Đợt nắng nóng kéo dài đến hết tháng
sáu. Bầu trời cứ trong vắt và xanh rừng rực, một bóng
mây mỏng màu trắng cũng không thấy. Nắng cứ gay gắt
như đổ lửa làm cho mặt đất khô ran, không có gió nhưng
chỉ cần một chiếc xe máy chạy ngang cũng đủ cho bụi
tung mù trời. Cây trong vườn ủ rũ, vừa tưới buổi sáng
đến buổi chiều đã thấy lá héo rũ. Trà tưới cây
một ngày hai lần, hôm nào bận bỏ sót một buổi thì vườn
cây trong buồn thiu, thế nào cũng bị bố mắng.
Chuyện bị la mắng trong nhà cũng là
chuyện thường ngày, chị Nhị thường đắp tai làm ngơ
còn Trà thì không thể nào chịu nổi. Bố là một người
đàn ông khó tính vì thế ông thường cáu gắt nếu có
điều gì không vừa ý. Mẹ không thể làm ngơ như chị
Nhị, cũng không có ý định làm vừa lòng bố như Trà nên
mẹ thường cãi lại. Nhiều khi chỉ vì một chuyện
cỏn con không đâu vào đâu hai đã cãi nhau, cứ mỗi người
một câu cho đến khi bố tức giận ném bể một thứ gì
đó mẹ mới thôi. Không khí trong nhà lúc đó mới lắng
lại nhưng thật nặng nề.
Có lần Trà hỏi: "Ngày xưa mẹ yêu
bố vì cái gì?". Mẹ trả lời: "Không
biết". Trà thử hình dung và quả thật Trà cũng không
tìm ra được điểm nào đáng yêu của một người đàn
ông như bố. Trà vẫn giữ phận làm con để không phê
phán bố mẹ nhưng cũng có khi Trà chợt nghĩ: "Nói
lỡ dại mai sau yêu phải một người đàn ông như bố
thì mình có sống với họ được lâu như mẹ sống
với bố không nhỉ?". Trà hỏi chị Nhị, chị Nhị
cười mỉm chi: "Tào lao". Trà không hiểu chị
Nhị nói cái gì tào lao, Trà tào lao hay không thể có người
đàn ông nào giống bố nữa.
Ngôi nhà của bố Trà hơi bé so với
khoảng vườn rộng. Phía sau vườn có ba cây xoài lớn
không biết được trồng từ hồi nào, nhưng khi Trà
lớn lên đã thấy cành lá trỉu quả, đến mùa thu
hoạch ba gian nhà chứa xoài là xoài. Bố kỹ tính chẳng
bán xoài bằng gốc như người ta thường làm, bố thuê
người hái và bán lại cho những người buôn sỉ. Dầu
mất hay được mùa thì hiếm khi nào bố để lại hơn
chục quả cho cả nhà ăn. Cuối mùa xoài chín rụng đầy
vườn bố lại nhặt bằng hết rồi nấu lên làm bánh
xoài, thứ bánh xoài vàng ươm thơm lựng là đặc sản mà
khách du lịch rất thích nhưng hình như Trà chưa hề
nếm thử.
Đó là công việc của bố, còn mẹ thì
suốt ngày chăm sóc mấy con heo trong chuồng. Buổi nào
mẹ mắc bận chưa kịp cho ăn thì chúng leo bỏ hai chân
lê thành chuồng kêu ầm ĩ, bố lại có dịp để la hét
mắng mỏ. Trà không chịu nổi không khí lúc nào cũng
chực dậy lên trong nhà. Tan học Trà thường kiếm cớ gì
đó để chậm về nhà, nhưng một hôm bố bảo:
- Đi học không phải là công việc, nếu
choán quá nhiều thời gian thì nghỉ đi, lớn rồi phải
làm gì đó.
Trà đi làm sau khi thi hỏng đại học,
giấc mơ làm cô giáo đành phải gác lại. Hôm đưa mấy
đứa bạn ra ga để vào thành phố học đại học lòng
Trà bình thản lạ lùng. Trước đó Trà vẫn nghĩ sẽ
tủi thân, sẽ buồn, có thể sẽ khóc nếu một mình ở
lại trong khi bao nhiêu đứa bạn thân đều hồ hởi bỏ
đi. Trà không khóc, cũng chẳng buồn. Đưa bạn đi rồi,
Trà trở về an phận với cuộc sống mới. Trà làm
việc ở một của hàng bán vật liệu xây dựng, công
việc cũng nhẹ nhàng, mỗi ngày Trà đến cửa hàng quét
dọn xong cầm sổ ghi chép số liệu. Vẫn là những con
số nhưng không phải để ngắt từng cánh hoa rồi đếm
1, 2, 3… đi, không đi… như hồi nào có cái hẹn đều
tiên với bạn trai.
Trà gặp anh ta ở ngay cửa hàng bán vật
liệu xây dựng, trong khi đang bê lại mấy chồng gạchdo
khách mua làm đổ. Anh ta nhìn Trà nói trống không.
- Con gái khiêng nặng không sợ hư tay à?
- Vậy thì anh bê giùm tôi số gạch còn
lại đã.
- Tôi không bao giờ làm công việc nào điên
khùng tương tự như vậy.
Trà nhìn đôi bàn tay anh ta vừa xoè ra,
những ngón tay trắng muốt, thon dài được trau chuốt
cẩn thận đẹp hơn tay con gái, cụ thể là đôi bàn tay
của Trà. Cái áo sơmi màu đỏ của anh ta hắt lại ánh
nắng chói chang ban trưa làm lóa mắt Trà. Cô nhìn anh ta
không giấu được ác cảm trong giọng nóicủa mình.
- Anh đến có việc gì không?
- Không.
- Thế anh cần gì ở đây?
- Tôi về nhà tôi.
Làm việc ở đây mới hơn tháng, Trà không
nghe nói là ông bà chủ có người con trai độc nhất đang
làm thợ may ở thành phố. Anh ta có vẻ văn minh quá
mức Trà nghĩ. Mái tóc hơi dài được cắt tỉa đúng
mốt, lúc nào cũng chải mút bóng nhẩy, phải thừa
nhận là anh ta khá đẹp trai. Đôi mắt đen dài, chiếc mũi
thẳng và đôi môi đỏ hồng, anh ta giống mấy chàng ca
sĩ trẻ mới nổi tiếng hay xuất hiện trên truyền hình.
Trà kể chuyện cho nhỏ bạn hàng xóm nghe, nó cười không
tin, nó còn bảo là vì Trà ghét mà nói thêm thắt cho
vui. Thật tình Trà không ưa anh ta chút nào, ngay cả người
bạn anh ta đưa về nhà trong mấy ngày nghỉ. Gã kia nhìn
khá hơn anh ta một chút nhưng sợi dây chuyền vàng dày
cộm với cái mặt ngọc to đùng nằm giữa khoảng ngực
trần của gã làm cho Trà chướng mắt vô cùng. Công
bằng mà nói hai người đó cũng không làm gì phiền đến
Trà. Hằng ngày anh ta ở lì trên lầu nghe nhạc, thứ
nhạc rền rĩ mà Trà vẫn ghét rồi hễ có gã bạn đến
là họ biến ngay trên chiếc xe Bonus kềnh càng.
Bà chủ nói với Trà về người con trai
của mình - "Thằng Hoàng của cô coi vậy chứ hiền
lắm. Cô thấy con cũng ngoan, hay là con làm dâu cô đi".
Trà nghe qua chỉ cười. Trà còn quá trẻ để nghĩ đến
chuyện lấy chồng. Trà như mới rời ghế nhà trường
ngày hôm qua, mỗi sáng ngủ dậy Trà chưa quên cảm giác
vội vã vì sợ trễ học. Mở tủ lấy quần áo đi làm
Trà không ngăn được mình thôi vuốt ve, săm soi cái áo
dài trắng còn nguyên chiếc huy hiệu trường trên ngực
áo. Có lúc Trà chợt nghĩ mình quá an phận so với hồi
đi học, so với giấc mơ đã xây cùng lũ bạn ngày xưa.
Vẫn có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh nhưng Trà không tránh
được cảm giác mình quá yếu đuối.
Nghỉ học may mắn xin được việc làm,
đồng lương không nhiều so với công sức bỏ ra nhưng
dẫu sao Trà cũng đã tự nuôi được mình. Ngày đầu tiên
ngồi trước chén cơm thực sự của chính mình nước
mắt của Trà cứ trào ra. Không ai có thể hình dung nổi
chuyện trong nhà của Trà, mỗi người một nồi cơm riêng,
bố và mẹ rồi bây giờ đến phiên tòa. Chị Nhị đã
đi khỏi nhà, khỏi thành phố vì không chấp nhận được
cuộc sống của bố mẹ. Chị như con chim tự do tung đôi
cánh của mình bay vào trời xanh lồng lộng. Trà không có
can đảm như chị, vả chăng có một ngôi nhà để trở
về vẫn hơn, dù ở đó Trà không tìm được sự che
chở nào.
Hoàng về thăm nhà thêm vài lần, gần đây
nhất anh ta lại có một người bạn khác, Trà đoán
vậy vì không thấy gã đi xe Bonus. Thỉnh thoảng Hoàng
gợi chuyện với Trà, anh ta lúc nào cũng ăn nói nhỏ
nhẹ, chắc anh ta không hề biết cãi nhau với ai bao
giờ. Một lần Trà nghe bà chủ cằn nhằn vì Hoàng thường
xuyên không ăn cơm nhà, anh ta ôm vai mẹ cười giả lả.
Bà chủ lại nói với Trà: "Con về làm dâu nhà cô
đi, có người giữ chân thằng Hoàng, cô chỉ có mỗi mình
nó mà nó không chịu ở nhà".
Trà nói với bà chủ: "Cháu còn nhỏ
mà cô, cháu chưa lập gia đình được đâu". Nói
vậy nhưng Trà vẫn biết mình nghỉ khác, nhìn cảnh bố
mẹ là Trà muốn lạnh sống lưng khi nghĩ về gia đình
nhỏ của mình sau này mà người vợ y như mẹ bây giờ.
Từ khi lớn lên Trà chưa biết thế nào là hạnh phúc
gia đình, tình yêu của bố mẹ là thứ xa xí phẩm mà
bố chưa hề ban phát cho con cái. Những bữa cơm gia đình
đầm ấm chỉ có trong những bài tập đọc ở nhà của
Trà, mạnh ai nấy ăn, bất cứ thứ gì mình thích, thứ
gì chính mình làm ra được. Có hôm vì công việc nhiều
đột xuất Trà về trễ, nhìn bếp núc lạnh tanh, cái
lồng bàn chưa hề được dùng đến, Trà nản lòng đi
ngủ với cái bụng rỗng không.
Chị Nhị viết thư về báo tin đã lấy
chồng. Thu của chị viết đơn giản: "Chị chưa yêu
nhưng người ấy rất yêu thương chị, anh ấy là một
người tốt, chị chưa hình dung hết cuộc đời về sau
này nhưng chắc chắn một điều là chồng chị sẽ không
giống như bố mình". Bố mẹ không có phản ứng gì
khi hay tin chị Nhị lấy chồng, bố chỉ nói: "Con Trà
xem theo được đứa nào thì đi luôn đi".
Và Trà đi lấy chồng, không biết vì
lời nói của bố, vì sự hờ hững của mẹ hay vì
những lời dỗ dành của bà chủ. Hay tin Trà nhận lời
lấy Hoàng làm chồng, nhỏ bạn hàng xóm nhìn Trà bằng
đôi mắt thật lạ: "Mầy nghĩ kĩ chưa Trà? Mày
biết gì về anh ta và gia đình họ chưa?". Trà nói
không cảm xúc: "Bà chủ hiền lắm, anh ta cũng
tốt".
Đám cưới của Trà được tổ chức
rầm rộ, nhà trai đón dâu bằng năm chiếc xe du lịch
kết hoa rực rỡ. Bố mẹ của Trà lần đầu tiên đứng
bên nhau, cạnh con gái trên sân khấu của nhà hàng khi người
dẫn chương trình giới thiệu song thân của cô dâu chú
rễ. Trà vẫn tưởng mình không có cảm xúc gì nhưng khi
nghe đọc mấy câu ca dao ngợi ca công ơn cha mẹ Trà
lại thấy khoé mắt mình cay cay. Khi Hoàng cầm tay Trà nâng
chai sâm banh rót đầy tầng tháp xây bằng những cái ly
thủy tinh, lòng Trà chợtxôn xao một cảm giác khó tả.
Dòng rượu vàng óng, sóng sánh như suối chảy tràn qua tâm
trí Trà, lần đầu tiên Trà cảm thấy lo sợ, không
biết rồi cuộc đời của mình từ nay về sau sẽ ra
sao?
Một ngày sau đám cưới Hoàng bỏ vào Sài
Gòn, nói là có hợp đồng may mới với Công ty nào đó.
Trà không có phản ứng gì, tình vợ chồng đối với Trà
cũng chưa kịp đủ để nhớ nhung mong đợi. Hoàng không
về cũng không nhắn một lời thăm hỏi, mọi chuyện đối
với Trà vẫn không có gì thay đổi, khác chăng là cuối
tháng cô không còn nhận lương như hồi chưa làm dâu.
Mẹ Hoàng cũng tốt, bà tỏ ra gần gũi săn sóc Trà, đôi
lúc Trà so sánh và thấy tình thương của Trà nghiêng
về mẹ chồng hơn mẹ mình.
Đến ngày giỗ của cha, Hoàng cũng không
về. Trong lúc xúm xít trong bếp một người chị họ nói
nhỏ vào tai Trà: "Cậu Hoàng có ngủ chung với cô không?".
Mặt Trà nóng bừng vì mắc cỡ, Trà không soi gương nhưng
vẫn biết là đôi má mình rất đỏ. Người chị họ
lại nói nhỏ rí, hơi thở của chị làm tai Trà nhồn
nhột: "Lâu nay cậu Hoàng không về nhà phải không?
Sao thím bảy ác vậy, cô còn nhỏ mà hiền thế này...".
Trà không hiểu chị muốn nói gì nhưng rồi cô điếng
cả người, buông rơi con dao trên tay, giọng người chị
họ thệt nhỏ mà nghe vang như sấm nổ: "Cô không
biết cậu Hoàng là "pê – đê" sao?".
Trà nói với mẹ chồng: "Sao mẹ nỡ
đối với con như vậy?". Mẹ của Hoàng im lặng, hai
mẹ con nhìn nhau cùng khóc. Trà trở về nhà bố mẹ, cô
để lại nhà chồng tất cả nữ trang làm sính lễ trong
ngày cưới. Trà không trở lại nơi đó dù chỉ để làm
việc. Chuyện của Trà vỡ ra làm xôn xao dư luận một
thời gian rồi người ta cũng quên, kể cả bố mẹ của
Trà. Như không có gì thay đổi chỉ có Trà trở nên
lặng lẽ hơn xưa, Trà cảm thấy người già dặn dù cô
vừa bước qua tuổi hai mươi. Nhỏ bạn hàng xóm lại động
viên Trà: "Coi như mình gặp tai nạn, mình còn trẻ dư
sức bắt đầu lại mà Trà". Bạn không nói thì Trà
cũng biết mình phải bắt đầu lại, có điều phải có
thời gian, "Dẫu sao thì mình vẫn còn trẻ" –
Trà nghĩ về ánh sáng hồng ban mai rực rỡ ở phía đông,
ở đó mặt trời mọc mỗi ngày./.
Lưu Cẩm Vân