Hàng năm, cứ vào ngày mồng bảy tháng Giêng âm lịch
là cả làng D.T nhộn nhịp hẳn lên. Cái nhộn nhịp ấy
còn lan sang những làng lân cận. Vào ngày ấy, từ sáng
sớm, người ta í ới gọi nhau đi chợ, đến trưa thì
nhà nào trên bàn thờ tổ tiên cũng có một mâm cỗ với
những que hương trầm nghi ngút khói. Trong khi lũ trẻ hoặc
đám thanh niên mới lớn vô tư cười nói bên cạnh, những
người già đứng chắp tay trước bàn thờ, cúi đầu lầm
rầm cầu khấn điều gì chỉ mình họ biết. Cuối cùng
mâm cỗ được hạ xuống, một lần nữa, khi cánh trẻ
ăn uống vui vẻ, những người già - thường ngồi riêng
với nhau ở mâm trên, - vừa nhấm nháp uống rượu, vừa
khe khẽ nhắc lại những gì đã xẩy ra vào cái ngày khủng
khiếp ấy...
Đó là ngày mồng bảy tháng Giêng âm lịch năm 1954,
nghĩa là lâu, lâu lắm rồi, đến mức bây giờ nhớ lại,
người ta không khỏi không mâu thuẫn với nhau về chi tiết,
thậm chí cả những chi tiết quan trọng. Mỗi người kể
một cách, tất nhiên, ai cũng cho mình đúng. Đại khái sự
việc xẩy ra thế này.
Vào độ năm giờ sáng cái ngày khủng khiếp ấy, một
chiếc máy bay khu trục Pháp bất ngờ từ phía biển bay
vào, ném một loạt năm quả bom xuống D.T. lúc ấy hẵng
còn là một làng nhỏ nhà cửa đứng sát sít bên nhau.
Chiếc máy bay ấy còn lượn thêm hai vòng nữa, sau mỗi
vòng lượn nó lại chúc xuống ném những loạt bom dài
và chính xác như trước. Rồi vút lên, nó bay mất hút về
phía biển.
Sau đấy là một nỗi kinh hoàng thật sự. Làng D.T nằm
dài thành một vệt, bị ba lần ném bom trúng ngay vào ba
phần đầu, giữa và cuối, thành ra cả làng, hầu như
không còn ngôi nhà nào nguyên ven. Số người chết lại
càng khủng khiếp hơn, vì lúc ấy còn sớm, hoặc người
ta ngủ chưa dậy, hoặc dậy rồi nhưng chưa đi đâu khỏi
làng. Có người bảo chết hai trăm, có người bảo ba,
cũng có người nói nhiều hơn. Còn việc vì sao làng D.T.
bị ném bom chứ không phải làng nào khác, mà lại một
cách dã man, mang tính hủy diệt như thế, trong khi suốt
một thời gian dài trước đấy cả huyện Diễn Châu rộng
lớn chưa bị ném bom lần nào, thì không ai hiểu nổi, mặc
dù người ta đã đưa ra nhiều giả thiết khác nhau.
Từ đấy hàng năm đúng ngày mồng bảy tháng Giêng
âm lịch là cả làng D.T nhà nào cũng có giỗ. Kèm theo
giỗ là những câu chuyện rôm rả, những hồi tưởng
đau buồn, những tiếng khóc...
2
Năm nay về D.T dự "giỗ làng" có thêm một người.
Người ấy lập tức thu hút sự chú ý của dân làng. Đó
là một ông già khoảng 65 tuổi, tóc bạc trắng, da dẻ
trông hồng hào nhưng hình như không được khỏe lắm, vì
ông phải dùng gậy để đi lại. Ông về làng trước ngày
có giỗ hai hôm, tức là vào ngày mồng năm tháng Giêng.
Không ai nhận ra ông, có lẽ ông cũng chẳng nhận ra ai
quen trong làng, ít ra vào những phút đầu. Ông nói tên
những người ông muốn gặp, người ta lắc đầu không
biết. Ông phải tìm hỏi người cùng tuổi, tự giới
thiệc mình là ai, từ đâu tới, vân vân, lúc ấy người
ta mới đồng thanh "ồ", "à" cả lên.
Thì ra ông già là dân làng này, có điều ông đã xa
nó hơn bốn mươi năm, và nay, sau bốn mươi năm dài ấy,
ông mới trở lại thăm làng lần đầu. Không phải
không muốn, ông nói, mà vì ông ở xa, rất xa, tận bên
nước Thụy Sĩ hay gì gì ấy ở châu Âu. Còn những người
ông hỏi gặp thì thuộc gia đình một địa chủ lớn ngày
xưa ở vùng này. Có điều bây giờ cái gia đình ấy chẳng
còn ai, trừ bà Sen, một bà già đơn độc sống cuối làng.
- Chết hết rồi, - người ta thở dài bảo ông. - Chết
vào cái ngày khủng khiếp ấy. Máy bay ném bom... ông biết
chứ? - Rồi như để an ủi, người ta ái ngại nhìn
ông, nói thêm: - Không riêng gì gia đình nhà bác, mà cả
làng, nhiều lắm...
- Có, tôi có nghe nói, - ông già lặng lẽ lấy khăn mù-xoa
lau lau đôi mắt hoe đỏ vì xúc động. - Cũng vì thế
mà tôi về đây xem thực hư thế nào. Kinh khủng quá! Trời!
Kinh khủng quá...
Ông già lại lấy khăn chấm chấm vào mặt. Giọng
ông run run. Đôi tay khô và nhăn nheo của ông cũng run
run. Một chốc sau lũ trẻ dẫn ông chống gậy chậm chạp
đi về phía nhà bà Sen.
Đêm hôm ấy, dĩ nhiên ông và bà Sen thức, trò chuyện
với nhau rất lâu.
- Trời, bác ánh, không lẽ bác còn sống đấy à? -
Bà Sen kêu lên khi nhận ra khách là ai. Bà và ông là con
chú con bác với nhau, tuy ít hơn ông mấy tuổi, bà có vẻ
già yếu hơn. - Chừng ấy năm bác ở đâu? Sống thế
nào?
Không chờ khách trả lời, bà vội bỏ đi lấy ghế,
múc nước. Còn ông già thì cố tỏ ra bình tĩnh. Ông
thong thả đưa cả hai tay bê bát nước chè vối nguội
lên tận miệng, rồi cũng thong thả như thế, ông uống
từng ngụm nhỏ cho đến hết bát nước, trong khi bà Sen
ngồi đối diện, vừa tò mò quan sát, vừa kiên nhẫn chờ
nghe ông nói.
- Bà biết rồi đấy. Năm bốn mươi, tôi ra Hà Nội học.
Rồi sang Pháp. Rồi lại về nước, làm cái thằng lính.
Đến năm năm tư thì tôi theo người Pháp rời Việt Nam,
sang sống với bố mẹ ở nước ngoài. Ờ, mà hai cụ chết
đã lâu, hai mươi năm rồi. Còn tôi vẫn sống một
mình, không vợ con, những tưởng chẳng bao giờ được
thăm lại quê cũ, thế mà tôi vẫn lần được về. Tôi
muốn biết...
- Vâng, - đoán hiểu ý ông, bà Sen vội tiếp lời, -
ngày kia là giỗ làng rồi. Cả làng, cậu ạ, - những
hai ba trăm người chết chứ đâu ít...
- Nhiều thế cơ à? - Ông Ánh khẽ hỏi.
- Vâng, thật khủng khiếp! Tờ mờ sáng, bác ạ. Một
chiếc máy bay... ôi! - Bà Sen thở dài, rồi ngồi im, rơm
rớm nước mắt.
- Hai cụ nhà cô cũng chết lần ấy?
- Vâng, cả chồng và con trai tôi nữa. Một quả bom rơi
trúng nhà. May tôi lúc ấy ra vườn hái rau chuẩn bị
làm cơm sáng nên mới thoát.
- Còn gia đình bác Vị ? (Bác Vị là anh trai cả của
bố mẹ ông ánh, bà Sen).
- Cũng thế. Có điều bác gái bị thương, phải nửa
năm sau mới chết được.
- Còn chú Xuân?
- Chú Xuân lúc ấy không ở nhà. Chú ấy trốn đi bộ
đội từ hai năm trước, sau này hy sinh ở Điện Biên.
Bác thấy đấy, làng xóm nhà nào cũng bị, không người
này thì người nọ. Ngày kia giỗ, rồi bác xem.
Ông Ánh không hỏi gì thêm. Ông cúi đầu ngồi im, hai
tay ôm mái tóc bạc. Ngoài sân, trời đã tối từ lâu.
Trong ánh sáng đỏ nhờ của chiếc đèn dầu ma-dút, bà
thấy ở khóe mắt ông có hai giọt nước lấp lánh đang
mỗi lúc một to dần. Bà cũng ngồi im thẫn thờ, cho đến
lúc bất chợt vụt đứng dậy vì sực nhớ phải làm cơm
cho khách.
Đêm ấy hai người còn ngồi nói với nhau nhiều chuyện,
nhưng như đã hẹn trước, ai cũng cố không nhắc tới
đề tài lúc nãy.
Rồi cáo mệt, ông ánh lên giường. Từ buồng trong, bà
Sen nghe rõ tiếng ông nằm trăn trở mãi, cho đến khi bà
thiếp đi lúc nào không biết.
Hôm sau, tức là ngày mồng sáu, ánh nhờ bà Sen dẫn
ra thăm mộ những người bị bom chết trong cái ngày xa xưa
ấy. Đến nơi, ông bảo bà đi về để ông ở lại một
mình. Tuy không hiểu ý ông muốn làm gì, bà Sen chẳng hỏi,
lẳng lặng ra về.
Nghĩa địa Gia Quán nằm trên mé đồi thoai thoải bao
quanh bởi những bụi gai còi cọc thấp tè. Mộ được xếp
thành từng hàng dài, mỗi họ một khu, chiếc này dính
liền chiếc kia như một luống khoai lớn, phía trên nổi
lên những mô đất nhỏ để đánh dấu từng chiếc. Phần
bị mưa xói, phần do trâu bò xéo, nhiều chiếc sụt lở,
méo mó. Đất cằn, cỏ không mọc nổi, không bóng cây,
không lăng bia, mộ chí. Nói chung quang cảnh khá tiêu điều
và ảm đạm.
Ông ánh thận trọng chống gậy đi đến trước hàng
mộ người thân của ông bà Sen vừa chỉ. Tay cầm hộp
diêm, run run, ông bật lửa châm mấy bó hương mang theo,
cắm xuống đấy năm que. Số còn lại ông chia đều cho
tất cả những hàng mộ bên cạnh. Sau đó, ông chọn một
hòn đá phẳng, ngồi xuống, hồi lâu thờ thẫn nhìn một
điểm nào đấy trước mặt...
Tối đến, ông chống gậy đi hết nhà này sang nhà
khác. Đến đâu ông cũng gợi để chủ nhà nói về cái
sự kiện khủng khiếp kia đã xảy ra cách đây mấy mươi
năm. Còn ông, ông chỉ im lặng ngồi nghe, thỉnh thoảng
mới thêm đôi lời cốt giữ cho câu chuyện khỏi bị ngắt
quãng.
Ai cũng ái ngại cho ông già sau chừng ấy năm xa cách
nay trở lại quê hương, phải nghe những chuyện buồn
như vậy.
3
Rạng sáng ngày mồng bảy, khi mặt trời chưa lên và
sương mù còn dầy đặc, có một bà gánh rau cải xuống
chợ bán sớm. Đến cây đa cụt cuối làng, vì mải
nhìn xuống đường để tránh những vũng nước đọng lại
sau cơn mưa, bà bỗng thấy đầu mình va phải cái gì đấy
khô cứng.
Bà ngước nhìn lên, kêu to một tiếng vì ngạc nhiên
và sợ hãi, rồi vứt gánh, ù té chạy trở lại. Chưa
đầy mười lăm phút sau, có lẽ phải một phần ba dân
làng D.T. đã có mặt. Mọi người đứng quanh cây đa cụt,
sững sờ nhìn cảnh tượng trước mặt.
Trên cành cây choãi ra phía mặt đường, có một người
treo cổ chết, xác lủng lẳng, mồm há hốc, đầu ngoẹo
sang một bên, mớ tóc bạc lòa xòa dính bết vào trán -
có thể vì mồ hôi, cũng có thẻ vì sương ướt.
Người đó là ông ánh. Chiếc gậy của ông để tựa
gốc cây. Trên gậy là chiếc mũ dạ với một tờ giấy
được gấp tư cẩn thận, to bằng lòng bàn tay. Theo yêu
cầu của mọi người, một thanh niên rón rén lại gần
gốc đa, cầm tờ giấy lên, đọc to:
"Thưa bà con dân làng,
Chính tôi là người lái máy bay ném bom làng ta ba mươi
năm về trước. Tôi đã xin cấp trên được làm điều
đó, vì nghe tin gia đình tôi bị Cộng Sản cướp hết
ruộng đất và nhà cửa, chia cho dân nghèo. Lúc ấy tôi
còn trẻ và nông nổi. Tôi thèm khát trả thù, lại sẵn
bom đạn trong tay, thế là tôi đã gây nên tội ác khủng
khiếp kia, cái mà từ ngày ấy cho đến nay không để
lương tâm tôi thanh thản một phút nào. Tôi đã phạm một
sai lầm không cứu vãn nổi, là tách rời khái niệm
"Cộng Sản" khỏi khái niệm quê hương làng nước...
Bây giờ đã bốn giờ hai mươi phút, nghĩa là tôi
còn phải chờ thêm mười phút nữa để tự kết liễu
đời mình. Thực ra, tôi xem tôi đã chết vào đúng cài
giờ phút ấy cách đây ba mươi năm, khi tôi bấm nút
ném quả bom đầu tiên xuống khu làng đã sinh và nuôi
tôi lớn.
Tôi chẳng dám xin được bà con tha thứ cho tôi, một
đứa con tội lỗi sau bao nhiều năm lưu lạc, nay trở về
quê cũ để tự đền tội. Trong túi tôi hiện còn ít tiền,
nếu được, nhờ bà con cho thuê người chôn tôi ở nghĩa
địa Gia Quán, cạnh những người tôi đã giết.
Nguyễn Văn
Ánh”
Diễn
Châu - Hà Nội, 1984
Thái Bá
Tân