Cả xóm ai cũng cho là nhà Hai Ra có phước.
Chuyện có phước lại lan truyền ra các xóm xa xa, loang
như vệt dầu trên mặt nước đi khắp vùng Ba Làng.
Mới năm nào cách đây chừng vài ba năm chứ chẳng
phải xa xưa gì. Hai Ra còn phải vừa chạy xe ôm rong
ruổi suốt ngày, vừa tranh thủ chở bình gas ở đại lý
giao cho khách, để lo cho bầy con năm đứa đều còn đi
học. Vợ Hai Ra bán rau cải ngoài chợ, kiến thêm mấy
đồng tiền lời lẻ tẻ hằng ngày, phụ giúp chồng lo
chuyện ăn uống cho qua ba bữa của cả gia đình gồm
bảy chiếc tàu há mồm. Cuộc sống gia đình thật chật
vật, túng thiếu, chẳng ai dám mơ nghĩ đến chuyện xa
xỉ cao sang, mà chỉ cầu mong sao cho cứ được đủ ăn
đủ mặc là sướng đời rồi.
Đùng một cái, quy hoạch mở đường.
Một con đường tráng nhựa rộng thênh thang chạy ngang
qua khu vực Ba Làng để dẫn đến một khu du lịch thiên
nhiên kỳ ảo. Giá đất lên vùn vụt, cao ngất. Cả xóm
xôn xao chôn rộn. Có gia đình mất bớt đất đai, có
gia đình bay cả đất lẫn nhà vì lệnh giải tỏa đền
bù, nhưng cũng có gia đình tự nhiên mà hưởng lợi
lộc từ đất nhà vốn xưa nay nằm nơi hiu quạnh,
chẳng ai màng ngó ngàng sờ mó đến làm gì. May nhờ
rủi chịu, tất cả đều có cái số, cái thời. Phước
đức thay, nhà Hai Ra nằm ở cái nhóm hên may. Cả khu đất
nhà của Hai Ra, với một mảnh vườn lèo tèo may cây ô-ma
ra trái vàng vọt và vài cây mảng cầu trái đẹt vô duyên
chẳng ai thèm hái trộm, bỗng phút chốc hóa thành mảnh
đất vàng ròng nhờ chường cái mặt ra phía trước bên
con đường tráng nhựa mới toanh. Bán bớt mảnh vườn
nghèo nàn khô khốc cho dân kinh doanh xây nhà hàng-khách
sạn, nhà Hai Ra ẵm ngay được một số vàng kếch xù sướng
còn hơn trúng số độc đắc. Đổi đời rồi. Cả nhà
đổi đời, thay da đổi thịt, trút bỏ những bộ áo
quần cũ xì nhếch nhác, vĩnh biệt những bữa ăn đạm
bạc chỉ toàn là "mắm đui, muối đậm" với
canh rau loãng nhạt, rồi sửa nhà, sắm xe máy xe đạp,
trang trí nội thất, mở quán giải khát có nhạc xập xình
vui nhộn... Thật là mơ cũng chưa dám nghĩ đến! Hai Ra
bỏ nghề xe ôm chở hàng, giao hết việc bán quán cho
vợ và mấy đứa con, còn mình thì chỉ biết tìm đến
với những thú an nhàn chim cây cá kiểng, hứng thì đi
đánh cờ tướng, xem bóng đá... để bù lại những tháng
ngày gian khổ đầu tắt mặt tối. Chưa hết, phúc trùng
lai, Hai Lành-đứa con gái đầu tốt nghiệp Cao đẳng sư
phạm, vừa ra trường đã có ngay việc làm ở nơi như
ý, lại gặp ngay một mối tình đầu chớp nhoáng với
một chàng trai bảnh bao lích thiệp, sét đánh cái rầm
khiến cho hai đứa đòi cha mẹ hai bên phải ngồi lại
với nhau mà bàn cho rốt ráo hôn nhân đại sự. Những
chuyện vui, tin mừng liên tiếp xảy đến dồn dập như
có bàn tay vô hình của ai đó sắp đặt đùn đẩy, làm
cho vợ chồng Hai Ra vừa lo toan vừa mở cờ trong bụng.
Người yêu của Hai Lành là thằng Bích con nhà nề nếp
gia giáo ở trung tâm thành phố, giàu sụ, có thân nhân
ở nước ngoài đến năm, sáu người. Thằng Bích lớn hơn
Hai Lành bốn tuổi, đẹp trai, tính tình hiền lành, tốt
nghiệp Đại học Mỹ thuật, được gia đình đầu tư
mua đất cất nhà tại khu Ba Làng để mở một gallery,
phối hợp với một hiệu ảnh kỷ thuật số để chào
đón khách du lịch qua lại nơi này. Có đứa con gái đầu
lấy được chồng cỡ đó, hỏi sao cả xóm không kháo
với nhau là nhà Hai Ra có phước? Hai Ra nghe được không
giận, không tự ái, mà cười khề khà coi bộ thỏa mãn
đắc chí. “Cờ đến tay thì cứ phất chứ sao! Tội
dại gì mà cứ khúm núm co ro, e dè ngượng ngập?",
nói vậy, nhưng Hai Ra không hề tỏ ra kiêu căng ngạo
mạn. Những nợ nần tình thuở hàn vi. Hai Ra đều không
quên đền đáp. Những kẻ xưa kia từng khinh khi, ích
kỷ bo bo đối với gia đình mình. Hai Ra không lấy đó làm
hận để bây giờ khi được lên voi sẽ trả thù cho bõ
ghét. Vợ chồng Hai Ra không phải là hạng người như
vậy. Ân thì đền, nhưng oán thì phủi bỏ lãng quên. Như
lão Phi chủ quán hớt tóc chẳng hạn, là bà con gần, cũng
là láng giềng sát rạt, trước có trúng số được
cặp năm giải đặc biệt, vậy mà vợ chồng Hai Ra qua
nhà vay ít tiền để góp cho đủ số mua xe máy chạy
kiếm cơm, lão làm mặt lạnh không cho, nói rằng để đầu
tư cho quán hớt tóc. Nay khi nhà Hai Ra lên xe xuống ngựa
bảnh chọe, thì nhà lão Phi tuột dốc không phanh sau
nhiều trận thua số đề, và thua mấy chục kèo cá cược
suốt mùa World Cup Korea-Japan. Hai Ra không trả thù, mà còn
tự động đem tiền qua giúp cho nhà lão Phi vượt lúc
ngặt nghèo, không đợi lão lên tiếng vay mượn. Hay
chuyện mụ Sáu Quới chuyện cho vay nặng lãi cắt cổ
mổ họng dân nghèo, đã từng cho Hai Ra vay nóng, đến
kỳ hạn trả lãi mẹ lãi con lẫn gốc, không thấy con
nợ đến thanh toán, mụ liền thuê một bọn mặt rô đến
tận nhà Hai Ra, vừa hăm dọa vừa xiết đồ đạc trong
nhà, quơ cả những đồ gia bảo trên bàn thờ tiên tổ,
khiến cho vợ chồng Hai Ra phải quỳ lạy khóc lóc mà
xin hẹn trong ba ngày ráng chạy cho đủ tiền trả nợ.
Sau đó. Hai Ra được một số bà con hàng xóm tốt bụng
hùn tiền lại cho vay tạm để lo mà làm hài lòng hả
dạ mụ Sáu Quới. Hai năm trước, mụ Sáu bị tai biến
mạch máu não, bán thân bất toại, nằm liệt giường,
lại lãnh thêm một vố đau điếng bởi thằng con trai út
chích choác, nó ẵm cả hộp nữ trang vàng ròng cùng
mấy chục triệu đồng của mẹ rồi biến đi ngao du sơn
thủy cùng con bồ giang hồ... Hai đứa con gái lớn đã có
chồng, lâu nay hay luân phiên nhau về vuốt ve nũng nịu
để ngoáy tiền mẹ, nay thấy mụ Sáu Quới tiêu hay
vốn liếng nên chơi cái tình lờ không màng đến nhà chăm
sóc, lo toan cơm nước cho mẹ nữa. Mụ Sáu Quới nằm chèo
queo một chỗ, khóc ròng với số phận hẩm hiu cô độc,
nếu không có hàng xóm thương hại xúm nhau giúp đỡ thì
mụ chắc đã chết khô trên chiếc giường gỗ hương đắt
giá của mụ từ năm ngoái rồi. Bây giờ, Hai Ra có
tiền, không nhớ chuyện cũ mà trả oán cho hả dạ,
lại mang tiền đến biếu mụ Sáu Quới, còn thuê hẳn
một đứa cháu gái của mình mỗi ngày ba buổi, với giá
hai trăm nghìn đồng một tháng, đến chăm sóc cho người
đàn bà bệnh tật sa cơ thất thế. Ai nghe chuyện cũng
nghiêng mình khâm phục Hai Ra, và khen luôn cả người
vợ vốn luôn đồng tâm hợp ý với người bạn đời
của mình. Phước đức hơn, đám cưới của con Hai Lành
được bên nhà trai tuyên bố dự tính sẽ tổ chức linh
đình đãi tiệc ba ngày ba đêm, lớn nhất vùng Ba Làng
từ xưa tới nay. Bên nhà trai "bao sân" từ A đến
Z, nhà gái không phải lo toan gì kể cả việc lo của
hồi môn cho cô dâu. Vợ chồng Hai Ra đi tới đâu cũng
được bà con hàng xóm khen mừng chúc phúc, sướng trân
cả người, và cũng phải lâu lâu véo đùi để tin
chắc là mình không phải đang nằm mơ...
Sau nhiều ngày rộn ràng chuẩn bị, trang
hoàng sắm sửa đâu vào đó, ngày đám cưới của con
Hai Lành cũng đã đến. Cả xóm vui như hội, mọi người
đổ ra đứng hai bên đường để đón đoàn xe hơi bóng
loáng nối đuôi nhau dài ngoằng của nhà trai đến rước
dâu. Một cảnh lạ chưa ai từng thấy, nên ai cũng vui
vui mừng mừng trong bụng, có người rơm rớm nước
mắt, có người không kềm được lòng phải gào thét lên
với gương mặt hể hả để mừng cho nhà Hai Ra... Đến
giờ hôn lễ cử hành, thật trang nghiêm và xúc động. Dâng
rượu bàn thờ tiên tổ ông bà. Lạy. Hai họ phát
biểu. Cô dâu chú rể dâng rượu mời cha mẹ hai bên.
Hai Ra trong trang phục áo dài khăn đóng cổ truyền, đại
diện nhà gái trịnh trọng giở những tấm khăn đỏ chói
phủ trên các mâm quả của nhà trai bưng đến đã đặt
sẵn trên chiếc bàn đặt trước bàn thờ. Rượu trà. Bánh
mứt. Vàng vòng, tiền bạc. Trầu cau. Mâm quả nào cũng
vun đầy ăm ắp. Bất chợt. Hai Ra nhăn nhíu mặt mày,
rồi miệng mếu máo, nước mắt lăn dài trên má... Ai cũng
sững sờ, hốt hoảng. Hai Ra khóc rồi, nhưng lại đang
cố kềm lại, nuốt tiếng khóc xuống cho nó ùng ục nơi
cổ họng, đôi mắt đỏ kè đầm đìa lệ nóng hổi.
Vợ Hai Ra đứng kế bên, hoảng quá, đưa tay ngắt đại
một cái vào hông chồng, để nhắc nhở. Hai Ra giật thót
người một cái, gật gù hiểu ý, rồi cố ra vẻ bình
thản bước lui ra sau nhường cho bên nhà trai phần nghi
thức tiếp theo. Dâng hương. Lạy. Trao nhẫn cưới. Bà
con hai họ tặng quà cho cô dâu chú rể. Lạy. Hương
trầm nghi ngút. Đèn hoa sặc sỡ. Tất cả đều nhòa đi
trước mắt Hai Ra. Trước khi nghi lễ kết thúc, Hai Ra bước
lại bưng đĩa trầu cau đã têm sẵn, hai tay cung kính dâng
lên bàn thờ, đặt trước linh ảnh, của ông bà nội cô
dâu. Rồi từ tốn quay lại nhìn mọi người đang nhướng
mắt đổ dồn về phía mình, cất giọng trầm trầm nói:
- Thưa cùng bà con hai họ, khi nãy tôi
thật có lỗi khi không kiềm chế được lòng mình, mong
bà con hãy niệm tình tha thứ. Chỉ vì nhìn thấy cau
thấy trầu mà tôi xúc động, tôi ray rứt, tôi xấu hổ
đến phát khóc giữa nơi này... Thật là không
nên...
Im thin thít... Mọi người chừng như đang
nín thở. Bên nhà trai cứ trố trừng mắt lên. Ai cũng
đang chờ ông sui gia bên nhà gái nói cho hết lời. Hai Ra
chậm rãi đưa mắt nhìn về phía bàn thờ, rồi đưa hai
hàn tay run rẩy vuốt ve những trái cau, lá trầu còn
nằm lên mâm quả, kể bằng giọng buồn buồn nhưng rõ
ràng từng tiếng:
- Cách đây năm năm... Ngày mẹ tôi, bà
nội con Hai Lành, bệnh nặng phải nằm dính trên giường,
bà có gọi tôi vào giữa khuya khoắt chỉ để sai tôi đi
mua cau trầu. Bà nói là "bỗng nhiên mẹ nhèm
lắm". Lúc đó, chỉ mới 2 giờ sáng, nên tôi mới nói
rằng: "Giờ này không ai bán mua gì đâu, mẹ ngủ đi,
sáng con sai mấy đứa nhỏ mua cho!”. Nhưng mẹ tôi cứ
càu nhàu, càm ràm đòi ăn trầu. Tôi bực mình quá, nên
có to tiếng nặng lời: "Khuya lơ khuya lắc mà thèm
bất tử, mẹ thèm món khác thì con có thể cố tìm ra
được, chớ thèm trầu cau thì phải chờ sáng chợ mới
họp, mới có mà mua!". Mẹ tôi nói: "Khuya gì mà
khuya. Hồi tụi bay còn nhỏ, giờ này tao gánh củi lội
bộ lên chợ Phường Củi, hồi đó thị xã Nha Trang
chỉ có một chợ này thôi, để bán cho kịp mà đổi
gạo mắm về ăn. Còn mày, lúc mười tuổi bị bệnh tiêu
chảy xém chết, nửa khuya, cũng giờ này, mày đòi ăn
mực muối với cháo. Tao phải lội bộ qua Xóm Bóng mới
mua được cái món mày thèm...". Tôi nghe vậy nên im,
không cãi nữa, chui vào mùng trùm mền ngủ thấu sáng. Sáng,
tôi đích thân đạp xe đi qua Chợ Đầm mua cau trầu cho
mẹ. Tôi mua nhiều lắm, ăn cả nửa tháng không hết. Nhưng,
cau trầu đem về đến nhà thì... mẹ tôi đã ra đi,
ra đi vĩnh viễn. Bà đi xa luôn rồi, mang theo một nỗi
thèm trầu cau... do con cái đã không làm tròn bổn
phận...
Kể đến đó, Hai Ra bật khóc hu hu như
con trẻ. Mọi người sụt sùi, thút thít khóc theo giữa
hương hoa ngào ngạt và đèn đuốc sáng choang... Hai Ra
mặt mày méo xệch, chỉ mâm quả trầu cau vun đầy xanh
um, nói như tự trách mình:
- Mẹ còn sống, mẹ thèm, không lo cho
mẹ ăn. Mẹ chết rồi, có cúng có dâng cả nghìn mâm
quả cau trầu như đây cũng vô nghĩa, vô ích thôi. Tôi
nghĩa vậy mà khóc. Tôi xấu hổ quá... Tôi
ân hận quá...
Rồi bất thần, Hai Ra quỳ xuống trước
bàn thờ mà rống lên gọi mẹ... Vợ con Hai Ra, kể cả
cô dâu Hai Lành cũng vội vàng quỳ xuống kế bên mà khóc
nức nở sụt sùi. Bà con thân quyến bên họ nhà gái cũng
lật đật quỳ theo, khiến cho họ nhà trai gần hai chục
người thấy vậy cũng thúc nhau mà quỳ xuống... Dường
như, qua nước mắt nhập nhòa, ai cũng thấy bà nội
của cô dâu trong linh ảnh đặt trên bàn thờ đang
nhoẻn một nụ cười nhẹ nhàng thanh thoát.../.
Huyền Nữ Dương Chi