Mai trắng

Chiều ba mươi Tết, trời đất đã đầy chất xuân, chiều phơn phớt xanh màu khói hương. Mấy ngày qua tôi dạo khắp nơi từ chợ hoa này đến chợ hoa khác tìm mua cành mai về chơi Tết, chẳng có cành nào vừa ý mà giá lại rất đắt. Ý tôi muốn kiếm cành bạch mai. Đến đâu hỏi mai trắng, người ta cũng cười, nói: "Chợ này mà ông tìm mua mai trắng, chắc phải đôi ba cái tết nữa chưa chắc đã có. Bạch mai hiếm lắm, nếu có cũng quý như vàng, không ai đem đi bán mà cũng chẳng ai có đủ tiền mua". Tôi thất vọng, hoá ra mai trắng hiếm đến thế sao. Tôi nhớ ngôi từ đường bên ngoại tôi, phủ Tuy Lý Vương đầu ngõ có gốc bạch mai già, thân cây to lớn, bọn trẻ con leo lên được. Má tôi nói khi bà còn nhỏ cây mai này tết đến hoa nở trắng cành. Tôi hỏi có thật là màu trắng không? Má tôi nói trắng, không phải trắng đục như giấy mà trắng trong ngần, hương đưa ngào ngạt. Sở dĩ tôi nghi ngờ màu trắng vì đã có lần tôi được một ông bạn thầu khoán nhà rất giàu mời tôi đến uống rượu thưởng xuân và nhất là xem cành thanh mai (mai xanh) nở. Tôi hăm hở đến và khi thấy cây gọi là thanh mai, tôi có hơi thất vọng. Theo tôi đấy không hẳn là mai xanh, chỉ là cây mai vàng, có điều màu vàng nhẹ, ấy là màu vàng chanh, nhưng người chơi hoa chỉ muốn cầu kì gọi là mai xanh. Tuy là con cháu, tôi cũng chưa được thấy gốc bạch mai trong phủ Tuy Lý Vương nở hoa. Mấy năm sau tôi trở lại. Phủ thờ đã tiêu điều, chứng tích của một dòng họ đi xuống. Sau thì tôi nghe phủ đã bán, con cháu đi tứ tán. Người mua biến phủ làm nơi du lịch giải trí, quán cà phê, chỗ ăn chơi và tôi còn nghe gốc mai trắng đã bị đốn từ lâu. Như thế niềm ao ước một lần được xem mai trắng của tôi chưa trọn vẹn.

Và chiều hôm nay, chiều ba mươi tôi vẫn còn lang thang và hy vọng sẽ tìm được cành mai ưng ý, tôi đã bỏ mộng tìm mai trắng, giờ đây tôi chỉ mong có được cây hoàng mai trông cho được mắt là quý rồi. Thế mà mãi vẫn không có. Đến chiều tôi quay về, trong bóng hoàng hôn nhạt nhoà, bên đường, có người cầm cành mai lớn đứng chờ bán, tôi mừng lắm. Suốt cả mấy ngày này cứ lặn lội trong chợ tết với bao nhiêu người đông đúc ồn ào chỉ cốt để mua một cành mai thế mà không có, mệt đứ đừ mà vẫn chưa tìm được cành nào vừa ý mà giá lại cao. Giờ đây thấy người đứng bán, đứng riêng rẽ nơi chỗ vắng, không ai đến dòm ngó tranh mua tranh bán tôi rất bằng lòng, tôi ghé xe vào. Cành mai vàng khá đẹp, hoa tuy nhỏ nhưng rất nhiều búp, dáng lão mai. Người bán là một người đàn ông trung niên tàn tật. Ông mất một chân, tay cầm chiếc nạng nhôm, bàn chân còn lại mang dép lốp, đầu đội nón cối, khoác áo quần bộ đội cũ. Ống quần bên chân mất ông cột túm lại vắt lên, ống quần bên kia, vải nơi gối mòn rách một đường ngang, để lộ cái đầu gối gồ lên như một gốc cây, màu tím tái như cái mào gà dịch. Tất cả mọi thứ trên người ông là hiện thân của người lính chiến, hình ảnh cũ kỹ của một thời đau thương mà kiêu hãnh. Người cựu chiến binh chưa già song trông ông tiều tuỵ quá. Ông nói: "Cứ mỗi lần nghe tin đài báo gió mùa đông bắc thì khiếp. Bao nhiêu tàn tích chiến tranh, cứ chực gió đông đến là động đậy. Xương cốt như củi mục. Một quả 81 nổ cạnh tôi, mảnh kim khí tiện đứt chân, nhiều hạt cát chui vào da thịt, lâu lâu chúng lại trồi ra một hạt. Thế mà mấy lúc này đài cứ báo hết đợt áp thấp này đến đợt áp thấp khác, tôi nghe như sắp bị đem đi tra tấn…".

Tôi dừng lại ngắm hoa, hỏi giá, ông đẩy cành mai về phía tôi, nói: "Chiều rồi, ông cho bao nhiêu cũng được…". Thấy cây mai đẹp và cách mua bán của người đàn ông, tôi có cảm tình ngay. Tôi lấy tất cả tiền dành mua mai trao cho ông. Ông không đếm lại, cho vào túi quần, lửng thửng xách cái thùng đựng nước dành cho việc cắm mai đi xiêu vẹo trong bóng hoàng hôn. Tôi chạy theo dừng xe lại mời ông lên xe tôi đưa về nhà. Tôi ngồi trên yên chờ mãi không thấy ông thấy ông leo lên xe. Tôi thực vô tâm, người què cụt như ông làm sao lên xe một mình được. Tôi dựng xe đỡ ông lên, lại còn cái thùng đựng nước. Ông ngồi sợ ngã ôm lấy lưng tôi như trẻ con. Tôi chạy xe rất cẩn thận và chầm chậm theo sự dẫn đường của ông. Trên đường ông tâm sự:

- Tết nhất đến nơi, trong nhà không còn một đồng ăn tết chữa bệnh. Đành chặt cây đem bán, đau lắm, nhất là cái cây đầy kỉ niệm này. Không bán lấy tiền đâu?

Cành mai này với tôi có thật nhiều kỷ niệm. Bán đảo Cam Ranh đầy cát và đầy mai. Chắc ông đã nghe hay đọc đâu đó về một rừng mai (Mai lâm). Song ngoài đời, nhất là vào thời đại bây giờ đi tìm rừng mai thực là muôn vàn khó khăn. Thế nhưng ở ta cũng có, đích thị là một khu rừng mai bạt ngàn mọc trên những đồi cát, ở cái nơi dân chúng lâu nay không được xâm phạm. Đó là khu vực sân bay và bến cảng quân sự Cam Ranh, Khánh Hoà. Nhờ chốn ấy là khu vực quân sự không ai được xâm phạm nên khu rừng mai vẫn tồn tại qua bao mùa xuân mai vàng cả núi đồi. Tết đến mai nở vàng rực, đẹp thế mà bọn nguỵ để mất chủ quyền, vùng này từ lâu đã là nhượng địa của Mỹ. Tôi, lính đặc công, đơn vị chúng tôi đánh vào thắng lớn, hoàn thành nhiệm vụ, diệt rất nhiều tên và thu rất nhiều khí tài của địch đến khi rút lại bị bọn tàn quân kêu pháo bắn theo. Tôi đi sau cùng, bị thương, lạc đồng đội, tôi chui vào bụi mai rậm rạp trốn, mùa này đang đông, nhờ mấy cơn mưa rào, mai núi xanh tốt đầy lá. Nằm trong bụi nghe cả tiếng xe chạy, tiếng bọn lính nguỵ, lính Mỹ, chung quanh tôi hạt mai rụng xuống nẩy mầm trên cát mọc đầy mai con. Tôi nhổ mấy cây con cho vào ba lô. Hôm sau thì tôi tìm lại được đơn vị. Tôi đem mấy cây mai con trồng ở doanh trại. Hoà bình, tôi bứng cây về vườn nhà. Nay cây đã lớn, đã tới lúc cây trả ơn người. Thế mà người phụ nó, chặt cây đem bán…

Nhà ông ở trong xóm, tôi lái xe quanh quẹo nhiều lần mới đến cái ngõ vắng, có cổng gỗ, trong là vườn cây. Ông khó khăn lắm mới xuống xe được, ông cảm ơn và chào tôi, ông chưa chịu vô nhà, cứ quay đầu nhìn cành hoa tiếc thương, cảm động như chia tay người thân. Ông đu người trên chiếc nạng nhôm đi một đoạn quay lại nói: "Ông biết nhà rồi đó. Tết năm nay, nhờ ông đến nhà uống chén rượu nhạt, và tôi mời ông xông đất".

Về nhà tôi cho cành mai vào cái ché đổ nước để trước bàn thờ ông bà. Cành mai này đúng là mai núi, dáng khô cằn, hoa màu vàng nghệ, một màu vàng sắc lịm ngọt ngào. Đêm ba mươi nửa khuya, tôi thức dậy cúng giao thừa. Trên cành hàng loạt hoa hàm tiếu hé nụ trẻ thơ. Hi vọng sáng mai sẽ nở rộ, báo hiệu một mùa xuân tốt lành. Với niềm vui ấy tôi đi ngủ. Trong mơ hay không phải trong mơ tôi nghe nhiều âm thanh mơ hồ kì dị, tiếng con gái nức nở, đàn bà tỉ tê, trẻ con rấm rứt, âm thanh li ti, rin rít, vo ve như ruồi, như muỗi, giun dế, sâu bọ vỗ cánh rì rào bay chung quanh mùng. Tôi chẳng biết ấy là hiện tượng gì?

Sáng tinh mơ cửa sổ lá sách hướng ra đường cái hơi trong, tôi đã thức. Còn quá sớm, buổi ban mai đầu xuân chỉ mới lấp ló ngoài vườn, chưa chịu vào nhà. Tôi mở đèn, cái đập vào mắt tôi đầu tiên là cành mai. Trước mắt tôi là một cành mai trắng toát, tất cả các búp già non đều nở đồng loạt, một màu trắng trong như bạch ngọc! Kì dị làm sao? Tôi nhìn thực kỹ xem có điều gì làm cho mình nhầm lẫn không? Tôi hoa mắt, hay chỉ vì dưới làn ánh sáng đèn huỳnh quang làm cho hoa vàng thành hoa trắng? Tôi tắt đèn, mở tung cửa chính. Ánh nắng tràn vào, đúng thật rồi hoa nở trắng cành! Cành mai trắng mộng! Đâu đó xôn xao tiếng người, tiếng xe cộ trẩy hội xuân.

Nhớ lời người thương binh bán mai trời sáng mồng một đến xông đất, tôi vội vàng mặc quần áo chỉnh tề, đem theo ít tiền mừng xuân. Tôi tìm đến nhà ông bán mai, hỏi luôn hiện tượng đổi màu của cành huỳnh mai thành cành bạch mai. Một lúc sau đã tới cổng nhà ông. Hôm qua chỗ này vắng vẻ là thế nay lại đông đúc. Nhiều người vây quanh cổng nhà người thương binh. Chắc đã xảy ra sự gì? Tôi chen vào, thấy tấm bảng báo tang. Ông tên là Lê Hoàng Đạo, 59 tuổi, qua đời lúc hai giờ sáng nay, danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ và nhiều huân huy chương…

Giờ đây tôi hiểu vì sao cành mai đã trắng hoa tang./.

Quý Thể

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: Đinh Thế Lộc