Mụ đầm vợ tên quan ba Rémy Gressier chủ
đồn điền, xếp đồn Bảy Ngàn bị bắt làm tù binh
không tự đi xuống lầu được vì cầu thang đã bị sập.
Chính trị viên đại đội Phương bèn gọi Ru bảo đứng
phía dưới đưa tay đỡ khi anh đặc công cõng mụ ta tuột
xuống.
Ru chấp hành lệnh. Sau khi nhận cái thân
hình béo nhậy mềm nhũn ấy từ lưng anh đặc công và đặt
xuống đất. Ru nghe mụ líu lo gì đó tỏ vẻ cảm ơn.
Anh lính mới thoát nạn mù chữ từ sau khi
vào bộ đội làm sao nghe được tiếng Tây xa lạ ấy!
- Méc xà lù! Xức nước gì thơm quá!
Ru buột miệng đáp lời mụ như thế. Rồi
lao đi khuân chiến lợi phẩm. Anh trở lên lầu, vác thùng
đạn lên, thùng đạn nặng lắm, trĩu cả vai. Khi bước
ngang qua bộ sa lông, anh tình cờ trông thấy bộ ấm chén
uống trà bằng đất nung, một cái ấm độc ẩm và bốn
cái chén hạt mít nằm vừa gọn trong cái đĩa sâu lòng cũng
một màu đất nung lôi cuốn anh dừng chân. Dĩ vãng chợt
sống lại thúc giục anh phải quyết định lấy bộ ấm
đất này. Nhìn quanh thấy các đồng đội đang tất bật
thu dọn, Ru ngần ngừ đắn đo, thu vội bộ ấm chén túm
vào cái khăn rồi vác thùng đạn tụt xuống.
Chỉ có vậy, một bộ ấm chén bé xíu bằng
đất nung mà tiểu đội đã đưa anh ra phê bình.
Chiến lợi phẩm là xương máu của đồng
đội và đồng chí, không ai được lấy làm của riêng,
dù là cây kim, sợi chỉ.
Lần đầu tiên, sau năm năm thoát ly đi bộ
đội, anh chiến sĩ thật thà như đếm ấy bị đưa ra phê
bình vì tham ô chiến lợi phẩm.
Ru nhận lỗi, nhưng anh buồn, một nỗi buồn
thấm thía không làm sao giải tỏa được. Ngày đại đội
liên hoan mừng chiến thắng, anh từ chối tham gia cái tiết
mục độc diễn mà trước đây lần nào đại đội đốt
lửa trại anh cũng góp vui. Cái tiết mục do ông Huỳnh Tú
chính trị viên trung đội sáng chế. Ông thấy Ru lùn lùn,
mập mạp, mặc cái quần đùi luồn bằng dây chuối se,
luôn luôn xề xệ hở rốn, ông lấy lọ nghẹ vẽ cái bụng
ấy thành mặt hề, cái miệng rộng nằm ngay trên đường
ngấn chỗ cái rốn, bộ râu trê xoắn tít dưới cái mũi
vẽ tượng trưng bằng hai cái vòng tròn. Hai con mắt có đôi
lông mày rậm đen vạch theo đường ngấn sát thượng vị.
Khi ban nhạc Măng-đô-lin, Băng-giô, có tiếng vỗ tay nhịp
kèm trổi lên, Ru ta phơi cái bụng ra múa hệt ông địa giỡn
lân, cái miệng vẽ bằng lọ nghẹ, theo lớp mỡ nây bụng
rung rinh như biết hát, khi nhạc giòn giã rịch rình rinh
cái mặt cười thì người biểu diễn kéo cái sao mỡ bên
trong cao lên, khi nhịp điệu chậm, sa mỡ bị kéo trễ xuống,
nhìn bức vẽ như đang khóc. Văn nghệ của lính đơn giản
thế mà vui, cười rất sảng khoái. Người e lệ nhất
cũng phải cười.
Sáng ngày, bà con cô bác, ai gặp Ru nhớ
cái bụng đêm liên hoan cũng cảm tình gọi anh là ông Địa.
Nhớ hồi năm tám tuổi, cha dẫn Ru lên
nhà ông hội đồng điền chủ trên Cao Lãnh. Cha khép nép
chắp tay đứng sau gốc cột, còn ông Hội đồng ngồi trên
ghế trường kỷ, vẻ quắc thước nhàn nhã như tiên ông,
cầm cây phất trần phe phẩy, ung dung nhàn hạ. Lần đầu
tiên trong đời Ru nhìn thấy ông Hội đồng uống thứ gì
trong cái tách chỉ bằng ngón tay, ông nhấp từng ngụm, mắt
lim dim có vẻ ngon lắm. Về nhà hỏi cha, cha bảo đó là bộ
ấm chuyên dùng để uống trà.
Sau lần ấy, Ru đi chăn trâu cho ông Hội
đồng. Cái phồn trâu đã cách biệt cậu bé lên tám với
cuộc đời, cho đến năm hai mươi mốt, Ru mới đi theo bộ
đội. Mười ba năm ròng lẻ loi với đàn trâu giữa đồng
không mông quạnh, Ru vẫn giữ nguyên cái bản sắc
"nhân chi sơ tánh bổn thiện", thật thà như đếm,
chẳng hiểu xã hội là gì ngoài sự dốt nát mà anh phải
lãnh chịu. Khi anh giáo viên xóa mù chữ kiểm tra bài hỏi:
- Ơ tờ là gì ?
Ru bập bẹ trong miệng:
- Ơ tờ... ơ... tơ...
Giáo viên bèn mách nước:
- Ơ... tờ... gì mà cay cay ấy.
- à biết rồi... ơ tờ gừng...
Ai nghe cũng phải cười, nhưng chính trị
viên nhân ấy bảo "mù chữ, dốt nát là sự đau khổ
của dân tộc".
Và khi ra thao trường, đơn vị tập cho anh
em lính mới đi đều bước, mọi người mới hay trong đời
có thể có người không biết chân trái là chân nào. Khẩu
lệnh hô "chân trái - đi đều bước!" Ru cứ cái
chân thuận thò ra giẫm cả lên gót người đi trước. Huấn
luyện viên phải bứt sợi dây chuối buộc vào ống quyển
chân trái và hô "chân dây chuối - đi đều bước!"
Một hai! Một hai!
Ôi làm sao tránh được khi lúc nào đó,
trong cuộc đời có những tiếng cười ra nước mắt.
Nhà giàu hồi xưa, gẫm có tài sử dụng
lao động, một thằng nhỏ tám tuổi thôi, trông coi một
cái phồn-tiền của nhiều, để làm gì, mua ba bốn chục
con trâu bỏ tít giữa đồng nội, Đồng Tháp Mười mênh
mông chỗ nào không có cỏ, tội gì nuôi gần xóm để trâu
ăn lúa của đồn điền, chọn cái gò nhỏ giữa đồng xa
tít tắp, bỏ mặc đàn trâu với thằng nhỏ, hoặc nói ngược
lại, bỏ thằng nhỏ với đàn trâu. Mười ngày cho người
đem gạo muối ra một lần, thằng nhỏ tự mò cá mà ăn,
còn trâu thì đã sẵn cỏ. Mỗi năm bậy bậy cũng thêm
được vài chục con nghé.
Khi đơn bị Ba lẻ bảy hành quân lội nước
băng tắt từ Gãy Cờ Đen về Thống Linh, giữa đồng mỏi
chân, mưa ướt, tạt vào chỗ có ánh lửa bập bùng hun muỗi
cho trâu để sưởi, tìm chút ấm áp, lần đầu tiên Ru thấy
những người trang lứa mình người nào cũng súng ống,
nói là đi đánh Tây để dân mình khỏi bị áp bức và cũng
là lần đầu tiên anh em bộ đội thấy một con người bị
xã hội bỏ rơi.
- Trốn mẹ theo tụi tôi đi! ở đợ làm
gì cho khổ?
Trước khi theo bộ đội. Ru ra phồn nhìn
đàn trâu mà thương. Những con vật đen đúa thở phì
phò, mẹ có, con có, trầm mình dưới bùn để tránh muỗi,
mùi nước đái trâu từ dưới phồn xông lên cay nồng. Người
ta bảo nước đái trâu cũng gây nghiện, sau này anh em
trong đơn vị nhận xét Ru bị ghiền nước đái trâu vì
đóng quân ở đâu Ru cũng đem nóp ra gần chuồng trâu nằm
ngủ. Mười ba năm hít thở cái không khí có mùi ấy,
không ghiền sao được.
Cuộc đời mới bắt đầu với Ru từ buổi
ấy. Anh trốn luôn theo bộ đội vỏn vẹn chỉ có chiếc
quần đùi mốc phèn và tấm áo bà ba te tua phủ một tấm
thân mốc cời vì hắc lào đầy đặc từ cần cổ đến
gót chân.
Lá muồng trâu xức món lác (hắc lào) kinh
niên này không ăn thua gì. Chính trị viên Trung đội C,
ông Huỳnh Tú bèn ra tay.
- Ru ! Cậu có gan không ? Thứ này rát dữ
à ! Tôi sẽ làm cuộc cách mạng lột da cho cậu. Yên trí,
chỉ một lần là sạch sẽ đẹp trai thôi.
- Được chú Tám, em sẽ cắn răng chịu đựng.
Đúng là phải "cắn răng chịu đựng".
Ông Huỳnh Tú ra xã Mỹ Trà, chỗ này vùng kháng chiến nhưng
chỉ cách thị xã Cao Lãnh một cây cầu sắt. Ông nhờ
thím Năm Lộc bán hủ tíu ở chợ An Bình có dịp ra vô
ngoài thị xã mua một ve a-xít ở chỗ xạc bình của nhà
máy xay. Dầu nhớt ông xin của Ban cơ khí tiểu đoàn. Hai
thớ nhớt và a-xít trộn chung vào cái muỗng dừa theo tỉ
lệ ước lượng.
Ông lấy một miếng xơ dừa rộng bản, chặt
bằng đầu, rồi đập cho tơi ra như cái bàn chải. Hai thầy
trò dắt nhau ra vườn sau làm chuyên khoa da liễu.
Ru mình trần, hai tay giữ chặt gốc cau,
đưa lưng ra sẵn sàng chịu đựng. Ông Huỳnh Tú cầm cái
xơ dừa quậy quậy vào cái gáo a-xít.
- Rồi chưa ! Ráng nghe ! Âởy ấy, đừng có
nhúc nhích, đổ hết.
Ông cầm cái xơ dừa nhanh tay phết, lên xuống,
ngang dọc như ông thợ hồ phết vôi lên tường.
Cái xơ dừa quơ đến đâu, nghe như lửa
đốt đến đấy, Ru oằn cong rồi ưỡn xương sống, tay cấu
vào gốc cau, nhưng coi bộ không kham nổi phải buông gốc
cau, nắm tay thành quả đấm lên gồng nghe răng rắc. Tiếng
ư ử nghèn nghẹn từ trong cổ họng phát ra không thành lời.
Khi tấm lưng đã hoàn toàn đen đủi màu dầu nhớt. Anh
chàng bỗng đứng bật dậy, chạy uỳnh u ảy luôn ba bốn
cái mương, tuôn ra tấm đòn dài bắc qua cầu ra chiếc ghe
dưới bến, từ mũi ghe nhảy lên mui chạy ra sau lái, rồi
từ đằng lái quay trở lại đằng mũi. Trên bộ anh em rượt
theo tới nơi khi chú chàng nhảy ùm xuống nước, cắm đầu
lội tuốt qua bên kia sông, chui tuốt vào đám lục bình
ló đầu lên réo:
- Ông Tú ơi! Rát quá ông Tú ơi! Cắn răng
chịu đựng không nổi...
Chừng nửa buổi, ông Tú đang ngồi ở
văn phòng thấy Ru bước vào cười mỉm:
- Ông ơi! Lột da, bong lên, gỡ ra từng miếng
sạch trơn, đã lắm.
- Còn trước ngực, làm nữa thôi?
- Làm nữa, sợ gì! Cắn găng chịu đựng.
*
* *
Kỷ niệm chợt đến như thoáng hiện dù
giữa cảnh quyết liệt của sống chết trong chiến tranh.
Cái phút bâng khuâng buộc phải dừng chân với thùng đạn
trên vai khi nhìn thấy bộ ấm chén bằng đất nung trên
bàn sa-lông của tên chủ đồn điền đồn trưởng Bảy
Ngàn như một tia chớp tái hiện cảnh ông Hội đồng ngồi
xơi nước trên bộ tràng kỷ, khi cha con Ru đứng khép nép
bên một gốc cột. Nhớ khi lần đầu tiên cha đưa con ra
phồn trâu để trả món nợ truyền kiếp của gia đình Ru
cho ông Hội đồng, hai cha con rút vào chung một chiếc
nóp, cha thở dài than thở:
- "Phận cha nghèo, biết bao giờ được
một phút ung dung ngồi ghế trường kỷ uống trà Thanh
Tâm như ông Hội đồng?".
Thì ra cha mình cũng có những phút giây mơ
ước dù biết rằng làm sao với tới được. Nghèo nàn như
một cái gông bám chặt, như con đỉa đói bám vào thân phận
trâu cày.
Nếu không nói ra, thì làm sao anh em đồng
đội trong đơn vị hiểu được vì sao Ru túm lấy bộ ấm
chén bằng đất nung cất kỹ dưới đáy ba lô trong trận
Bảy Ngàn. Bao giờ trở lại Tháp Mười, anh sẽ tặng cha,
để cha được uống chè Thanh Tâm thoả bao ngày mơ ước...
Chính trị viên Huỳnh Tú rọc giấy bọc
riêng từng cái chun hạt mít và cái ấm, gói chung tất cả
lại bằng mảnh giẻ lau súng.
Ông vẫy gọi Ru vào, thân mật trao tay bộ
ấm chén.
- Này, cậu giữ lấy để sau này gặp lại
biếu ông già. Nhớ cất kỹ trong ba lô, đừng làm bể.
Chính trị viên nhìn theo người lính. Hừ
! Hiện tượng và bản chất, suýt nữa mình nghi oan cho
hành động thật tốt đẹp của người con có hiếu và
chân chất.
*
* *
Kịp đến ngày hành quân lên Long Châu Hà.
Mười hai giờ đêm nay Tiểu đoàn sẽ đánh vào Mặc Cầu
Dưng. Vì bí mật hành quân nên vị trí xuất phát ở rất
xa. Giữa khuya đánh mà giờ khởi hành là 12 giờ trưa hôm
trước.
Núi rừng nhiều khi làm ta sửng sốt vì vẻ
hùng vĩ của nó. Sau một đêm hành quân thức trắng từ Cần
Thơ vượt lộ Cái Sắn đến kinh Mỹ Hiệp Sơn đất Long
Châu Hà, sáng ra Ru thấy sừng sững giữa trời, cao hơn mây,
ngọn núi Mỹ Hiệp Sơn xanh biếc.
Đồng bào nói đây đến đó còn đi nửa
buổi đường, mà sao núi to lớn đến vậy. Che kín cả một
góc trời, xanh biếc một màu. Có gì bí ẩn trong núi mà
lòng Ru rạo rực muốn biết.
Nhớ thuở còn lẻ loi giữa sình môn, những
buổi chiều hoang, phóng mắt tận chân trời, thấy xa lắm,
bóng dáng màu xanh chỉ lớn hơn ngôi nhà, mẹ bảo đó là
núi, ở xa lắm, người nghèo không đi tới được. Ngờ
đâu, vết chân hành quân đã đưa anh tới đây, cận kề
núi đến vậy. Nó thúc giục Ru háo hức muốn đặt chân
đến núi xem có gì trong ấy, kẻo cả đời không thấy
được.
Đêm nay Tiểu đoàn sẽ nổ súng đánh đồn
Mặc Cầu Dưng. Đường còn xa nên kế hoạch hành quân định
vào 12 giờ trưa để kịp giờ G vào 12 giờ đêm. Ru không
nén nổi lòng chờ đến sau trận mới đi xem núi. Chuẩn bị
vũ khí, nén cơm xong, Ru tha thiết xin phép cán bộ tiểu đội,
thông cảm cuộc đời mai một, ít ỏi của anh cho anh đi
xem núi. Sướng quá, tiểu đội thông cảm cuộc đời mai
một ít ỏi của anh nên đồng ý cho đi xem núi.
Gửi súng lại cho đồng đội mang dùm, Ru
đi xem núi. Anh đi như chạy vì chỉ ước lượng còn ba tiếng
nữa đội hình hành quân sẽ đến chỗ con đường rẽ từ
bờ kinh Mỹ Hiệp Sơn vào núi cấm.
Cuộc du lịch hỏa tốc, mướt mồ hôi, thật
hả hê. Khi trở lại điểm đúng giờ, nhận khẩu súng do
đồng đội giao lại, tiểu đội trưởng hỏi thấy gì
trong đó, Ru đáp: "Em gờ được tảng đá...".
"Em rờ được tảng đá..." nghe như
nghĩa "em rờ được Tổ quốc quê hương". Ngờ đâu
câu nói ấy là những lời cuối cùng của đời người
chiến sĩ.
Ru tử trận sau khi hạ đồn Mặc Cần
Dưng, diệt quân tiếp viện. Một viên đạn mồ côi không
may trúng anh trên đường rút quân. Nỗi đau của đồng đội
rất lớn, vì đây là viên đạn cuối cùng của một giai
đoạn chiến tranh. Chỉ sau đó hai ngày, hiệp định đình
chiến Genève được ký kết.
*
* *
Soạn chiếc ba lô của anh, chúng tôi thấy
một cái quần đùi và một cái áo sơ mi vải đen, một cây
bút chì, một lọn thừng. Tài sản để lại của người
lính chỉ có thế và còn một di sản: một bộ ấm chén bằng
đất nung bọc trong mảnh giẻ lau súng, anh đã giữ gìn để
sau này đem về cho cha.
*
* *
Ngày đình chiến - Cụ già Đồng Tháp Mười
lặn lội xuống thị xã Cà Mau nơi Tiểu đoàn 307 tạm thời
tiếp quản mới hay tin con đã mất.
- Bác Chín ơi ! Đây là kỷ vật của anh
Ru, suốt dặm đường hành quân, anh ấy mong có ngày mang bộ
ấm chén này về trao tận tay cho bác.
Hai mươi năm sau, tập kết ra miền Bắc trở
về, tôi có dịp về thăm lại Thống Linh. Nhà bác Chín vẫn
còn ở trên mảnh đất hồi chín năm chính quyền kháng
chiến đã tạm cấp cho bác. Bác Chín trai và gái đều đã
qua đời. Em gái của Ru, con bác Chín có chồng được hai
con đang tuổi đi học, ở ngôi nhà ấy.
Tôi nhìn lên bàn thờ giữa nhà thấy bộ
ấm chén bằng đất nung vẫn còn để dùng làm vật thờ.
Kỷ niệm người đồng đội sống lại
trong tôi. Thấy tôi đi đến bàn thờ, xem lại bộ ấm
chén, người em gái của Ru bảo:
- Lúc đi dưới Cà Mau về, ba em đặt bộ
ấm chén lên bàn thờ để ngày ngày cúng nước cho anh Ru.
Ba má em mất rồi, em cũng để y chang chỗ đó để cúng
cho ba người...
Phải lắm ! Kỷ vật, dù chỉ là bộ ấm
chén bằng đất nung thôi, cũng phải để y chang chỗ đó.../.