Mỗi khi nhìn thấy những vạt cỏ ở một nơi nào đó,
ai đang đốt lên trong buổi chiều đầy mây mù, tôi thường
nghĩ đến mẹ.
Nhà tôi nằm ở trong một lũng xa. Trước mặt là ngọn
núi sừng sững cao với trùng cây tiếp nối. Ngọn núi
đó chúng tôi hay gọi là núi Mẹ. Nhiều khi trong buổi
chiều sương núi về giăng đầy lũng, mẹ cầm cây chổi
gom những chiếc lá vàng rụng trong sân nhà,rồi châm lửa
đốt. Ngọn lửa lá vàng như có một mùi thơm đến kỳ
lạ trong không gian se lạnh. Bởi từ khi sinh ra đời, chị
em tôi đã nhìn thấy núi, được che chở trong vòng tay của
mẹ, mẹ chẳng khác nào ngọn núi cao kia, dạy chúng tôi
nhiều điều để có thể đàng hoàng bước vào đời mà
không e ngại bất cứ một điều gì.
Mùi khói lá vàng mẹ đốt đó là mùi tưởng nhớ,
khiến cho ba chị em tôi dù lo toan trăm nghìn công việc,
đi biệt đến những chân trời, vẫn không thể nào
quên được mùi hương rất đỗi lạ lùng kia. Và cả ngọn
núi cao vời nữa, che chắn cho cả một làng nhỏ nằm
nép mình dưới lũng sâu cũng là điều rất đỗi tự hào.
Vắt mình ngang ngọn núi là con đường đèo che chắn những
cơn gió bão trong mùa đông lạnh giá, đó cũng là điều
không thể không nhớ về. Mẹ của tôi cũng giống như bóng
núi.
Mẹ có một cuộc đời trọn vẹn vì chồng con, mẹ
còn có những người bạn tốt và có cả một quá khứ
đầy kỷ niệm. Những điều mẹ có giống như là những
hạt giống mẹ gieo cho những đứa con của mẹ gặt lấy
những vụ mùa màng tươi tốt.
Năm 22 tuổi , mẹ tốt nghiệp Trung cấp y tế. Như những
người khác thì mẹ đã tìm một chỗ tốt trong những bệnh
viện của thành phố, bởi kết quả học của mẹ ở thứ
hạng khá cao. Nhưng rồi mẹ đã làm đơn tình nguyện đến
An Khê với điều đơn giản là nơi đó đang thiếu y tá.
Có những ca đẻ khó, những người dân ở đây phải vất
vả rất nhiều dể tới bệnh viện ở bên kia ngọn
núi. Những ngày đầu mẹ đến miền đất này như thế
nào tôi chẳng biết, nhưng cội rễ cuộc sống dường
như còn là sự thôi thúc được hiến dâng và trao tặng.
Tưởng là chỉ đi vài năm, nhưng mẹ giống như một giống
cây tốt lựa đất để bám rễ, mẹ đã ở lại miền
đất mẹ chọn.
Có thể mẹ ở lại nơi này khởi nguồn bởi mẹ đã
có một tình yêu với ba, cũng có thể bởi mẹ đã có
thể làm được điều mà mẹ thích khi mẹ đã chọn nghề
y tá. Nhưng đó chỉ là giải thích của tôi. Bởi chỉ
biết mẹ đã chọn An Khê làm quê hương thứ hai của mẹ,
và chúng tôi đã sinh ra đời từ mảnh đất này.
Mãi khi lớn lên, tôi mới hiểu ra rằng cuộc sống
không đơn giản chỉ là thoả mãn được những gì mà
mình thích, đó còn là tấm lòng yêu thương con người và
biết sống cho có mục đích và ý nghĩa. Rồi mẹ gặp
ba ngay tại nơi miền đất mà mẹ đã chọn lựa. Hai người
mến nhau vì cùng tính chịu thương chịu khó rồi nên
duyên chồng vợ. Ba tôi là một người đàn ông biết
che chở, còn mẹ là một tấm gương soi như thể tấm
gương ấy không thể nào khác được khi chúng tôi vào
đời. Ba tôi chính là một anh chàng gíáo viên sau khi tốt
nghiệp cũng đã viết đơn tình nguyện đến vùng sâu
vùng xa làm việc.
Từ bàn tay không với túi xách nhẹ tênh đến nhận
việc ở trạm xá nhỏ gần như thiếu hoàn toàn những dụng
cụ chuyên dùng , thiếu cả thuốc men trị bệnh; hơn 20
năm sau, mẹ của tôi đã trở thành một người nổi tiếng.
Nổi tiếng vì những điều mẹ đã làm. Ngôi trường nhỏ
thuở nào khi ba đến nhận việc nay đã trở thành ngôi
trường cấp 1,2 khang trang. Còn Trạm xá ngày xưa mẹ tìm
đến , mới đầu chẳng có một tấm bảng treo cho mọi
người nhận ra rằng đây là nơi khám bệnh, có khi cỏ
cứ tự do mọc ngập tràn khi những cơn mưa đầu mùa chỉ
mới vừa rơi xuống… Giờ đây nơi đó đã được xây
dựng đàng hoàng, khang trang và có cả một bồn hoa phía
trước. Còn ba, mặc dù hoàn toàn không biết gì về nghề
y, nhưng ba đã trở thành một người phụ việc đắc lực
cho mẹ mổi khi mẹ chuẩn bị đi thăm bệnh hoặc đỡ một
ca đẻ khó. Khi đó, còn nhỏ quá, nhìn thấy mẹ tất bật
tối ngày, tôi không khỏi ái ngại: "Lương y tá có
bao nhiêu đâu mà mẹ cực khổ thế kia? Vả lại mẹ cũng
cần phải nghĩ ngơi chứ?”. Mẹ chỉ xoa đầu tôi: “Mai
sau con lớn con mới hiểu được Tuệ ạ, con người ta
đâu phải chỉ có cơm ăn áo mặc là đủ, mà còn phải
có những điều khác nữa."
Trong đêm có khi gió rít qua những hàng thông trên đỉnh
đèo, mẹ chỉ cầm theo cây đèn pin, băng qua những con
đường nhỏ, len qua những vườn tiêu (vì ở đây trồng
rất nhiều tiêu) để thăm bệnh. Những lần thăm bệnh
như thế, có người nghèo quá thì mẹ cũng chẳng lấy
tiền công, hoặc đôi khi mẹ lại mang về buồng chuối
hay những thứ linh tinh mọi người tặng. Bởi nơi tôi sống
đa số là dân nghèo. Họ sống nhờ nghề làm vườn hoặc
những công việc linh tinh. Họ không phân biệt được y
tá với bác sĩ khác nhau ở chỗ nào, nhưng ai cũng gọi
mẹ là " bác sĩ". Mẹ chẳng cần danh xưng, bởi
danh xưng để làm gì? Mẹ chỉ có niềm vui chính từ những
đêm cầm đèn đi tới nhà bệnh nhân, mẹ đã gieo vào
trong lòng họ niềm tin rằng họ sẽ vượt qua được
căn bệnh nghiệt họ đang mang.
***
Trạm xá ngày xưa giờ đây được nâng lên thành một
phòng khám khu vực. Một vị bác sĩ mới về nhận nhiệm
vụ. Còn mẹ Hiền của tôi thì trong một lần đi chữa
bệnh, trên đường trở về mẹ không may bị một cành
cây khô rơi xuống làm cho mẹ bị thương nơi chân. Cành
cây khô kia đã làm chân của mẹ bị gãy. Vết thương
khiến cho mẹ bị tàn tật. Sau đó thì mẹ không còn
làm việc ở trạm xá nữa. Mỗi buổi chiều rảnh rỗi,
mẹ vẫn gom lá trong vườn, đốt cho mùi khói thơm cả một
góc trời. Mặc dù ở nhà, nhưng thỉnh thoảng vẫn có
người tới nhờ mẹ xem bệnh.
Tôi không theo con đường của mẹ. Tôi đi Đà Nẵng học
ngành công nghệ thông tin. Tôi nói với mẹ: "Đến lúc
nào đó quê mình cũng phải sử dụng vi tính mẹ
há?" Mẹ cười. Nụ cười của mẹ luôn luôn mang lại
cho tôi một niềm vui.
Tôi không biết mai sau tôi có làm được những điều
như mẹ của tôi đã làm không ? Nhưng mẹ quả thật
như là bóng núi kia, núi cao vời choán những buổi sáng
tôi thức dậy và cả những hoàng hôn nhuộm tím cả
chân trời. Tôi mang dáng núi của mẹ bước vào cuộc đời
và thầm cảm ơn cuộc sống đã trao tặng cho tôi một
người mẹ tuyệt vời. Có thể trên dòng đời tôi bước,
tôi sẽ có đôi lần chông chênh và không kịp bước
theo cùng với mọi người, nhưng khi nghĩ về ngọn núi
cao, là tôi nhớ về mẹ. Mẹ đã gieo lòng nhân ái của
mình lặng lẽ đến từng mái nhà khi mẹ chọn ngôi
làng ở lũng sâu kia làm quê hương…
Tôi lớn lên , vào đời bằng những bước chân chập
chững của một con chim non lìa xa tổ ấm, tự mình vỗ
cánh bay qua những khoảng trời chông chênh. Rồi tình
yêu đến với tôi thật dịu dàng và cũng thật bình an.
Đức và tôi cũng đều là hai người xa lạ ở giữa thành
phố trăm nghìn ngựa xe, mọi người đều tất bật áo
cơm, khép kín cánh cửa nhà khi nhìn thấy người xa lạ.
Tôi yêu Đức bằng trái tim của cô gái 20 tuổi, tôi tin
rằng mình chẳng bao giờ gặp những điều trắc trở
khi yêu anh. Bởi tôi vẫn nghĩ rằng bóng mẹ như bóng
núi kia đã che lấp đi những điều trắc trở cho những
đứa con của mình. Còn Đức, những khi ngồi bên tôi,
anh nói vui: "Em có anh bởi vì em có một bà mẹ tốt."
Tôi chẳng thể nào tin được chuyện đó, nhưng quả thật
khi đi bên anh tôi vô cùng an lòng như thể đất trời
run rủi để tôi gặp được anh. Và mỗi khi đi qua một
làng quê, tình cờ ngửi mùi lá khô của ai đốt, tôi bỗng
nhớ đến mẹ. Hình như ở nơi xa, mẹ cũng đang đốt lá
khô trong những buổi chiều vàng . Khói làm cho con mẹ nhớ
vòng tay mẹ...
Khuê Việt Trường