Tiếng sáo

Qua khỏi cầu Lùng, trời nóng gay gắt, nhựa đường mềm ra kêu rào rạo dưới bánh xe, nắng làm cho tất cả mù mù như khói. Tôi gặp một người đàn ông chống gậy đi bộ cùng chiều với tôi trong buổi trưa khắc nghiệt miền cao này. Ông ta mặc bộ quần áo bộ đội cũ chống gậy, mang cái bị vải xẹp lép, hình như mang ba lô con cóc chỉ là thói quen chứ không phải để đựng hành lý gì. Khi xe tôi chạy qua, ông ngước lên nhìn, một ánh mắt đục lờ của người lớn tuổi. Tôi hơi giảm ga, chiếc xe chậm lại, người đàn ông chỉ hơi tỏ ý ngạc nhiên, chậm chân lại. Tôi lưỡng lự một giây rồi lại rồ ga phóng thẳng. Khi qua ông tôi không quay nhìn lại nhưng tôi chắc người bộ hành này oán tôi, xe trống sao tôi không cho người ta đi nhờ. Qua khỏi người ấy rồi tôi ân hận biết bao! Xưa nay tôi không phải là người xấu, người ích kỷ kia mà. Phải chi ông ta đưa tay ra, hay làm một cử chỉ gì đó tôi sẽ dừng lại ngay.

Thời tiết khắc nghiệt quá. Mới chạy có một đoạn mà máy xe nóng quá, gót chân tôi vô tình chạm lốc máy thấy như chạm khối lửa. Như thế này phải tìm chỗ đỗ lại cho máy xe bớt nóng mới có thể đi tiếp. Nhưng đoạn đường này trống vắng quá, hai bên đường toàn là đồi tranh, đồi tranh thoai thoải trải dài như vô tận. Thỉnh thoảng mới gặp bụi rậm, cây cối nhỏ, và nhiều nhất là những vạt rừng hướng dương dại mà người thành phố thường gọi là dã quỳ, cây thấp quá chẳng có bóng mát cho người và xe. Chạy một đoạn nữa, may quá, bên đường có một cây cao, một cây bằng lăng đứng lẻ loi, không phải loại bằng lăng trong thơ văn, đây là cây bằng lăng núi thực sự, một cây thân mộc to và cao. Thân cây to tròn, khá thẳng, phần gần đất chia thành mấy múi như quả khế. Cây rất cao, những chiếc lá nhỏ thưa thớt lao xao trong nắng tạo nên cái bóng mát mỏng manh chập chờn rung rinh trên đám cỏ bên lề đường. Tôi nghĩ, được như thế này đã là may, thôi kệ, miễn dừng lại cho máy nghỉ và nhờ gió làm cho mát máy.

Tôi nghiêng người nhìn về cuối con đường mình đã qua. Xuyên qua những lá cỏ phất phớt, con đường vừa đi qua lượn mềm mại theo viền đồi tranh, tất cả mờ nhạt rung rinh trong nắng trưa, lấp lóa có bóng một con người. Một bóng người huyền ảo xiêu vẹo chập chờn. Đến gần hơn ấy là người đàn ông tôi đã gặp trên đường. Ông ta vẫn bước trên lề phải, tôi không ngờ người ấy đi nhanh đến thế. Chừng mười lăm phút sau, người đàn ông đến gần hơn. Bây giờ tôi thấy như đã quen với ông, tôi mời: “Ngồi lại nghỉ một chốc đã rồi ông đi đến đâu tôi chở”. Ông dừng lại, lấy nón ra quạt, lấy khăn lau mồ hôi, ngồi bệt xuống cỏ, đưa mắt nhìn chung quanh như tìm kiếm. Hình như quang cảnh nơi đây đều có vẻ quen thuộc với ông. Ông nói:

- Cảm ơn anh bạn. Tôi đã đến rồi.

Tôi ngạc nhiên và thầm hổ thẹn. Hay ông ta có ý ngầm trách mình lúc trước không chở giùm, nay đã đến, còn đòi làm ơn. Ông tháo chiếc ba lô ra đặt một bên, đứng lên vươn vai. Ông lôi trong ba lô ra cái bi đông nước, thứ bằng nhựa xanh của quân đội, bên ngoài có bọc làn vải dày. Ông đưa nước mời tôi, tôi đang khát không từ chối. Trong khi tôi uống nước thì người đàn ông ì ạch dỡ một phiến đá lên, tôi ngạc nhiên không biết ông ta làm gì. Ông lôi từ bên dưới ra một vật tròn và dài được quấn rất kỹ trong nhiều lớp nilông buộc dây cẩn thận.

Ông thủng thẳng mở lớp ni lông ra, tôi thấy cái vật ông ấy giấu dưới hòn đá là một cái ống sáo. Không phải ống sáo trúc, đấy là chiếc ống sáo sáu lỗ bằng nhôm. Chất nhôm đuya – ra cứng và không bị ôxy hóa vẫn còn giữ mầu sáng bạc. Ông nói: Chôn giấu cả năm, chỉ quấn sơ sơ thế này, không dầu mỡ gì cả mà không bị gỉ sét, chất nhôm tốt thiệt. Ông uống nước xong, không nói với tôi một lời, đứng lên cầm ống sáo đi về hướng đồi tranh. Tôi hỏi ông đi đâu? Ông nói, giọng bí mật:

- Vào đây có chút việc…

Tôi ngạc nhiên, việc gì nơi chốn hoang vu này? Một lúc sau tôi ngửi thấy mùi khói hương trong gió. Và lẫn trong tiếng gió, tiếng suối xa, có tiếng sáo, tiếng sáo véo von, nghe rất giống khúc sáo trong tiết mục ngâm thơ Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi không ngờ người đàn ông khắc khổ kia lại có khúc sáo não lòng đến thế. Và cái việc ông nói là vào nơi đồi tranh hoang vu này thắp hương cho người nào và thổi sáo. Một loại công việc lạ lùng, để làm công việc đó ông đã phải lặn lội trên đường trường nắng gió xa xôi. Tiếng sáo xua đuổi cái nóng, làm cho buổi trưa trở nên mát rượi.

* * *

Người đàn ông kể, năm 72, tôi lúc ấy là một thanh niên cũng đang ở chỗ này, ông đưa tay ra làm dấu chỉ một vùng đồi tranh rộng lớn. Chúng tôi đánh nhau với địch từ biển đánh lên đến núi. Đây là cơ hội thử thách đầu tiên giữa binh chủng tăng của quân giải phóng và tăng của quân ngụy. Đơn vị tăng đầu tiên từ miền Bắc vào quần nhau với các thiết đoàn kỵ binh 19 từ Bồng Sơn Bình Định, rượt đuổi nhau trên con đường 19, qua đèo An Khê, một cái đèo hiểm trở là chiến tích cũ từ hồi kháng Pháp. Chúng tôi vừa đặt xích sắt lên được cao nguyên đụng địch ngay ở Đức Cơ, Tu Mơ Rông… Sau đó chúng tôi tập kết lên bắc Kon Tum, ở đây chúng tôi đụng độ với thiết đoàn 3 kỵ binh của địch, gồm hàng trăm xe thiết giáp, là xe bọc sắt chạy bằng bánh cao su, rất cơ động, gọi là xe V 100. Và những chiếc xe lội nước M113, trông như cái hộp quẹt sơn đen, láng mà B40 của ta phải bắn thẳng góc, nếu xiên sẽ trượt. Lần đầu tiên các chiếc tăng T54, chiến xa loại trung, trang bị hỏa lực nhẹ, đụng độ với M48, M72 tăng hạng nặng hiện đại của Mỹ, điều khiển và bắn bằng điện, thuộc Thiết đoàn chiến xa 21. Chúng tôi đánh nhau trong một vùng rộng lớn gồm nhiều loại địa hình thời tiết rất phức tạp ở các tỉnh vùng cao Kon Tum, Pleiku, Phú Bổn, Đác Lắc, Quảng Đức... Phải nói về hỏa lực địch mạnh hơn ta rất nhiều. Tăng T54 đem ra so sánh chưa bằng thứ chiến xa hạng ba của địch lúc ấy là M42.

Tháng ba năm đó nóng và khô lắm, người chết buổi sáng buổi chiều đã trở mùi, ruồi bu đầy. Chiếc xe số 702 của tôi đi sau cùng trong đội hình. Xe chúng tôi băng qua không biết bao nhiêu đồi tranh, xích sắt càn lên nhiều khu rừng vàng rực hoa hướng dương dại, đến đây (ông đưa tay chỉ sườn dốc) thì đứt xích. Lúc này trên xe chỉ có hai người. Tôi lái, bạn rất thân của tôi là Hoàng Trọng Lưu xạ thủ đại liên. Đối với xe tăng đứt xích là chuyện thường, và ráp lại xích cũng là điều dễ. Thế nhưng bây giờ việc lại khó khăn vô cùng. Sợi xích sắt gồm mấy chục mắt mà mỗi mắt xích nặng hàng chục cân, văng ra nằm cong queo một đống cách sau xe mười mấy thước. Việc đầu tiên là hai đứa phải leo xuống xe lật ngửa nó, và ra sức kéo thẳng đặt nằm theo đường thẳng. Tôi leo lên chiếc xe đứt một bên xích lái. Lưu ở dưới đất ra dấu cho tôi lui lại từ từ, cho hàng bánh sắt chạy trên đoạn xích đứt, sao cho những chiếc răng khớp với lỗ móc. Không lái xe nào một mình làm được việc này nếu không có người đứng dưới đất hướng dẫn từng ly từng tí. Xe tăng lái bằng càng, đi tới đã khó, lui càng khó hơn, trường hợp này lại phải lui và điều chỉnh từng xăng-ti-mét. Thành thử ra mặt trận lính tăng rất sợ đứt xích. Địch cũng thường bắn sao cho xe ta đứt xích. Thế nhưng chúng tôi đã được huấn luyện rất kỹ, thực tập nhiều lần. Ở trường có thầy có anh em, mặt đất bằng, tương đối dễ. Ở đây khó lắm, đất lởm chởm, nghiêng, chung quanh không có ai, sợ địch, sợ bị đơn vị bỏ xa. Tuy vậy tôi cũng đã lùi xe đúng. Lưu vừa hướng dẫn vừa sửa chữa. Cuối cùng cả vòng xích đã quấn khớp vào xe. Chỉ còn một việc cuối cùng là nối. Thế nhưng tai họa lớn lúc này mới xuất hiện. Cây chốt cũ đã gãy, chốt mới, thường ngày bỏ lăn lóc trong xe, bây giờ hữu sự kiếm không có. Không còn cách nào hơn, chúng tôi phải bỏ xe, đi bộ tìm đồng đội lấy cái chốt khác sửa chữa xe mình.

Chúng tôi rời xe lúc đó đã hơn ba giờ chiều, nhắm chừng hướng bắc đi lên, hy vọng nếu đi bộ suốt đêm sáng hôm sau thế nào cũng gặp lại đơn vị. Lúc này hoàng hôn tràn ngập núi đồi. Chúng tôi băng rừng một đoạn xa, dừng lại ngủ trên đồi tranh, cạnh hòn đá kia. Đi ban đêm trong vùng lạ chưa biết nguy hiểm lắm, có cơ sa vào tay địch.

Lưu là cây văn nghệ, lúc nào và hoàn cảnh nào hắn cũng ca hát được. Hắn hát, và làm thơ hay lắm. Chúng tôi chuẩn bị chỗ ngủ xong hắn kéo tôi lại hòn đá này, hai đứa leo lên trên mỏm ngồi ngắm cảnh rừng chiều, bụng dạ đứa nào cũng nao nao nhớ nhà, lo cho hiện tại bị lạc đơn vị. Thấy tôi buồn, hắn đọc cho tôi nghe bài thơ mới nhất, làm trong lúc di chuyển trên con đường 14.

Lưu có giọng ngâm thơ trong trẻo, nghe như con gái. Đang ngâm hắn nhớ ra, chợt dừng lại hối tôi: "Cậu thổi sáo đệm cho tớ đi". Tôi lục ba-lô lấy cái ống sáo nhôm này. Hồi trước tôi dùng sáo trúc, sáo trúc thổi hay hơn, nhưng dễ bể, sau này lượm được cái ống nhôm, tôi làm ra cái ống sáo nhôm này. Tôi thổi sáo đệm cho cu cậu ngâm thơ. Tôi nghe đài học được mấy khúc sáo ngâm thơ, gọi là sáo tao đàn mà anh vừa nghe lúc nãy.

Đang ngâm bỗng hắn dừng, nói: "Này!". Tôi hỏi:

- Gì?

- Sau này...

Hắn ngập ngừng một lúc mới chịu nói tiếp:

- Sau này hòa bình rồi, tớ với cậu dù sinh sống nơi đâu, cuộc đời có lên xuống ra sao, mỗi năm cũng hẹn nhau lên Tây Nguyên một lần, đến vùng này, tìm cho ra hòn đá, leo lên ngồi, ngâm thơ thổi sáo, hồi tưởng lại buổi chiều hôm nay. Nhé?

Tôi nói: "Trong chiến tranh, ai biết sống còn ra sao, nói trước sao được?. Hắn nói: "Hy sinh cả thì thôi, còn sống đứa nào cũng cứ đến hòn đá này mà tưởng nhớ đến đứa kia, nhớ lại một thời trẻ trung hào hùng. Tao sẽ ngâm bài thơ mới nhất cho mày nghe, còn mày thổi sáo khúc sáo tao đàn, đồng ý chớ?". Tôi gật đầu.

Sáng hôm sau chúng tôi lên đường. Xa xa có tiếng súng. Hình như có đánh nhau, chúng tôi mừng lắm. Có đánh nhau, có tiếng súng nghĩa là có phe ta. Chúng tôi lần mò ra đường 14 đến gần chiếc cầu gãy bắc qua con suối khô lớn. Chúng tôi núp trong tranh nhìn thấy một chiếc xe M113 phun lửa, thứ mà chúng gọi là hỏa long (rồng lửa) chuyên phun lửa diệt bộ binh núp trong bụi cây rậm hay trong công sự mở. Chiếc xe đứng bên này con suối phun vòi lửa dài như lưỡi lửa rắn độc qua bên kia suối đốt một ổ đại liên của ta. Lưu từ chỗ nấp vùng lên cầm B40 xông thẳng tới. Bọn rồng lửa chồm ra khỏi pháo tháp la chí chóe, Lưu vẫn chạy, chỉ cách chiếc M113 chừng năm mét nện cho con rồng lửa một phát ngay chính diện. Con rồng lửa trúng viên đạn lõm xuyên phá nóng trên ba nghìn độ, viên đạn lọt qua tấm gương dày cả tấc nổ cái "bịch" ở trong lòng xe, khói và tiếng kêu gào phun ra từ những chỗ hở, cả bọn trong xe thành heo quay. Chiếc xe địch vẫn còn trớn lao tới cán lên người Lưu. Trong một chớp mắt cảnh tượng diễn ra không thể tin nổi. Lưu, một nhà thơ, một anh con trai ốm yếu, trắng trẻo mềm mỏng như con gái thế mà trong cái gọi là "giây phút lạ thường" ấy, toàn thân bị đốt cháy như một cây đuốc, bị chiếc xe hơn chục tấn cán lên lướt qua, vẫn còn ngóc lên làm một cử chỉ giống như giục đồng đội tiến tới rồi mới gục xuống. Chiếc M113 chạy thêm mấy thước nữa rơi xuống con suối, nơi có chiếc cầu gãy. Mấy ngày sau tôi tìm được đơn vị.

* * *

Người đàn ông kể đến đây, vén tay áo xem đồng hồ. Ông nói, hằng năm cứ đến ngày 27-7, ngày thương binh liệt sĩ, tôi đến đây thổi sáo, việc này đã thành thói quen nhiều năm nay rồi. Tôi luôn luôn thổi khúc sáo theo điệu tao đàn ngày xưa đệm cho Lưu ngâm thơ. Thổi xong tôi lại chỗ này cất ống sáo dưới phiến đá. Tôi không đem ống sáo theo mình vì tôi đã thề không thổi sáo cho ai nghe nữa.

Ông ngập ngừng một lúc rồi nhìn tôi hỏi:

- Lúc nãy ông có nghe tiếng ngâm thơ không? Giọng ngâm rất trong, ở xa mấy nghe cũng rõ./.

Quý Thể

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected] 

Tổng Biên tập: Đinh Thế Lộc