Nhạc công ống nước

Vào năm thứ 76 của thế kỷ cũ sau công nguyên, ở đất Hà, nhà họ Phạm đã có con đầu là gái tên Hồng, nay sinh hạ đứa con thứ hai, một cậu con trai không khôi ngô tuấn tú, cũng không có tướng lạ bẩm sinh, chỉ có sương mù bao phủ bầu trời mặt đất suốt ba ngày ba đêm khiến cho máy bay không thể nào lên xuống được, sân bay Nội Bài chật ních người ăn chờ nằm chực, trên đường quốc lộ 1 mấy cái ô tô đâm nhau.

Người cha vốn dòng dõi trung bình, tính tình hoà nhã, học vấn nửa vời, cái gì cũng biết một ít nhưng chưa hề biết cái gì đến đầu đến đũa, mong cho con trai mình sau này nên người, bèn đặt tên cho con là Phạm Hữu Ích, nhưng bà mẹ không nghe. Bà mẹ họ Hoàng, gia thế cơ bản, là sản phẩm của thời đại dân chủ, không chịu được bất kỳ sự bất công nào, thậm chí mong muốn chính chồng phải đẻ chứ không phải mình, ngay trong lễ cưới khi nhìn thấy trên phông treo hai chữ lồng PH, cô dâu đã nằng nặc đòi họa sĩ phải đổi ngay thành HP, sau vì bị người đời dèm pha, bảo rằng hai chữ này từa tựa tên một hãng máy tính, máy in nổi tiếng của Mỹ, mới thôi. Vậy là bà trên giường đẻ đã tự mình quyết định cầm bút bi điền vào tờ giấy khai sinh cái tên Phạm Hoàng Tuấn Tú, ý muốn con sẽ mở mày mở mặt với đời.

Tú lớn lên, đi nhà trẻ, mẫu giáo, rồi học cấp 1, cấp 2, tuy không được là học sinh tiên tiến nhưng cũng chưa được liệt vào dạng học sinh cá biệt. Đầu cấp 3 đã biết chửi bậy, đá bóng như điên, đã từng đánh nhau với bạn học cùng lớp, làm bạn rụng mất một chiếc răng và đã một lần lẻn vào vũ trường.

Học đến năm lớp 11 thì Tú phát tiết tài năng. Cái gì cậu cũng nổi trội hơn người. Trước tiên là môn Văn, dễ nổi hơn cả, cậu thuộc vanh vách ca dao tục ngữ, những bài văn mẫu thầy cho, cả những đoạn hay trong các sách hướng dẫn cho các thầy. Kết quả là khi được cử đi thi học sinh giỏi cấp thành phố, cậu xếp nhất, đem vinh hạn tột độ cho ông hiệu trưởng, cô giáo chủ nhiệm, thầy giáo dạy Văn và gia đình, đem lại niềm hy vọng cho nhà trường.

Sau khi được giải Văn, môn Toán cậu học lên như diều, phần bởi vì thầy Toán là bạn thầy Văn, phần nữa cậu cũng có vẻ như có năng khiếu toán học. Rồi đến các môn khác cũng trở nên giỏi bất ngờ, đến nỗi bản thân cậu cũng không biết đó là do năng khiếu hay do đi học thêm ở các lớp luyện, và mình giỏi giang thật sự ở môn nào.

Sang đến lớp 12 thì cậu lại phát tiết thêm tài năng Âm nhạc. Một hôm cậu ta lấy những ống nước thừa dài ngắn khác nhau nhặt được ở công trường xây dựng buộc thành hàng, gõ kêu leng keng đủ cung bậc, bèn tuyên bố đây là phát minh vĩ đại ngang đàn đá của tổ tiên. Biệt hiệu “Nhạc công ống nước” ra đời từ đó, không ngờ nó vận đến tận sau này.

Hết phổ thông, Tú thi đại học. Với sức học xuất sắc như thế, Tú thi một phát ăn ngay Kinh tế quốc dân, học được hết một năm, cậu chán, cho rằng mọi thứ nhồi nhét vào đầu đều không sinh động, nên bỏ, lao vào thi Đại học Tổng họp, University hẳn hoi, học ngoại ngữ, rất thời thượng. Năm sau, do không nhằn được cái món tiếng Anh rắc rối, cậu thử nộp đơn thi Đại học Bách Khoa, cũng đỗ. Phải nói con đường học vấn của cậu hanh thông vô cùng. Cậu còn giải thích: Tớ tuổi Thìn, rồng mà!

Tú học Bách khoa được một năm lại bỏ. Bởi cậu thấy trong trào lưu hiện đại khối thằng ngu dốt cũng làm được tỷ phú, mà mình thì không dốt, đi học làm gì cho phí thời gian. Hơn nữa, có ông vĩ nhân đã nói, đại học cuộc đời bằng mấy đại học sách vở, mà cậu lại rất tin những lời vàng ngọc như thế. Cho nên cậu xin tiền mẹ đi mở công ty, làm giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn. Tiền tiêu như nước, sướng được một năm thì chẳng may bị lừa nên phá sản. Bố tiếc của nhưng không dám càu nhàu trong nhà, ra sân nhìn trước nhìn sau không có ai, chửi toáng lên một chập, không ai biết ông chửi ai, chửi cái gì, rồi hạ hoả. Mẹ bảo a, từ giờ đừng có mà xin tiền mở bất cứ công ty gì nữa nhé. Chị bảo không sao, chị sẽ cho vay tiền mở công ty khác, có kinh nghiệm rồi sẽ làm ăn tốt hơn.

Lúc đó, bạn của bố cậu, ông Tác, một người quyết đoán, làm to, một hôm ngắm nhìn cậu từ đầu đến chân, bảo thằng bé như quái vật, phải cho nó đi cải tạo. Bà mẹ nghe ngay, bà vốn không coi chồng ra gì nhưng lại coi ý kiến của người ngoài, nhất là loại "quan" như ông Tác, như chân lý. Thế là cậu được ông Tác giới thiệu, cho vào một đội lắp đặt nước dự án của thành phố chuyên đi lắp ống nước mới cho các hộ dân cư. Đó là tiểu sử của Phạm Hoàng Tuấn Tú.

***

Nhìn chung là "các hắn" chẳng chịu hiểu gì cho thấu đáo, tôi nghĩ. “Các hắn”- đó là những nhà viết tiểu sử của tôi. Nhiều cái láo toét. Họ viết "chị sẽ cho vay tiền mở công ty khác", sai, thực ra là chị cho tiền. Trong bảng phong thần, phong thánh, chị chỉ xếp hàng sau mẹ về lòng thương thằng con trai yêu dấu trong nhà. Họ còn viết "đầu cấp 3 đã biết chửi bậy”. Sai. Cần đính chính. Biết chửi bậy từ năm lớp bốn kia, nhưng người lớn không biết. Khối cái sai khác nữa. Và nhiều cái tôi làm tôi có nghĩ thế đâu, họ tự nghĩ ra và gán cho tôi đấy. Cho nên tôi khuyên mọi người đừng nên tin những gì họ nói về tôi. Về mẹ thì nhiều cái đúng. Nhưng về bố thì lại nhiều cái sai.

Đoạn sau tiếp diễn như thế này. Khi được ông Tác gửi gấm cho bạn ông, tôi nghĩ: Thì đi làm! Học đại học cũng được. Làm giám đốc cũng được. Nay làm thợ nước cũng chẳng sao. Các bác các chú ý kiến này nọ, tôi bỏ ngoài tai. Đối với tôi, chẳng nghĩ gì hết. Phải biết, cuộc sống trôi như dòng nước, như tiếng nhạc. Hợp lý là được. Hài lòng là được.

Đã từng học ở Bách Khoa, nên việc lắp đặt các loại đường nước dễ như ăn kẹo. Những ngày đầu đi làm, bẩn quá, khổ quá, muốn bỏ. Đêm nghĩ bỏ, sáng ra cái chân lại đi. Nhiều khi mình cũng chẳng biết mình là ai nữa. Rồi ngày tháng qua đi, cuộc sống cũng ổn.

Trong đợt lắp đặt nước dự án ở một phường nọ, có hai nhà muốn thuê riêng tôi đặt ống nước sớm hơn và đặt thêm vào tận sân sau.

Vào buổi chiều hết giờ làm việc công, tôi đi làm việc tư. Vừa vác đồ nghề đến cửa nhà bà Thuận, thì nhà kế bên- bà Loan- đã xấp ngửa kéo tay: "Làm cho tớ trước". Bà đứng tuổi, nhưng vẫn thích xưng hô cậu cậu, tớ tớ. Không được, cháu đã trót hứa, tôi bảo. Ôi, cái cậu này, thời đại này mà còn…

Nhà bà Loan to tướng, nhìn ngoài tưởng thiết kế của Nga, có chóp, bước chân vào phòng khách hoá ra kiểu Pháp, đi vào bếp mới rõ kiểu Tàu. Tôi lôi đồ nghề ra, cả nhà xúm vào xem, ồn ào như chợ vỡ. Mấy thằng bé sờ mó vào đồ nghề, í ới ỏm ỏi:

  • Cái này là cái gì hả anh?- Cô Phượng, con gái bà Loan, xinh đẹp, mau mắn, tò mò.
  • Cút loe.- Tôi trả lời nhấm nhẳn.

Cô Phượng bò ra cười:

  • Anh chỉ đùa.
  • Thật. Cái này gọi là cái cút. Nó loe. Nó gập 90 độ đây này.
  • Hay quá nhỉ- giọng cô Phượng đầy vẻ khâm phục. – Mà này, thế anh trước đây làm gì?- Cô lại tò mò.
  • Làm giám đốc.- Tôi trả lời.

Cô Phượng cười lăn cười lóc. Đến chảy cả nước mắt.

  • Anh hay thật đấy.- Cô kết luận.
  • Đương nhiên là anh hay.- Tôi thản nhiên. Rõ ràng là cô không tin những điều tôi nói rất thật. Bố khỉ cái bọn viết tiểu sử của tôi, sao không đổi ngược lại, làm thợ trước, làm giám đốc sau? Như thế hợp lý hơn. Người ta dễ tin hơn.

Cô Phượng cười đến độ ngả cả người vào tôi. Một mùi thơm thơm. Một thứ mềm mềm. Rất ấn tượng. Nhưng hơi nặng. Hoá ra có người ám bên cạnh cũng không phải là không dễ chịu.

Tôi chỉ làm một đoạn, từ sân vào đến nửa nhà thì dừng lại, thu dọn đồ nghề. Sao thế?- Bà Loan hỏi. Tôi đáp, tôi đã hứa với bà Thuận bên hàng xóm nên phải sang làm cho bà Thuận. Kỳ thực, đây là mẹo của cánh làm thợ.

Nhà bà Thuận thoạt bước chân vào đã thấy buồn. Nhà rộng thênh thang, hai ông bà già đi ra đi vào, một cô con gái ru rú trong buồng không thấy tiếng, không thấy mặt.

  • Đã hơn chục hôm rồi phải đi xin nước đấy cậu ạ.- Bà Thuận thở dài- Không còn sức đâu để chở nước về. Khổ lắm, cậu ạ. Giúp cho làm nhanh cậu nhé?

Hai ông bà già lăng xăng rót nước, đưa cái kẹo lạc, quả chuối. Hối lộ cho đường nước mọc ra nhanh.

  • Hương ơi, đi mua cho anh Tú bao thuốc!- Cụ bà gọi cô con gái.

Có bóng người đi ra. Lát sau, có bóng người đi vào. Tôi có bao thuốc ba số ông cụ đưa cho.

Tôi ngao du khắp nhà, nhìn ngó khắp xó xỉnh, ước lượng đường nước ngay cả ở những chỗ đường nước sẽ không đi qua. Sẵn có một số vật tư, tôi bắt đầu làm, nhưng được một lúc thì thấy chán. Tôi lại quăng tất cả đấy, chuẩn bị ra về. Vẻ lo lắng hiện rõ trên nét mặt hai ông bà già. Những vẻ mặt đầy lo lắng như thế tôi đã quá quen. Tôi ra về, thanh thản, hứa vu vơ: Cháu sẽ làm tiếp cho hai bác. Và nghĩ: Tối nay làm gì nhỉ?

Về đến nhà, con mèo béo chạy ra dụi lấy dụi để. Cả nhà có hai đàn ông, hai đàn bà, thì hai đàn ông đều yêu súc vật, còn đàn bà thì ghét cay ghét đắng. Hôm nào hai đàn ông quên thì mèo bị bỏ đói, hôm nào nhớ thì cho ăn bù. Mà bỏ đói nhiều hơn ăn bù, cho nên nó hay chuột cực kỳ. Không cần biết đầu tháng cuối tháng theo tục lệ nhà họ mèo phải chừa đầu hay chừa đuôi, con mèo này ăn tuốt từ đầu đến đuôi con chuột. Giống tôi, chẳng kể việc lớn việc nhỏ, cứ có tiền là làm.

Tắm rửa xong, ăn cơm. Mẹ bắt đầu bài ca muôn thuở:

  • Mày bao giờ mới nên người (có lẽ bà vẫn coi tôi chưa phải là người), bao giờ mới nên ông nên bà? (ông bà là bậc tiến hoá cao hơn người). Đấy xem lũ bạn mày, thằng Đạt, thằng Thành đấy, đứa cán bộ Nhà nước, đứa giảng viên đại học, vợ chồng con cái đề huề…

Lát nữa đi hẹn hò hay đi đâu đây?- Vừa ăn tôi vừa nghĩ. Hẹn với em Oanh thì chán lắm rồi. Oanh là người yêu của tôi, nhưng tôi đã thấy bắt đầu chán nàng vì điệp khúc đi chơi- hôn nhau- tạm biệt.

Bố thì vẫn như mọi khi, im lặng ăn, im lặng xỉa răng, chắc chắn sau khi chăm chú hết mình xem chương trình thời sự yêu thích lại lúi húi dọn dẹp. Phim truyện cuối buổi truyền hình sẽ cho ông tự do thả hồn mơ mộng với những cảnh ảo trong một giờ bốn nhăm phút trong ngày dài. Khi tôi còn nhỏ, bố là cái gì ghê gớm lắm, cao siêu lắm. Bị bắt nạt hay có mong ước- đều tìm đến bố. Nhưng càng lớn, tôi càng thấy bố bé nhỏ đi, càng xa ông hơn. Bây giờ, trước mắt tôi, ông là một công chức thảm hại, không đạt được gì nhưng đầy mơ ước trong đầu, bất kỳ ai, kể cả mẹ tôi, cũng có thể mắng ông.

Chỉ có chị Hồng tôi là can đảm. Ai nói gì, làm gì, mặc kệ, chị cứ nói điều chị thích nói, cứ làm điều chị thích làm. Chị thừa hưởng tính quyết đoán, gia trưởng của mẹ, tính nhẫn nhịn của bố, tính liều lĩnh của xã hội, và… thừa hưởng cả tính bạt mạng của tôi, thằng em. Sao không? Chị thừa hưởng tính nết của em mà là phi lý à? Ngoài kia đầy phi lý.

Phi lý nhất là cô em mới quen trên mạng mấy tháng trước đây, làm tôi xao lãng cả với Oanh. Nàng tên là Huongmautim, tôi đoán là Hương Màu tím, tên Hương, thích màu tím, hoặc là Màu tím toả hương, đại loại thế. Chính nickname này quyến rũ tôi.

Những lúc không có việc gì làm, tôi thường ra quán café internet, vào mạng dạo chơi hoặc tìm kiếm bạn chat. Đôi khi chat trên mạng thích hơn nói chuyện với những con người cụ thể ngoài đời. Bởi lẽ người thật đối diện với mình lại chưa chắc đã thật với mình, còn bạn chat tuy có những người tào lao dối trá, có những hiểm nguy rình rập, nhưng lại có những người rất thật, những phút rất thật. Ví dụ, có lần một tên đang chat ba lăng nhăng với tôi tự nhiên xổ ra viết: "Tao ghét sếp của tao quá" và một tràng dấu chấm than. Tôi lựa mãi, bỏ đến mấy chục bạn chat, cuối cùng dừng lại ở Huongmautim. Chắc chắn đây là một cô nàng chứ không phải một cha căng chú kiết nào đội lốt, vì những dòng chat mang đặc trưng đàn bà, ngộ nghĩnh, khác thường, chân thực. Có lẽ nàng cũng đã bỏ rơi bao nhiêu bạn chat rồi dừng lại ở tôi, chọn tôi, và cũng có lẽ bởi cái nickname lại thường dài loằng ngoằng kỳ quặc của tôi: nhaccongongnuoc, có dạng tên một loài kangaroo, nhưng thực ra đó là "nhạc công ống nước", biệt hiệu từ hồi còn học phổ thông.

  • Chao em- Tôi gõ trên máy tính. Vừa gõ tôi vừa lườm thằng ngồi bên cạnh trong cái quán café internet sặc sụa khói thuốc lá. Nó đang nghiêng ngó vào màn hình của tôi. Lôi thôi tý nữa tôi cho nó một đấm.
  • Hi!- Nàng gõ trả lời.

Để các bạn dễ đọc, tôi xin phép (lịch sự chưa?) ghi vào văn bản này đầy đủ dấu má. Chẳng lẽ tự thuật của tôi lại đầy ký tự không nhận dạng được sao?

  • Có gì đặc biệt chưa?- Sau mấy câu đưa đẩy, tôi hỏi.
  • Vẫn thế,- Nàng gõ trả lời- Vẫn là loại ế đọng tồn kho mất chìa khoá.
  • Hi hi! Chia buồn!- Tôi gõ.
  • Anh viết luận án đến đâu rồi? Chắc vẫn đoạn mở đầu?- Nàng gõ.
  • Được thêm vài dòng. Cũng lại mất chìa khoá rồi.

Những lần chat trước đây tôi phịa ra rằng tôi đang làm cao học, đang viết luận án. Nàng tin hay không không biết, nhưng lần chat nào cũng hỏi thăm “luận án” của tôi. Cứ hỏi thăm mãi, bịa mãi, khiến tôi đâm ra tin chắc rằng mình đang viết luận án thật. Nó ăn vào tôi thành một tiềm thức, khiến cho ban ngày tôi là thợ nước, buổi tối tôi là nghiên cứu sinh, còn ban đêm thì mộng mị lẫn lộn.

  • Con trai luôn luôn thích mở ra mà không biết khép lại- Nàng gõ- Luận án của anh chắc cũng vậy.
  • Yes.- Tôi gõ- Em luôn luôn đúng.

Chúng tôi ba hoa thiên địa mất nửa tiếng, trong mớ âm thanh gào rú của mấy thằng đang chơi game bắn nhau ở bàn bên. Chúng tôi cả hai đều chưa bao giờ yêu cầu bật webcam, vì rất sợ trông thấy mặt nhau. Cũng chưa bao giờ hẹn gặp nhau ở đâu, chỉ hẹn chung chung 8 giờ tối thì vào mạng. Ảo có cái hay của ảo.

Tiếng gầm rú khiến tôi khó chịu không tán thêm được, tôi tắt uỵch máy mà không chào tạm biệt. Đúng là không biết cách khép lại. Tôi vươn vai, trả tiền, rồi lên xe.

  • Mày đi đâu đấy?- Đang phóng xe thì ngoằng một cái, xe thằng Đạt, bạn học từ hồi phổ thông mà mẹ tôi vẫn ca ngợi hết lời, đã pằng pằng bên cạnh. Nó béo, lại đèo một em người như cái dây, khá xinh, và mặt ghếch lên trời, không biết chào hỏi.
  • Chưa biết đi đâu.- Tôi bảo.- Còn mày?
  • Tìm mấy thằng "bác sĩ". Em tao đang có chuyện bực mình.- Đạt nói. Còn cái dây vẫn mặt ghếch lên trời.

"Bác sĩ" là thuật ngữ dùng để chỉ bọn tiêm chích. Bọn đó tài, tìm mạch chuẩn hơn bác sĩ thật, có khi đạt chuẩn giáo sư cũng nên.

  • Này Tú, mày giúp tao một việc.- Đạt nói.- Để trả công cho “bác sĩ”, mày chỉ giúp tao một nhà nào dễ "đột" nhé?
  • Nghĩ đã.- Tôi vèo rẽ qua phố khác, để cho cái thùng phuy và cái dây đi thẳng.

Không biết cái dây tôi mang máng đã gặp ở đâu, người mẫu thì phải. Còn cái thùng phuy cũng lạ. Tôi tiếng học giỏi, nhưng thực ra học dốt, nó còn dốt hơn, lại dốt thật, chứ không dở dở ương ương như tôi. Vậy mà cũng vào đại học, học rất say sưa (không biết thật hay giả vờ), luận văn mua ngoài chợ về sang sửa, tốt nghiệp loại ưu, ông chú ông bác gì đó xin vào cơ quan Nhà nước làm. Đi làm được sáu tháng đã được cử đi nước ngoài họp dự án dự iếc gì đó, về tặng tôi một chiếc cà vạt "mết in chai nờ", tôi lăn ra cười, tao đeo cái của nợ này đi lắp ống nước chắc? Đạt là dân công chức. Bố tôi cũng là dân công chức mà chẳng đủ tiền tiêu, vậy mà Đạt lại khá rủng rỉnh tiền, nhưng lại hay đòi công, lúc nhờ tôi làm việc này, lúc bảo tôi làm việc khác. Chỗ bạn bè thì làm, nhưng lần này có vẻ trao đổi thật đây. Nghĩ vậy, tôi chán chẳng thiết đi chơi đâu, về.

***

  • Ông có im đi không?- Tiếng mẹ tôi quát khi tôi vừa về đến nhà. Chiến tranh chắc đang giai đoạn quyết liệt nhất mới có bom tấn đến cỡ ấy. Nhưng khi thấy ngọn gió hoà bình dắt xe vào thì chiến tranh tắt lịm. Bố ngồi đờ đẫn, rõ ra kẻ bại trận. Mẹ chiến thắng như mọi khi nhưng lần này mặt không nở pháo hoa. Còn chị Hồng tôi đang thản nhiên ngồi rung đùi ăn bưởi.

Kẻ bại trận rầu rầu nén một tiếng thở dài. Tôi lên gác, nằm ườn trên giường.

Ăn hết bưởi, chị Hồng leo lên gác, đến bên tôi. Ngồi xuống cạnh tôi. Mãi sau mới nói:

  • Bố lo cho mày. Bố lo cho tao.

Tôi trả lời:

  • Bố lo cho chúng ta. Bố lo cho chúng nó. Chị xem, em chia động từ có chuẩn không?
  • Đừng đùa nữa. Mày biết đấy, bố lo cho cả thiên hạ.
  • Về chị thì lo gì? Tháo vát, nhiều tiền, có đến mấy cái bằng đại học, cao học…
  • Tại tao không thích lấy chồng.

Tôi phá ra cười.

  • Còn về em?
  • Bố bảo mày sống không có mục đích, không có ý chí, vô cảm.

Tôi lại cười to. Trong cổ họng có vị đắng.

  • Mẹ lại bảo tại ông nhu nhược, bố bảo bà áp chế, thế là…
  • Ok, ok, nguyên nhân chiến tranh đã rõ. Chị đi ngủ đi.

Chị đi. Bỗng tôi gọi giật chị lại:

  • Em hỏi thật. Sao chị không lấy chồng?

Chị thở dài:

  • Vì chị thấy đàn ông thời nay sao kém cỏi thế, sao lắm thằng hèn thế…

Đêm ấy, tôi mơ thấy mình đang viết luận án thật. Có điều luận án về ống nước. Tôi còn khoe với Huongmautim: Anh sắp khép rồi…

Không hiểu sao tôi chưa bao giờ mơ thấy Oanh. Tôi với Oanh đã yêu nhau hai năm nay, nhưng tôi có cảm giác như yêu theo phong trào. Tức là lũ bạn có người yêu, tôi cũng phải tán một cô nào đó để có người yêu. Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười, vì thuở còn quá trẻ người ta có, mình cũng phải có; sau đó lớn hơn mới phát hiện ra: đôi khi người yêu như hành trang phải có trong cuộc đời. Bố nói đúng: tôi vô cảm. Tôi chẳng thấy “hạnh phúc” gì bên cạnh Oanh ngoài những ý muốn này nọ rất tầm thường. A, nghĩ được như thế thì tôi cũng đã khá lắm rồi.

Đúng, chưa bao giờ tôi mơ thấy Oanh, nhưng lại hay mơ thấy Huongmautim, thấy lúc nàng gầy gò, mặt trái xoan, lúc nàng đậm người, mặt tròn xoe, luôn tươi cười. Tôi biết, dân chat luôn nói dối, nhưng tôi có cảm giác rõ rệt rằng tôi với Huongmautim lại rất thật. Chính với Oanh, tôi lại có cảm giác như một mối tình ảo. Còn với Huongmautim, tôi thấy gần gũi và cần thiết. Vậy thì, tôi sẽ xin đi học lại. Tự nhiên (như dở hơi ấy), dù chưa tốt nghiệp được một trường đại học nào, nhưng tôi khát khao biết bao việc viết một luận án!

Hôm sau, tôi đi làm bình thường như chưa hề có giấc mơ nào, chưa hề có áy náy nào đêm qua. Quần quật suốt ngày, cuối buổi chiều, tôi lại rẽ qua nhà bà Loan.

  • A, anh Tú!- Thấy tôi, cô Phượng reo lên.- Hôm qua em trông thấy anh phi xe trên đường. Xe xịn thế? Phong độ ghê.

Tôi cười, hãnh diện. Nhưng lại nhớ đến cái yêu cầu của thằng Đạt.

Những ngày sau. Cả hai nhà- nhà bà Loan và nhà bà Thuận- đều đã coi tôi như người thân thuộc. Tôi chẳng những lắp đặt đường nước cẩn thận, lại bỏ cả ngày chủ nhật xúc rửa bình nóng lạnh, sửa chữa tất cả những chỗ rò rỉ nước, lại lôi tất cả thiết bị điện hỏng hóc ra sửa chữa, lau dầu.

Phượng tỏ ra thích tôi, tôi biết. Và tôi cũng thấy thích Phượng. Một cô gái hiện đại, nhuộm tóc hung, sinh viên năm thứ ba, trí thức tương lai. Nhưng tôi lại tò mò hơn bên nhà bà Thuận, vì có một cô gái đầy bí mật đang giam mình trong phòng, chỉ xuất hiện thoáng qua khi bị sai đi mua thuốc lá cho thợ.

Hai ông bà Thuận đều ít lời. Thấy nước chảy là sung sướng lắm rồi. Nhà khá giả, đồ đạc đắt tiền, mấy cái xe máy, hẳn nhà này phải có viện trợ mạnh mẽ từ bên ngoài.

Một buổi chiều, tôi hoàn tất công việc lắp đặt nước nhà bà Thuận. Thanh toán sòng phẳng xong, chưa kịp ra về thì mây đen kéo đến ầm ầm, trời đổ mưa. Mưa không to không nhỏ. Nước trên mái tôn sát vườn sau rỏ xuống đều đều thành một hàng cột nước rất đẹp mắt. Tôi nổi cơn hứng, lấy những ống nước thừa dài ngắn khác nhau, bới đất, chôn thành một hàng cao thấp khác nhau để hứng những dòng nước đó. Nước trên mái tôn rỏ xuống, rơi vào miệng ống, tạo nên những âm thanh rất vui tai, và tôi khoái chí huýt sáo.

Tối hôm đó, tôi chat rất hăng với Huongmautim. Tôi thông báo đã hoàn thành mấy việc "lặt vặt" và sẽ tiếp tục "luận án".

Hai tháng sau.

Đội tôi đã sang lắp đặt đường nước ở một phường khác. Lại bê bết bùn đất. Lại đồ nghề lỉnh kỉnh. Lại những chèo kéo lắp trước lắp sau. Lại những bộ mặt đầy lo lắng hay cầu khẩn, vì phường này thiếu nước đã lâu. Chúng tôi đã quá quen với những bộ mặt lo lắng, cầu khẩn ấy ở khắp các phường đã đi qua, chẳng thể xúc động liên tục ngày này qua ngày khác. Tôi nghiệm ra dần, ai cũng có những nỗi khổ, to, nhỏ, khác nhau, mỗi người mỗi nhà mỗi kiểu. Và chúng ta giúp được họ ít lắm.

Gần như tôi đã quên mất nhà bà Loan, bà Thuận nếu như thằng Đạt không xuất hiện và thúc ép tôi trả tiền xe máy. Tôi lấy đâu ra ngần ấy tiền một lúc? Xin bố, bố không có. Xin chị, chị đang đầu tư vào đất. Xin mẹ, mẹ bảo sau vụ phá sản, tao không đầu tư thêm xu nào nữa. Với lại, mày là thằng sức dài vai rộng, mấy đồng tiền không kiếm nổi, hèn thế?

Thằng Đạt cũng có nỗi khổ tâm riêng. Nó bảo nó yêu quá mất rồi, không hiểu sao hai đứa hợp nhau đến thế. Tôi nghĩ ngay: cái thùng phuy với cái dây mà hợp? Thiên hạ đầy ảo tưởng. Nó bảo người yêu nó chót dính vào chất trắng. Đương nhiên sẽ cai. Đương nhiên sẽ cai được. Còn phải đẻ con nữa chứ! Nhưng bây giờ cần ngay, không thì chết ngay. Tiền hết. Bọn "bác sĩ" bảo chỉ cần chỉ trỏ nhà nào cho chúng nó "mượn" vặt vãnh thôi, không làm lớn đâu mà sợ.

Tôi định chỉ nhà bà Loan. Nhưng nhớ đến Phượng, nhớ những thứ mềm mềm, lại thôi. Sau đó tôi tặc lưỡi, cái tặc lưỡi tai hại, sau này tôi mới thấy mọi cái tặc lưỡi trên đời đều tai hại, chỉ vẽ nhà bà Thuận. Còn dặn Đạt: Một chút thôi, nếu không, đứng trách.

Mấy hôm sau, tôi không sao liên lạc được với Huongmautim. Năm hôm liền, cứ 8 giờ tối lại vào mạng, nhưng cả năm hôm đều không có nàng trên mạng. Đến hôm thứ sáu, nàng "Hi!", tôi mừng quá. Tôi không ngờ mình lại có thể mừng đến thế. Đó là chuyện lạ, bởi sau khi bị phá sản, tôi chẳng hề có tâm trạng buồn vui quá mức bao giờ.

  • Sao em biệt tăm thế?- Tôi gõ vào máy.- Anh ngóng em từng ngày, từng giờ.

Nếu như tôi nghe thấy tiếng nàng, biết được sắc thái trong câu chào của nàng, thì tôi đã… chạy mất dép. Đằng này, trên màn hình chỉ có chữ "Hi!" vô hồn. Cho nên tôi đã xổ ra một tràng câu trách móc vì nàng vắng mặt đã quá lâu. Sau khi ấn nút "send" để gửi đi, tôi đợi. Đợi mãi. Không hồi âm. Tự nhiên thấy cồn cào. Tự nhiên dậy lên nỗi sợ. Sao thế nhỉ?

Khá lâu sau, trên màn hình máy tính hiện lên dòng chữ:

  • Chào anh Tú.

Tôi điếng người. Sao nàng biết tên tôi? Dòng chữ tiếp theo:

  • Dạo này anh làm nước ở phường nào?

Tôi ngồi thượt trên ghế. Cười không được. Mếu không xong. Dòng chữ tiếp theo:

  • Nhà em bị trộm đêm, mất xe máy. Bố em ốm đi bệnh viện. Không có xe, không có thời gian ra quán internet.

Tôi không biết phải trả lời nàng thế nào. Trò dối trá đã bị lật tẩy. Có nghĩa là một đèn sấm sét sẽ ra tay. Ngón tay tôi cứng đơ không gõ nổi bàn phím. Đúng hơn là cái đầu không hoạt động. Mà nó đợi chờ việc gì sắp xảy ra. Chỉ còn một câu hỏi: Làm sao nàng biết?

Thấy mãi tôi không trả lời, nàng gõ:

  • Nếu anh cho việc gì là xấu thì nó xấu. Nếu anh biết việc gì là xấu thì anh sẽ không xấu nữa.

Tôi thở phào. Nàng hơn tất cả mọi người con gái trên đời này chính là ở câu nói đó. Tôi nhất định không để nàng biến mất khỏi đời tôi.

  • Vậy em là ai?
  • Anh có nhớ một chiều mưa, có người dùng ống nước làm nhạc cụ không? Em liên kết nickname của anh và nhạc cụ đó thì biết ngay anh là ai.

Tôi tắt uỵch máy. Ôi cái xe máy nhà nàng, ôi bọn tiêm chích mất dạy, ôi cái thằng tôi khốn nạn.

Tôi nhảy bổ đến nhà thằng Đạt, cho cái thằng thùng phuy một đấm. Nhưng đánh nó, lòng mình đâu có nguôi! Tôi trở về nhà, đá tất cả những thứ gì tình cờ rơi vào chân, kể cả con mèo béo yêu quý. Cuối cùng, tôi gặp bố trên sân thượng. Ông đứng một mình bên lan can, thẳng người, hai tay vắt ra sau, đang nhìn trời nhìn đất. Nhìn ông lúc này, tôi có cảm giác ông to ra, còn tôi bé lại. Tự nhiên tôi thấy cần bố như ngày xưa còn trẻ con. Ôi tôi ước gì được bố cầm roi đánh cho tôi một trận… Nhưng chẳng thể nói được câu nào, tôi im lặng, có phần rón rén, đến bên bố, cũng đứng nhìn trời nhìn đất như bố…

***

Năm 25 tuổi, Phạm Hoàng Tuấn Tú bỏ nghề thợ nước, quyết chí đi học. Năm 29 tuổi tốt nghiệp Đại học Mở, được nhận vào cơ quan Nhà nước, làm đến chức Trưởng phòng. Sau cậu đi học Thạc sĩ và người ta dự đoán cậu còn có thể được thăng chức cao hơn…/.

Tô Hải Vân (Văn nghệ)

 

     

 
Mời viết truyện ngắn đăng trên VOVNEWS

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC