Đứng trên bờ biển sát cạnh ngay mép
nước, với những dép, làn và áo khoác vừa
cởi, anh buộc cái phao nho nhỏ vào thắt lưng
và kín đáo liếc nhìn lên mặt đê, nơi
có hai người đàn bà đang ngồi.
Được ánh hoàng hôn choàng phủ lên, xiêm
áo của họ bỗng mềm mại hẳn làm
rõ những nét yêu kiều ở cô gái, người
có đôi chân trần thon thả. Gió đùa trên
mái tóc, hất ra, để lộ gương mặt
u buồn và đôi mắt đen láy, thẳm sâu của
người thiếu phụ mặc lụa sẫm màu.
Người thiếu phụ nói chuyện bằng một
giọng trầm, còn cô gái thi thoảng lại cất
tiếng cười trong trẻo.Phao đã buộc
xong, anh lồng tấm lưới trắng vào đầu
chiếc gậy vừa đặt trên vai, vội
vã xuống nước rồi đi ra khỏi bờ.
Lại thêm một lần anh nhận thấy mình
là kẻ trớ trêu trước thế giới con
người: "Chắc hẳn họ, những
người đàn bà sang trọng sẽ nhìn ta như
nhìn một thằng đánh dậm. Phải một
thằng đánh dậm đen như đêm và khốn
khổ chẳng kém một chú còng còng"...
"Chậc, thì đã sao nào, biết đâu họ
cũng chỉ là những kẻ khốn nạn nào
đó được áo quần che phủ?". Anh
hằn học nghĩ. "Nhưng... sao lại có
những người đẹp đến thế
nhỉ". Anh nghĩ tiếp và bỗng nhiên lại
quả quyết lao mình sâu hơn nữa vào phía
đêm của biển.
Thiếu phụ nhìn "anh đánh dậm"
và bảo với cô gái:
- Sao anh ta lại không rủ ai cùng làm cho vui, tối
rồi còn gì, một mình giữa bao la như thế.
Đêm. Lại bốn bề là sóng nước mênh
mông. Không gì đáng sợ bằng sự cô
đơn, thui thủi, đúng không nào, cô bé?... ?
Sợ thật đấy, nhỡ ra... thì biết gọi
ai?
Chị nói và nhìn theo hút anh chàng, lúc này đã lẫn
vào nước sẫm tối, chỉ còn có cái chỏm
đầu nhấp nhô với sóng ngoài xa.
- Có gọi thì cũng chẳng ai nghe thấy
được, giờ này chỉ còn chị em mình
ở đây nữa thôi. Nhưng... Chả lẽ chị
chưa bao giờ cô đơn?... Cô gái cười
tinh nghịch... Và cái gì thì rồi cũng quen
được thôi. Anh ta cũng vậy, có lẽ cũng
quen mãi cảnh đơn độc rồi. Em thấy
anh ta chẳng có vẻ gì là sợ cả. Mà trông
thế, đánh nhau thì đến thuồng luồng
cũng phải thua ấy chứ. Chị đến
đây nhiều chưa? Cái nghề của em khiến
em phải nhận rõ về hình dáng mọi người,
nguồn gốc nơi họ sinh sống. Em đoán
anh ta không phải người vùng này, cũng chẳng
phải là dân đánh lưới chuyên nghiệp.
Em có cảm giác anh ta là một người thành phố,
làm cái nghề này chỉ để trốn tránh một
việc gì đó thôi.
Và cô gái mơ màng:
- Em dám chắc với chị nếu bây giờ
anh ta khoác một chiếc sơ mi cổ cồn và
thắt cà vạt, những ngón chân không ấm cát
mà xỏ trong một đôi giày đen, trong túi lại
có tiền rủng rỉnh, thì những cô gái thời
thượng của chúng ta cứ gọi là...
"chui vào lưới tất". Thật đấy.
Cô cũng nói với một giọng hằn học
nào đó, thoảng qua.
Biển đêm dâng đầy, sóng vỗ từng
đợt, từng đợt vào vách đá dưới
chân đê, nơi hai người đang ngồi. Cô
gái mỉm cười tự hỏi thầm trong ngực:
"Vật vã, gầm gào mãi làm gì cho mệt, sóng
ơi!? Quên đi, quên đi. Đừng tự
đập nát mặt vào vô vọng mãi".
... Cô bỗng nhớ lại cái ngày đập mặt
mình vào tường mà gọi tên một người
đàn ông. Mà người ta vẫn không trở về,
cho dù tiếng gọi đã đến hồi tuyệt
vọng. Cô nghĩ về người cũ, nghĩ
về những ngày bối rối và vô vọng,
cái ngày cả cô và anh ta mới ở tuổi 20.
Ngày mà cô thấy cả thế giới chỉ có
tình yêu của cô và anh chàng là mối tình đáng
kể, còn tất cả chỉ là sự đơn
điệu hoặc hoang tưởng, nhạt phèo.
Nhưng rồi anh ta đã bỏ cô, chẳng vì
cái lẽ gì rõ rệt có thể cắt nghĩa
được, y như cái lý do để đến
với nhau cũng cực kỳ vô lý. (Đấy là
xét bằng cái con mắt tỉnh táo của cô bây
giờ). Tuyệt vọng, cô thấy trời đất
quay cuồng và thế giới như sắp sụp
đổ. Đêm ngày cô cầu mong cả cô và anh
ta bị trói vào nhau, được đưa đến
trước một cái bể hỗn độn và
đen kịt, chỉ chờ ai đó đẩy xuống
cho xong mọi sự đời. Và điều đó
đã xảy ra với 20 viên thuốc ngủ, nhưng
thuốc chưa kịp ngấm thì cô đã kịp
thời tự cứu sống mình bằng cách đến
bệnh viện nhờ bác sĩ. Chẳng có ai cười
cô khi đã thay đổi quyết định về
sự chết - sống của mình nhanh đến
vậy. Cô nghĩ "mà có cười chăng nữa
thì đã sao?". Cô kể cho bác sĩ nghe những
ý nghĩ đã lướt qua óc cô trong cái khoảnh
khắc kinh hoàng ấy, rằng "thế là ngày
mai ta không còn thức dậy nữa đâu. Thương
cho bà ngoại quá, biết ta chết khi vừa mới
nghe ta kể hôm nào về những ước muốn
của mình, thì bà làm sao tin được? Lại
thương cho ba mẹ, người sinh ra ta phải
mang tội với đời vì đã để cho
con mình tự tận thế này. Thương cho cái
Thu từ này chẳng còn ai mà trò chuyện... Mà ta
chết vì cái gì cơ chứ? Vì một người
con trai đã ruồng bỏ ta ư? Sao ta lại hèn
đến thế. Rồi cô ngước đôi mắt
tuyệt vọng nhìn các bác sĩ. "Xin hãy cứu...
ứu... ứu... cháu... áu".
Giờ thì mọi điều đã qua rồi,
cô có thể bình tĩnh nhìn vào nỗi đau của
mình như hôm nay nhìn sóng đập mình vào vách
đá. Cô nhìn những cành dừa khô sũng nước,
những chùm rong mà sóng hất lên bờ, thầm
nghĩ: "Cảm ơn cuộc đời, dù cuộc
đời có thế nào thì sống cũng còn là một
sự khám phá, và chết chỉ là một kiểu
đầu hàng...".
Thiếu phụ vẫn mải dõi theo anh chàng
đánh lưới ở ngoài xa. Câu nói của cô
gái về vầng ngực rộng khiến cho chị
liên tưởng đến người đàn ông
của chị. Giờ này anh đang ở xa, xa
đến mức nếu chị muốn áp mặt
vào ngực anh để tìm cái mùi quen thuộc như
chính máu thịt của mình một lần nữa
thôi thì chị phải vượt qua một người
đàn bà khác. Mà điều đó đối với
chị khó khăn chẳng kém cái việc phải
quên anh đi trong đời sống của mình,
cái việc khiến cho trái tim chị tan nát và mỗi
lần nhớ đến lại đập lên từng
hồi những lời rên rỉ.
Chị và người mà chị yêu đã có những
ngày tháng nồng nàn, như biển kia đắm
đuối với bờ đến ngàn lần mà
không mệt mỏi, mà vẫn khao khát.
Biển đêm nay gió mùa thu thổi những hơi
lành lạnh, bến vắng người làm chị
càng nhớ đến anh hơn. Vào những đêm
như thế này, một vầng ngực tựa như
thế kia đã che chở cho chị, đã đón
nhận những cái hôn của chị. Và chị
đã lắng nghe hơi thở của anh trên mái
tóc mình, lắng nghe những tiếng thầm thì.
- Ôi mùi hương quen thuộc của anh... Em có
biết không, mùi của tóc em giúp cho anh tìm về
với cuộc sống đấy. Và nó sẽ theo
anh suốt cuộc đời... được không?...".
Rồi anh kể cho chị nghe cái ngày anh nằm
quân y viện, trong vòng tay của một cô y tá
đẹp như tiên nữ và căn phòng ngập
mùi long não: "Cô ấy đẹp lắm em ạ,
à... à mà, nhưng em còn đẹp hơn nhiều,
tất nhiên rồi - Anh cười chữa cái vụng
về của mình, rồi nói tiếp - Nhưng càng
nhìn cô ấy anh càng nhớ đến em, đôi
khi mùi long não lại làm cho anh tưởng tượng
ra mùi hương mà tóc em vẫn gội. Anh nói em
đừng cười chứ, chính cô ấy làm
anh nhớ em nhiều hơn, mong về với em nhiều
hơn, ngay cả lúc vết thương còn rất
nặng..."
Tình yêu của anh chị là như thế.
Mà giờ đây anh lại thuộc về cô y
tá kia. Người ta cứ bảo cuộc đời
có những chỗ ngoặt bất ngờ. Anh gửi
cho chị một lá thư một tuần sau cái
ngày anh và chị còn đằm thắm với nhau
dưới một đêm trăng, cũng thu lành lạnh
như thế này và bên một bãi biển miền
xa: "... Một hôm cô ấy khóc, kể cho anh biết
rằng người yêu của cô đã hy sinh ngoài
mặt trận. Anh hiểu nỗi đau của
người mất mát, cố động viên cô
ấy... Rồi anh nhận ra rằng cô ấy đã
yêu anh từ lâu. Hết lòng chăm sóc vết thương
của anh mà không dám thổ lộ tình yêu của
mình, vì cô ấy chứng kiến những lần
anh viết thư cho em ngay trên giường bệnh...
Trước khi anh ra viện cô ấy đề nghị
anh một điều... Anh đã tưởng... và
anh đã... thế rồi anh ra viện, về với
em như em đã thấy. Nhưng hôm nay, sau 4 năm
gặp lại, anh không thể ngờ mẹ con cô
ấy lại bơ vơ, khốn khổ đến
nhường ấy... Quân y viện giải tán, cô
ấy giải ngũ và không biết xoay sở thế
nào để nuôi được con. Mà đứa
bé thì giống như đúc. Anh thương mẹ
con cô ấy và anh càng yêu em hơn. Bây giờ tuỳ
em quyết định.
Cô ấy chỉ khóc mà không đòi hỏi gì cả.
Anh phải nói thực để em biết và xin em
tha thứ, xin em vẫn chấp nhận lời cầu
hôn của anh như anh đã nói cùng em trước
khi chúng ta chia tay nhau... Còn về mẹ con cô ấy,
anh đã có sẵn giải pháp: sẽ thường
xuyên gửi tiền giúp đỡ cô ấy nuôi
con. Anh chờ thư em qua địa chỉ của
T mà em đã biết...".
Bức thư giống như quả bom hất
tung chị lên rồi thả rơi xuống cho toàn
thân tan nát. Chị không tin vào những dòng chữ
trước mắt mình. Chị không thể ngờ
được mọi thứ lại đổi thay
nhanh đến thế. Vừa mới 7 ngày trước
đó chị còn thấy trái đất này đêm
nào cũng tràn ngập ánh trăng và cuộc đời
là biển với những con sóng yêu dào dạt, những
con sóng xanh mầu trời, những con sóng tím màu
hoàng hôn. Và căn phòng của chị là một thế
giới của thơ ca và những nụ hôn hạnh
phúc.
Chị không gửi thư đến địa
chỉ T. Chị chuyển sang thuê một căn phòng
khác. Không còn một tín hiệu nào được
phát ra để anh có thể biết được
ý nghĩ của chị, thậm chí chị không muốn
ai còn nhắc đến tên anh với mình nữa.
Nhưng tên anh thì không ra khỏi trái tim chị,
nó khắc một nét rất sâu vào trong đó, cho
dù thời gian có phủ lên biết bao nhiêu những
vui buồn khác. Vì công việc, nên có rất nhiều
hoàng hôn tím chị còn gặp lại. Biết bao
nhiêu ánh trăng vàng phủ ngập lối chị
đi. Và biển vẫn cứ rộn rã không thể
nào hiểu được qua những thì thầm của
sóng.
Chị không cho anh biết về mình nhưng chị
vẫn kín đáo dõi theo để biết về
anh. Có thể vì tuyệt vô âm tín mà anh đã lấy
cô ấy, có thể vì trách nhiệm người
cha với đứa con, có thể chỉ giản
đơn là trông đứa bé kháu khỉnh, và cũng
có thể lắm, chính là bởi... "cô ấy
đẹp lắm em ạ...".
Biển đêm nay hệt như biển đêm
nào, hệt như nhiều đêm, bởi giữa
hai người có biết bao đêm bên nhau cơ chứ.
Lúc thì vầng ngực rộng hiện ra thoảng
mùi mồ hôi của anh chàng vừa đi gặt lúa
giúp dân. Lúc thì cái mắt có đuôi với nụ
cười hóm hỉnh. Lúc thì anh cao hứng hát một
bài "Vọng phu" mà chị rất thích.
"Em cứ nhớ tên bài hát nào nói ra thì anh thuộc
bài hát đó". Tưởng anh nói bốc đồng,
chị đã thử, mà chị thì biết tên nhiều
bài hát lắm, cũng là dân thích âm nhạc mà. Thế
mà anh thuộc hết thật.
Ký ức đầy những kỷ niệm,
nhưng lúc này có thể bởi cô gái nhắc
đến vùng ngực rộng nên chị nghĩ về
hình ảnh đôi môi chị lướt trên khoảng
da thịt rắn chắc ấy, cái chỗ có trái
tim đã từng đập mạnh mẽ vì chị
ấy. Chị nhắm mắt lại cho những giọt
nước mắt thi nhau chảy xuống, tràn trên
gò má...
Vào lúc gió thổi khô dần những giọt nước
mắt ấy, vào đúng cái lúc cô gái cũng
đang hồi tưởng về phút giây hiểm
nghèo đã vĩnh viễn qua đi ấy thì ở
ngoài kia, trong đêm tối, trong nước, trong những
bước chân ngày một xa bờ, cùng với tấm
lưới đã thả hết trong mênh mông. Anh
chàng "đánh dậm" cũng chẳng
nghĩ gì đến cá. Lần đầu tiên kể
từ khi chọn cái việc đánh cá ở chốn
không người này để kiếm sống, anh
không nghĩ đến mẻ lưới thu về
trong đêm. Có lẽ người thiếu phụ và
cô con gái là những hình ảnh xúc tác mạnh, cho
anh nhớ ra rằng cuộc đời không chỉ
là phải sống (chứ ai đàn ông lại tự
vẫn bao giờ?) mà còn phải sống với những
gì đẹp như gương mặt người
đàn bà kia, hay như cặp chân trần của
cô gái nọ. Không. Không thể chỉ là ăn, ngủ
và quên đi hết thảy... Như anh đã từng
quên. Anh quên rằng vợ anh là người có gương
mặt hệt như thiếu phụ ấy, đôi
mắt đen láy lấp lánh thứ ánh sáng tâm hồn
và cặp chân cũng nõn nà trẻ trung như cô
con gái nọ ngày mà anh mới cưới nàng về...
Người ta có nhiều câu răn dụ về tình
chồng vợ, nhưng anh thì bối rối giữa
hai câu mà anh nhớ được: "ở đời
vợ đẹp con khôn" và "Vợ đẹp
là vợ người ta"... Thử hỏi đã
là người đàn ông, lại đàn ông như
anh, có đầy những cái mạnh ưu trội,
sao lại không cưới một người đẹp
làm vợ, nhất là người ấy lại yêu
anh đến thế? Nàng lại đã sinh cho anh
hai đứa con, một trai một gái, y như trời
cho anh tất cả vậy. Nào có ai dám cược
với anh rằng: đẹp, khôn lại là mầm
tai hoạ. Yêu vợ đến như anh, thiên hạ
cũng có, nhưng hiếm. Anh chẳng muốn cho nàng
đi vượt khỏi tầm mắt của mình.
Anh cũng chẳng dám rời nàng mà đi đâu
quá xa. Đến mức cả gia đình anh lầm
vào cảnh túng thiếu quanh năm. Anh và nàng cùng
nhau nhớ đến một câu khác của đời
về một túp lều tranh... Nhưng cũng chẳng
được bao lâu, khi mà những đứa trẻ
con lớn lên đau ốm và nghèo khổ. Nàng
đã chẳng quản thân gái với biết bao nhọc
nhằn của kiếp người làm công ăn
lương trước những tay giám đốc
ham muốn đủ thứ trên đời.
Nhưng chỉ riêng ham muốn nàng thì họ không
đạt được. Nàng đã phải tránh
sự thù hằn của những người đàn
ông thất bại. Và nàng đã giống như một
con cá chuối đắm đuối vì con và vì chồng.
Nhưng oái oăm thay, không biết từ đâu lại
đồn đến tai chồng nàng rằng, nàng
là người đàn bà hư hỏng. Lời
đồn có từ đâu, từ mảnh lửa
nào đã bốc lên làn khói? Hay nó đến là bởi
chính đôi tai quá thính của chồng? Thiên hạ
thiếu gì những người chỉ đơn
giản: "Anh thích nghe thì tôi nói" làm chuyện
vui đùa. Hay bởi tại có vật quý thì hay
hình dung ra kẻ trộm? Hay bởi tại sự
khó nhọc cuộc đời chỉ làm khô mái
tóc nàng chứ chẳng làm ánh mắt của nàng bớt
sáng. Mà cái ánh sáng tâm hồn thì lại quyến rũ
vô tư tất cả những ai! Thế là vốn
đã mặc cảm về nỗi không nuôi nổi
vợ con, chồng nàng lại bị lời đồn
xỉa cho những nhát dao sâu hoắm của ghen
tuông, nhục nhã. Anh - chồng nàng, sau một thời
gian hành hạ nàng cả về thể xác lẫn
tinh thần đã rời bỏ nàng, con cái và phố
phường với những lời đồn mà
khi tỉnh táo anh cho rằng chẳng hề có lấy
một chút căn cứ nào.Anh đã quên nàng, hay cũng
có nghĩa là anh đã cố quên nàng. Anh vùi
đau thương vào đêm tối. Anh không còn
thích có các mối liên hệ với mọi người.
Một mình, với tấm lưới vó. Một
mình trong bao la, biển trò chuyện và chia sẻ.
Anh bây giờ là những đêm về, làn đầy
ắp cá, hay có vơi chút ít cũng chẳng làm
sao. "Này, có mua thì tôi bán cho". Anh nói giá rất
cao, bán được thì anh tặc lưỡi:
"Đời có thương quái gì ta". Chỉ
bán được giá thấp thì anh cũng tặc
lưỡi: "Ta còn mong gì hơn nữa?"...
Không có người đàn bà nào vượt
được hình ảnh của vợ, nhưng
để: "Quay về với cô ta thì không đời
nào, chả lẽ con người có thể chịu
nổi những lời đàm tiếu?". Anh hình
dung ra vẻ mặt của các cô em gái. Chúng vênh
lên mà giễu cái vẻ kiêu sa của nàng. Chúng
thì thầm những lời bên tai mẹ anh. Và mẹ
anh nhăn nhúm đau khổ khi thấy anh "lại
cứ tha thiết yêu một đứa khác máu tanh
lòng"... "Biển ơi, biển ơi...".
Đã có lần anh kêu lên trong gió đêm: "...
hiểu được con người lại
như mò kim dưới đáy đại
dương sao?". Đã bao lần anh nói với
chính anh rằng vợ anh không có tội, nhưng
đồng thời anh cũng biết anh không đủ
sức vượt qua những gì người ta
đặt ra trước lối trở về.
"Cá đây, cá đây..." và anh luôn mong cuộc
kiếm sống, đánh bắt, rao bán của mình
không gặp con người, không gặp những người
quen. Nhưng không gặp người, không có con người
thì đánh - bắt, mua - bán với ai, phỏng có
ích gì? Anh không muốn gặp người quen,
nhưng với người lạ thì dư âm còn lại
thường là một sự chán chường ghê
gớm... Kể từ đó đến nay đã 10
năm có lẻ.
Thế mà hôm nay, ai xui cho trời nhiều gió, ai
xui cho hai người đàn bà có mặt trên bãi vắng
này. Họ là người lạ hay có quen nhau? Còn
anh thì lần đầu trông thấy họ, nhưng
đã như thấy tự bao giờ. Hay cái vẻ
đẹp ấy vẫn có hàng ngày, vẫn ở
đâu đó trong cuộc đời mà anh không
nhìn thấy kể từ khi mắt anh vướng
một nỗi buồn?
Anh nhìn thấy họ trong một cái liếc thầm
mà hình ảnh của họ thôi thúc anh ghê gớm.
Cuộc sống thật đáng yêu bởi cuộc
sống có những người đàn bà như thế
sao? Anh có ngờ đâu rằng hai người
đàn bà cũng nghĩ về cuộc sống với
những niềm tin mới, bắt đầu từ
hình ảnh của anh, hình ảnh người đàn
ông vạm vỡ, vững chãi trước biển
đêm hùng vĩ.
Trăng đã lên cao, rải xuống mặt biển
những đợt sóng vàng óng như mật. Biển
vẫn vỗ từng hồi vào bờ đá. Gió cứ
dùng dằng một ước muốn: "Cho họ
biết được ý nghĩ của nhau?".
Hay cho biển đêm sẻ chia những tâm sự
thầm kín? Mà gió cứ thổi quẩn quanh đây?./.
Trần Thị Trường
Tác giả Trần Thị Trường:
(Các bút danh khác: Thu Thủy, Hưng Quang)
* Tên khai sinh: Trần Thị Trường, sinh ngày
26 tháng 10 năm 1950 tại Tuyên Quang. Quê quán:
Đan Phượng, Hà Tây. Nơi ở hiện nay:
Đống Đa, Hà Nội. Tốt nghiệp Đại
học Báo chí. Hội viên Hội Nhà văn Việt
Nam (1994).
* Trần Thị Trường theo học Trường
Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, sau đó
làm báo, viết văn. Hiện nay là phóng viên báo
Người Công giáo Việt Nam.
*Tác phẩm đã xuất bản: Lời cuối
cho em (tiểu thuyết, 1989); Kẻ mắc chứng
điên (tiểu thuyết, 1991); Bâng khuâng (truyện
ngắn, 1993); Tình câm (truyện ngắn, 1996).