Về
hưu
Về hưu, Ba Long cảm thấy cuộc
sống bỗng dưng thay đổi đột ngột. Ba tháng sau, ông
vẫn chưa quen với cuộc sống hàng ngày. Ông vẫn thức
dậy từ lúc 5 giờ sáng. Tập thể dục. Đi ăn sáng.
Uống một ly cà phê sữa đá hoặc ca cao. Nhưng ông không
phải vội vã đến cơ quan làm việc, không phải bận
rộn xem lại các hợp đồng, công văn, dự án hoặc
lịch làm việc của ngày hôm đó. Điều làm cho ông
thoảng thốt nhất, là không có tiếng chuông gọi cửa
của người tài xế vào lúc 7 giờ kém 15… Thói quen làm
cho ông mệt mỏi, chờ đợi…
Không có những cuộc điện thoại gọi đến
mời đi ăn điểm tâm, mời ăn trưa, ăn chiều… Ông
mất cả đi thói quen nói lời từ chối, cũng như sự
chọn lựa để nói lời chấp thuận. Người ta phớt
lờ ông, như ông chưa bao giờ hiện diện trong cuộc
sống của họ, như ông đã biến mất không để lại
một chút gì trong tâm tưởng của họ. Tại sao? Tại ông
hay tại cuộc sống vốn dĩ là như vậy?
Sự chống chếnh của khoảng thời gian
trống rỗng, sau khi ly cà phê sữa đá đã cạn, thường
làm cho ông hốt hoảng. Ông thấy sờ sợ một cái gì đó.
Sự cô độc. Để trốn chạy cảm giác đó. Ông đọc báo,
tin thời sự. Cuộc chiến dai dẳng giữa Palestines và
Israel. Những thương vong, mất mát tiếp diễn hàng ngày
sau cuộc chiến của Iraq. Những vụ án tham nhũng động
trời trong nước. Những quyền lực giấu mặt tiếp tay
cho xã hội đen đang bị lôi dần ra ánh sáng… Những
trẻ em đường phố bơ vơ, bị hiếp đáp, lợi dụng.
Những cô gái thanh xuân thơ ngây, bị kéo vào cuộc
sống nhơ nhớp, nhầy nhụa của đồng tiền. Để rồi
như những kẻ bất hạnh nhất thế gian, họ chìm
nghỉm, trôi nổi giữa đám sình lầy nghiện ngập và
bệnh tật…
Ông
đã khóc. Những giọt nước mắt ẩn sâu trong đáy mắt
ông, từ mấy chục năm qua bây giờ càng chảy xuống
chậm rãi, nhức buốt như để lại trên mặt ông vết
hằn rát bỏng. Ông xem chương trình "Vì những người
nghèo" trên truyền hình. Những người sống trong bóng
tối, đã nhìn thấy ánh sáng, nhờ những tấm lòng từ
thiện, những trái tim biết yêu thương nỗi đau của người
khác. Ông đã khóc, khi thấy một người đàn ông bị
bệnh ung thư sắp chết cũng làm từ thiện… Một cặp
vợ chồng, tháng nào cũng đi bán máu, họ bán sự sống
của chính mình, để đi tìm sự sống cho đứa con thơ
dại, bé bỏng đang mỗi ngày quằn quại chống đỡ
với nỗi đau của bệnh tật….
Những điều ấy, khi còn tại chức vẫn thường tiếp diễn trong cuộc sống của
ông, đi qua những suy nghĩ của ông, tái tạo rất rõ ràng,
qua sự xô bồ mà cuộc sống đang trải rộng trước
mắt ông. Nhưng giống như một người xa lạ với cộng
đồng con người mà ông đang sống và làm việc. Ông
thấy dửng dưng. Ông thấy không phải là chuyện của ông.
Thế giới của ông là công việc. Là đổ bê tông thật
vững chắc vào chiếc ghế mà ông đang ngồi. Là những
hợp đồng béo bở. Những phe cánh, chướng ngại cần
loại bỏ. Làm từ thiện ư? Thì làm. Ở đâu? Bao nhiêu?
Làm gì? Đã có kế toán và trợ lý của ông lo. Với
lại cũng chẳng phải tiền túi ông. Tiền vô tội vạ
đổ từ túi này sang túi khác. Mà hương thơm lại bay đến
chỗ ông ngồi. Ông không mất mát gì. Ông không có khái
niệm về sự từ thiện. Ông bận bôn ba cho danh vọng và
sự nghiệp của ông. Ông bận tranh giành chức tước và
quyền lợi. Ông thật sự bận rộn… Cũng như bao nhiêu
vị chức tước khác đang lo toan, bận rộn với công
việc của họ trong cuộc đời. Ông đi nhà hàng, bia ôm,
ôm những cô gái nhỏ hơn cả con gái út của mình, ban
đầu cũng còn chút hổ thẹn, cũng day dứt lương tâm,
nhưng sau rồi mọi sự quen dần. Lòng ông mỗi ngày,
mỗi dửng dưng: "Bánh ít trao đi, bánh chì trao
lại". Những cô gái ham tiền. Những người đàn ông
ham gái. Một sự trao đổi. Một hợp đồng. Thanh toán
xong là chấm hết.
Về hưu rồi. Thời gian đột nhiên trống
rỗng. Ông tìm cách nói chuyện với vợ, nhưng bà không
có nhiều thời gian dành cho ông, cuộc sống của bà từ
lâu, đã trôi như một dòng chảy bình lặng, đều đặn.
Buổi sáng thức dậy, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, làm
thức ăn và ăn cơm. Buổi chiều, bà giặt giũ, tưới cây,
làm thức ăn. Buổi tối, bà chơi với cháu ngoại và cháu
nội, khi cha mẹ chúng đi làm ca đêm hoặc đi học thêm
tiếng nước ngoài, chương trình quản lý kinh doanh, đi
nhà hàng, khiêu vũ… Ông thấy cô đơn.
Ông chú tâm xem phim. Toàn phim Hàn Quốc,
Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan làm ông chán… Phim
Việt Nam chiếu trên tivi quá ít ỏi, mà đâu phải phim nào
cũng hay. Ông loay hoay mãi chẳng biết làm gì, giữ cháu
cũng không quen, thôi thì xem thời sự, tin thế giới… Có
một đoạn tin thời sự trong chương trình vì những người
nghèo, ông nghe mà không tin ở tai mình… Đoạn
tin nói về một ông lão về hưu, đã hiến tặng toàn
bộ tài sản mà ông đã dành dụm suốt cuộc đời mình
cho quĩ từ thiện vì những người nghèo. Gồm có 90 cây
vàng và 82 triệu đồng. Còn bản thân ông ta thì sống
bằng tiền trợ cấp hưu trí của Nhà nước. Ba Long
nghe xong cảm thấy bần thần, ngơ ngác. Số tiền đó đối
với Ba Long không phải là lớn. Trong suốt thời gian làm
việc, ông còn kiếm được nhiều lần hơn thế. Nhưng
ông không tin. Dù đó chỉ là điều đơn giản nhất,
từ một tấm lòng của con người. Ông không bao giờ
thấy đủ, dù đã quá nhiều tiền. Ông cũng không biết
nương tay, thương xót. Nếu một kẻ nào đó muốn tranh
đoạt với ông, dù thua hay thắng, ông vẫn không từ
một thủ đoạn nào. Chẳng riêng gì ông, bọn kia cũng
thế thôi. Ông nhếch mép cười trước bản tin thời
sự đó, cười rất nhạt, nhưng nụ cười cứ méo
xệch trên môi, cho đến không ông cảm thấy cổ họng mình
đắng ngắt, khô khốc. "Cứ như chuyện cổ tích
ấy nhỉ?". Ông tự nói với mình như thế, nhưng
rồi ông lại giật mình, ngơ ngác nói tiếp "Vẫn có
những con người như thế trong cuộc sống này sao? Có
tin không? Có nên tin không? Không thể nào tin được. Nhưng…".
Ba Long không tin là phải. Ông đã quá xa
lạ với cuộc sống mà ông đang sống. Ông đã quá xa
lạ với nỗi đau của kẻ nghèo đói, đang sống trong
nỗi bất hạnh và tuyệt vọng. Quả thật là như thế.
Ba Long nhớ lại khoảng thời gian một tuần sau khi về hưu.
Vào một buổi sáng, sau khi tập thể dục xong, ông gọi
điện cho người cộng sự cũ của mình: "Chú mày đang
làm gì đấy, đến nhà hàng Mỹ Lan ăn sáng với anh nhé".
Đầu dây bên kia từ chối thẳng thừng, cũng giống như
ông đã từng từ chối những người khác, mà ông biết
họ đang cần ông. "Bận quá anh Ba ơi, để hôm khác
nhé". Điện thoại cúp. Ba Long giận điên người,
lầm bầm rủa: "Cái quân trở mặt, mọi hôm thì
cứ dạ thưa, dạ thít, lít xít quanh đít tao. Bây giờ mày
bày chuyện từ chối hả? Mày…". Ba Long cũng đã
thấy nỗi đắng cay xộc vào mũi, xộc vào tim, xộc vào
tâm can ông nhức nhối. Ông cố gọi một người khác.
Ở đời, có phải ai cũng bạc bẽo như cái tên đốn
mạt kia đâu. Nhưng Ba Long đã gặp phải một buổi sáng
xui xẻo, chưa từng thấy trong cuộc đời. Người này
bận, kẻ kia cũng bận. Họ đua nhau bận cùng một lúc,
khi ông gọi điện thoại mở lời mời. Không lẽ khi ông
về hưu rồi, cái cơ quan của ông lại đâm ra siêng năng
làm việc đến thế sao? Ông thui thủi, đi xe đến nhà hàng
Mỹ Lan ăn sáng một mình. Ai dè đến đó, ông lại
thấy bọn họ, những kẻ hết sức bận rộn kia, đang
ngồi kín bàn, bên tay giám đốc mới vừa thay thế ông,
họ nói cười rôm rả. Lòng ông tê tái, đau đớn. Nỗi
đau đớn của một con người, bị chính những người
thân của mình đánh vào xương thịt. Nỗi đau của một
kẻ lẻ loi, đang đối diện với sự phản bội. Ông
vội vã quay xe trở về trong nỗi bẽ bàng của kẻ
xuống ngựa. Đoạn đường trở về, sao lại dài hun hút
đến thế, khó nhọc và vất vả đến thế. Có lẽ, đó
cũng là đoạn đường khủng khiếp nhất, mà ông vừa
trải qua trong cuộc đời mình. Về đến nhà ông đổ
ập xuống giường. Đổ ập vào nỗi đau đớn mà ông
không thể ngờ, không đoán trước được cho đến ngày
hôm ấy.
Ông năm đó, như trôi vào một đám sương
mù u ám và tăm tối. Ông để mặc. Nhưng chính những giây
phút bình yên như thế đã khiến ông dần dần hồi
tỉnh lại… Và một điều rất nhỏ bé mong manh từ tâm
hồn ông chợt thoáng ra, như hơi thở của ánh sáng nhẹ
nhàng xua đi đám mây mù, để từ đó nó toả ra một
thứ hương thơm của niềm hạnh phúc kỳ lạ mà ông chưa
từng bắt gặp, chưa từng biết đến, nó như một bông
hoa nhỏ nhoi đã nở giữa một vùng cát trắng, nóng
bỏng…
Ông bệnh. Cơ quan cũ của ông gửi người
đến thăm, tặng đường, sữa, trái cây. Người cộng
sự của ông cũng đến, vài ba kẻ khác cũng đến. Ông
cũng biết là không nên quơ mọi người vào một đám.
Nhưng ông không muốn tiếp ai. Vợ ông, đã làm thay ông
những công việc đó. Ông nằm trong phòng, nghe những câu
thăm hỏi nhạt nhẽo, giả nhân, giả nghĩa, ông lặng
lẽ cười. Họ đến thăm ông, đặt quà cáp lên bàn
của ông một cách thản nhiên, chứ không như trước
nữa. Ngày trước ông còn đương chức, họ cầu cạnh,
nịnh bợ… Còn bây giờ, nó giống như ngày xưa ông đi
làm từ thiện vậy, hờ hững, vô tâm.
Buổi tối. Con cái đến thăm ông đông đủ.
Cô con dâu cả trêu bố chồng như trêu đồng nghiệp:
"Bố ơi, bố bệnh thật hay là làm nũng mẹ đấy.
Chắc lâu rồi không có cô nào mát
xa cho bố phải không?". Ông nghiêm mặt mắng:
"Nói bậy". Nhưng cô con dâu lại cười nắc
nẻ, một cách vô tâm. Đến lượt cậu con rể, thì ông
đành ngậm bồ hòn. "Bố ơi, không lẽ về hưu,
lại làm bố buồn phiền, đến đổ bệnh ra như thế này
sao? Hay là chúng con mở một công ty gì đó, để bố làm
việc cho vui, bố nhé". Ông nhắm mắt giả vờ ngủ.
Đến khuya, trước khi về, con trai cả lại nói:
"Bố hãy bình tâm. Rồi mọi chuyện lại trở lại bình
thường bố ạ". Ông giật mình. Một câu nói thật
đơn giản, nhưng chứa đựng biết bao nhiêu điều ở
trong đó. Con trai ông hiểu như thế nào về ông? Ông nhìn
con chằm chằm, nhưng người con trai cả chỉ thản nhiên
cười, nụ cười hiền lành.
Người ta vẫn nói về những tật xấu khó
thay đổi của con người, như "Ngựa quen đường cũ".
Không phải Ba Long quen đường cũ, mà ông có một chốn
cũ trong tâm hồn. Nơi ông thường đến, để trút bỏ
ưu phiền, mệt mỏi trong công việc, nơi ông cảm nhận
được sự ngọt ngào, êm dịu, nồng nàn của một thứ
tình cảm rạo rực, giữa một người đàn ông và một
người đàn bà, mà vợ ông đã không mang lại cho ông.
Với ông, người đàn bà nơi chốn đó, là thứ quý báu
nhất, ông nâng niu cất giấu, là viên ngọc đẹp, ông
đã nhặt ra giữa cuộc đời bụi bặm này và giữ nó
cho riêng mình, trau chuốt cho tâm hồn ông. Sau ngày về hưu,
Ba Long chưa biết giải quyết thế nào, nên ông vẫn còn
ngần ngừ chưa đến gặp người ấy. Cuộc sống của
người đàn bà đó, không khiến ông phải lo lắng. Cái
làm ông buồn phiền là làm sao cho người đàn bà này
hạnh phúc mà không làm khô héo người đàn bà kia. Không
làm tiếng tăm của ông nhơ nhuốc. Ông không muốn con cái
chuốc lấy sự nhơ nhuốc của bố. Mỗi ngày, ông vẫn
gọi điện thoại, và cảm thấy tâm hồn mình bay bổng
khi nghe tiếng cười trong vắt, lanh lảnh của người
ấy. Giọng nói ngọt ngào đó, nhẹ nhàng rót mật vào lòng
ông. Ông luôn tưởng tượng đến sự thông minh, sắc
sảo, đôi mắt đen láy và làn da trắng mịn như sữa.
Ông luôn ước muốn đến được với người ấy, từng
giây phút, buông thả trong niềm đam mê, hoan lạc, trút
bỏ tất cả niềm rạo rực, nhớ mong. Ông yêu người
ấy. Không vụ lợi. Có thể đó là sự chân thật duy
nhất trong cuộc sống và ông đã dành riêng cho một người
đàn bà.
Khi xe ông đến, đỗ trước sân nhà. Ông
bấm chuông. Một lát sau, ông nghe tiếng cười trong vắt
và bước chân nhẹ nhàng của nàng tiến ra cửa. Nhưng
ông lại giật mình vì nghe cả giọng nói của một người
đàn ông lạ, trong căn nhà của nàng và ông. Cái vẻ
xanh xao, nhợt nhạt đến sững sờ trên gương mặt của
nàng làm ông run rẩy. Ông cố nhấc chân lên, nhưng mãi
vẫn không nhấc được. "Anh đến sao không báo cho
em biết trước". Nàng kêu lên thánh thót. Nhưng ông
nghe có cả sự thất thanh, hoảng hốt. Người đàn ông
trung niên mỉm cười, rất tự nhiên. Nàng nói: "Anh
ấy là con bà cô của em, ở thành phố về chơi đấy".
Ông gật đầu chào. Ông nói năng không trôi chảy. Ông
đã đánh mất khả năng đó từ lúc nào nhỉ? Nàng mỉm
cười duyên dáng, nói với anh nàng. "Anh Ba Long trước
là giám đốc công ty xuất nhập khẩu…". Ông khoát
tay. "Thôi mà, tôi đã về hưu rồi". Nàng lại
mỉm cười nói tiếp: "Anh Ba Long là sếp cũ của em
đấy. À, để em làm nước cam cho anh Ba uống nhé".
Ông ngồi im thin thít, cứ như cái đinh bị đóng xuống
ghế. Ông cũng không hiểu tại sao, hay chính vì những
linh cảm trong đầu đang dày vò ông. Không, không thể…
Ông anh họ thì cứ ngồi hút thuốc, nhâm nhi ly rượu đang
dở dang ở trên bàn, mùi của chai rượu Mac-ten mà ông
mang đến cho nàng trước ngày ông về hưu. Nàng lại nhìn
ông nhoẻn miệng cười, nụ cười của nàng tươi như
một đoá hoa vừa nở: "Một lát nữa chúng em phải
lên công ty để giải quyết những hợp đồng xuất hàng
đi Malaysia. Anh đi chơi với chúng em nhé". Ông gượng
cười, lắc đầu: "Để hôm khác, tôi chỉ ghé qua
thăm cô một lát. Thôi hai người cứ đi lo công việc đi,
tôi về". Ông đứng dậy ra về, vừa bước xuống
bậc thềm, ông nghe một câu nói, như một lưỡi dao, đột
ngột cắm phập vào tim ông, đau buốt: "Lão già đó
hết thời rồi, em còn để lão đến đây làm gì. Dây dưa
nữa, chẳng được gì đâu". Ông lại nghe tiếng cười
phá lên như chuông reo của nàng và cánh cửa đóng ập
lại sau lưng ông, vang lên một tiếng kêu chát chúa.
Tiếng kêu như tiếng sét, xé toang tâm hồn ông thành muôn
mảnh vỡ.
Ông bước chới với. Lần đầu tiên ông
thấy mình nghiêng ngửa, lảo đảo. Không biết bám bíu
vào đâu.
Một thằng bé bán vé số đi ngang qua,
chợt hốt hoảng níu lấy tay ông. "Bác ơi, bác làm
sao thế?". Ông nghẹn ngào nói như khóc: "Bác già
rồi, đi không nổi nữa cháu ơi". Thằng bé cười:
"Để cháu cùng phụ dắt xe với bác ra ngoài quán
kia ngồi nghỉ một lát là bác khoẻ ngay thôi. Bác mà già
ư. Bác còn trẻ hơn cha cháu nhiều, nhưng cha cháu không
lớn tuổi hơn bác đâu". Đây cũng là lần đầu tiên
trong đời, ông nói chuyện với một thằng bé lang thang
ngoài phố. Ông cũng nghe đồn rất nhiều về những đứa
trẻ bụi đời, móc túi, thậm chí cả xì ke, ma tuý
nữa. Điều ấy chợt làm ông rùng mình. Ông quan sát
thằng bé. Mặt đen sì. Dáng người gầy ốm, loắt
choắt. Đầu đội chiếc mũ phớt cũ kỹ. Quần áo lem
luốc. Đôi mắt đen, có vẻ thông minh, lanh lợi. Thật tình,
ông không hiểu lắm về những đứa trẻ ngoài đường
phố. Chúng nhan nhản trước mắt ông, nhưng chúng thuộc
về một thế giới khác. Chúng hoàn toàn xa lạ với ông.
Bây giờ ông đang đi bên cạnh với một trong những thành
phần đó, tuy nó yếu ớt, bần cùng, nhưng nó đang
tiếp sức cho ông trên đoạn đường khó nhọc, rồi sau
đó là gì? Nó có lọc lừa, phản bội như nàng của ông
không? Nó có cắm phập vào tim ông nhát dao chí mạng không?
Nó sẽ cười phá lên trước cái chết của ông, để
nhạo báng sự cả tin của ông. Nó sẽ tính toán tiền công
đẩy xe với ông bằng một cái giá cắt cổ, để bù
lại khoảng thời gian nó đã đi bên ông mà không bán
được vé số? Hay nó lại bắt ông mua vé số? Hay là nó
sẽ… Với ông, mọi chuyện có liên quan đến tiền
bạc, đều không thành vấn đề. Đây cũng là ván bài mà
ông sẽ chơi với đứa bé ngoài phố, khi ông đã về hưu.
Ông đang chờ xem.
Thằng
bé cùng Ba Long đẩy xe đến một quán nước ven đường.
Quán nhỏ, nhưng khá sạch sẽ. Ông cảm thấy đỡ đi
rất nhiều. Thằng bé nói: "Bác uống gì cháu kêu giùm
cho". "Cà phê sữa đá, cháu uống gì kêu luôn nhé".
Thằng bé lại mỉm cười, nụ cười của nó, nửa
giống con trai ông, nửa lại không. Ly cà phê được mang
ra cho ông, nhưng không có ly cho thằng bé. Ông ngạc nhiên.
"Cháu uống gì? Ly của cháu đâu?". "Dạ thôi,
cháu vừa uống xong. Một lát nữa, bác đi về một mình
có được không? Có cần cháu giúp gì cho bác nữa không?".
Ba Long lắc đầu. "Bác khoẻ rồi. Cảm ơn cháu".
Nói xong Ba Long móc ví tiền, lấy ra hai tờ mười ngàn
cho thằng bé, đó là điều hiển nhiên. Ông nghĩ rằng
thằng bé sẽ nhận và nó sẽ rất vui. Nhưng thằng bé
đã nói lời cảm ơn và từ chối. "Cháu giúp bác không
phải vì tiền đâu. Thôi, cháu đi bán cho kịp chiều
xổ đây. Cháu chào bác nhé". Nói xong thằng bé
biến đi rất nhanh. Ba Long sửng sốt, rồi ngỡ ngàng nhìn
quanh tìm thằng bé. Nhưng không thấy bóng dáng nó đâu
nữa. Nó đã trôi vào dòng chảy xô bồ của cuộc
sống, để tìm kiếm cuộc mưu sinh. Nhưng trên đoạn
đường đang đi đó, nó đã quên bản thân mình, để
đưa bàn tay nhỏ bé của mình ra cho kẻ khác đang cần
đến. Ông đã quên không hỏi tên nó. Tại sao nó không
mời ông mua vé số nhỉ? Dù muốn dù không, chắc chắn
rằng ông sẽ mua vé số cho nó, bằng số tiền mà ông
đã cho, nhưng nó không nhận. Tại sao? Thằng bé không
mang đến cho ông nỗi buồn, cũng không mang đến cho ông
niềm vui. Nhưng nó đã mang đến cho ông niềm tin và sự
trong sáng dù rất nhỏ nhoi trong lúc này. Nhưng kỳ lạ
thay, chính một thằng bé xa lạ, nhem nhuốc lang thang ở
đường phố, đã đưa bàn tay bé bỏng của nó ra và
mang ông đến một góc của sự bình yên./.
Phạm
Thị Nguyệt Cầm
(Văn nghệ quân đội)
|