Từ sau lần đầu anh đưa tôi đi chơi,
đến nay đã 51 ngày trôi qua. Tôi cứ như một con ngựa
hoang, lồng lộn đòi anh cài dây cương, lao về khu vườn
quê ấy một lần nữa. Ngày nào tôi cũng vòi vĩnh, ngày
nào tôi cũng nhận được một câu từ chối xanh rờn:
“Cho anh nợ đi, anh bận và bị ức chế vì công việc
lắm".
Ngày lại ngày cứ thế đi qua, mỗi khi
tan sở, tôi lại nhớ khu vườn quê da diết. Thảm cỏ mượt
mà, sạch tinh sau những trận mưa rào cuồng nhiệt, như
tấm ga trải giường tinh nguyên, lần đầu cho cảm xúc
ham muốn tan vào nhau ở đáy của tâm hồn.
Như thể dưới gối cỏ là nhựa hoa hồng,
là lò sưởi mùa đông, là chiếc quạt ba tiêu mùa hè,
góp phần làm dịu hơi thở gấp của đôi lứa chúng
tôi. áp vào lồng ngực anh, tôi thấy mình chẳng còn sợ
đằng sau là giông biển hay động đất.
Thế mà anh cứ bàng quan với nỗi nhớ của
tôi, tôi yêu người đàn ông trong anh chứ đâu có yêu
ngài giám đốc công ty. Tôi biết công việc, con người
nơi này cuốn anh vào những sự vụ không lấy gì làm
sung sướng. "Làm trai" mà, anh chẳng thể tụt xuống
lưng hổ để rồi công ty chỉ còn là một "bãi tha
ma" rặt cỏ dại và bàn tủ mối mọt, nhà xưởng mốc
meo, xuống cấp.
Thời buổi lắm kẻ "Làm giả ăn thật",
can cớ gì anh cứ dày công, gồng mình sống sạch, hướng
mọi người vào các thước đo “giá trị chính chuyên”,
để rồi đến cả một nụ hôn, cũng “ky bo” với tôi,
người yêu anh hơn tất cả thế giới này cộng lại.
Vận lộn của lý trí và tình yêu là cuộc
vận lộn xảy ra hàng ngày như cơm bữa, như thời tiết
đêm và ngày, như tình yêu là như thế. Hờn thì đẩy
đến suy diễn, suy diễn đẩy đến hoài nghi, hoài nghi
sinh ra lắm điều, giận hờn... Như cơn mưa bóng mây chợt
đến chợt dừng, tôi chỉ còn biết cam chịu và nhớ
nhung, cho dù điều ấy thật là phi lý và ức chế !
Đêm ấy, anh thông báo sẽ về quê thăm
mẹ, tôi biết mình sẽ cô đơn biết bao, cho dù nếu có
ở ngay giữa thành phố này, chúng tôi cũng đâu dễ gì
được gần nhau. Thế nhưng, cái cung đường xa, cứ như
chiếm mất hơi thở anh một ngày, rằng biết là không gặp
nhưng ở ngay đây tôi vẫn yên tâm hơn nhiều, nhiều lắm
nếu anh đang vi vu trên một chiếc ô tô nào đấy. Vì
sao lại phải thông báo ? "á à, anh thương mình lắm,
mình là một nửa của anh mà, mình là cái va li sứt quai
ư ?".
Tôi là con vẹt lắm điều, là con chim
báo bão, anh biết vậy mà sao anh yêu ? Tôi sợ mất anh
vô cùng, bởi tôi biết anh là hạt ngọc quý giá biết
ngần nào, giữa một cuộc sống xô bồ, bon chen hôm nay.
Cuộc đời còn quay, còn có tôi và anh, có nghĩa là vẫn
còn vô số người tốt đang cố giữ mình sao cho đừng
vấy bẩn. Cầu giời để đừng có “con chim báo bão thứ
hai" xuất hiện, nó mà "khỏe và nặng ký" hơn
tôi, nó cắp anh đi mất, tôi lại thành Thạch Sanh ngồi
đàn khóc với niêu cơm ư ?
Tôi choàng tỉnh vào sáng chủ nhật, chiếc
máy điện thoại di động còn nguyên lời nhắn tin đêm
qua: "Anh nhớ em, anh chúc em ngủ ngon”. Ôi giời, lời
nhắn tin, nó chẳng thay được cái gì ngoài một sự vuốt
ve khó chịu chỉ làm gia tăng cơn khao khát.
Tôi đi vào cái phòng nhỏ trong trạng
thái mỏi mệt, từ ngày yêu anh, tôi già hơn rất nhanh.
Tôi thích vào thường xuyên, chỉ vì ở đó có chiếc gương
có thể soi toàn thân mà chẳng sợ ai nhìn thấy. Tôi biết
tuổi già đang chạy theo tôi rất nhanh. Các nếp nhăn chân
chim đã sắp thành các rãnh sâu hằn lên các gờ mặt một
cách trêu ngươi và tàn nhẫn. Mọi thứ trên cơ thể tôi
đều xộc xệch. Tôi vẫn nói đùa với đám bạn bè:
“Chả đứa nào nó yêu tao nữa đâu, áo quần che, có vẻ
mơn mởn vậy thôi, ra tắm biển, trông cứ như người
ta vẽ trong tranh đả kích là cái chắc...".
Rửa mặt xong, đồng hồ mới sáu giờ rưỡi
sáng. Hôm nay, sẽ làm gì ? Học ư, học để làm gì ? Viết
ư ? Viết ra cái gì khi lòng tôi trống vắng đến dị dạng.
Tôi mạnh mẽ lắm cơ mà, tôi kiêu ngạo lắm cơ mà, can
cớ chi lại rầu rầu như "Kiều" giữa tết
thanh minh, đếm cả hạt sương trên cành mai toàn lá giữa
sân nhà ? Hà Nội lặng yên và phớt đời, chỉ có tiếng
còi xe là rộn lên, cuộn cuộc sống vào những xô bồ
thường nhật. Và thế là, muôn thủa, cơn mưa bóng mây
từ trái tim tôi lại xuất hiện, vò xé, suy diễn và
gào thét làm mệt mỏi trái tim ốm yếu của tôi.
"Tại sao mình lại yêu anh ta, hắn vừa
tỉnh queo, vừa xấu xí, vừa đa tình". Xuất chúng
gì đâu, chả để lại gì cho gia đình suốt mấy chục
năm qua ngoài vài vụ xuất nhập khẩu cò con chỉ để
đủ nuôi một đại gia đình con cháu bằng cơm đạm bạc.
Hắn có gì? Tại sao ta lại nhớ hắn, lo cho hắn nhiều
thế ? Tại sao chứ ? Ai trả lời cho ta".
Tiếng vọng từ tim tôi trôi tuột vào
hun hút hư vô. Ngàn lần rồi, tự hỏi, tự đùa, tự
say, tự sướng và tự khóc. Chả nhẽ yêu là thế ? Bỏ
quách cho xong, nào một, hai, ba, tôi lấy đà, nguyện sẽ
tắt máy di động để tự mình chôn vùi tất cả. Ngu xuẩn.
Đó là động tác ngu xuẩn nhất mà tôi không nên làm.
Tôi bắt đầu vật vã vì đứng trước
sự chọn lựa: "Mở máy hay tắt, mở hay tắt...".
Cứ thế, tôi mân mê chiếc máy di động bé tẹo, thấy
thương mình vô cùng. "Quái gì, sao lại đi làm nô lệ
cho nó, sinh ra máy để kêu, sinh ra yêu để chờ điện
thoại, mở máy ra đi, cơn yêu sắp đến lúc thở hắt
ra rồi...”.
Nhưng y như rằng "Trời lại chiều
người": chín giờ ba mươi, tiếng chuông réo lên rộn
ràng, hứng khởi và đanh đá.
- “Em đấy à, kế hoạch sáng nay của
em là gì? Không làm gì à? Anh đợi em ở cổng đình
nhé, mười giờ em có mặt nhé, gặp nhau rồi tính sẽ
đi đâu”.
Tôi như bông hoa bị cắt gốc ném lên cạn,
bỗng nhiên được bàn tay bồ tát nhặt, cắm vào chiếc
lọ tràn nước hồ. Tôi đê mê hát lên một bài ca tiếng
Anh, vừa hát vừa mở tủ lấy áo quần. Thực ra, tôi vẫn
còn đáng yêu ra phết, nhựa sống chảy mạnh bởi cái
đầu chân thành. Khu vườn quê hiện ra với tất cả hy
vọng và sung sướng, mãn nguyện. Hôm nay, tôi sẽ hôn
anh lâu, thật lâu, tôi sẽ "làm cỏ" mấy sợi
tóc bạc mỏng manh trên mái tóc anh thưa thớt. Anh sẽ
ôm lấy tôi thầm thì: "Anh yêu em, ngốc ạ"
và... và tất cả những gì kìm nén, sẽ ào lên như nắng
hạn gặp mưa rào. Tôi bỗng nhớ bài thơ "Em yêu mưa
làm sao, em càng yêu mê mệt mưa rào, mưa rào nhiệt cuồng
và mưa rây dìu dịu, cơn mưa rây trinh nữ, và trận mưa
rào thiếu phụ xô bồ...". Tôi sẽ ào lên đôi mắt
anh, sẽ nói nhanh như ma đuổi để có thể kịp gửi tới
anh tất thảy ngôn từ, những ngày qua...
Con đường bắt đầu đẹp hẳn lên khi
những tán lá bằng lăng tạo nên các khoảng râm khác
nhau che cho tôi đi. Anh chờ đó, hiền như cục đất, cười
thật thương... Chúng tôi rẽ sang con đường quen. Anh nói,
tôi nói, thi nhau nói, mặc xung quanh là người, là xe, là
nắng hè và ngàn ngàn mắt lạ. Bỗng nhiên, anh cáu bẳn
khi tôi kể cho anh nghe một vài tin thất thiệt về công
ty.
- Thôi, anh bị ức chế và buồn lắm,
anh chả muốn đi đâu nữa, vào chỗ nào uống nước rồi
về... Đến quán cá....
- Quán cá ư? Giữa chín giờ rưỡi sáng,
vào quán nhìn nhau ăn lẩu cá ư ? Anh làm sao vậy? Sao lại
thế, khu vườn quê bị anh xua khỏi trí não từ khi
nào?.
Tôi nghẹn thở, nói nhanh, lạnh lùng, chỉ
nhấn thêm vài câu, tôi có thể sẽ oà khóc: "Tuỳ
anh, vào quán ăn trưa vào giờ này sao?".
Thấy tôi buồn, cơn mưa giông trong anh
qua nhanh, anh nói nhỏ mỏi mệt: “Thôi, đi thẳng đi”...
Từ phút ấy, một cơn mưa rây bắt đầu
xuất hiện, tôi muốn quay xe về lại căn nhà cô đơn
kinh khủng, nhưng tình yêu và nỗi nhớ bảo tôi cứ yên
lặng, bàng hoàng đi bên anh. Công việc luôn xen vào giữa
hai chúng tôi, anh chả thiết gì khác nếu công việc
công ty trục trặc. "Chuyện làng chuyện nước"
là chuyện ngàn năm, chuyện chúng tôi, ngắn một đời
người, sao anh cứ giày vò, cứ vô tình làm tôi phải bẽ
bàng, chán ngán.
Chẳng có một cuộc vui nào trọn vẹn,
tôi cố tìm một lần thôi, chỉ có nụ cười mà không
chan nước mắt khi ngồi hay đi bên anh. Nhưng thật khó,
cứ như định mệnh bảo rằng: Yêu anh, tôi phải uống
nước thật nhiều, ăn muối thật nhiều, để cho đời
nước mắt. Nếu đó là số phận thật, thì đành vậy
biết sao.
Rồi thì cũng đến được “Roma”, khu
vườn xưa vẫn vậy, chỉ có anh là nét mặt trở nên căng
thẳng hơn, mặc dầu đã rất cố để lấy lại sự bình
thản. Bỗng nhiên, tôi thương anh vô cùng. Đàn ông mà,
làm sao anh làm khác được.
Tôi bắt đầu nhớ lại toàn bộ những
gì đã xảy ra từ cái ngày đầu tiên cuộc đời mang
anh đến cho tôi. Anh là một nửa của tôi, là báu vật
vô giá mà trời đất ban phát cho tôi, để tôi không chỉ
giữ gìn mà còn hy sinh khi còn có thể. Tôi có trong sự
nghiệp của anh, trong khát khao dâng hiến của anh và cả
trong nỗi buồn, sự cam chịu của anh. ào lên lòng ân hận
về những gì đã buông, tôi muốn được tha thứ, được
yêu nhiều nhiều hơn nữa. Những cơn mưa bóng mây cứ
đến, cứ đi, để lại khu vườn quê sự quang đãng, tươi
nguyên sau mỗi lần chúng tôi ghé lại. Mưa bóng mây trở
thành tác nhân để yêu hơn, nhớ hơn và mãi mãi có nhau
trong những sớm mai, hai chúng tôi "siêu thoát" với
chốn vườn quê./.
Hà Nội, 24/3/2003
Thiều Hạnh Nguyên