến
học đàn tiếp được không ạ.
Bác Năm ngần ngại, trả lời khó nhọc:
- Cảm ơn tấm lòng tốt của cháu. Nhà
cháu cũng chả phải dư dả gì. Lại
còn tiền cháu thuê đàn của người ta nữa.
Để Tú phải bỏ học pianô thì chính
bác còn đau hơn nó. Bác không tham vọng nó trở
thành nghệ sĩ dương cầm. Chỉ muốn
nó học để biết cách giãi bày tâm trạng
trong tiếng đàn, dù rằng đến bây giờ
bác gái vẫn bảo cái nghiệp cầm ca là bạc
mệnh chỉ rước buồn phiền vào
thân. Tháng trước bà ấy đã làm xong sổ
hưu, ít nữa về hẳn dưới này bác sẽ
thuyết phục để Tú được theo học
tiếp.
Bác Năm tiễn tôi xuống cầu thang, nói như
người có lỗi:
- Chung quy cũng chỉ tại bác. Để cho mình
giống được như mọi người,
ngẫm ra cũng khó thật.
Mấy đêm liền, mẹ con tôi trò chuyện
đến tận khuya. Chỉ xung quanh tình cảnh
nhà Tú. Mẹ khuyên nên quay lại nhà bác Năm xin
cho Tú học đàn và sẽ cùng đến nói hộ
chuyện miễn học phí.
Sáng chủ nhật. Tôi có dịp quan sát kỹ hơn
căn hộ của bác Năm. Mới bước vào
đầu hành lang đã thấy khang khác. Không vắng
lặng như tối hôm trước. Cánh cửa
phòng mở toang. Một vầng nắng từ ban
công theo gió rải màu vàng nhạt xuống trước
cửa. Căn phòng tràn đầy tiếng hát. Bác
Năm vẫn mặc cái áo sơmi xanh ô-liu đang
chăm chú lắng nghe bài hát, đứng quay
lưng ra cửa. Chính tôi cũng bị hút hồn
vào tiếng hát phát ra từ đôi loa thùng Sony
đặt góc phòng. Cái chất giọng tha thiết
thế này bây giờ tôi mới được nghe
lần đầu tiên trong đời. Không hẳn
như giọng nam cao, cũng không như giọng
nam trầm. Và bài hát nữa, lời ca lạ lắm:
"Chảy đi Sông ơi, chảy đi Sông
ơi..
Chuyện bao đời Sông biết cả
Mà sao vẫn trẻ mãi không già?
Chảy đi Sông ơi... Chảy đi kìa...
Sông ơi..."
Câu hát giữ hai mẹ con tôi đứng lặng
ngoài hành lang cho đến khi có tiếng ai đó
trong nhà nói với bác Năm:
- Đấy nhé, tôi xin bàn giao băng ghi âm bài
"Chảy đi sông ơi" mà ông hát hôm
Đoàn ca nhạc tổ chức gặp gỡ các
ca sĩ thời chống Mỹ đã nghỉ hưu.
Tôi đã ký thay ông vào phiếu thù lao. Năm chục
nghìn đây, ông cầm lấy. A, cái lúc giao tiền,
bà Xuân phòng Tài vụ còn trách: "Sao lại viết
tên là Đỗ Năm? Phải mở ngoặc ghi là
ca sĩ Hoàng Phong chứ. Cái tên một thời âm
vang trên làn sóng, đáng tự hào lắm. Đừng
tự quên đi như thế". Bà ấy còn
quay sang mấy cô kế toán vừa viết, vừa
xuýt xoa: "Về hưu bao năm rồi mà hát
còn say lòng thế, chả trách hồi chiến tranh
cô giáo Hạnh lên dạy học sơ tán trên
Đà Sơn "xin chết" là phải.
Mẹ như chạm phải điện, nắm
chặt tay tôi giật mạnh.
Tôi thấy Tú đến bên cái đài, nhẹ
nhàng cầm lấy cuộn băng cát-sét, cẩn
thận như cầm cuốn gia phả. Tú nói với
ông khách trong nhà:
- Bác Vũ ơi. Mẹ cháu vừa về tầu
Thái đêm qua, giờ đang đi chợ. Mời
bác ở lại ăn liên hoan nhân thể xin hộ
cho cháu được học tiếp pianô. Nếu
không là cháu sẽ mách cái câu bác vừa kể
đấy.
Mẹ vội kéo tôi xuống cầu thang, không muốn
để người trong nhà nhìn thấy. Bất
chợt mùi hoa dẻ từ trong căn phòng ấy
ùa ra. Đúng là hương hoa dẻ thân thương
của quê ngoại tôi thuở trước. Tôi
đứng sững như có ai vừa níu lại.
Tôi sợ thứ hương thơm ngòn ngọt thế
này cũng như sợ giọng đàn sâu lắng
khi Tú chơi bản "Xô-nát só 5" của
Beethoven. May mà mẹ Phụng không nhận ra vẻ
bối rối ấy, bà chỉ ngoái lại hít một
hơi dài. Tiếng mẹ bỗng trở nên xa xăm
lạ lùng lắm:
- Thôi đúng thật rồi. Trên ấy độ
này đang là mùa hoa dẻ.../.
Song Nhật Minh