THẦY GIÁO TÔI

Tôi lơ đãng nhìn ra vòm phượng hồng trước cửa lớp, thầm than thân trách phận. Lũ chúng tôi - những kẻ khốn khổ của thế kỷ 20 - phải ngồi lỳ ở đây 6 tiết mỗi tuần lễ để nghe giảng về mấy bài thơ văn. Hẩm hiu thế nào tôi rơi đúng vào lớp chuyên văn, một lớp đặc biệt đến nỗi tất tần tật 28 thành viên của lớp đều là phái yếu. Điều kém may mắn nhất cho thầy chủ nhiệm chính ở chỗ chúng tôi nghịch như quỷ sứ. Tôi không rành về tử vi, nhưng dám chắc rằng nếu trên đời có ngôi sao nào nặng hơn "sao quả tạ" thì đó hẳn là sao chiếu mệnh thầy. Vận hạn bắt đầu đến với thầy vào hôm nhận lớp. Hương còi hất hàm về phía bộ quần áo xanh bộ đội thầy mang trên người, thì thào. Lời thì thào nhanh chóng truyền từ bàn này sang bàn khác. Thầy cau mày "Cả lớp trật tự". Năm phút im lặng. Tôi cúi xuống chân bàn, ném cho Hương còi mẩu giấy cuộn tròn to bằng viên bi ve: "Điều tra xem thầy có vợ chưa mà khó tính thế!".Đại hạn thực sự đổ ập xuống đầu thầy khi chúng tôi khám phá ra thầy thuộc "binh chủng phòng không". Ban đầu chúng tôi ghán ghép thầy với một cô giáo cũng độc thân trong trường khiến thầy lúng ta lúng túng. Một hôm, trên mục "Tìm bạn trăm năm" của tờ báo địa phương xuất hiện tên thầy với đầy đủ chỉ số về ngoại hình, tính tình và sở thích. Nhìn thầy bực dọc liệng tờ báo xuống bàn, cả lớp im thít, lấm lét liếc nhau nhưng trong lòng đứa nào đứa nấy đều khoái trá vì trò đùa đã phát huy tác dụng. Dần dần lớp chia thành hai phe. Phe tôi không ưa thầy nên nghĩ ra đủ trò để trêu chọc. Phải thừa nhận thầy rất nguyên tắc. Có thể do thầy được rèn luyện trong quân đội, nhưng còn chúng tôi, chúng tôi có phải là lính đâu? Vả chăng bây giờ đâu phải thời chiến để áp dụng "kỷ luật sắt"! Chiến tranh đã đi qua gần 20 năm, thiên hạ nhà lầu xe hơi lướt ầm ào ngoài phố, vậy mà thầy vẫn hai bộ quần áo lính thay đổi, nơi ăn chốn ở là căn phòng ẩm thấp chưa đầy 12m2, đồ đạc có giá trị nhất là chiếc radio cũ mèm từ thập kỷ 50 và giá sách cũ kỹ với nhiều cuốn ố vàng. Thầy rất nhiệt tình với nghề, song trừng phạt một cách không mảy may thương xót mỗi khi chúng tôi mắc lỗi. Chúng tôi liên tục vi phạm nguyên tắc thầy đặt ra, liên tục bị chỉnh đốn và bản kiểm điểm liên tục đến tay thầy. Biểu tượng cho quãng đời trong trường học của tôi là những trò nghịch ngợm chẳng giống ai, những giọt nước mắt rơi lã chã khi nghe thầy "tuyên án". Nhưng thầy tỉnh bơ, tuồng như chiến tranh đã làm cho người lính quá quen với nước mắt. Người ta bảo rằng con người dễ trở thành vô cảm khi vượt qua ngưỡng cảm giác.

- Hoài, em vẫn nghe thầy giảng đấy chứ?

Tôi giật mình, bật lên câu trả lời theo quán tính.

- Dạ có.

- Đề nghị em nhắc lại điều tôi vừa giảng.

Cảm giác lúng túng xẹp nhanh, tôi bắt đầu bực tức. Tại sao thầy luôn hỏi vào lúc tôi không chú ý, cứ như trù úm tôi không bằng. Lòng căm ghét thầy phút chốc phình to như quả bóng. Tôi đứng ì, mặt xị ra. Thầy nghiêm khắc ra lệnh:

- Chốc nữa em xuống phòng giáo viên gặp tôi.

Tan học. Tôi uể oải bước vào phòng giáo viên. Tôi đã muốn mặc kệ tất cả ra sao thì sao, tôi thực sự chán ngấy nhịp điệu cuộc sống này. Suốt ngày chỉ học, học và học. Học ở trường, ở nhà. Học cả ngày, cả đêm. Bố mẹ bắt buộc tôi phải đạt học sinh giỏi, cho nên tôi trầy trật bò lên cái danh hiệu vượt quá khả năng của bản thân. Bố mẹ nghiêm đến nỗi chỉ một học kỳ tụt xuống học lực khá, có lẽ tôi chẳng dám bước chân về nhà.

Đợi chừng hai phút, người trừng phạt có bộ quần áo lính bước vào. Tôi có tội tình gì cơ chứ? Tôi ao ước mình thăng thiên hay độn thổ đều được tất, miễn sao đừng phải nghe thầy giáo huấn. Nhưng bài răn đe đã bắt đầu:

- Em học hành tương đối chểnh mảng. Theo đà này, e rằng cuối năm em chỉ xếp loại trung bình.

Tôi im lặng.

- Kỳ này em đã viết một bản kiểm điểm. Nếu không có ý thức rèn luyện, em sẽ xếp loại hạnh kiểm khá.

Tôi bật dậy:

- Thưa thầy, không thể như vậy được!

Quả thật trái đất nổ tung tôi cũng không sợ hãi bằng ba chữ "hạnh kiểm khá". Chắc chắn cha sẽ không tha thứ. Vài ngọn roi là ít. Cả một tuần trời ngồi thu lu trên bàn học. Thay vì được xem tivi một giờ mỗi tối, tôi sẽ phải nghe cha răn dạy nửa tiếng trước khi ngồi vào bàn, rằng đời cha mẹ thiệt thòi khổ sở, con may mắn được sung sướng thì phải thế này, thế nọ. Ông còn doạ không học hành tử tế thì suốt đời phải về quê chăn bò chăn trâu. Đầu óc tôi nổ tung về các bài học và lời giáo huấn, nên tôi nghĩ thà về quê chăn trâu còn sung sướng hơn đi học. Bọn trẻ cưỡi trâu thật tự do, cả ngày tung tăng trên cánh đồng bát ngát, tha hồ thả diều thổi sáo, ngắm đất trời. Bọn chúng mới thực sự tự do, còn tôi, tôi chẳng khác chi người tù, nhất cử nhất động đều phải tuân theo quy định và bị giám sát ngặt nghèo. Có ai khổ hơn tôi không hỡi trời?! Không phải tôi không nhận thấy cha mẹ và thầy có lý, song lẽ thường khi bị mắng nhiếc nhiều quá, đánh nhiều quá và bị o ép phải làm những điều quá sức thì hiệu lực của sự giáo dục chẳng thấm vaò tôi mấy tí, bởi vì nó làm đầu óc tôi lộn tinh lộn phèo, do vậy tôi chẳng nhớ gì ráo.

Chắc hẳn điệu bộ của tôi chẳng gợi được chút thương cảm nào, nên giọng thầy vẫn lạnh như họng súng:

- Nếu không muốn như vậy em cần chấn chỉnh, rèn luyện lại tác phong học tập và đạo đức ngay lập tức.

- Thưa thầy, thầy biết đấy, học văn cần cảm hứng. Nhưng mấy bài văn kháng chiến chẳng gợi cho em cảm xúc gì. Các môn khác của em điểm vẫn cao...

Thầy nhìn tôi, nửa như muốn ném tôi ra ngoài cửa sổ, nửa như thất vọng:

- Sao, cả một thời kỳ lịch sử, mất mát đau thương như thế mà không đọng lại trong em ấn tượng gì? Các em không biết chiến tranh khắc nghiệt ra sao nên coi thường nó. Lý tưởng sống của các em là gì? Nó khác chúng tôi ngày xưa nhiều quá.

Bước ra khỏi phòng, tôi xì một tiếng rõ dài. Người lớn lúc nào cũng ngày xưa, ngày xưa, chấn chỉnh với rèn luyện. Tôi đã 15, 17 chứ đâu phải trẻ lên ba. Tôi chán ngấy cảnh mọi người xem tôi như đứa bé, muốn sai bảo hay la mắng như thế nào cũng được, chán ngấy sự áp đặt và kỳ vọng phi lý họ nhồi nhét, nhồi nhét mà chẳng mảy may quan tâm đến tâm tư và nguyện vọng của tôi.

Hôm sau, chúng nó vây chặt lấy tôi thẩm vấn:

- Thế nào, "Hiệp sĩ Đông Ky Sốt" mới tuyên bố sắc lệnh gì mà trông mày ỉu xìu thế?

- Nguy cơ hạnh kiểm khá.

- Hơi gay go đấy - Thảo "ba toác" chép miệng - Bố mẹ mày sẽ cho mày nhừ đòn. Mày khổ thật. Còn bố mẹ tao rất hiền.

- Chưa hết đâu. Ông ấy còn lý luận tràng giang đại hải về chiến tranh. Tao ghét cái giọng điệu "ngày xưa". Bây giờ là bây giờ, nhắc đến ngày xưa làm gì. Làm như chúng mình là một lũ ngựa bất kham. Rõ ghét!

Mỹ kéo dài giọng:

- Ôi dào, chúng mày lạ gì tính dở hơi cà tẩm của thầy. Chả trách không được lấy vợ.

- Không có vợ mới khó tính - Hà "cạo" đế thêm - Hôm nọ tao quên chưa kịp dán nhãn vở, thế là bị cho ngay một bài học về tính đại khái.

- Nói gì thì nói, tuy tác oai tác quái, nhưng ông ấy cũng tốt với học sinh. Tận tình, chu đáo và không thiên vị.

Cuộc bình luận lẽ ra còn sôi nổi nếu Thuý không kêu ré lên:

- Ôi chúng mày ơi! Tao không trực nhật nữa đâu. Tao sợ lắm.

Cả bọn chạy bổ vào lớp. Thuý chỉ xuống góc phòng, run bần bật:

- Đến đấy mà xem.

Trước mắt chúng tôi là ba con chuột đỏ hỏn chưa kịp mở mắt. Một tờ giấy nguệch ngoạc: "Tặng dân "chuyên ăn". Thịt chuột làm gỏi ngon miễn chê".

Tôi hét to:

- Trò khỉ của bọn chuyên toán.

Phải cho chúng biết tay. Cuộc chiến nổ ra. "Binh đoàn" chuyên văn nối gót nhau chạy rầm rập xuống tầng một. Tôi cầm xô nước đổ tung toé lên mười hai dãy bàn, nước bắn cả vào mấy thằng đầu to mắt cận ướt sũng. Đoạn Hương còi - Con bé bạo gan nhất lớp - đặt ba con chuột lên mặt bàn giáo viên. "Cảnh cáo nhẹ các cậu về tội hỗn xược. Đừng tưởng bọn tớ sợ". Hăng tiết vịt, chẳng đứa nào chú ý đến hiệu lệnh vào lớp. Tới khi thấy bóng thầy chủ nhiệm lớp toán nơi ngưỡng cửa, binh đoàn chuyên văn mới hoảng hồn chạy toán loạn.

Sau vụ ẩu đả đầy kịch tính này, kho lưu trữ kiểm điểm cảu thầy có thêm một bản mang tên Lê Hoài, dĩ nhiên kèm chữ ký phụ huynh. Thầy không thèm đếm xỉa đến lời giải thích của tôi rằng bọn chuyên toán gây chiến trước, đẩy chúng tôi vào tình thế buộc lòng phải tự vệ. Thực lòng, tôi không sám hối, bởi điểm này, hiển nhiên tôi lĩnh hạnh kiểm khá. Biết trước tương lai tối tăm ấy, tôi đến xin thầy "gia ân".

Qua đoạn cầu thang gỗ ọp ẹp không một ánh sáng giữa ngày hè, trước mặt tôi là cánh cửa gỗ tróc lở. Tôi giơ tay định gõ cánh cửa khép hờ, chợt nghe có giọng phụ nữ chì chiết:

- Tôi với anh tuy không tiếp tục chung sống, nhưng chưa làm thủ tục ly dị hợp pháp, không ngờ anh còn đăng báo tìm bạn trăm năm. Anh nghĩ kỹ chưa?

Tim đập thình thịch chẳng khác kẻ đào tường khoét vách lúc nửa đêm, tôi ghé mắt nhìn. Một người phụ nữ trạc 35, 37 ngồi bắt chéo chân trên chiếc giường cũ kỹ, ném toạc tờ báo tai ác xuống trước mắt thầy. Đôi mắt ướt sắc lẻm vẽ một nét mai mỉa đậm đặc quanh thân hình khắc khổ đang cúi gục. Bộ dạng thầy lúc ấy hẳn gây ấn tượng với tôi lắm lắm, vì tôi cứ ngó trân trân, quên mất mình đang nghe lén. Lòng ngạc nhiên hay hoảng sợ, tôi chẳng thể phân định nổi. Tôi đứng ngây ra vài giây thì bị bà già hàng xóm kéo tay:

- Trông cô, tôi đoán cô là học sinh của thầy Hải phải không? Cô đến có việc gì, hãy vào nhà tôi một lúc chờ họ nói chuyện xong chứ bây giờ cô chú ấy đang gay gắt lắm.

Tôi máy móc vâng lời. Sau một phút định thần tôi hỏi bà lão:

- Vợ thầy đấy hả bà? Sao lâu nay chúng cháu thấy thầy sống một mình?

Bà hạ giọng:

- Phải, cơ mà cô ấy bỏ đi một thời gian rồi. Chả hiểu sao hôm nay quay về. Chắc nghe tin chú Hải đăng báo tìm vợ, cô ấy đòi chia nhà chia cửa.

Bên kia, tiếng người vợ gay gắt hơn:

- Sao im như thóc thế? Anh thù ghét tôi, khinh khi tôi, không thèm nói chuyện với tôi ư? Sao anh không tự hỏi bản thân anh đã đem lại cho tôi cái gì? Bạn bè anh ai nấy yên ấm đề huề, còn anh mãi không bước ra khỏi căn phòng tập thể như hũ nút. Phải, tôi xấu xa, tôi bỏ anh để đi với người khác. Nhưng anh nghĩ coi, làm sao tôi có thể sống một cuộc đời quanh năm điên đầu vì hết tiền thiếu gạo?

Bà hàng xóm thở dài:

- Tội nghiệp chú Hải. Chú ấy tốt lắm. Hồi Mỹ bắn phá, chú Hải xung phong đi chiến trường. Hoà bình lập lại, chú ấy may mắn trở về. Bà cụ già ngất lên ngất xuống mãi mới tin con mình còn sống thật. Thời loạn nhiều chuyện thật đau lòng cô ơi. Ai đời, gặp người thân từ chiến trận trở về mà cứ hoang mang tự hỏi người đứng trước mặt mình là người hay là hồn ma, là mình mơ hay tỉnh? Rồi chú Hải cưới cô này. Trước kia cô ấy đi văn công. Ban đầu, vợ chồng hạnh phúc lắm.

Bà ngừng lời, bỏ miếng cau vào cối trầu bé, nghiền vụn rồi thong thả:

- Được 1 năm, họ sinh con. Mãi đến lúc nhìn hình hài dị dạng của thằng bé, chú ấy mới biết mình nhiễm chất độc màu da cam. Đứa bé bị teo não, nằm liệt giường. Cuối cùng nó chết yểu.

Vốn đa cảm, nghe bà kể đến đó lòng tôi trào lên nỗi xót xa. Bà già tiếp tục câu chuyện:

- Cô vợ khóc hết nước mắt, ấy thế mà chưa đầy 1 năm sau, chú Hải vào Quảng Trị tìm hài cốt của đồng đội giúp gia đình họ, khi trở về cô ấy đã đi theo người khác. Thế là chú Hải lụi cụi mỗi mình, mất vợ, mất con, người đầy vết tích bom đạn. Hôm nào trái gió trở trời, tôi không sang là y như rằng chú ấy nằm mặc cơn đau hành hạ, chẳng thiết ăn uống nữa. Tôi giục lấy vợ, mọi người có mai mối cho mấy đám tử tế nhưng chú ấy nhất định ở vậy. Chú ấy sợ làm khổ con gái người ta. Tôi với ông nhà tôi cứ tiếc cho chú ấy cô ạ.

Bà già ngừng lời. Tôi chẳng biết nên nói gì đành im lặng. Nhưng bầu không khí ấy bị giọng lạnh lùng của người phụ nữ xé tan:

- Anh muốn lấy vợ, tuỳ anh, tôi không ngăn cản. Có điều một nửa ngôi nhà này thuộc phần tôi. Hoặc anh trả lại tôi nửa nhà, hoặc phải đưa tôi số tiền tương đương.

Lúc này, cố gắng lắm tôi mới nghe ra giọng thầy:

- Tôi chẳng oán trách gì cô. Tin trên tờ báo kia là do mấy đứa học trò nghịch ngợm đăng lên. Về phần tài sản cô muốn thế nào cũng được. Chỉ xin cô đừng bao giờ dằn vặt tôi vì chuyện con của chúng ta.

Giọng người phụ nữ không ngừng chói lên dội vào trí não tôi ý nghĩ nặng nề. Bài diễn văn cầu cạnh sự gia ân cho vấn đề hạnh kiểm trở nên vô dụng. Tôi quyết định không đề cập tới chuyện đó nữa.

Trên đường về, tôi thấy mình thật nhẫn tâm khi trước mặt thầy - người lính vào sinh ra tử, chịu đựng bao nỗi mất mát trong chiến tranh - tôi đã phát biểu về chiến tranh thản nhiên như nói chuyện bà hàng thịt cân điêu. Nghĩ lại hành động nông nổi đó, tôi xiết bao ân hận.

Thấm thoát đã mấy chục năm. Bây giờ tôi là một đạo diễn chắc tay. Công việc, gia đình và biết bao nỗi bộn bề trong cuộc sống khiến tôi đôi khi trở nên vô tâm với quá khứ. Có lẽ dần dần, tôi sẽ quên chuyện hỏi thăm thầy nếu không có một buổi sáng kia, đột nhiên tôi nhận được điện thoại của Hương còi. Sau vô số lời hỏi han, Hương buồn rầu hỏi:

- Hoài này, tao biết mày bận, nhưng có thể thu xếp về thăm thầy Hải một buổi được không? Thầy đã nghỉ dạy về quê.

- Hiện tại thầy vẫn sống một mình à?

- Thầy sống cùng bà mẹ. Mỹ béo, Thuỷ kều, Huyền và tao bàn bạc cả rồi. Cả hội đang đợi ý mày. Đi chứ?

Hương nói giống một mệnh lệnh hơn là lời đề nghị. Tôi chần chừ, tính toán giây lát rồi đồng ý.

Trên đường đến Ninh Bình - quê thầy, tất cả chúng tôi ôn lại kỷ niệm thời cấp III, ao ước giá ở gần nhau thì vui bao nhiêu. Mải chuyện công việc, chồng con, chuyện cuộc sống, thoắt cái, cánh đồng lành đã hiện ra trước mắt.

Tìm nhà thầy không khó. Chúng tôi đi theo hướng chỉ dẫn của một đứa trẻ "Các cô cứ đi hết đoạn đường có luỹ tre này, rẽ phải đến đúng nhà thứ ba".

Đây rồi. Ngôi nhà nhỏ yên tĩnh khuất sâu hàng rào dâm bụt lác đác vài chùm hoa đỏ tươi. Cánh cửa tre giản dị để ngỏ cho thấy chủ nhân có nhà. Chúng tôi nhìn vào khoảng sân rộng đầy cây xanh. Thầy có vẻ gầy ốm hơn xưa, hẳn là bởi những mảnh đạn ngày càng đâm sâu vào thân thể và các vết thương không thể lành. Thầy ngồi trên xe đẩy di chuyển những bước khó khăn. Người đẩy xe không ai khác ngoài bà mẹ già mắt mờ chân chậm. Một ngọn gió nhẹ cuốn mấy tờ giấy trên lòng thầy rớt xuống sân. Thầy xoay sở một cách khó nhọc, bàn tay vươn ra, với mãi theo những tờ giấy mỏng từ từ rơi mà không sao với tới. Cánh tay thõng xuống bất lực hệt như ánh mắt buồn bã của thầy. Bà mẹ lật đật đẩy xe tới, còng lưng nhặt chúng hộ người con. Khoé mắt bà rách ra, cạn khô.

Trước cảnh tượng ấy, tôi đứng lặng, đầu óc tê đi. Nhìn sang mấy người bạn thấy ai cũng rưng rưng nước mắt./.

Phạm Đan Phượng

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC