Một buổi chiều như mọi buổi chiều, tôi
cuộn tròn cuốn vở nhét vào túi quần, thờ ơ chào mẹ
"Con đến nhà cô học, mẹ ạ". Qua một góc phố...
tôi lao thẳng xe vào cánh cổng sắt quen thuộc. Chẳng hiểu
sao phanh không ăn làm cái xe đâm sầm vào cửa đánh rầm.
Ngay lập tức xuất hiện một ông con trai với cái nhìn
soi mói "Bạn hỏi ai ?". "Tôi là học trò của
cô. Thế anh là ai ?". Một câu hỏi có lẽ cũng chẳng
ngớ ngẩn lắm. Thế mà hắn ta cười ruồi, tỉnh bơ
"Là cháu, cháu mới ở dưới quê lên. Bạn vào nhà
chơi, cô sắp về rồi". Và chẳng thèm nhìn cái gật
đầu mạnh tới mức sái cổ của tôi, hắn ta bươn bả
chạy vào nhà. Tôi hậm hực khóa xe, đóng cổng.
Mới dưới quê lên - Hừ! Đúng là đồ
nhà quê . Mọi khi tôi tới đây, bao giờ cô cũng chờ tôi
khóa xe xong mới vào cùng. Nện gót giầy cầm cập trên
sân, đã thấy "đồ nhà quê" xuýt xoa trên cái bếp
điện ở góc phòng và xoong mì cạn sạch nước. Khốn
khổ, tôi hào hứng xắn tay áo xông vào chữa cháy với
một lời chê làm hắn bắn ra xa. "Bộ ở dưới quê
anh không dùng bếp điện à?". Xong xuôi, hắn ta
"vô phép!" rồi "nạp năng lượng".
Tôi ngáp dài. Ôi trời! Sao cô lâu về thế!
Thời gian ấy đủ để cho đồ nhà quê kia xoa dịu cái
dạ dày của hắn và bắt đầu xoa dịu đôi mắt bằng
cách nhìn tôi. Hắn đặt ra một loạt câu hỏi "Tôi
có thể biết tên bạn được không?". "Bạn học
trường nào ?". Tôi chẳng thèm trả lời lấy một
câu, ném ánh nhìn tò mò lên cây guitar lạ hoắc treo
trên tường, lạnh nhạt: "Chẳng biết dưới quê thế
nào, chứ trên này gọi thế là hơi bất lịch sự đấy
anh bạn ạ". Hắn cứng họng.
Tôi cười hì hì khoái chí để rồi choáng váng khi cô về,
giới thiệu: "Đây là Quang, con trai cô mới ở bên
Đức về. Còn đây là...". Đành tu vậy, nghĩa là phải
cắm mặt xuống vở, cơ quan thính giác chỉ thu nhận tiếng
nói của cô và coi như hắn không hiện hữu ở đây.
Về nhà, thở phào tưởng thoát nạn, thế
mà đến lúc giở vở ra, tôi lại chết đứng. Một dòng
chữ ngoáy vội vã bên lề vở "Không biết trên này
thế nào chứ dưới quê gọi thế là quá kiêu đấy bạn
ạ". Hẳn đây là tác hại của ba phút theo cô xuống
bếp lấy quả gấc cô gửi biếu mẹ tôi. Dư âm của
chuyện đó còn thảm hại hơn, khi hôm sau, thằng nhóc ngồi
cạnh mượn vở tôi chép bài, và rêu rao câu đó khắp lớp.
Ôi trời! Đấm xuống mặt bàn sợ đau tay, tôi bèn gõ
lên đầu thằng nhóc kia một cái đau điếng và giận dữ
thề...
Lời thề sặc mùi kiếm hiệp kia chưa kịp
thực hiện thì tôi đã tự ngượng với mình vì "thề
cá trê chui ống", có trời chứng giám, ngàn lần
không phải lỗi do tôi. Tự dưng cô có việc bận một
tuần liền, không muốn tôi nghỉ học, cô bàn giao tôi
cho hắn. Đành vác vở tới, ngậm... ô mai nghe "anh
Quang" giảng. Dĩ nhiên với trình độ cao thủ của
anh thì... Trời! Cuối cùng tôi cũng thốt được tiếng
"anh" ngọt ngào. Bởi lẽ từ bé tới giờ tôi
chỉ quen gọi lũ nam tử là "thằng", là
"nhóc" cùng lắm thì là "mầy" thôi mà.
Một tuần như thế, tôi bắt đầu hiểu
anh hơn một chút và bắt đầu dám nhìn thẳng vào anh. Cũng
may anh không đẹp trai lắm - ra đường đỡ bị người
ta chú ý. Anh có đôi lúm đồng tiền trông ngồ ngộ. Mỗi
lần anh cười là mỗi lần tôi thấy cáu sườn. Cái
lúm đồng tiền duyên quá là duyên kia đáng lẽ phải
dành cho con gái, phải dành cho tôi chứ. Ấy thế mà
"tôi thì không mà anh thì hai". Ông trời bất
công quá mức. Đã thế anh lại đa tài: giỏi toán, siêu
ngoại ngữ, biết viết nhạc và có thể ôm guitar rền rĩ
bản "Nothing's gonna change my love for you" và vô số
những bản nhạc tôi thích. Tôi tự hào và thán phục
anh kinh khủng.
Chiều đầu tiên anh hẹn tôi, tôi chờ
mãi mà không thấy bóng anh đâu cả. Khỏi phải nói là
tôi cáu như thế nào. Chưa có một tên con trai nào làm
tôi tức đến thế. Tôi giận dữ vặt trụi lá của một
cái cây nhỏ gần nơi tôi ngồi và chợt thấy mình bất
lực. Dĩ nhiên không thể gõ đầu hoặc hăm dọa anh
"đập chết ăn thịt" như với mấy thằng nhóc
cùng lớp. Được rồi, tôi sẽ có cách.
Buổi tối anh đến nhà tôi. Tôi biết
anh đang bị choáng bởi tôi đã không còn là con bé tóc
dài óng ả nữa. Câu chuyện nhạt nhẽo và vô vị dù
anh đã thanh minh rằng buổi chiều anh có việc bận đột
xuất, khi tôi tiễn anh về, anh hỏi "Sao Hằng không
để tóc dài nữa ?". Tôi nhếch mép "Giận!".
Anh hừ khẽ: "Trẻ con thế". "Em vẫn trẻ
con đấy chứ". "Em sắp mười tám rồi".
Tôi kéo dài giọng "Vâng, và mười tám tuổi thì
không có quyền được bận đột xuất". Anh im lặng,
tôi sụt sịt như sắp khóc: "Mình đừng chơi với
nhau nữa". Anh buông thõng "Cũng được" rồi
về. Tôi chạy ào vào nhà. Tấm tức khóc. Ừ! Tôi trẻ
con thật, nhưng anh có người lớn hơn tôi đâu.
Một tuần đi qua, tôi không đến nhà
cô, cố gắng không nhớ tới anh. Thằng nhóc ngồi cạnh
bảo: "Mấy hôm nay mày như con nhỏ ngớ ngẩn ấy".
Nói xong nó giơ tay ngay lên chuẩn bị đỡ cái gõ đầu
của tôi. Tội nghiệp! Nhưng tôi quên bẵng mất thói
quen của mình. Hình như thằng nhóc ngạc nhiên.
Tuần thứ hai sắp hết. Tôi đếm từng ngày ào ạt qua
đi: run sợ nghe tiếng những chiếc xe máy lao qua cửa
nhà. Anh không đến...
Tôi lẩm nhẩm một câu hát "If I had
to live my life without you near me", ngao ngán dắt xe ra cổng
trường. Đột nhiên con tim reo keng keng. Anh đứng bên
đường với nụ cười ngượng nghịu: "Mẹ bảo anh
đến xem sao lâu em không sang học". Biết anh nói dối,
định đáp lại một câu gì dằn dỗi nhưng rồi lại thôi.
Hai đứa đạp xe như bay trên đường, lòng ngập tràn hạnh
phúc.
Anh giới thiệu một người bạn: đẹp
trai hào nhoáng. Nói chuyện vui vẻ rồi khi còn lại hai
đứa, anh khiêu khích: "Nó thích em đấy!" Tôi
cau mày: "Việc gì anh phải nói thế!". Không khí
căng như một sợi dây đàn. Thế này thì cãi nhau cho mà
xem. Anh chuyển đề tài: "Ba mẹ em dạo này thế nào
?". "Chán lắm!" Im lặng, một lúc lâu, anh ngập
ngừng: "Anh tự muốn nói là anh...". Tôi muốn
gõ vào đầu anh lắm lắm nhưng rồi chỉ bĩu môi:
"Thôi đi ông trẻ con hai mươi mốt tuổi ạ!".
Những chiều thứ bảy rảnh rỗi, anh
thường chở tôi đi chơi. Khi thì xuống nhà một người
bạn ở ngoại thành, khi thì lang thang trên Hồ Tây. Nhiều
lúc anh vác giá vẽ lung tung. Những ngôi sao bơi trên mặt
hồ, những cô bé có cánh bay lượn trong tranh của anh. Có
lần anh tỏ ý muốn vẽ tôi, tôi chỉ nhăn nhở cười:
"Khỏi, anh cứ vẽ cái mặt Pinokio với cái mũi ngắn
hơn một chút là được rồi". Quả đúng thế, bởi
tôi hay bị mọi người trêu là giống chú rối gỗ ấy
ở cái miệng rộng ngoác. Thế mà anh không cười, chỉ
kéo tóc tôi: "Tóc em dài hơn rồi đấy". Tia nắng
chiều làm những sợi tóc bên má tôi ánh lên hung hung
óng ả. Anh cười vu vơ điều gì đó, lẩm nhẩm hoài mấy
từ "tóc ngắn", "ông trẻ con".
Mãi đến một hôm anh kéo tôi đến nhà,
bắt tôi ngồi nghe anh hát một bài hát vừa viết, tôi mới
hiểu. À ra thế! Có thể là sau này tôi sẽ không bao giờ
quên được đôi mắt trìu mến và giọng hát thâm trầm
của anh. "Này cô bé tóc ngắn, có lấy không một
bông cúc vàng. Ta nhận riêng cho mình bông cúc héo. Hai mốt
tuổi rồi vẫn thấy là trẻ con".
Đi học về, lại thấy ba mẹ đang chì
chiết lẫn nhau, tôi lau nước mắt bỏ đi. Gặp anh. Hai
đứa chui vào quán nhỏ quen thuộc. Anh mượn chủ quán
cây guitar, hát cho tôi nghe: "Này cô bé tóc ngắn, nhận
giùm ta một bông cúc vàng. Thèm nghe thấy tiếng cười
em lắm. Cười đi nào cô bé lọ lem". Tôi cầm bao
diêm, quẹt từng que. Những que diêm bùng lên ngọn lửa
cháy bỏng, và rồi lịm dần đi. Tôi thì thầm "Em
không thể sống thế này mãi được". Anh ngừng đàn,
bóp nhẹ tay tôi. Cử chỉ ấy có ý nghĩa nhiều hơn những
lời an ủi sáo rỗng. Lòng tôi bỗng tràn ngập một thứ
tình cảm khó tả và đầy biết ơn, tôi đã buột miệng
nói một điều mà đáng lẽ tôi không nên nói...
Phải, lẽ ra hãy cứ để anh tự nói
lên điều đó, lẽ ra tôi phải nhớ mình là con gái. Bao
nhiêu giả thuyết "lẽ ra" cũng không đủ níu giữ
những gì đang đổ vỡ. Anh trở nên kiêu hãnh với niềm
tin mà tôi đã gửi gắm một cách dễ dàng cho anh. Lòng
tin là một thứ của quý. Và những người con trai như
anh thường cao ngạo khi chinh phục được quá nhanh
chóng. Giá như tôi biết điều đó trước - bây giờ
ngã rồi mới thấy đau.
Nhưng thực ra cũng không có gì nghiêm trọng
lắm. Tôi vẫn sang thăm cô và vẫn gặp anh. Nhưng bây giờ
giữa hai đứa là một ngã rẽ. Anh hay cười ngạo nghễ,
tôi thường cúi đầu lặng lẽ, có thể là nuối tiếc.
Khi người ta là bạn của nhau, người ta đi chung một
con đường. Khi xa nhau, con đường chia hai ngả. Anh đi
con đường của anh - con đường của những người lớn
biết yêu và biết gìn giữ tình yêu. Và tôi vẫn tiếp
bước trên ngả đường của riêng tôi, ngả đường của
một đứa trẻ con mười tám tuổi. Mãi ngân nga trong
tôi là bài hát anh viết ngày nào. Bài hát chỉ dành cho
riêng tôi:
"Trái tim ta là một bông cúc héo
Mười tám tuổi rồi vẫn cứ ngu ngơ
Mười tám tuổi rồi, vẫn cứ trẻ
con..."
Chu Thu Hằng