Bắt
sấu rừng U Minh hạ
Nơi sông rạch, cá sấu là giống hung hăng
nhứt. Có điều đáng chú ý là chúng không thích những
chốn sông sâu nước chảy, có sóng gió. Chúng lên tận
ngọn cùng, tìm nơi yên tĩnh, chật hẹp. Vùng U Minh hạ,
sấu thường đi ngược sông Ông Ðốc, rạch Cái Tàu
vào giữa rừng tràm.
Tại sao vậy?
Tuy là thích ăn thịt người, loại sấu
vẫn tìm cá làm món ăn chánh. Rừng U Minh hạ thuộc về
loại trầm thủy (1)
cá sanh sôi nẩy nở rất nhanh chóng; lên đó tha hồ mà
ăn.
Ðến mùa nắng hạn rừng khô, sấu khỏi
phải trở về sông Cái. Trong rừng có sẵn nhiều ao, nhiều
lung (2),
sấu cứ gom vào đó mà lập căn cứ sanh con đẻ cháu, năm
này qua năm khác, cứ như vậy cho tới khi người Việt
Nam ta đổ tràn xuống rạch Cái Tàu mà lập nghiệp. Ban
đầu, họ ngỡ rằng sấu chỉ ở dưới sông, sau khi
câu được chừng năm mười con sấu ở ngọn rạch họ
đinh ninh cho là sấu đã giảm bớt... Mười phần chết
bảy còn ba. Mãi đến khi có người lên rừng ăn ong (3)
chạy về loan báo:
- Sấu ở giữa rừng nhiều như trái mù
u chín rụng!
So sánh như vậy, không phải là quá đáng!
Dân làng xúm nhau lên rừng để nhìn tận nơi. Cái ao lớn
ước một công đất, bên bờ, dưới nước, toàn là lau
sậy, dây cóc kèn (4).
Sấu nổi lên, chen vào những bức tranh mầu xanh ấy những
vệt đen chi chít: con thì nằm dài như chiếc xuồng lường
(5),
con thì dùng hai chân trước mà vạch sậy, ngóng mỏ xéo
lên trời như họng súng thần công đại bác. Biết có
loài người đến quan sát, chúng vẫn điềm nhiên sưởi
nắng, bắt cá. Duy có con sấu già trợn mắt hướng về
lũ người rồi bò thối lui vào giữa lòng ao, để thủ
thế. Dân làng nhìn nhau như ra lịnh rút lui. Nghi ngờ gì
nữa! Con sấu nọ có đốm đỏ ngay giữa tam tinh (6).
Nó là "sấu chúa" sống lâu đời, nhiều phen kịch
chiến với loài người. Khi ở trên cạn, sấu không nguy
hiểm bằng một con rắn hổ. Sấu chúa khôn lắm, nó
toan dụ địch thủ vào hang của nó nơi nước sâu. Trong
số người khi nãy, có kẻ cẩn thận mang theo mác thông
(7),
lao, ná lẫy, nhưng họ dư hiểu rằng mớ khí giới ấy
chỉ có hiệu lực đối với cọp, heo rừng. Ðằng này,
sấu lại là loài ở nước, ở bùn lầy. Chống xuồng
vào thì ao quá cạn, còn đi bộ xuống thì lún ngập gối.
Cái ao sấu ở ngọn rạch Cái Tàu đã bị
phát giác. Tin ấy đồn đãi lần lần, thấu đến tai
ông Năm Hên, người thợ già chuyên bắt sấu ở Kiên
Giang đạo (8),
tức là vùng Rạch Giá ngày nay. Ông bơi chiếc xuồng ba
lá nhỏ đến địa phận làng Khánh Lâm, ngọn rạch Cái
Tàu. Trong xuồng, có vỏn vẹn một lọng nhang trần (9)
và một hũ rượu.
Từ sớm
tới chiều, ông bơi xuồng tới lui theo rạch mà hát:
Hồn ở
đâu đây?
Hồn
ơi! Hồn hỡi!
Xa cây
xa cối,
Xa cội
xa nhành,
Ðầu
bãi cuối gành
Hùm tha,
sấu bắt
Bởi vì
thắt ngặt
Manh áo
chén cơm
U Minh đỏ
ngòm,
Rừng
chàm xanh biếc!
Ta thương
ta tiếc,
Lập đàn
giải oan...
Giọng nghe ảo não, rùng rợn. Dân làng
thấy chuyện kỳ lạ, xuống đứng dưới bến để nhìn
kỹ. Ðoán chừng ông lão nọ là người có kỳ tài, họ
mời ông lên nhà, làm thịt gà, mua rượu thết đãi.
Sau khi tự xưng danh tánh, ông bảo:
- Nghe đồn có ao sấu, tôi chẳng nệ
đường xa để tới xứ Khánh Lâm này...
- Té ra ông thợ câu sấu!
Ông Năm Hên lắc đầu:
- Thợ bắt sấu chớ không phải thợ
câu. Hai nghề đó khác nhau.
Câu thì dùng lưỡi sắt, móc mồi bằng
con vịt sống. Ðó là ở dưới nước. Ðằng này tôi
chuyên bắt sấu trên khô, không cần lưỡi.
- Vậy chớ ông bắt bằng gì?
- Tôi bắt bằng... hai tay không.
Ai nấy ngạc nhiên. Ông Năm Hên cười giòn:
- Bà con cô bác không tin sao?
Ai nấy nửa tin nửa nghi. Họ cố nhớ lại
cách bắt sấu của mấy người thợ nào đến giờ. Bắt
sấu bằng hai tay không quả là phi phàm, thế gian hi hữu.
Không lẽ ông Năm Hên này lại nói láo để lường gạt,
ổng nào đã mở miệng xin tiền bạc cơm gạo gì của
xóm này! Ai nấy nôn nao, thiếu điều muốn năn nỉ ông
đi bắt sấu tức thì để coi thử cách thức.
- Thưa ông, chừng nào ông ra nghề để
cho dân làng chúng tôi được mừng? Nếu cần tiếp giúp
chuyện chi, chúng tôi sẵn sàng. ở xóm này thiếu gì
trai lực lưỡng đã từng gài bẫy cọp, săn heo rừng.
Ông Năm Hên đáp:
- Sáng mai sớm, đi cũng không muộn. Tôi
cần một người dẫn đường đến ao cá sấu đó. Có vậy
thôi! Chừng một giờ đồng hồ sau là xong chuyện! Sấu
ở ao giữa rừng, tôi bắt nhiều lần rồi. Bà con cứ
tin tôi. Xưa nay, bị sấu bắt là người đi ghe xuồng hoặc
ngồi rửa chén dưới bến, có bao giờ sấu rượt người
ta giữa rừng mà ăn thịt? Tôi đây không tài giỏi gì hết,
chẳng qua là biết mưu mẹo chút ít, theo như người khác
thì họ nói đó là bùa phép để kiếm tiền. Nghề bắt
sấu có thể làm giàu được ngặt tôi không mang thứ
phú quới đó. Nói thiệt với bà con: cha mẹ tôi sanh ra
chỉ có hai anh em tụi tôi. Anh tôi xuống miệt Gò Quao
phá rừng lập rẫy hồi mười hai năm về trước. Sau
được tin cho hay: ảnh bị sấu ở Ngã ba Ðình bắt mất.
Tôi thề quyết trả thù cho anh. Cực lòng biết bao nhiêu
khi nghe ở miệt Rạch Giá, Cà Mau này có nhiều con rạch,
ngã ba, mang tên Ðầu Sấu, Lưng Sấu, Bàu Sấu, sau này hỏi
lại tôi mới biết đó là nơi ghê gớm, hồi xưa lúc đất
còn hoang. Rạch Cà Bơ He, đó là chỗ sấu lội nhiều,
người Miên sợ sấu không dám đi qua nên đặt tên như
vậy, cũng như phá Tam Giang, truông nhà Hồ của mình
ngoài Huế.
* *
Sáng hôm sau, ông Năm Hên đi lên ao sấu,
có Tư Hoạch một tay ăn ong rất rành địa thế vùng
Cái Tàu dẫn đường. Nhiều người nài nỉ xin đi theo.
Ông Năm Hên cản lại:
- Ði nhiều chộn rộn lắm. Tôi không giấu
nghề với bà con đâu. Có Tư Hoạch đi theo coi mà.
Ðã quá giờ ngọ.
Ngóng về phía ao sấu U Minh hạ, ai nấy
đều thấy một làn khói đen bốc lên. Ban đầu ngỡ là
cháy rừng, chập sau, khói lụn xuống. Trong lúc đó, bà
con xóm Cái Tàu lo nấu cơm, mua rượu đợi chiều làm tiệc
ăn mừng. Nhưng ngạc nhiên làm sao, trời về xế, lúc ai
nấy đang nghỉ trên nhà, bỗng nghe tiếng kêu réo từng
hồi:
- Bà con ơi! Ra coi sấu... Bốn mươi lăm
con còn sống nhăn.
Rõ ràng là giọng Tư Hoạch.
- Diệu kế ! Diệu kế! Tôi là Tư Hoạch
đi bắt sấu về đây. Bà con coi sấu lội có hàng dưới
sông mình nè! Một đời người mới có một lần.
Dưới sông, Tư Hoạch ngồi trên xuồng,
bơi nhè nhẹ như đi dạo mát.
Tiếp theo lái xuồng là một bầy sấu,
con này buộc nối đuôi con kia, đen ngòm như khúc cây
khô dài. Mỗi con sấu, hai chân sau thúc kê trên lưng, hai
chân trước tự do, quạt nước cầm chừng như tiếp sức
với Tư Hoạch để đẩy chiếc bè quái dị kia đi nhẹ
nhàng. Thực tế hay là chiêm bao? Người thì đứng há miệng
sửng sốt rồi toan chạy vào nhà trốn. Người khác khấn
vái lâm râm, e nay mai xóm này bị trừng phạt của quỷ
thần. Vài người dạn hơn, bơi xuồng ra giữa sông,
nhìn bầy sấu nọ cho tỏ rõ rồi rước Tư Hoạch vào bờ
hỏi han rối rít.
Ðại khái Tư Hoạch trình bày:
- Tới ao sấu, ông Năm Hên đi vòng quanh
dòm địa thế rồi ngồi xuống uống một chung rượu. Kế
đó ổng với tôi lấy xuổng
(10) đào
một đường nhỏ, ngày một cạn, từ ao lên rừng chừng
mười thước. Xong xuôi, ông biểu tôi bứt cho ổng một
nắm dây cóc kèn. Phần ổng thì lo đốn một đống cây
mốp tươi (11),
chặt ra khúc chừng ba tấc.
Lửa châm vô sậy đế, cóc kèn xung
quanh, bắt cháy xuống đám sậy đế trong ao. Chập sau, bị
khói bay cay mắt, ngộp thở, phần thì nước sôi nóng, sấu
bò lên rừng theo con đường đào sẵn hồi nãy. Tức thời,
ông Năm Hên chạy lại. Sấu há miệng hung hăng đòi táp
ổng. ổng đút vô miệng sấu một khúc mốp. Sấu táp lại,
dính chặt hai hàm răng: như mình ngậm một cục mạch
nha quá lớn, muốn há miệng cho rộng để nhả ra cũng
không được. Sau khi bị khúc mốp khóa miệng, còn cái
đuôi đập qua đập lại. Ông Năm Hên xách cây mác nhắm
ngay sau lưng sấu mà xắn nhè nhẹ để cắt gân đuôi.
Ðuôi sấu bị liệt. Thế là mình yên trí, lấy dây cóc
kèn trói thúc ké hai chân sau của nó lại, chừa hai chân
trước để nó bơi tiếp với mình.
- Thực là bực thánh của xứ này rồi!
Mưu kế như vậy thực quá cao cường. ổng đâu rồi?
Sao không thấy ổng về? Xóm mình nhất định đền ơn
ổng một số tiền, nuôi ổng cho tới già, ở xóm này.
Bà con tính sao?
Tư Hoạch nói:
- Mà quên! ổng biểu tôi về trước cho
bà con coi thử. Phần ổng mắc ở lại cúng "đất
đai vương trạch"
(12) rồi
đi bộ về sau.
Chưa dứt lời, bên sông nghe tiếng hát của
ông Năm Hên, ngày một rõ:
Hồn ở
đâu đây?
Hồn
ơi! Hồn hỡi!
Xa cây
xa cối,
Xa cội
xa nhành,
Ðầu
bãi cuối gành,
Hùm tha,
sấu bắt,
Bởi vì
thắt ngặt,
Manh áo
chén cơm,
U Minh đỏ
ngòm,
Rừng
tràm xanh biếc!
Ta thương
ta tiếc,
Lập đàn
giải oan...
Tiếng như khóc lóc, nài nỉ. Tiếng như
phẫn nộ, bi ai. Ghê rợn nhứt là khi thấy ông đi ra khỏi
mé rừng, áo rách vai, tóc rối nùi, mắt đỏ ngầu, bó
nhang cháy đỏ quơ qua quơ lại trên tay.
- Coi tướng của ổng ghê như tướng thầy
pháp! Một người thốt lên như vậy.
Nhưng có tiếng khóc sụt sùi đâu đây.
Ðó là vài cụ già, bà lão chạnh nhớ đến tổ tiên,
đến bạn bè của mình, biết đâu trên bước đường
sanh nhai giữa chốn nước đỏ rừng xanh, có thân nhân của
họ đã bỏ thân vì đàn sấu này. Bó nhang đang cháy kia
có giải oan được cái chết của họ không chớ?./.
Sơn Nam
(1).
Trầm thủy: Loại đất thấp ngậm nước.
(2).
Lung: đầm nhỏ, sình lầy cạn.
(3).
n ong: lấy mật ong trong rừng.
(4).
Dây cóc kèn: loại cây dây leo ở rừng nước mặn
bền chắc, dùng để trói buộc rất tốt.
(5).
Xuồng lường: xuồng được làm bằng một cây
đục thành (xuồng độc mộc).
(6).
Tam tinh: điểm ở trán, giữa hai mắt.
(7).
Mác thông: mác có cán dài.
(8).
Kiên Giang đạo: đạo là đơn vị hành chính thời
xưa tương đương một châu, một quận.
(9).
Lọn nhang trần: bó (lọn) nhưng không có bao (trần).
Nhà nghèo dùng loại nhang này, vì rẻ tiền.
(10).
Xuổng: thuổng (dụng cụ để đào đất).
(11).
Mốp tươi: loại cây như cây vông, gỗ xốp, dẻo,
có thể làm nút chai hay cốt mũ. Cá sấu ngậm phải
khúc gỗ mốp, hai hàm răng dính chặt không há miệng ra
được nữa.
(12).
Cúng "đất đai vương trạch": cúng thần cai
quản đất đai (vương trạch, thực ra là viên
trạch, nghĩa là vườn đất, dân gian nói trệch ra
là vương trạch).
|