Cả nhiệm sở chỉ có 18 nhân viên thì có
16 người tận tâm với mọi loại xổ số kiến thiết
trung ương, địa phương, đầu tư, từ thiện... Lẻ ra một
đôi người thờ ơ: cô Vĩnh và anh Vũ. Tên cả hai đều có
dấu ngã. Thảo nào, cả hai cùng chưa xây dựng gia đình
mà cô đã mấp mé 30 và anh thì sắp tròn 46.
Tuy nhiên, đời không phải dễ suy lý một
chiều như thế. Hãy cứ để yên xem sao...
Cô Vĩnh thì đương nhiên không thể màng tới
bất cứ một cái gì ngoài khối lượng công việc đồ sộ,
ngổn ngang đầy ắp cả không gian ba chiều của thân phận
cô: thư ký giám đốc, kế toán trưởng, thủ quỹ, công
đoàn, trưởng ban thanh tra nhân dân, chi hội trưởng phụ
nữ. Tức là cô bận lắm mà lại còn ham nữa, thấy vui
trong công việc nữa, lại còn đang năng nổ nhúng vào một
vụ đấu tranh tiêu cực động trời nữa. Đến một đức
ông chồng mà cô còn không có thì giờ nghĩ đến thì còn
ai nỡ trách cô không đoái hoài gì đến xổ số, không
khí xổ số đang sôi động, ấm áp, chan chứa quanh
mình...
Mà cô xinh chứ. Không. Cô đẹp. Với tuổi
30 phải nói thế. Toàn thân lẳn mình trắm. Da màu ôliu. Mắt
to, đen thắm, môi hồng mọng, cong hươi hươi lên chỗ đót
giáp nhân trung. Ngực nhỏ mà rắn rỏi, thầm mời gọi hoặc...
gọi mà như xua đi. Một vẻ đẹp lai Ấn khiêu khích. Cho
nên, kể đã có đến cả một huyện những anh chàng, ông
chàng... lăn lóc đến xin ghi danh "đấu thầu" trái
tim cô. Rốt cuộc, cũng không hơn gì một tấm vé xổ số,
chưa hề được biết đến ánh mắt cô thoáng lướt qua,
chưa hề một lần được những ngón tay cô vân vi kỳ ảo,
ve vuốt. Đêm ngủ một mình, còn thức là còn nghĩ tới
những công việc của ngày mai, mãi đến lúc đã bắt đầu
liu diu, đầu đã bảng lảng chập chờn, cô bỗng bật cười
một mình khi chợt nảy ra trong đầu hình ảnh Vũ. Mà đã
nhiều lần như thế, cứ phải bật cười trong chăn riêng,
trên gối đơn thì anh ta mới hiện ra.
Đúng là Vũ có nhiều cái buồn cười thật.
Đầu tiên là cái họ của anh, họ Hùng. Cái họ hình như
là cổ nhất, oai nhất mà bây giờ không mấy ai có, ai nhớ,
nghe lại cứ như cái thứ họ mượn. Rồi đến hình dung
hơi quái quái, tóc dài, râu rậm, mắt to mắt nhỏ, cái
nhìn lờ đờ mà tóc thẳng. Bất chợt đụng trong đêm
thì có thể vãi linh hồn tức thì. Mới thấy giữa ban
ngày cũng không thể bén mảng nghĩ đến sự cười. Nhưng
đi cùng một quãng, ngồi cùng một lúc, lại ở cùng một
cơ quan nửa đời nữa... thì cười lắm, cười quá lắm.
Hùng Vũ ngu nga ngu ngơ đi giữa đời. Lỡ
vội chưa chùi dép mà bước vào sàn nhà mới lau thì tự
dưng nghiêng đầu ngay xuống phía dưới đất, miệng buột
ra: "Xin lỗi"; đang oi ngột ngạt chợt đổ mưa rào
mát thoáng, lại ngửa mặt lên hướng trời, miệng buột
ra: "Cảm ơn"; lên xe buýt toàn đứng, vì với ai,
anh cũng thấy có lý do để nhường chỗ ngồi. Dạo còn
đi xếp hàng mua gạo, mua dầu, bao giờ cũng kiệt tối Vũ
mới về với lý do tương tự.
Một bữa, đi trên vỉa hè chật lèn, đầy
xe dựng trước những cửa hiệu sáng choang, có mấy cô cậu
dửng mỡ nô nhau, đuổi chạy như trong phim lúc tình yêu
hé mở ban đầu, xô đổ kềnh một chiếc xe đạp ngay
trước mặt Vũ, rồi kệ, chạy tiếp mất hút. Vũ bước
tới, nâng cái xe dậy, gạt lại chân chống thì chủ nó
đùng đùng từ trong vầng sáng cửa hiệu vọt ra, thét như
băm vào mặt anh: "Đi đứng thế nào thế? Mù
à?". Vẫn chưa buông khỏi ghi đông, sợ nó chưa thật
vững, Vũ điềm đạm: "Tôi không đánh đổ xe ông đâu,
chỉ là người đỡ hộ nó lên thôi". Và câu thứ hai
của ông chủ xe khiến anh ngớ ra: "Thứ người ấy hóa
thạch lâu rồi, đào đâu ra nữa thế. Thôi, thu vén miệng
lưỡi lại rồi biến đi, bố bịp ạ!".
Lại một bữa đi qua cầu hẹp, thấy một
cô bé đạp xe đạp cứ bám quá sát chiếc xe tải đi trước,
Vũ buột miệng: "Khéo đấy cháu ạ, nó mà phanh đột
ngột thì khốn đấy". Cô bé đảo mắt lại, nguýt
dài: "Việc gì đến bố già hả? Rỗi hơi à?". Khổ,
những lời như thế đã chao vào mặt nhau, lòng nhau rồi
mà buộc vẫn phải đi cùng nhau, cạnh nhau. Đường độc
đạo, cầu hẹp, xe thô sơ như đời. Vũ lủi thủi đạp,
ngậm cái rỗi hơi của mình lại. Thì cái xe tải phanh gấp
thật. Cô bé nhao cả người vào thành sau xe. Cái xe đạp
đổ kềnh. Vũ hấp tấp xuống xe chạy lại đỡ cô bé dậy,
lại buột miệng như một tiếng thở dài: "Đấy, tôi
đã bảo mà...". Và câu thứ hai thì đôi môi chúm nhọn
như cái mỏ chim của cô bé nọ làm Vũ ngớ ra: "Chỉ
tại cái mồm ông gở đấy! Thôi, buông ra, bầy hầy lắm
chuyện vừa vừa chứ".
Tóm lại, Vũ tựa như thứ lông mọc đầy
trên mặt "Người lông", cái đuôi thừa dài dưới
đốt sống cùng "Người có đuôi" - hiện tượng
bản sao lưu quá lâu những đặc điểm sinh học của chặng
tiến hóa trước, của nguồn cội, của thứ người đã
hóa thạch. Hiển nhiên, anh như không biết trên đời thời
này có một thứ gọi là xổ số.
Ấy vậy mà chiều nay, Vũ mua xổ số, mua
hết cả 60.000 đồng tiền thưởng năng suất anh vừa
lĩnh ở bàn giấy của Vĩnh ra. Ngay cửa phòng, Vĩnh nhìn
nghe thấy tất cả. Và cô không cười.
Chắc là lúc mà Vĩnh đang đếm tiền để
trao cho Vũ cũng là lúc cháu gái mù ấy đã lọc cọc, lần
mò lên đuờng hết cầu thang. Vũ nhận tiền quay ra thì đụng
ngay cái mũi gậy đầu đường của nó ở cửa phòng.
Tay kia nó chìa ra một tập vé số, miệng
nó nói thật tươi như hướng vào một ai đó vô hình
đang đứng cạnh Vũ:
- Cô ơi, chú ơi, mời chú mua vé số ủng
hộ cho trường trẻ em mù của chúng cháu. Tối nay mở thưởng.
Giải đặc biệt 100 triệu. Tập vé của cháu nhiều số
đẹp lắm. Cô ơi, chú ơi...
Vũ sững lại, đặt tai lên vai đứa bé
mù. Thế là nó ngước lên. Hai gương mặt như đã nhận
ra nhau. Vũ nhìn hút vào hai trái nhãn đã bóc vỏ, trơ cùi
đang hấp háy hy vọng và mời chào trên gương mặt đứa
bé. Anh hỏi sẽ sàng, lại có gì ngu ngơ nữa:
- Mỗi vé của cháu là bao nhiêu?
- Dạ, một nghìn đồng ạ!
- Ở đây cháu có bao nhiêu vé?
- Dạ, 60 vé ạ.
Vũ ắng đi, đầu óc anh chậm chạp, lờ mờ
thấy có hai con số 60 trùng nhau. Nhưng sự yên lặng của
anh khiến đứa bé mù thảng thốt. Nó tưởng anh đã bỏ
đi. Đột ngột, hai tay nó huơ huơ lên trước và một giọt
nước mắt rưng rưng:
- Chú ơi, chú nghe cháu nói đã. Kỳ này
công ty xổ số dành tất cả tiền bán vé cho chúng cháu tăng
tiền thức ăn hàng ngày, tiền sách vở đầu năm học sắp
tới mà... Thế mà cả ngày hôm nay, chẳng ai mua cho cháu lấy
một vé. Bây giờ, sắp đến giờ phải trả lại vé rồi.
Thế là... cháu... cháu chẳng góp được một đồng nào
cho trường cháu cả... Cháu...
Tiếng Vũ đột ngột:
- Cháu đưa cả tập vé của cháu đây và
cầm lấy cả tập này. Sáu mươi ngàn đồng đấy nhé!
Vũ đã dắt cô bé mù xuống rồi. Từ dưới
chân cầu thang vang lên tiếng lảnh lót:
- Chú ơi, chú mà không trúng số thì cháu
buồn lắm. Chú trúng số thì chú phải báo tin cho chúng
cháu đấy nhé!
Và thứ tiếng trầm ấm:
- Được, được. Nhất định là như thế.
Cháu về đi.
Vũ quay lên, anh đưa cho Vĩnh cả tập vé số:
- Cô hộ tôi. Tôi có biết theo dõi các thứ
này như thế nào đâu.
Vĩnh từ nãy, vì không thể cười nên nay
như bị ám thị. Cô ngước lên định nói gì thì đã chẳng
còn thấy Vũ đâu nữa.
Tối ấy, lần đầu tiên cô sắp xếp mọi
việc, ngồi bật truyền hình đúng giờ thông báo xổ số,
theo dõi căng thẳng. Không tin ở tai, mắt mình một lần
qua đi như thế, cô đón cả những tiếng rao lanh lảnh chạy
trên hè phố: "Kết quả đê... ê...". Mua một tờ,
lại về phòng lẩn mẩn nhặt tìm, soi chiếu. Không một
vé nào trúng, dẫu là một giải cuối, hoặc khuyến
khích.
Bây giờ thì cô bật cười thành tiếng.
Tiếng cười không hướng về phía Vũ nữa. Cô cười chính
mình. Trong lòng cô như có gì vừa mở ra, ào chảy tưng bừng,
một dòng sóng nhỏ ngọt ngào và có hương thơm. "Nhất
định, nhất định mình phải làm cho anh ấy ngớ ra một
lần nữa. Ngớ ra, nhưng theo chiều ngược lại, đối nghịch
với những lần ngớ trước kia, những lần ngớ đã quá
nhiều của anh ấy".
Và, như trời xếp để ủng hộ ý định
của cô, trong khu tập thể chỗ cô ở, một bà nghèo đông
con, hôm đó tình cờ bớt tiền chợ mua một vé xổ số
và trúng thưởng 100.000 đồng. Cô nài nỉ với bà hãy cầm
số tiền 100.000 đồng cô đưa và cho tấm vé số may mắn
đó.
Được tin mình trúng thưởng, Vũ ngớ ra
thật. Và Vĩnh cười đằm thắm:
- Có gì đâu anh. Quy luật của muôn đời.
Ở hiền gặp lành mà.
- Ở hiền gặp lành, đúng thế, chứ có
phải ở hiền gặp may mắn đâu. Này, Vĩnh ơi, em có thể
đi cùng tôi xuống trường trẻ em mù một lúc được không?
- Sao lại không? Anh!
Hôm ấy hai nguời đã không đi một lúc.
Sau cuộc gặp gỡ rất vui với đội văn nghệ của các
cháu trường trẻ em mù đang tập luyện, trong đó có cả
bé gái bán vé số hôm trước, họ đã mua về nhiều nước
ngọt và hoa quả chia vui với các cháu. Vĩnh chỉ cầm về
một trái táo hồng thắm, thơm phức. Chỉ có một trái
táo ấy mà đôi người về rất khuya.
Một tháng sau, đám cưới Vĩnh – Vũ diễn
ra thật vui ở hội trường lớn trường trẻ em mù. Đi đến
tặng hoa cô dâu chú rể là những người bước chân
không nhờ mắt mà nhờ ở những lối đi đã quen và do nơi
đến là những con người đã quen, đã thương yêu gắn
bó.
Chú rể phát biểu:
- Tôi là một người ngu ngơ hạnh phúc.
Xin ghi ơn tất cả: người bán vé số và người nhận giải
thưởng hộ tôi rồi trao thưởng cho tôi tận nhà, tận
tay, trọn vẹn...
Cô dâu nhìn chú rể. Mắt to, đen thắm. Môi
hồng mọng. Da ô liu. Một vẻ đẹp lai Ấn hiền thục không
khiêu khích./.
Hòa Vang