Hồi ông tôi còn sống, ông hay nói về
người con gái lớn của mình. Cô là chị của ba tôi nhưng
từ khi lớn lên tôi chỉ biết cô qua tấm ảnh trong cái
khung treo trên tường. Đó là một người con gái trạc
tuổi tôi bây giờ, cô gối đầu trên cánh tay duỗi
dài, nụ cười khoe hàm răng trắng thật đều, mái tóc
đen dài ôm kín đôi vai. Bức ảnh đen trắng đã ngả
màu vàng, chắc đã được treo ở đó lâu lắm rồi.
Lúc còn nhỏ tôi hay theo ông nội sang hàng xóm, thường
là để nhìn ông đánh cờ với ông Bảy. Thỉnh thoảng
hai người ngừng tay uống trà, nói với nhau đủ thứ
chuyện. Hình như lúc nào cũng nghe ông nhắc đến cô
Hai.
Cô Hai là người con gái giỏi giang, có
ước mơ về một sự nghiệp to lớn. Cô nói với ông nội
tôi là cô sẽ trở thành một bác sỹ giỏi, cô sẽ xây
lại ngôi nhà đẹp hơn cho ông an dưỡng khi về già. Đậu
tú tài xong cô xin ông nội vào Sài Gòn học Đại học.
Không biết cô có thi đỗ và trường Đại học Y khoa
hay không mà từ đó không thấy cô trở về. Ông nội cũng
chẳngđi tìm, mấy năm sau giải phóng thì ông nghe nói
có người gặp cô Hai ở nước ngoài. Thế là ông bắt
đầu chờ đợi cô với đủ thứ về một ngày cô Hai
trở lại với sự giàu có, sang trọng.
Nhưng mãi đến khi ông mất được mấy
năm mới thấy cô Hai về. Nếu ông nội tôi còn sống chắc
là ông sẽ thất vọng và tôi hình dung mãi vẫn không
được phản ứng của ông khi gặp lại cô Hai. Lúc ấy
tôi đang ngồi ở ngoài hiên phụ bà ni gói đường, tiêu,
bột ngọt... thành những gói nhỏ để ngày mai má tôi
đem ra chợ bán. Trời đã chập choạng tối, bữa cơm
ở các nhà bên cạnh đã dọn từ lâu. Ở nhà tôi bữa
cơm tối lúc nào cũng muộn, trong khi chờ ba má tôi ở
ngoài chợ về thì tôi thường giúp bà nội chuẩn bị
những món hàng lặt vặt. Cô cứ đứng nhìn chúng tôi
như thể đó là công việc gì lạ lắm. Bà tôi hình như
không nhận ra cô, mãi đến khi cô lên tiếng hỏi bà mới
ngỡ ngàng kêu: "Mày về đó hả Hai?" Cuộc hội
ngộ không có gì mặn mà, hình như thời gian xa cách quá
lâu đã làm cho tình nghĩa cũng phai nhạt đi nhiều. Trong
bữa cơm, mọi người nói chuyện với nhau như khách, thoạt
nhìn thì không biết đó là mẹ, con, chị em với nhau. Cuối
bữa, cô Hai hỏi ba tôi: "Đất nhà mình đâu hết rồi?"
.
Mảnh đất của ông tôi rất rộng, ngày
xưa ông cất một dãy nhà để cho thuê mà vẫn còn để
trồng cây, làm vườn. Đó là tôi chỉ nghe kể lại chứ
từ khi hiểu biết tôi chỉ thấy một khoảng sân khá rộng,
có một cây dừa èo uột mãi không thấy trái. Khoảng
sân cuối cùng đó được bán đi khi ông tôi trở bệnh
nặng. Lúc ông mất, đám tang của ông được tổ chức
ở nhà Vĩnh biệt vì căn nhà cũ đang bị phá đi để
chia đôi đất cho người mua xây nhà kịp ngày tốt .
Khi ba tôi kể chuyện, cô Hai không nói
gì chỉ thở ra thật dài. Tối đó, trước khi đi ngủ tôi
mới thấy cô đến trước bàn thờ thắp cho ông mấy
nén huơng. Chắc là ông không biết gì còn tôi cảm thấy
buồn buồn vì cô Hai không đúng như ông vẫn kì vọng
và chờ đợi. Cuộc sống của gia đình tôi cũng không
thay đổi nhiều từ khi có mặt của cô Hai. Má tôi vốn
đã ít nói nên tôi cũng không thấy bà đon đả hay phàn
nàn cô Hai một tiếng nào. Những bữa cơm chỉ thêm
chén, thêm đũa, ai ai cũng cắm cúi, thỉnh thoảng có tiếng
của ba nhắc nhở chị em tôi chuyện gì đó, rồi thôi.
Một bữa, bà đột ngột nói: "Con Hai kiếm gì làm
thêm đi, ăn ở không vầy, thằng Ba không nuôi nổi đâu”.
Tôi thấy ba chỉ khẽ chau đôi mày còn má với cô Hai
làm như không nghe thấy gì.
Hôm sau, cô Hai lặng thinh bỏ đi mấy ngày,
khi trở về cô mang theo một bao lớn toàn là vải khúc
đủ màu, đủ loại. Tùy theo khổ vải cô cắt may thành
quần áo trẻ con. Kể ra cô cũng khéo tay nên ráp nối
thành những kiểu áo quần thật đẹp. Tôi đang dịp nghỉ
hè nên tự nguyện phụ cô một tay, đơm khuy kết nút hoặc
đính những cái nơ bé xíu lên những cái áo đầm ngộ
nghĩnh. Tôi say mê với những công việc tỉ mỉ ấy giống
như hồi còn nhỏ tôi may quần áo cho búp bê. Có hôm hai
cô cháu làm việc đến khuya, sự ngăn cách được xóa dần
đi và cô kể cho tôi nghe khoảng đời lưu lạc của mình.
Thực ra cô chưa hề bước chân vào trường
Đại học Y Khoa. Hồi ấy vào Sài Gòn, tự lượng sức
mình cô thi vào trường nữ hộ sinh nhưng cũng hỏng, cô
ghi danh học luật, học được mấy tháng thì đất nước
được giải phóng, cô nghe lời bạn bè xuống tàu ra khơi.
Lênh đênh mấy ngày, đói khát tưởng đã chết thì được
kéo vào bờ. Trên tàu ai cũng tưởng đã ra tới nước
ngoài đến khi biết đó chỉ là đất nước của mình
thì cũng không còn đủ sức để buồn hay vui. Được cứu
sống, cô theo mấy người bạn ở lại luôn nơi đó, cũng
định bụng khi nào kha khá thì trở về quê, nào ngờ...
Cuộc sống có thể dễ dãi với một số
người nhưng cũng khắc nghiệt với nhiều người khác.
Cô nhận mình là người không được cuộc đời ưu đãi.
Ở nơi chỗ xa lạ không hề có một người thân, lại
chẳng có nghề nghiệp rõ ràng. Cô Hai tôi làm bất cứ
việc gì để đổi gạo sống qua ngày. Có lúc cô tưởng
được làm cô giáo khi dạy bọn trẻ đánh vần năm ba
chữ, nhưng dân ở biển lúc này nghèo quá không làm thế
nào để có tiền trả lương cho cô giáo. Năm 30 tuổi cô
gá nghĩa với một người đàn ông có nơi nương tựa.
Khi ông ta đưa cô về nhà thì cô ứa nước mắt vì tủi
thân, nhà chồng cô là một chiếc ghe đã cũ neo ở bến
sông. Tuy vậy, cô bắt đầu đời sông nước cũng dễ dàng
bởi vì trước đó cô chẳng có gì sung sướng hơn. Chỉ
có những buổi chiều cắm sào ở bến sông nào đó, ngồi
tựa mữi ghe nhìn về phía hạ nguồn, nơi đó có con
sông gặp biển, cô hình dung đó là đường về nhà.
Lâu lắm cô không nghĩ về gia đình, cô không có lúc
nào rỗi rảnh để bắt gặp trong lòng mình nỗi nhớ
nhà hay nhớ cha mẹ, anh em. Cô không hiểu đời sống cơ
cực đã làm cho lòng mình chai sạn hay vì từ khi sinh ra
cô đã không có được trong lòng thứ tình cảm đó?.
Đời cô tôi như chiếc ghe mà cô đang dùng
làm nhà cứ đi khắp các con sông, lênh đênh bên cô là
những đám lục bình. Có lúc nào chợt chùng lòng, khi bắt
gặp những đoá hoa màu tím nhạt bình thản trôi theo con
nước, im lìm, cam chịu cô lại chợt liên hệ với bản
thân. Nhiều năm dài như thế trôi qua, trên chiếc ghe kia
vẫn chỉ có hai người bên nhau, như hai chiếc bóng. Có
lần cô cũng nghĩ đến một đứa con, thèm một tiếng
khóc trẻ con nhưng cô cứ như "hoa nở trên non một
mình". Công bằng mà nói chồng cô là một người đàn
ông hiền lành, ở với nhau qua bao nhiêu năm mà ông chưa
hề to tiếng mắng mỏ cô. Chồng cô nhiều lần an ủi
khi cô buồn vì không sinh nở được. Ông cứ dỗ dành:
"Từ từ rồi chúng ta sẽ có một đứa con".
Ước mơ đó không bao giờ trở thành hiện
thực khi chồng cô đột ngột qua đời. Cô lại lầm lũi
một mình chèo ghe qua lại mấy con sông, cũng tưởng đời
mình đến thế là thôi. Nhưng những buổi chiều cắm
ghe, lui cui cơm nước một mình cô chợt cảm thấy lòng
xốn xang khi nhớ tới bóng dáng chồng chiều chiều ngồi
nhắm rượu, ca mấy câu vọng cổ bâng quơ. Những đêm
trăng sáng, nhìn bóng mình quạnh quẽ, nhớ chồng rồi lại
thương thân mình. Chịu không nổi cô bán ghe, xây lại mộ
cho chồng tươm tất, còn ít tiền cô tìm về quê cũ.
Sau khi may được một ít áo quần trẻ
con, ngày ngày cô Hai mang ra chợ bán. vải vụn là của một
người bạn cũ ứng làm vốn, cô lấy công làm lời nên
hàng giá rẻ. Vì vậy chỉ mấy ngày sau là bán hết. Cô
Hai lại đạp xe đi rồi mang vải mới về. Lại cắt, lại
may rồi tự đem đi bán. Về sau, có nhiều người đặt
hàng, cô tôi không phải đi bán, chỉ ngồi nhà cắt may.
Đến lúc không kịp hàng, cô lại đi tìm người cho họ
may gia công. Tôi khâm phục cô vô cùng, xa quê đã lâu rồi
mà không biết sao cô lại thiết lập được chuyện làm
ăn buôn bán nhanh như thế!.
Cuộc sống của cô ổn định dần. Bà
tôi không còn khó chịu, mẹ tôi tỏ ra cởi mở hơn. Một
hôm bà tôi kêu tôi đến nói nhỏ: "Hình như cô Hai
mày ăn diện ra phải không?”. Tôi nói với “đâu có”
nhưng thật ra tôi cũng đã nhận ra dạo này cô Hai lạ hơn.
Cô Hai tôi có da có thịt hơn lúc mới về. Đôi gò má căng
trắng hồng, mái tóc được cắt uốn cẩn thận hơn chứ
không còn búi lỏng lẻo như dạo trước. Cô may áo mới
cho bà , mua áo mới cho bé Tí em tôi và cũng may thêm nhiều
áo quần mới cho mình. Có lần cô gọi tôi vào phòng
đưa cho tôi một thỏi son màu hồng cánh sen và dạy
tôi: "Con gái lớn rồi phải biết làm đẹp, đi đâu
chơi con nên thoa một tí son". Thỏi son ấy được cất
kỷ trong ngăn tủ vì má tôi không thích, má tôi thường
nói với tôi rằng: "Trẻ con không nên dùng mỹ phẩm,
phấn son chỉ làm cho con già thêm thôi".
Dạo này cô Hai thường chở bé Tí đi dạo
biển con bé thích lắm vì ở nhà chẳng ai có thời gian
để chở nó đi chơi. Ba tôi hàng ngày đi làm xa, tối về
lại phải ra chợ phụ má dọn hàng Còn tôi năm nay là năm
thi tốt nghiệp, tôi đi học bù đầu mà chưa đủ. Chiều
nào cũng vậy, cô nấu buổi cơm chiều thật sớm rồi lấy
xe đạp chở bé Tí đi. Hôm nào tôi cũng thấy bé Tí cầm
về nửa bịch bắp rang bơ, có khi là cái bong bóng bay.
Chiều nay tôi thấy bé Tí mang về một cái diều bằng
nhựa hình con bướm màu sắc sặc sỡ. Con diều này mà
thả lên trời thì đẹp biết mấy. Chẳng thế mà mặt
bé Tí cứ tươi hơn hớn . Tôi hỏi nó: "Cô Hai mua
cho em hả? Sang quá ta". Bé Tí chỉ cười mím mím
không trả lời. Buổi tối tôi thường đi ngủ trễ
nhưng tối nay tôi lười quá, chui vào mùng sớm hơn thường
ngày. Ngày mai chủ nhật, nghỉ học một tối không sao!
Bé Tí vẫn chưa ngủ, tôi vừa nằm xuống nó đã quay
sang ôm cổ tôi kề sát vào tai tôi, hơi thở nó làm tôi
nhồn nhột: "Chị ơi, cô Hai có bồ". Tôi xô nó
ra trợn mắt nhìn nó: "Con nít, nói bậy". Bé Tí
thì thào như sợ ai nghe thấy: "Em nói thật mà, lâu
rồi".
Người đàn ông đó cô Hai gặp ở nhà bạn
của cô. Ông ta làm gì tôi không biết. Theo lời bé Tí kể
thì mỗi chiều sau khi cô Hai chở nó đi một vòng mua cho
bịch bắp rang bơ hay thứ gì đó rồi cô ghé công viên,
ở đó ông ta đã chờ sẵn ở một cái ghế đá. Bé Tí
chạy chơi thoải mái trong khi cô Hai và ông ta tâm tình
đến khi chạng vạng tối gọi bé Tí về.
Cả nhà tôi không ai biết chuyện gì cho
đến một hôm, trong lúc tôi đang ngồi xếp giùm quần
áo để ngày mai cô hai giao cho bạn hàng bà với bé Tí
đang xem ti vi còn ba má tôi đang tính sổ hàng hóa. Đột
nhiên trước nhà có tiếng lao xao rồi mấy người đàn
bà kéo nhau ùa qua cái hiên nhỏ, đột ngột hiện ra
trong phòng khách. Chưa ai kịp hỏi gì thì một người đàn
bà to lớn xấn tới trước mặt cô Hai, vung tay nhịp nhịp:
"Nè, nói cho mà biết, có muốn chồng thì tìm thằng
đàn ông nào không có vợ con. Đừng cướp chồng, phá
gia cảnh người khác thì không xong đâu!”. Cô hai tôi
đứng dậy, lùi ra sau thì bà ta tiếp: "Đây chỉ
báo trước, không làm gì đâu, nhưng không chừa thì lần
gặp nhau sau sẽ khác đấy!"
Bọn họ kéo nhau đi cũng nhanh như lúc đến,
bọn trẻ tò mò bu kín cửa đã tản đi mà cả nhà tôi
như còn sững sờ chưa ai nói được tiếng nào. Cô hai
đứng cúi đầu, xoắn chặt chiếc áo trong tay mà chắc
cô không biết. Một lúc lâu ba tôi lên tiếng: "Già
rồi, chuyện gì cũng phải có suy nghĩ chứ chị
Hai!". Má tôi thu dọn sổ sách xuống nhà dưới. Bà
thở dài, lặng lẽ têm trầu bỏ vào miệng. Tôi và bé
Tí len lén về phòng.
Sau đó cô Hai không còn chở bé Tí đi dạo
biển vào buổi chiều. Cô vẫn lấy vải về may quần
áo rồi đi giao. Thỉnh thoảng tôi vẫn làm giúp cô một
vài công việc lặt vặt. Hai cô cháu cứ lặng lẽ, cô
không nói chuyện gì mà tôi không dám hỏi. Cô Hai lại
ít cười nói như hồi mới về, cả nhà tôi cũng chẳng
ai hỏi han gì cô. Tôi đâm ra thương cô hơn và thấy rằng
thà là hay ba má tôi la hét hay làm điều đó để tỏ ra
quan tâm tới cô Hai còn hơn là lạnh nhạt như thế! Người
ta sống với nhau đôi khi chỉ cần được chia sẻ dù chỉ
là bằng một lời nói thông cảm. Ở nhà tôi hình như
thiếu điều đó, từ khi cô Hai tôi trở về, ba má tôi
chẳng tỏ thái độ gì, thương cũng không mà ghét cũng
không.
Một hôm đến giờ cơm tối vẫn chưa thấy
cô Hai về. Cả nhà ăn cơm xong, tôi dọn dẹp rồi để
phần cơm cho cô, lấy lồng bàn đậy cẩn thận. và ba
má tôi cũng chẳng ai thắc mắc vì sao cô hai về trễ.
Tôi đợi cửa cô đến nửa đêm vẫn không thấy cô về,
linh tính cho tôi biết là cô Hai lại bỏ đi. Nghe tôi
nói ba chỉ hỏi: "Thật không?". Còn má thì lắc
đầu nói một câu hình như là lời phát biểu đầu tiên:
"Già rồi sao không chịu sống yên phận!".
Mấy ngày rồi mà không thấy cô Hai trở
về. Đêm nào tôi cũng nằm thấp thỏm đợi tiếng cô gọi
cửa. Có lẽ tôi là người duy nhất trong nhà mong cô trở
về. Tôi không biết đó có phải là tình thương yêu hay
không mà thấy lòng cứ xót xa khi hình dung ra cánh hoa lục
bình bơ vơ, bỏ sông tìm về biển nhưng sóng nước lênh
đênh chẳng biết tìm đâu là bến bờ để nương thân.
Dẫu sao, cô Hai ơi, vẫn mong cô trở lại
nhà . . . ./.
Lưu Cẩm Vân