Chiếc xe buýt rời bến đi thị xã lúc 5 giờ 30 phút. Tấn
đặt chiếc túi xách vào bên phải áp sát thành xe. Trong
túi có chiếc áo mưa, một chiếc khăn mặt và chiếc mũ mềm.
Tấn ung dung ngồi ngắm nhìn… Giá lúc ở nhà Tấn nghe vợ
bỏ vào túi hai bắp ngô luộc, có phải bây giờ vừa ngồi,
vừa gặm có sướng không, lại tiết kiệm cả nghìn bạc.
Thực ra kiểm tra đồ đạc trước khi đi, thấy hai bắp
ngô nần nẫn, nóng hôi hổi, Tấn đã định để nguyên,
nghĩ thế nào Tấn lại nói: "Đi thị xã mà gặm ngô,
người ta cười cho". Nếu lúc ấy vợ Tấn cứ can một
câu thì Tấn đã không bỏ lại. Ngồi bên trái Tấn là một
bà béo. Bà ta mua nắm xôi một nghìn đồng, kèm theo năm
trăm bạc ruốc thịt, ngồi véo đút vào miệng nhai bỏm bẻm.
Lại một lão ngồi phía trước mua chiếc bánh mỳ năm
trăm đồng ngồi cắn, rứt nhai như bò nhai rơm, hai cái bạnh
cằm dưới mang tai vồng lên, oằn xuống.
Khi xe còn đậu ở bến, Tấn cũng định mua một chiếc
bánh mỳ, vừa rẻ, lại vừa sạch sẽ. Nếu con mụ bán
bánh mời dấn lên câu nữa thì nhất định Tấn đã mua rồi.
Lát nữa lên thị xã, nghìn bạc có khi chỉ bằng năm
trăm ở đây, bóp xốp xồm xộp như nắm bông gòn ngấm nước.
Đành vậy, lên đến đấy hãy hay. Nhưng mà vợ Tấn đã
dặn, phải lót cái gì vào bụng thì khám bệnh mới chính
xác được. Vậy thì, nhất định trước khi vào khám Tấn
sẽ ăn cái gì đó cho mà xem… mấy khi lên thị xã, có
hoang một tý chả sao. Ở trên ấy thì không thể cầm chiếc
bánh mỳ, hay nắm xôi gói lá mà nhai được. Cũng phải giữ
thể diện một tý chứ. Làm tô bún sườn cho lịch sự. Tô
bún trên thị xã, lại cửa bệnh viện chắc phải ba
nghìn. Chao ôi, bằng cả bữa ăn trưa của nhà Tấn rồi.
Ví là ví vậy thôi, chứ ở quê làm gì ra ba nghìn một
ngày. Vợ chồng Tấn cấy khoán cho Hợp tác xã hai sào
lúa. Vụ vừa rồi thu được ba tạ khô, nộp 21 khoản vừa
quỹ, vừa thuế cho xóm, cho Hợp tác xã, cho huyện… hết
hai tạ hai, còn lại tạ tám. Trừ chi phí các loại hết
80 cân. Còn một tạ. Giá thóc 15, lời có 150 nghìn đồng.
Tính ra ngày công không được 500 đồng bạc. Đi khám bệnh
đợt này, vợ Tấn phải xúc năm chục cân thóc mang ra chợ.
Họ bớt mất một, còn 74 nghìn. Tiền vé ô tô đi về hết
14 nghìn, ăn uống chi phí dọc đường Tấn cứ cho cả gói
là 6 nghìn, vị chi là 20 nghìn. Còn 54 nghìn là để chi phí
khám bệnh, mua thuốc khó có thể đủ. Không may phải chụp
X quang, xoàng cũng mất 15 đến 20 nghìn, lại còn mua tích
kê, tiền biếu bác sỹ để được khám trước, tiền biếu
hộ lý để mượn chìa khoá nhà vệ sinh… bao nhiêu thứ
phải chi, mà lần trước vợ chồng Tấn đã chứng kiến.
Tấn cũng đã tính, khám bệnh xong Tấn sẽ mang phim, mang
đơn thuốc về nhờ bác sỹ quen xem lại, có gì rồi mới
mua thuốc điều trị sau. Ở trên ấy, có thể Tấn không
có bệnh họ khám cho ra bệnh. Bệnh đáng 10 viên thuốc, họ
kê đơn 20 viên. Thuốc đáng một nghìn, họ bán hai nghìn.
Bước chân ra khỏi bệnh viện cứ như người vừa bị móc
túi, không ốm cũng thành ốm. Vì vậy Tấn không tiết kiệm
cũng không được. Ngày trước đi đây, đi đó, chưa vợ
con gì, khoẻ mạnh Tấn có phải tính toán thế này đâu.
Bây giờ ốm đau lại nghèo túng đâm ra cũng… Cái nghèo
và cái hèn nó dễ đi liền với nhau.
Xe chồm lên rồi lắc mạnh, hơi xăng toả ra nồng nặc.
Có lẽ đoạn đường đang làm dở. Người phụ xe buông cửa
trước bước vào trong thông báo: "Hành khách chuẩn bị
mua vé nhé". Nói rồi anh ta bước đến phía hàng ghế
dọc đầu buồng lái chìa tay về phía hai cậu thanh niên:
"Các anh mua vé". Một cậu giả ngô nhìn lên phía
trước. Còn một cậu hỏi giá vé rồi móc túi lấy tiền
trả. Người phụ xe thu của những người trong hàng ghế
rồi mới quay lại cậu thanh niên đầu tiên. Lúc ấy cậu
ta mới uể oải nghiêng mình rút cái ví ở mông, đếm tiền
đập vào lòng bàn tay người phụ xe, mắt nhìn đi chỗ khác:
"Đây chỉ có thế". Người phụ xe đếm lại số
tiền rồi dúi trả lại. "Cái gì?", cậu thanh
niên quay lại. Người phụ xe cầm mấy tờ bạc dúi tiếp
vào ngực cậu thanh niên cái nữa. "Thiếu có nghìn bạc
sao mà quá thế". "Mời ông xuống cho!", sáu
nghìn bạc trong tay người phụ xe phất mạnh vẻ cương
quyết. Cậu thanh niên xoay xoay người nhúc nhích rồi lại
ngồi yên vị. "Có xuống không thì bảo!", sáu
nghìn bạc lại phất lần nữa. Đến lúc đó cậu thanh
niên mới nhấc bàn tay cầm cái ví vẫn để dưới đùi
phải, rút ra nghìn bạc để sẵn ở mép ví, đập vào tay
phụ xe: "Thì đây".
Tấn ngồi ở hàng ghế thứ ba tính từ hàng ghế dọc
đầu tiên. Người phụ xe bắt đầu thu đến hàng ghế của
Tấn. Vừa lúc đó xe ngừng lại đón thêm khách. Người
phụ xe ra cửa đưa lên một phụ nữ khoảng 40 tuổi, gầy
đét như con cá rô đực, mắt hơi lác, miệng vêu vao như
con ngao, tay chị ta xách chiếc túi phồng lên nhữn u, những
cục. Người phụ xe chỉ vào chiếc ghế ngang hàng với
hàng ghế của Tấn, ở đó còn một chỗ ngồi. Chị ta đứng
một lát để xem xét đối tác, rồi lên tiếng: "Nhường
cho chị ngồi ngoài cửa sổ, chị say xe lắm". Cả hai
thanh niên không nhúc nhích. "Đổi cho chị đi".
"Đổi với chác gì. Vẽ chuyện", cậu ngồi ngoài
hậm hực, mắt vẫn nhìn ra ngoài. Không thể thương lượng
được, chị ta đành ngồi vào chỗ của mình.
Tấn nhìn ra cửa sổ xe, lúa ở vùng này kém quá, đầu
tháng tư ta rồi mà cây lúa vẫn còn đứng đơ trông rõ gốc
đen sì. Thỉnh thoảng có khoảnh tốt hơn một chút lại bị
sâu cắn lá làm cho những sợi lá túa ra rối như rơm.
"Ùa… ụa". Tấn giật mình quay sang. Chị
"cá rô đực" hai tay bưng khăn mặt úp vào miệng
cúi xuống. "Ùa… ụa", tiếng nôn cố tình như bò
ợ. Tấn nhăn mặt. Cậu thanh niên ngồi kế vội đứng dậy
nhường chỗ cho chị ta. Cậu ngồi sát cửa sổ vẫn tỉnh
queo nhìn ra ngoài không mảy may động lòng.
Bà béo xục xịch, có lẽ bà ta đang móc tiền trả.
Trên xe im lặng, chỉ có tiếng máy nổ đều đều. Tấn lại
nhìn ra cửa sổ vẻ say mê với những ruộng lúa. Lúa thửa
này còn khá hơn. "Này, anh cho xin tiền xe". Tấn giả
vờ không nghe thấy. Bà béo huých vào tay Tấn
"Vé". Tấn giật mình quay lại: "Cái gì?".
Người phụ xe tay cầm một nắm tiền bóp cong lại, hất
hàm: "Vé". Tấn nghiêng người đút tay vào túi quần
rút ra một bọc giấy bóng. Trong bọc có 74 nghìn đồng,
toàn tiền mười nghìn đỏ, chỉ có bốn nghìn tiền lẻ.
Tấn đành rút tờ mười nghìn. Người phụ xe vừa đưa
tay ra đón, thì Tấn rụt lại như sợ bị mất. Tờ mười
nghìn run run trong tay Tấn: "Anh trả lại ba nghìn".
Người phụ xe chộp lấy tờ giấy bạc xếp vào trong nắm
tiền: "chốc nữa có tiền lẻ rồi trả nhé".
Nghe thế, Tấn hơi nhổm người lên, đành ngồi xuống. Biết
ngay mà, thiếu của nó một đồng thì nó đòi cho bằng
được, không nó đuổi xuống. Mà thừa của người ta thì
nó lờ tịt. Đòi lại thì ngại mọi người nghĩ đàn
ông, đàn ang gì… mà không đòi thì… Không đòi sao được?
Ai cho không Tấn ba nghìn? Kìa, trông cái mặt hắn mới đểu
làm sao chứ. Da thiết bì, cái loại này là lường quỵt lắm
đây. Mắt nó trông lỳ thế kia, phải biết. Nó không cướp
của thiên hạ thì thôi, chứ thiên hạ làm sao được của
nó. Hai vệt lông mày ngắn chủn sát vào nhau, loại này
là bủn xỉn số một. Hắn đội cái mũ "Le vít"
lưỡi trai xoay ngược, ghét sơn dày đen xỉn. Tởm, những
thằng phụ xe là đồng đẳng với bọn dao búa chứ chả
chơi. Hắn đang cãi nhau với một chị buôn cá. Chị kia cũng
chả vừa: "Mày trông đây này, có từng này con cá mà
mày lấy những năm nghìn thì có đ. gì để tao nuôi con, hả?".
"Mày xéo mẹ mày xuống". "Tao đ. xuống, mày
làm gì được tao thì mày làm"… Tham lam lắm cho chết!
Tấn ngó hẳn lại, nhổm lên xem. Tay hắn cầm nắm tiền
to tướng có cả mấy tờ một nghìn, hai nghìn, năm trăm vậy
mà hắn không trả. Cũng có thể giải quyết xong với nhà
kia rồi hắn trả cũng nên. Nhưng rồi hắn thu đến người
cuối cùng, và đứng lỳ luôn ở đấy. Hắn giả vờ quên
đây. Ba nghìn bạc chứ ít ỏi gì đâu. Ba ngìn bạc, công
làm ruộng cả tuần của Tấn. Tiền nộp chống suy dinh dưỡng
cho con bé mẫu giáo còn chưa có. Làm sao mà Tấn để mất
dễ dàng như thế được. Thật chẳng ai như vợ Tấn. Lúc
mang tiền bán thóc về, Tấn bảo đổi mấy chục nghìn lẻ
để Tấn mang đi tiêu cho dễ. Lại bảo cầm tiền chẵn
đi cho gọn, đỡ mất. Mà Tấn cũng ngu quá đi, ở bến xe
cứ dứt khoát đưa mười nghìn mua chiếc bánh mỳ thì cũng
như đổi được tiền lẻ vậy.
"Ùa… ụa", lại cái nhà chị "cá rô đực".
Người thì bé như con ve mà tiếng nôn như bò rống. Đàn
bà, con gái gì mà nôn cũng không biết đường nôn, phải
ý tứ, kín đáo một tý chứ. "Khiếp, cứ như chó mửa",
bà béo rung rinh đôi vai nói. "Ùa… ụa", sắp toé
ra bây giờ. Đến lúc đó cậu thanh niên ngồi sát cửa sổ
mới hậm hực đứng dậy: "Đây bà ngồi ra ngoài mà
ói". Ngồi vào được vị trí cần thiết, chị ta mới
dỡ cái khăn bưng ở miệng ra, nó khô rang, chả có một
tý nhớt nhãi gì. Sau đó chị ta lấy chiếc túi xách dỡ
ra hai khúc sắn tàu luộc nhai bem bẻm, vừa ăn, vừa cười
nói như máy nổ.
Tấn ngoái lại cuối xe. Quái, hắn đâu rồi nhỉ? Đảo
măt một lượt từ dưới lên trên cũng không thấy. Bỗng
có tiếng đập "bạch bạch" ở cửa sau. Thì ra hắn
đứng ở đấy, trăm phần trăm là hắn lánh mặt mình.
Xe dừng lại, nhưng người khách không lên vì họ chờ
xe đi Hà Nội. Cái cột số bên đường chỉ "Thị xã
12 km"… Thế nào rồi hắn cũng lên đầu xe, còn 12
cây số nữa cơ mà, không thể đứng lỳ ở cuối xe mãi
được.
"Cậu cũng đi tới bến à?" bà béo thúc vào sườn
Tấn hỏi. "Vâng". "Xuống bến cậu còn đi đâu?".
"À, không". Tấn trả lời nhạt nhẽo cho qua chuyện,
rồi lại liếc về phía cuối xe. Đúng như Tấn dự đoán,
hắn đã rời cửa xe, ghé mông ngồi vào đầu một chiếc
ghế trống. Hắn rút bọc tiền ra đếm, loại năm nghìn,
mười nghìn, hai mươi nghìn thành một xếp cuộn lại
nhét vào túi áo ngực. Số tiền lẻ còn lại hắn cho vuốt
phẳng cầm trên tay. Có lẽ hắn chuẩn bị đi trả lại
tiền cho hành khách đây. Mà không biết, ngoài Tấn ra hắn
còn nợ ai nữa không? Mà sao hắn cứ ngồi mãi như thế
nhỉ? Lát nữa vào thị xã khách xuống phải bốc dỡ lại
quên xừ nó mất… phức tạp quá. Thật chả ai như Tấn
đem rước bực bội vào thân. Đáng lẽ chỉ tốn năm
trăm đồng chiếc bánh mỳ, bây giờ bánh mỳ cũng không
có, lại mất toi ba nghìn bạc, chửa biết chừng. Nếu Tấn
còn ăn sáng nữa kể như mất đứt sáu nghìn hỏi có
"tẩm" không cơ chứ.
Bây giờ hắn cũng đã đứng lên, vịn vào trần xe.
Túi áo ngực hắn phồng to, kéo trễ xuống. Tấn quay lại
cố nhìn vào mặt hắn để hắn nhớ là còn nợ Tấn mà
trả. Nhưng mắt hắn cứ chăm chắm nhìn thẳng ra phía trước.
Có người đứng bên phải đường dơ tay ngập ngừng vẫy.
Lái xe không dừng. Hắn có đánh mặt qua phải. Khi trả mặt
lại vị trí cũ, hắn có liếc qua Tấn. Chớp được cơ hội
đó, Tấn xoáy đôi mắt hắn, hy vọng hắn dừng điểm nhìn,
lúc đó Tấn sẽ gật nhẹ một cái ra hiệu cho hắn nhớ.
Nhưng mà hắn không dừng, chỉ lướt nhanh rồi lơ đãng
nhìn thẳng ra phía trước. Phải đến hơn mười phút hắn
mới đứng dậy vịn thành ghế bước đến đầu xe đứng
trước mặt Tấn. Đây rồi, trước sau thì mày cũng phải
"nộp mạng". Hãy để một lát nữa xem thế nào.
Hắn quay lại là Tấn dứt khoát: "Anh trả tiền thừa
cho tôi". Hắn không quay lại thì Tấn sẽ gọi. Gọi
thế nào nhỉ?… "Anh gì ơi". Không được, hắn sẽ
giả vờ tưởng gọi ai và không quay lại, mình ngượng chết.
Phải gọi "Ông phụ xe ơi", hoặc "Ông phụ
xe!". Gọi giật thế, hắn sẽ quay lại. "Cho tôi
xin tiền chứ". Nhưng gọi mãi mà vẫn không thấy hắn
quay lại, cứ giả vờ lơ đi. Thôi được, Tấn sẽ gọi,
bắt đầu gọi, gọi to đột ngột để hắn giật mình
mà quay lại. Tấn hơi nhổm lên lấy hơi, vừa định há mồm
thì "Bác tài ơi, cho xuống". Tấn đành phải
thôi. Xe giảm tốc độ rồi dừng lại. Hắn mở cửa trước,
nhảy xuống đường: "Có xe đạp không?",
"Có, có". Hắn lên mui gỡ xe đạp xuống rồi đu
người đứng ở cửa trước. Bây giờ thì Tấn không thể
gọi hắn được, từ chỗ Tấn đến chỗ hắn hơi xa. Tấn
thấy bực bội quá… Hay là Tấn cho qua, coi như vừa bị
mất cắp… Nhịn quách một bữa sáng cũng được, bụng
hãy còn no mà.
Xe đến một ngã tư thì dừng lại cho một số hành
khách xuống chuyển xe. Mọi việc xong xuôi, xe lại bắt đầu
chuyển bánh thì có ba thanh niên đu người tót vào trong
qua cửa trước. Hắn lùi lại sát hàng ghế đầu ngay trước
mắt Tấn để nhường chỗ cho ba thanh niên. Một tên đứng
trên sàn xe đầu chấm nóc, quét mắt một lượt. Hai tên
đứng ở bậc lên xuống. "Bọn móc túi đấy", bà
béo huých vào tay Tấn thì thầm, mắt không chớp. Theo phản
xạ Tấn nghiêng người co tay phải sờ vào bọc tiền ở
túi quần, rồi xem lại cái túi đựng áo mưa và cái mũ.
Nó vẫn nằm nguyên chỗ cũ. Bỗng lỗ mũi Tấn hơi ngứa
ngứa chừng như muốn hắt hơi. Phải rồi hộp cao sao vàng
vợ Tấn đưa cho mang theo vẫn trong túi áo. Tấn mở hộp
cao xoa vào mũi, thái dương và cổ. "Cậu cho chị xin
tý", bà béo ngửa bàn tay mũm mĩm về phía Tấn. Hai
ngón của tay trái cầm hộp cao, ngón trỏ tay phải bà béo
quẹt một quẹt trũng xuống, day day vào cổ, vào mũi, vào
thái dương. Ngực bà béo dập dình, dập dình như hai cái
giảm sóc. Mùi cao sao vàng lan ra, bốc lên thơm ra làm hắn
quay lại: "Bà chị cho mượn tý", hắn xoè tay. Tim
Tấn đập hơi mạnh, được rồi để hắn xoa xong, Tấn sẽ
hỏi, quyết hỏi, chả có gì phải ngượng. Nợ thì phải
trả, không chịu trả thì phải đòi.
Cũng như bà béo, ngón tay cái cáu bẩn của hắn vét đến
lõm hộp cao trát lên cổ, lên gáy. Cả đời chắc hắn
chưa bao giờ mua, chỉ mượn được của ai là… cái đồ
tham như chó đói. Hắn đưa trả lại cho bà béo hộp cao.
Tấn định đưa tay ra đỡ, rồi tiện thể nói luôn, thì
bà béo đã nói như ra lệnh: "Chú không trả tiền thừa
cho cậu này à?". Tấn thấy hởi lòng, hởi dạ. Bà
béo thế mà chơi đẹp. Hắn vẫn không nói gì, đút tay
vào quần nơi để nắm tiền lẻ. Bàn tay nghỉ lại trong
túi quần không rút ra. Tấn định nhắm thêm một câu,
thì hắn hỏi bâng quơ: "Mấy nghìn". "Ba
nghìn", Tấn trả lời ngay. Hắn rút nắm tiền trong
túi quần đưa cho Tấn tờ hai nghìn, tờ một nghìn. Tấn
gập lại, rút bọc tiền nhét hai tờ giấy bạc vào rồi
đút vào túi quần. Thế là xong, nhẹ cả người. Sư mày,
khôn ngoan chẳng lo thật thà. Thằng này quái thật, hắn
giả vờ hỏi "mấy nghìn" ra bộ quên, chứ không
phải cố ý. Mỗi chuyến xe, hắn "quên" mấy người,
cả ngày vài chuyến hắn kiếm kha khá.
Xe dừng lại ở bến phụ dưới chân cầu thị xã để
dỡ hàng và xe đạp xuống. Ngồi chờ dỡ hàng xong thì mất
thì giờ lắm. Từ đây xuống bến chính độ hơn nửa cây,
thà xuống quách ở đây có khi còn nhanh. Ăn bún chỗ này,
ngõ chợ chắc rẻ hơn cổng bệnh viện. Nghĩ thế Tấn
quyết định xách túi đứng dậy. "Cậu xuống đây
à?". "Vâng". Tấn trả lời bà béo rồi
nghiêng người lách qua, len ra được đến cửa Tấn đu
người nhảy xuống đường. Trời thoáng đãng quá. Một
làn gió nam mát rượi làm Tấn tỉnh cả người, xương cốt
giãn ra. Tấn xác định hướng đi rồi ngẩng mặt… bước.
"Này, anh gì áo xanh bộ đội ơi". Tấn quay lại.
Lại hắn. Hắn cầm cái bọc giấy bóng đưa cho Tấn:
"Của anh vừa rơi". Tấn giật mình. Của Tấn thật
ư? Tấn vội sờ vào túi, thôi đúng rồi, bọc tiền trong
đó có cả giấy chứng minh thư, giấy giới thiệu khám bệnh
của Tấn làm sao lại rơi ra được. Tấn run run đỡ lấy
gói tiền trong tay hắn, dỡ ra kiểm tra lại, cả bốn
nghìn tiền lẻ, ba nghìn hắn vừa trả còn đầy đủ. Hú
vía. Tấn thẫn người, mồ hôi rịn ra. "Cậu phải cảm
ơn người ta chứ". Tấn giật mình ngẩng lên, người
vừa nhắc Tấn là chị "cá rô đực". Chị ta có
câu thật đúng lúc. Nhưng kìa, chiếc xe đã chuyển bánh.
Người phụ lái đứng ở cửa xe dơ một tay lên quá đầu,
bàn tay xoè ra, không ra chào, cũng không ra vẫy./.
Bùi Thanh Minh