Bấy giờ tôi vẫn chưa biết tên thật
và nhà cửa lão. Ngày nào cũng tầm trưa, tiếng rao của
lão lại dạo ngang qua nhà:
"Ai... Nhôm nát giấy vụn bán đi.
Ai... Nhôm nát giấy vụn bán đi"...
Vẫn giờ ấy. Giọng điệu ấy. Như một
câu hỏi bâng quơ, lại có phần hờ hững.
Tiếng rao của ông lão làm cả dãy nhà tầng
1 khu chung cư này phải chú ý. Nhiều cánh cửa sổ vội
mở ra. Tiếng rao đi qua, người ta lại xầm xì bàn tán.
Nhiều người quả quyết đã từng nghe cái giọng nói như
thế, quen thuộc lắm, mà chưa ai nhớ được rạch ròi.
Chỉ lạ, lão rất kén hàng. Vỏ hộp sữa,
vỏ lon bia không mua, bảo chỉ có mười phần trăm nhôm
nguyên chất. Đã là đồng nát mà còn chọn nguyên chất,
kể cũng lạ. Là rao thế cho thuận miệng, lão giải
thích. Nhưng xem ra không phải. Chừng như lão mượn cớ
để đi tìm cái gì đó. Cả dãy nhà này ít thấy ai bán
được thứ gì cho lão. Người ta chờ lão đi qua cốt để
nghe cái giọng rao đặc biệt ấy thôi.
Chính tôi cũng phải bật cười khi nghe cái
tiếng rao lạ tai như thế. Không phải tiếng rao của đàn
bà, con gái đi mua đồng nát ta thường gặp. Cũng chả
phải tiếng rao của loại thanh niên láu tôm láu cá đi
mua nồi cơm điện và máy bơm nước hỏng với giá bèo
bọt. Tiếng rao của ông lão không to tát, chỉ như một
câu hỏi khẽ vọng vào nhà. Không có vẻ là chuyện mua
bán. Tưởng như lão vừa đi vừa nói to lên cái câu gì
đó rất vô nghĩa mà chính lão cũng chả bận tâm.
Người lớn bắt chước trẻ con, gọi lão
là "ông đồng nát".
Hôm được về sớm chuẩn bị đi miền
Nam, tôi bắt gặp "ông đồng nát" ngay cửa nhà
mình. Ông lão tóc bạc phơ ngồi cạnh cái xe đạp
"Phượng hoàng" cũ, tróc sơn nham nhở, dựng sát
cổng. Cái túi bạt lép kẹp treo một bên poóc-ba-ga. Quyển
tạp chí cũ giấy đã ố vàng, trải trên đầu gối.
Ông lão mê mải đọc. Trẻ con xúm xít bâu quanh. Thằng
Sơn nhà tôi đứng sau lưng vòng cả hai tay qua vai ông, chắc
thuộc diện ưu tiên. Khách "nhí" hơn ngồi xếp
vòng tròn. Một đứa lịch sự ngồi trên đôi dép lê,
còn tất cả ngồi bệt xuống thềm xi-măng lắng nghe
chăm chú. Không biết "ông đồng nát" đọc cái
gì mà chúng nghe chăm chú thế. Lúc thì cau mày, lúc lại
cười rộ lên.
Sợ làm tắt mất cảm hứng của họ,
tôi nán lại chờ, nhân thể cũng muốn lại gần nghe xem
ông đang đọc những gì. Nhưng ông lão phát hiện ra
ngay, đứng dậy, bối rối như người mắc lỗi. Ông gấp
cuốn sách, vội vã dắt chiếc xe đạp cũ kĩ bước đi.
áo lông Đức cũ khoác hờ, cái mũ lông kiểu Hồng quân
Nga thời chiến tranh vệ quốc, xoè hai mảnh che bên tai.
Ông quay lại vẫy tay chào 1ũ trẻ rồi cắm cúi đạp xe
đi.
***
Vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi bù đầu
với công việc. Quan trọng nhất là lo tổng duyệt cho đám
cưới út Huệ thì việc này lại trục trặc.
Cuối tuần hai chị em mới được ngồi
lại với nhau... Huệ vẫn thế, còm nhom, chả thay đổi
so với khi ở Hà Nội. Mỗi mình nó đến. Thành lại bận
việc đột xuất nhưng tôi ngờ rằng hai đứa giận dỗi
nhau. Không thấy Huệ đả động đến chuyện cưới. Nói
một câu xanh rờn "phải chờ người ta sáng tạo
xong đã". Rồi nói chuyện "dưa lê" đủ thứ,
toàn chuyện nhớ Hà Nội ngày xưa, những lần theo mẹ
đi lễ trên Phủ Tây Hồ được bồi dưỡng tô bún ốc,
về nhà vẫn xuýt xoa cay rát cả môi.
Ba tôi nhắn vào chỉ vì chuyện của hai
đứa, mà bọn nó thì đủng đỉnh.
Huệ sợ tôi chưa hiểu, nói nghiêm chỉnh:
- Anh Thành đang làm dở bộ phim thay cho
luận văn tốt nghiệp. Anh ấy muốn bảo vệ xong xuôi
thì lúc đó tổ chức đám cưới trước Tết là hay nhất.
Chỉ khổ nỗi...
- Thế còn mắc ở khúc nào?
Em gái tôi được thể nói nhấm nhẳng:
- Đi suốt ngày, mò xuống cả An Giang, Cần
Thơ nữa, "đa tốn" lắm, làm gì còn tiền mà cưới
với xin. Thế mà vẫn kêu chưa đủ tài liệu, chị bảo
có chết không? Đã thế em cho hoãn vô thời hạn luôn...
Tôi an ủi:
- Phải thông cảm với nó. Năm năm
"hợp đồng" rồi, bây giờ cái phim này của nó
là bài thi công chức đấy. Làm không ra gì thì lại
công toi. Mấy lần mừng hụt rồi còn gì nữa!
Nó ngồi im, giở thói nhè hồi trước.
Muốn gỡ rối cho cậu em rể tương lai, tôi hỏi:
- Thế lần này cậu ấy làm phim gì mà vất
vả thế? Chị thấy Thành làm nghề mấy năm nay rồi,
tay nghề của nó đâu có xoàng...
Huệ như bị chạm nọc, xả liền một
tràng:
- Đấy, bực mình nhất là chỗ đó.
Đang yên lành, mỗi tháng một cuộn băng quảng cáo, kiếm
vài triệu ngon ơ. Giờ húc đầu vào dự thi. Đã thế
còn chơi hẳn thể loại mới, phim không lời bình. Lại
toàn chuyện người ngày xưa... Chưa cưới mà đã bướng
lắm rồi. Lấy người cùng cơ quan kẹt thế đấy chị
ơi. Lát nữa Thành đến, chị khuyên bảo giúp em với.
Thấy cần phải thuật lại câu chuyện
ba kể sáng nay, tôi nói:
- Dân ngoại đạo, chị giúp sao được.
Hơn nữa, chị đã "búc" vé rồi, sẽ bay chuyến
chiều mai. Em đừng riết róng Thành, tội nó. Chị chưa
biết mặt, nhưng mà ba đã chịu nó là quá ổn rồi. Ba
khen phim "Ơi ngày xưa" của cậu ấy là một ý tưởng
tốt đẹp Vì nó nhắc tới những người bình thường,
không chức tước danh hiệu gì mà rất đáng nhớ trong một
thời gian khó của đất nước. Cơ quan chỉ cho hai triệu,
còn thì tiền túi, kể cũng kẹt thật. Em cố vay mượn
phụ giúp cho Thành. Chị mới gửi vào tài khoản của ba
được năm triệu để 1o đám cưới cho em, giờ nói ba
rút về đỡ cho nó chút đỉnh.
Huệ vẫn thói ương ngạnh, lầu bầu:
- Cả chị cũng thế nốt. Có làm phim đâu
mà biết. Phải tính đầu ra, phải làm phim kiểu Hàn quốc
mới mong có lãi. Đằng này phim kiểu gì mà chả có cốt
truyện. Hôm đem duyệt, mới xem nháp đã bị đổ. Đấy,
chị tưởng nói chuyện ngày xưa mà dễ hả, vẫn kèn cựa
nhau như thường. Làm lại đến mấy lượt rồi đấy bà
chị ạ.
***
... Năn nỉ mãi, ba tôi cũng xuôi, đồng
ý ra Bắc ăn Tết. Đám cưới Huệ phải hoãn đến sang
năm. Bộ phim Thành làm đã duyệt xong, được khen kịch
bản tốt, hình vững, nhưng vẫn phải quay bổ sung trường
đoạn cuối.
Bố con thằng Sơn nghe tin ông ngoại ra
Hà Nội, reo ầm lên trong máy "di động". Bố xách
nước lau nhà, thằng Sơn nhận phần thu dọn sách báo cũ
bán cho "ông đồng nát". Lúc gọi được taxi ra
sân bay thì thằng bé lại dở chứng không đi. Lí do nghe
rất dễ thương "con tình nguyện ở nhà để dọn nốt
căn phòng cũ của ông bà ngoại".
Nhưng sự thể lại không hẳn thế. Về
tới nhà mới biết nó có ý đồ hẳn hoi. Nhà cửa vẫn
ngổn ngang, chỉ mới tống được đống giấy báo cũ.
Trên bàn phòng khách lại có cái bì thư,
ngoài đề dòng chữ viết nghiêng rất đẹp: "Chúc mừng
năm mới". Vội nhìn nhanh khắp nhà, đồ đạc không
suy xuyển. Thằng bé hớn hở khoe:
- Mẹ tưởng đấy là tiền bán giấy
báo cũ chắc? Của đâu mà sộp thế. Tiền "ông đồng
nát" thưởng cho con đấy ạ.
- Tiền nào? Sao lại được thưởng? -
Nghe thế, ba tôi cũng từ trên gác vội bước xuống. Thằng
nhỏ đứng chắn dưới chân cầu thang kể lể một hồi:
- "Ông đồng nát" ấy thu mua cả
băng cát sét cũ, giá lại cao hơn giấy báo cũ, thế mới
"chất" chứ. Con thấy trên phòng cũ của ông bà
ngoại vô khối băng cát sét cũ để mốc trắng cả. Chỉ
một cuộn băng là có hộp hẳn hoi, gói trong khăn mùi
soa cẩn thận. Bên trong có cái hoa nhài khô quắt queo.
Con phải bắc ghế lên với mãi mới lấy được.
Ba tôi hỏi dồn:
- Thế cháu đã lấy đúng cuộn băng ấy
ư?
- Vâng ạ. Mới đọc mấy chữ ngoài vỏ
hộp, ông ấy đã mừng quýnh, giữ chặt như sợ cháu đòi
lại. Cái chữ "Câu hát tìm nhau" có đúng ông
ngoại viết ngày xưa không ạ? "Ông đồng nát"
ngắm nghía mãi cuộn băng, soi lên soi xuống rồi ngồi
mãi trên cái ghế kia kìa. Khi thấy cháu khoe cả nhà lên
sân bay đón ông ngoại tối mới về thì ông ấy xin tờ
giấy trắng rồi ngồi viết gì ấy. Xong lại giở tiền
ra đếm. Ông ấy chọn toàn tờ "năm chục" mới
để tất trong phong bì kia kia.
Tôi vội vàng bóc cái bì thư :
"Thưa quý gia đình.
Chỗ giấy báo cũ cháu bé tự cân lên
được bảy lạng. Tính dôi lên thành 1.500 đồng, tôi đã
trả đủ. Chỉ có cuốn băng cát-sét cũ cháu lấy xuống
để bán, lẽ ra phải đợi người lớn về mới dám
mua. Nhưng xin quý gia đình thông cảm, đây lại chính là
câu chuyện hồi trẻ tôi đã đọc cho rất nhiều người
nghe. Tôi mừng muốn khóc luôn.
Nhờ cơ may này mà tôi được gặp lại
ngày xưa của mình. Thật phúc đức quá.
Thế là tôi đã toại nguyện.
Vô cùng biết ơn và xin được tha lỗi.
Có chút tiền mừng tuổi cháu bé, không
dám có ý gì khác. Vì tôi biết chẳng ai mua được ngày
xưa...
Kính thư - Lê-Phớt".
Ba tôi ngồi phịch xuống xa lông, mặt
tái nhợt. Giọng ông trở nên nặng nhọc:
- Không chừng chính là Lê-Phúc hồi xưa
rồi. Cái tên hiệu người đó hồi ba còn trẻ đã rất
quen tên biết tiếng. Gặp hôm cha đó đọc truyện thì
nghe "đã" lắm. Chả cứ ba má đang công tác
ngoài Bắc, mà đi đâu cũng thấy người ta khen cái giọng
đọc khác lạ của cha ấy. Sao giờ lại kí tên Lê-Phớt,
nghe lạ hoắc vậy? Mà Lê-Phúc ngày xưa là thế. Không lẽ
bây giờ?...
Rồi quay sang tôi, ba giảng giải:
- Cuộn băng ấy là chút kỷ miệm còn lại
Ba quí nhất. Trước hết vì đó là kỷ vật của mẹ
các con. Hồi con làm nghiên cứu sinh bên Đức, mẹ ốm
đau suốt. Mấy năm cuối thuốc thang chạy chữa, mẹ
được an ủi là nhờ có cái đài cát-sét luôn ở bên cạnh.
Cứ tới giờ "Đọc truyện đêm khuya" là mẹ đòi
cả nhà tắt đèn cho mẹ nghe. Một hôm nghe cái truyện
"Câu hát tìm nhau" mẹ khóc thôi là khóc. Câu
chuyện thì ba đã xem trong tạp chí "Văn nghệ Quân
đội", ý tứ hay lắm. Sau này nghe nói có dựng
thành phim. Nhưng hồi đó nghe Lê-Phúc đọc mà thấy lạnh
sương sống luôn. Đã thế mẹ con lại đòi thu vào băng.
Bố lỡ lời nói chọc tức: "Chắc thằng cha đó có
cái giọng phù thủy hay sao mà cái truyện nào hắn đọc
là y như rằng bà đòi thu băng". Từ bữa đó, mẹ
con gói cất cuốn băng luôn...
Tôi cũng như Huệ, không thích những chuyện
cũ ngày xưa:
- Chuyện người già buồn thế ba giữ lại
làm gì cho mệt.
Ba tôi thở dài:
- Đã hứa ăn tết xong sẽ đem cuốn
băng ấy vào cho thằng Thành để nó thêm được chút
gì nữa của ngày xưa. Nó đang muốn bổ sung cái trường
đoạn cuối mà. Giờ thì lỡ cả rồi...
Nghe ba nói tôi cũng phân vân. Sao có người
lại viết sai tên mình. Mà sao cứ phải đi tìm lại
ngày xưa, khi hiện tại có quá nhiều việc phải làm...
Sáng hôm sau, thấp thỏm chờ. Thằng Sơn
cũng chưa thấy về. Cô Thuỷ hàng xóm mách: "Hôm nay
rét quá, bọn chúng chuyển chỗ chơi, đang túm tụm bên
dãy nhà Đ. ấy".
Tôi đi vòng sang. "Lão đồng nát"
đang ngồi đấy. Những đứa trẻ xúm quanh.
Đến lượt tôi bị hút hồn vào cái giọng
đọc của lão. Lão chăm chú đọc, không còn biết đến
xung quanh. Lắc lư như lên đồng, không phải là đọc nữa,
Lão đang gọi hồn vía con chữ về nhập thế. Bàn tay
trái có một ngón hơi co quắp, giơ lên hạ xuống đánh
nhịp, như ướm thử giai điệu cho một lời ca. Lũ trẻ
không biết giá rét, vẫn xúm đông, vây chặt xung quanh.
Nét mặt đứa nào cũng nghiêm trang như người lớn. Tôi
khẽ lách vào, nghe lão run run đọc mấy lời cuối:
"Tiếng hát cứ chơi vơi,... chơi vơi...".
Quay về kể chưa hết, ba đã kêu lên:
"Đúng cái câu cuối truyện ấy rồi" và giục
chạy ra mời "Lão đồng nát" vào nhà.
Nhưng ngoài ấy vắng tanh. Bọn trẻ đã
tản đi đâu hết. Chỉ nghe gió lạnh từ sông ào ạt.
Xa kia có bóng người bé nhỏ đang đẩy xe đạp đi ngược
bờ sông. Tôi gắng sức gọi rõ to:
- Ông "đồng nát" ơi,... Ông
"đồng nát" ơi.
Người dưới bờ sông kia vẫn lầm lũi
bước. Bất chợt như ai xui khiến, tôi khum hai bàn tay, gắng
hết sức gọi to lên lần nữa:
- Bác Lê-Phúc ơi... Bác Lê-Phúc ơi...
Người kia chợt đứng sững lại nghe ngóng.
Đúng ông Lê-Phúc thật rồi.
Ông già đứng như chôn chân giữa bãi vắng.
Tôi luống cuống chạy theo bờ sông. Ông vẫn không hay
biết, không quay lại. Ông mê mải nhìn ra mặt sông chỉ
còn mảnh nắng cuối ngày đang chới với. Rồi ông lại
dắt xe, lầm lũi bước trong ánh chiều chạng vạng.
Từ nơi ông, gió thổi về tiếng rao
khàn đục, mờ đến nhạt nhoà:
- Ai nhôm nát giấy vụn b..án... đi ? Ai
nhôm nát giấy vụn b..án...đi!..../.
Hạ Chí Anh