Nhớ
rừng
Hơi nóng từ mái
tôn chụp xuống căn phòng mười thước vuông như muốn
hấp chín cả hai vợ chồng, và hâm cho nóng lại cơm
canh đã nguội của bữa ăn buồn tẻ, muộn trễ. Bé Thủy
thì vẫn vô tư ngủ ngon trên giường với quyền ưu tiên
được hưởng luồng gió mát thổi đến từ chiếc quạt
máy cũ kỹ. Chợt nghe có tiếng động vang rầm rầm trên
mái tôn. Hưng cau mày:
- Mấy con quỷ sứ
mèo. Trưa nắng mà động cỡn.
- Không phải mèo.
Khỉ đó, anh.
- Khỉ à? ở
thành phố làm gì có khỉ?
Vậy mà có mới
ngộ chớ. Anh đi làm cả ngày, được biết nhiều thông
tin, nhưng lại không hề biết đến những đổi thay, diễn
biến ở cái xóm nhỏ mà mình đang cư trú.
Vậy ra xóm mình
có khỉ thiệt à? ở đâu mà lạc loài tới đây vậy?
Nhà nào nuôi hay sao?
- Không phải của
ai nuôi hết. Nó từ trong cũi của mấy thằng cha mua bán
thú rừng trên dốc, thoát ra được. Nghe nói nó sổng đến
hai con, chúng trốn lên nhà hát tuồng sống yên ổn cả
tháng nay. Cách đây ba hôm, một con đã bị mắc bẫy,
tóm cổ vào cũi lại. Giờ chỉ còn một con, con này lạnh
lùng và quậy phá như quỷ. Có lẽ vì đơn độc, bản
năng sinh tồn đã khiến cho nó vừa nhanh nhẹn, vữa tinh
khôn gấp bội lần, lại vừa hung dữ và quậy phá hết
cỡ y như muốn trả thù con người. Nó quần khắp khu vực
này, chẳng tha một nhà nào!
Hưng cười khoái
trá, gục gặc:
- Có vậy, đời mới
thêm vui, đỡ buồn chán, tẻ nhạt. Thôi, cũng mừng cho
nó được tự do bay nhảy. Chứ như đã xa rừng nhớ
núi, mà còn bị ngồi bó rọ trong cũi suốt ngày này qua
tháng nọ thì bi thương, tội nghiệp quá!
Chợt Phụng, vợ
Hưng, ngừng đũa đưa mắt nhìn chồng, buột miệng:
- ừ mừng cho nó,
cho một con khỉ lạc loài. Chứ đâu như em...
Nhướng mắt nhìn
chăm chăm vợ, Hưng hạ giọng:
- Như em làm sao?
***
Không lẽ con khỉ
kia lại tự do, khuây khoả hơn vợ của mình? Mình đã
làm gì đến nỗi Phụng cứ cho rằng nàng ta bị nhốt
giam trong một nhà tù không song sắt? Trước kia, Phụng
phải lội ruộng, lên rẫy, phơi nắng dầm mưa cực khổ,
quanh năm đầu tắt mặt tối với công việc ở cái
vùng cao heo hút lạc hậu, mà vẫn chưa đủ ăn đủ mặc.
Bây giờ, mình đã lo cho Phụng biết bao nhiêu thứ. Nàng
chỉ có mỗi việc nội trợ, nuôi con mà thôi. Mình
không muốn, và không thể chập nhận được cái cảnh vợ
bồng bế con thơ đi làm, đi buôn bán. Tiền bạc mình
đem về giao cho nàng tùy nghi sử dụng, không hề kiểm
soát hạch hỏi, tính toán chi li khiến nàng phải buồn
phiền với tự ty, mặc cảm. Vậy thì nàng thiếu thốn
thứ gì? Tự do chăng? Tự do? Thì mình đã thả cho nàng
tự do, tự ý trong mọi chuyện, đâu có áp đặt, cấm cản,
trói buộc bằng một thứ nội quy nào? Liệu mình có sai
lầm chăng, khi đã bao nhiêu lần từ chối chuyện nàng
xin được đi làm? Bé Thủy còn nhỏ quá. Thu nhập hằng
tháng của mình không đến nỗi tồi. Không tội tình gì
phải để cho vợ đi làm vất vả, lại phải bồng con
theo. Dứt khoát là không có chuyện đó, ít nhất là
trong lúc này...
Cùng lúc đó, Phụng
đang rửa chén bát ngoài thềm giếng. Cầm một cái tô
trong tay mà cứ lau đi chùi lại không biết bao lần,
nàng cũng đang mải mê trong dòng suy nghĩ đầy băn khoăn
và bực bội của mình...
***
Sao mà chịu đựng
được dài dài sự tù túng, nhàm chán ở đây? Một
ngày như mọi ngày, loay hoay với chợ búa, bếp núc, chăm
con, giặt giũ, lau cửa quét nhà, ăn ngủ ái ân, trôi qua
trở lại, xoay vòng thật tẻ nhạt như nghe đi nghe lại
một chiếc đĩa hát?
Anh ấy đâu hiểu
rằng mình thèm hít thở không khí trong lành của vùng
ngoại ô hiền hòa, thèm bóng mát vườn cây, thèm mùi hương
thoang thoảng của lúa vàng trái chín, và thèm được
tung tăng bay nhảy in gót trên đồng xanh bãi lúa, như những
tháng ngày còn thanh xuân. Đành rằng, khi có chồng con
thì phải khác đi như thời con gái, nhưng nếu cứ trói
buộc mình vào một sinh hoạt xem như cố định thì khác
nào đem chim bỏ vào lồng, nhốt khỉ vào cũi? Ôi...,
hãy nhìn xem chú chim chóp mào của anh Ba ý kìa, nó được
anh Ba cưng quý cho ở chiếc lồng tuyệt đẹp đắt tiền,
hằng ngày được chu cấp tận miệng những thức ăn
ngon, nhưng nhìn thấy nó, mình cứ nao nao trong lòng, tội
nghiệp làm sao! Có lẽ nó khát khao tự do lắm, như mình
vậy. Còn con khỉ nọ, nó nay đang sung sướng lắm vì
thoát được cái cũi tai ác kia. Anh ấy không thấy và hiểu
ra những điều như vậy. Nhưng liệu anh ấy sai, hay là
mình sai?
***
- ý em muốn sao,
nói rõ ra cho anh nghe thử?
- Hãy để cho em làm
một việc gì đó cho khuây khỏa.
- Con còn nhỏ
quá.
- Một tuổi rưỡi
rồi. Em sẽ bỏ bú nó.
- Nhưng em sẽ làm
gì mới được?
- Nuôi gà, nuôi
heo chẳng hạn.
- Nuôi ở đâu?
- Về nhà ba em.
- Nhà ba? Em tính sắp
xếp thời gian ra sao?
- Mỗi sáng, em đạp
xe tà tà chở con đi. Chiều, chở con về.
- Cơm nước tính
sao?
- Nếu anh vui vẻ
đồng ý thì dễ thôi. Mình ăn sáng với nhau rồi chia
tay. Trưa, anh ăn cơm quán, đến chiều em về lo cơm nước.
- ừ... ừ..., để
anh tính lại đã.
- Tính gì nữa? Em
tính kỹ hết rồi. Chỉ còn quyết định nữa thôi?
- Thủng thẳng.
Bây giờ, ngủ một giấc cho ngon đã, ngủ dậy đầu óc
mới tỉnh táo minh mẫn chớ!
Chợt nghe giọng
anh Ba ý vang lên sang sảng:
- Tổ cha nó, con
khỉ khốn nạn!
Hưng bật dậy,
bước ra cửa, hỏi:
- Gì vậy, anh Ba?
- Con quỷ sứ đó
vừa mới mở lồng chim để lấy trái chuối ra ăn. Mẹ
kiếp, làm con chóp mào bay mất rồi. Hỏi có khốn kiếp
không?
Nằm trong căn phòng
chật chội, Phụng ngồi bật dậy với nét mặt tươi hẳn
ra khi nghe được cái tin ngộ nghĩnh ấy. Chim đã thoát lồng.
Một con khỉ tự do đã ra tay cứu chú chim ra khỏi ngục
tù sơn son phết vàng. Chuyện nghe như trong mộng, trong tiểu
thuyết.
- Tao mà bắt được,
chắc xé xác nó ra nhậu một trận cho đỡ tức!
Hưng cười nửa
miệng, nói với vợ:
- Con khỉ chơi ác
thiệt. ông Ba chiều nay chắc bỏ cơm rồi.
Phụng đứng chải
đầu trước gương, nói:
- Nó chơi như vậy
là chơi đẹp chớ không ác đâu. Con chim chóp mào sẽ
ghi ơn nó suốt đời. Mất đi trái chuối, được tung
bay khắp bốn phương trời, xem ra tự do cũng rẻ thiệt.
Nhưng nhiều khi bỏ cả nghìn vàng mua vẫn không nổi!
- Em khéo nói. Con
khỉ cà chớn đó chỉ vì trái chuối mà mở lồng, chứ
đâu phải vì con chim.
- Thì đằng nào
nó cũng là cứu tinh của con chim. Em thích được làm con
chim để ghi vào lòng cái ơn mở lồng của con khỉ.
- Và em thích anh
làm con khỉ?
- Cái đó anh nói
chớ không phải em.
- Thôi được, để
anh thử nhập vai con khỉ. Nhưng con khỉ này sẽ không
vì trái chuối, mà vì con chim bé bỏng dễ thương, vì
tình yêu tuyệt vời!
- Em chờ đợi điều
đó từng giây, cưng à!
***
Một tuần sau. Tối,
Hưng nói với vợ:
- Ngày mai, em bắt
đầu làm theo ý em muốn. Ráng giữ gìn sức khỏe cho em,
cho con là được. Anh nghĩ kỹ rồi, anh sai. Anh đã sai!
Ngày mai. Phụng
dâng trào sung sướng trong lòng. Và bỗng dưng nàng cảm
thấy rạo rực, rạo rực. Nàng muốn làm một điều gì
đó để bày tỏ sự biết ơn của mình với chồng.
Nàng âu yếm bước lại bên chồng...
***
Cùng dùng bữa điểm
tâm sáng xong, vợ chồng chia tay nhau. Phụng đặt bé Thủy
lên chiếc yên nho nhỏ, mà mới chiều hôm qua Hưng mua về
bắt vào sườn xe đạp cũng mới mua được vài ngày.
Nàng hít một hơi thật sâu để bước vào một sự thay
đổi lớn: chim đã xổ lồng. Dắt xe ra khỏi hẻm, Phụng
cảm thấy khoan khoái, và bắt đầu đạp xe đi bằng hai
chân nhẹ tênh như rồng đang đạp mây.
Bất chợt, y như
có một lực từ trường vây quanh, Phụng phải chịu sức
hút khiến cho đôi mắt nàng phải nhìn về phía ấy,
phía có nóc nhà của nhà hát tuồng. Nơi ấy, cao chót
vót, con khỉ đang chơ vơ ngồi nhìn về hướng Tây, hướng
có dãy núi dài với rừng xanh rậm rạp. Nó đang nhớ rừng.
Chắc vậy./.
Uất
Kim Hương |