Từ năm 1947 đến nay vậy là đã 53 năm,
nếu kể cả năm vừa đến là 54. Lúc ấy ông là một
trung uý quân đội Pháp 27 tuổi, có nghĩa bây giờ ông
đã già, rất già. Lại yếu nữa. Cũng chẳng còn sống
được bao lâu. Dự định từ nhiều năm trước, nhưng mãi
đến lúc này ông mới thực hiện được ước mơ của
mình là quay lại Việt Nam để tìm gặp ân nhân, một
chiến sĩ Việt Minh được lệnh thủ tiêu ông, nhưng đã
tự ý tha cho ông sống. Trong chiến tranh đó là một tội
lớn, ông biết. Ở đâu, thời nào cũng vậy. Hơn nữa,
người ấy là cộng sản, lại vào lúc họ mới bị đánh
bật khỏi Hà Nội và không khí chống Pháp đang rất
cao. Tội to lắm. Tội phản bội, vâng, ông biết. Người
ta không ngần ngại tử hình những kẻ phạm các tội loại
này. Có thể ân nhân của ông đã phải chết thay ông. Cũng
có thể không. Cuộc đời chẳng biết thế nào mà lường.
Trong trường hợp ấy, tại sao ông không thử tìm, dù chỉ
một lần, dù hầu như không có hy vọng tìm thấy? ít ra
cũng để nói hai tiếng "cảm ơn" mà lần ấy
vì vội, vì sợ, ông chưa kịp nói. Có thế, ông mới cảm
thấy thanh thản khi rời khỏi cuộc đời này.
Vậy là vợ chồng ông mua vé một tour
du lịch trọn gói mười hai ngày tới Việt Nam cùng
ba chục người Pháp khác, phần lớn đều già và ít nhiều
có kỷ niệm riêng với thuộc địa An Nam xưa. Cả đoàn
trở về Pháp từ thành phố Hồ Chí Minh, còn vợ chồng
ông thì quay lại Hà Nội để bắt đầu thực hiện mục
đích chính của chuyến đi.
Hà Nội năm nay rét muộn. Lúc này, khi chỉ
còn nửa tháng nữa là Tết mới có đợt gió mùa mang
theo chút mưa phùn và giá lạnh. Đường phố ẩm ướt,
nhiều chỗ loét nhoét bùn bẩn. Ông bà thong thả đi dọc
theo các phố, sau mỏi chân phải thuê xích lô. Thành phố
bây giờ khác hẳn cái thời ông biết nó. Hầu như không
nhận ra, trừ khu Ba Đình và một vài phố cổ. Họ chẳng
biết nên bắt đầu công việc tìm kiếm từ đâu và bằng
cách nào.
***
Ông sang Việt Nam từ trước 1945, lúc đầu
chỉ là anh lính bình thường, nhưng vốn con nhà giàu,
gia đình có nhiều quan hệ nên ông nhanh chóng thăng chức
và được điều về làm việc ngay trong sở chỉ huy
quân đội Pháp ở Hà Nội. Nhiều lần ông theo viên sĩ
quan cấp trên của mình tới chơi nhà một tư sản Việt
Nam nổi tiếng giàu, am hiểu nghệ thuật và giao lưu rộng
thời đó. Tại đây ông làm quen với con gái chủ nhà, một
thiếu nữ tân thời xinh đẹp, thông minh và đã từng sống
ở Pari mấy năm với gia đình một người bà con xa. Ông
chẳng hiểu có phải tình yêu không, nhưng hai người có
vẻ hợp và mến nhau. Tuy nhiên, họ chỉ dừng lại ở
đó. Phần vì chắc cô gái không đủ dũng cảm mang tiếng
"lấy Tây", còn ông thì chưa biết phản ứng của
bố mẹ thế nào. Vả lại còn trẻ, ông không muốn sớm
chuốc vào thân cái gánh nặng vợ con.
Một lần, lúc ấy là đầu năm 47, quân
Pháp vừa trở lại Hà Nội, người ta giải đến đơn vị
ông phụ trách "một tên Việt Minh nguy hiểm" bị
bắt trong khi tìm cách đột nhập một trại lính Pháp với
quả bộc phá còn giấu trong người. Hóa ra "tên Việt
Minh nguy hiểm ấy" lại chính là anh trai cô gái Việt
Nam ông quen, và ông đã từng một vài lần nói chuyện với
anh ta. Hình như tên Thành hoặc Thanh gì đấy, sinh viên năm
thứ tư trường luật khi lần cuối họ gặp nhau. Ông ngạc
nhiên sao anh ta còn ở Hà Nội, vì cả nhà đã sang Pháp
từ trước cách mạng. Lại còn làm Việt Minh nữa. Phải
xử sự thế nào bây giờ? Theo luật thời chiến lúc ấy,
anh ta phải bị đem bắn.
Hai người im lặng nhìn nhau hồi lâu. Cuối
cùng ông nói:
- Tôi khuyên anh không nên làm những việc
dại dột. Tốt nhất hãy sang Pháp cùng gia đình. Nếu
không, đừng ở lại Hà Nội. Lần sau tôi sẽ không tha
đâu. Anh có thể đi.
Anh ta chỉ mấp máy môi nói hai tiếng
"cảm ơn" rồi bước ra khỏi phòng. Ông biết
có thể sắp tới ông sẽ gặp rắc rối về việc này,
nhưng kỷ niệm về cô gái, về những buổi tối vui vẻ
ở nhà cô và những lần nói chuyện thân thiện với anh
ta không cho ông làm khác. Ông nghĩ họ sẽ không bao giờ
còn gặp lại. Không ngờ mấy tháng sau hai người lại
chạm trán lần nữa.
Trong một trận đánh đối phó lại chiến
dịch Thu Đông của Việt Minh cuối năm 47, ông bị địch
bắt ở L. Lúc ấy quân tiếp viện Pháp đang tới và
đơn vị Việt Minh kia phải rút lui. Họ mang theo ông về
căn cứ. Ông bị thương ở chân trái không tự đi được,
phải dìu hoặc đôi khi phải cõng, nên họ không thể
rút nhanh, quân Pháp lại đang đuổi gấp phía sau. Cuối
cùng họ quyết định thủ tiêu ông. Trong chiến tranh những
việc như thế thường xẩy ra, ở cả hai phía. Ông biết
vậy, và sẵn sàng chấp nhận số phận. Không ngờ người
được giao làm việc này lại chính là người chịu ơn
ông tha chết trước đây. Mãi lúc này họ mới nhìn thấy
nhau, nhưng không ai tỏ ra từng quen biết. Anh ta lẳng lặng
cầm súng đưa ông vào khu rừng bên cạnh. Đến nơi,
ông không nhắc lại chuyện cũ, không van xin tha chết.
Anh ta cũng im lặng.
- Tôi cũng khuyên ông nên về Pháp, - cuối
cùng anh ta lên tiếng, giọng bình thản, pha chút diễu cợt.
- Lần sau tôi không tha đâu.
Rồi anh ta hất hàm bảo ông đi đi. Lát
sau, ông nghe ba tiếng súng nổ đanh giữa trời chiều
tĩnh mịch.
Nửa năm sau, ông về Pháp, bắt đầu sống
cuộc sống bình thường như hàng triệu người Pháp
khác. Ông có đủ trăm mối lo đời thường để quan tâm,
để quên đi những năm tháng không mấy vui vẻ ở Đông
Dương. Nhưng chuyện này thì ông không quên được. Thực
ra, giữa ông và người kia coi như thanh toán sòng phẳng
với nhau. Hai người đã dũng cảm vượt hàng rào ngăn cách
thù địch về giai cấp, lý tưởng để xử sự với
nhau như những con người ân nghĩa. Vậy mà bao năm nay
ông vẫn luôn băn khuăn không hiểu số phận người kia
sau đấy thế nào. Ông biết kỷ luật cộng sản nghiêm
lắm. Liệu chuyện có lộ và người ấy đã bị xử bắn
thay ông rồi không, hay biết đâu còn sống, và nhờ
phép lạ nào đấy có thể ông gặp lại được? Ở Pháp,
nhiều lần ông bỏ công tìm cô bạn gái người Việt cùng
gia đình cô để hỏi thăm, nhưng điều duy nhất ông biết
là đầu năm năm mươi cả nhà họ chuyển sang Mỹ sống.
Cụ thể ở đâu không rõ.
***
Trở lại Hà Nội, vợ chồng ông thuê
phòng ở một khách sạn mini ngay trong khu phố cổ, vừa
rẻ tiền, vừa tiện đi lại. Khách sạn chỉ có mười
buồng nhưng tử tế, chỉ tội hơi chật. Lúc họ đến
đang có một đôi vợ chồng trẻ người Mỹ, hai cô gái
du lịch người Anh, một giám đốc từ Sài Gòn ra công
tác và một ông già Việt Nam có vẻ như ở lâu dài tại
đây. Các nhân viên khách sạn có thái độ kính cẩn đối
với ông già kia. Ông là hoạ sĩ, không hiểu nghiệp dư
hay chuyên nghiệp, chỉ thấy sáng sáng xách giá ra bờ hồ
Hoàn Kiếm ngồi vẽ, trưa mới về, có khi chẳng vẽ
được gì. Buổi chiều ông ở nhà đọc sách. Mấy người
nước ngoài kia là "Tây ba lô", tiện đâu ăn đấy,
còn vị giám đốc người Việt thì ngày nào cũng bận
chiêu đãi, thành ra chỉ có vợ chồng ông và ông già hoạ
sĩ ăn ở khách sạn. Ngày ba bữa, cả sáng, trưa và tối.
Ông hoạ sĩ là người lịch thiệp, hiểu biết rộng, nói
tiếng Pháp rất sõi nhưng ít nói, thậm chí có vẻ khó
gần. Thành ra hàng ngày khi ngồi ăn chung với nhau, họ
chỉ trao đổi những câu xã giao, không ai hỏi ai về việc
riêng người khác.
Sáng nay ăn xong, ông người Pháp hỏi:
- Ông là người gốc Hà Nội?
- Vâng, - ông hoạ sĩ lịch sự đáp. -
Tôi có thể giúp được gì cho ông bà?
- Đường phố Hà Nội bây giờ tên mới,
lại thay đổi nhiều quá, không nhận ra nổi.
- Thế ông bà muốn đến phố nào?
Ông kia nói một cái tên Pháp:
- Tôi đến đấy có tí việc.
Ông hoạ sĩ bảo anh xích lô thuê bao của
khách sạn chở hai người tới nơi họ cần đến, rồi
thong thả xách giá vẽ ra đi như mọi ngày.
Đó chính là đường phố hôm trước hai
ông bà người Pháp đã đến và ngờ ngợ nghĩ có thể
là phố có ngôi biệt thự của ân nhân mình. May phố
này ít nhà và không thay đổi nhiều lắm. Nhưng nhà nào
đây? Ông cố nhớ mà không sao nhớ nổi. Cái này chăng?
Hay cái này? Họ đi đi lại lại hồi lâu trên vỉa hè,
lúc bên này, lúc bên nọ, dọc theo đường phố ngắn mà
rộng nằm cạnh quảng trường Ba Đình.
Trời lâm thâm mưa phùn. Gió lạnh thổi.
Chốc chốc những chiếc lá vàng lặng lẽ rơi xuống.
Ông cúi nhặt một lá, tần ngần ngắm nghía hồi lâu như
kỷ vật một thời xa xưa bây giờ đang sống lại trong
ông thành những mảng hình thù không rõ nét. Đây đó người
ta bắt đầu trang trí các dây đèn màu và các tấm
pa-nô chuẩn bị đón Tết.
Cuối cùng, ông đánh bạo dắt vợ vào một
ngôi nhà mà ông cho là giống hơn cả. Đó là đại sứ
quán một nước đông Âu. Ông hỏi một người Việt Nam
đứng tuổi làm việc ở đấy có phải trước kia đây
là nhà của ông Vân Long, chủ nhà in Minh Tâm nổi tiếng
không. Người kia trả lời không biết vì ông ta mới về
Hà Nội làm việc sau năm 60. Ông cũng nêu câu hỏi tương
tự khi ngồi ở quán cà phê phố cạnh. Cô chủ quán trẻ
tuổi chỉ cười lắc đầu và quay sang hỏi lại một
ông già khách quen ngồi ở bàn bên. Ông này bảo có biết,
nhưng không phải nhà ấy mà nhà bên, hiện nay là một vụ
của bộ ngoại giao.
- Thế ông biết gia đình ông Vân Long chứ?
- ông người Pháp vội hỏi.
- Biết. Tôi sống ở khu này mà. Trước
đây tôi cũng tập tãnh làm thơ và từng in ở nhà in
ông ấy. Cả nhà họ sang Pháp từ thời trước cách mạng.
- Ông Vân Long có một người con là bộ
đội Việt Minh...
- Vâng, hình như thế.
- Ông không biết cụ thể à? Người ấy
bây giờ còn sống không?
- Điều ấy thì tôi không biết. It ra từ
ấy đến nay tôi không gặp và không nghe nói gì về ông
ấy. Ông là bạn của ông ấy à?
- Có thể gọi như vậy. Tôi có việc muốn
gặp, nếu ông ấy còn sống, tất nhiên.
- Rất tiếc tôi không giúp được ông.
Nhưng tôi nghĩ ông có thể đến hỏi ở bộ quốc phòng.
Bên kia kìa. - Ông già nói rồi chào khách, tay cầm vợt
đi về phía sân tennis Khúc Hạo.
Hai ông bà người Pháp ngồi thêm chốc nữa
rồi quyết định tới bộ quốc phòng ở thành nội, là
nơi ông từng sống và biết rất rõ. Ở đấy, họ được
một sĩ quan trẻ tiếp đón lịch sự, ghi chép cẩn thận
những câu ông hỏi, cả địa chỉ của họ ở Pháp, hứa
sẽ tìm trong kho hồ sơ lưu trữ và thông báo ngay khi có
kết quả.
Họ trở về khách sạn với ít nhiều hy
vọng, dù rất mong manh. Hôm sau, qua một công ty du lịch,
họ thuê ô tô lên L, nơi ông từng bị bắt và được
tha chết.
Hai ngày sau họ trở lại Hà Nội và lại
cùng ngồi ăn tối với ông già hoạ sĩ. Lúc này, qua cô
lễ tân, họ biết ông là một vị tướng về hưu, ông
nội của chủ khách sạn này, và rằng gia đình ông đã
chết gần hết trong đợt Mỹ ném bom Hà Nội cuối năm
1972. "Một anh hùng đấy! Anh hùng Thiếu Sơn! - cô ta
thầm thì vẻ bí mật quan trọng. - Ông bà chưa bao giờ
nghe tên à?"
- Hôm nay ông có đi vẽ không? - ông người
Pháp lên tiếng trước, khi họ ngồi vào bàn và đang chờ
mang thức ăn tới.
- Có. - Ông hoạ sĩ vẫn ít lời như mọi
ngày.
- Ông thường vẽ gì?
- Gặp gì, hứng gì vẽ ấy thôi mà, -
ông cười đáp. Một nụ cười hiếm hoi.
- Xin lỗi, chúng tôi có thể xem được
chứ? - ông kia hỏi, chỉ tay vào chiếc giá vẽ với bức
phác hoạ còn để cạnh, chưa mang lên phòng.
- Tất nhiên, nếu ông bà muốn. Tôi chỉ
vẽ cho vui thôi.
Họ ngạc nhiên khi thấy ông không vẽ cảnh
thiên nhiên, hồ nước, cây hoa như họ tưởng. Thay vào
đó là cảnh Hà Nội đỏ nát, bốc cháy, với nhân vật
trung tâm là một chiến sĩ mũ calô, áo trấn thủ đang
ôm bom ba càng lao tới. Vì không am hiểu lắm về hội họa
nên họ không nhận xét gì, và chuyển sang đề tài
khác.
- Hà Nội bây giờ đẹp lắm. Việt Nam
cũng khác hẳn xưa. Chỉ tội mưa nhiều và hơi lạnh.
- Vâng. Lần này mưa lâu thật. Không hiểu
đến Tết có ấm lên không.
Sau bữa ăn, họ còn ngồi nói chuyện
thêm chốc nữa.
- Ngày mai chúng tôi về nước, - ông người
Pháp nói khi bắt tay xin phép lên phòng.
- Chúc ông bà thượng lộ bình an. - Ông
hoạ sĩ đáp.
Ông còn ngồi lại rất lâu bên bàn ăn,
lơ đãng nhìn ra phố. Trời vẫn mưa lắc rắc. Trong làn
mưa bụi nhè nhẹ, ánh đèn nhiều màu như nhòe ra, tạo
cho Hà Nội những ngày trước Tết một vẻ đẹp khác
thường, lung linh, kỳ ảo. Vốn không tò mò chuyện người
khác, ông không hỏi và không biết hai ông bà già người
Pháp kia sang Việt Nam với mục đích gì. Và họ cũng không
thể ngờ rằng người họ đang tìm lại chính là ông,
người họa sĩ già cùng ở chung một khách sạn, gặp
nhau hàng ngày và ăn cùng một bàn.
Vâng, chính ông là con trai chủ nhà in
Vân Long ngày trước, là anh Việt Minh có tên là Thành
được ông tha chết và đáp lại, đã không bắn ông
theo lệnh trên. Năm tháng và sự thay đổi của con người
theo tuổi tác khiến họ không nhận ra nhau. Phần ông, mọi
việc sau đó không quá bi đát như ông già người Pháp
lo nghĩ. Lúc ấy, sợ bị kỷ luật nặng, ông trốn vào
chiến trường miền trung, thay đổi tên họ, chiến đấu
dũng cảm, được đề bạt nhanh chóng và chẳng bao lâu
thành một vị chỉ huy nổi tiếng. Đến khi thấy thích
hợp, tự ông báo với tổ chức mọi chuyện và xin nhận
bất kỳ hình thức kỷ luật nào. "Tôi là chiến sĩ
cách mạng, nhưng tôi cũng là một con người. Hắn đã
tha chết cho tôi, và tôi không thể giết hắn để trả
cái ơn ấy!" - đó là lời giải thích duy nhất ông
đưa ra. Cấp trên thấy không phải không có lý. Vì chuyện
xẩy ra đã lâu, lại tự ông thành thật khai báo, hơn nữa
ông đang là một sĩ quan có năng lực, một đảng viên gương
mẫu về mọi mặt, cuối cùng ông chỉ bị kỷ luật nhẹ
và tiếp tục phục vụ trong quân đội. Cái tên Thiếu Sơn
thì ông vẫn giữ vì nó đã trở nên quá quen thuộc, với
mọi người và cả với chính ông.
Chuyện chỉ có thế, rất tiếc ông già
người Pháp kia không biết. Ông cũng không biết rằng
cô bạn gái Việt Nam của ông ngày nào đã rời chính
khách sạn mini này về Mỹ chỉ hai ngày trước khi ông
đến. Hầu như năm nào bà cũng về thăm quê cùng một lũ
cháu chắt.
***
Ba tháng sau, Bộ Quốc phòng Việt Nam gửi
sang Pari cho ông một bức thư dài thông báo mọi chi tiết
về cuộc đời của tướng Thiếu Sơn, người ông nhờ
bộ tìm giúp. Cuối thư có ghi rõ rằng nếu ông muốn gặp
lại ân nhân của mình thì hãy đến khách sạn ấy, phố
ấy, nơi tướng Thiếu Sơn đang sống và hàng ngày vẫn
ra bờ hồ Hoàn Kiếm ngồi vẽ.
Chỉ tiếc bức thư đến chậm. Ông đã
chết nửa tháng trước đấy./.
Thái Bá Tân