"Dẫu con đi đến suốt đời
Vẫn không đi hết những lời mẹ ru"
Mẹ tôi là con út trong một gia đình 5 anh
em. Vì thế, hồi nhỏ mẹ tôi sướng lắm, được ông bà
cưng chiều, muốn gì được nấy. Ông đi đám, bà đi chợ,
bao giờ mẹ cũng đương nhiên là người bám càng, đừng
ai tranh giành mất công. Nhà làm ruộng mà mẹ tôi trắng
ngần, tròn trĩnh. Mãi 11 tuổi, mẹ tôi mới chịu đi học
lớp 1. Hết lớp 7 mẹ thoát ly nhưng vẫn về nhà ǎn cơm.
28 tuổi mẹ lấy chồng. Nếu ai biết mẹ tôi từ hồi nhỏ
thì khó mà nghĩ rằng quãng đời sau khi lấy chồng của mẹ
lại vất vả đến thế.
Mẹ tôi giỏi giang nên từ cửa hàng thu
mua hải sản, mẹ được điều về công ty, rồi lên chức
kế toán trưởng. Anh em tôi lúc nào cũng được chǎm chút,
quà bánh. Bố tôi cũng không phải là người kém cỏi gì,
học bạ của bố toàn 4,5 (thang điểm cao nhất thời đó)
chuyện gì bố cũng biết, nhưng bố không làm được, có
lẽ vì giữa lý thuyết và thực tế có một khoảng khá
xa, nhưng quan trọng hơn, dường như sống bên cạnh mẹ, bố
bị lu mờ, bố cứ nghĩ rằng mình có cố gắng cũng không
bằng mẹ được. Vậy là bố bỏ bê công việc, sinh ra rượu
chè rồi dẫn đến ghen tuông với các cuộc ngoại giao,
các chuyến công tác của mẹ. Để giữ uy tín cho công ty,
người ta hùa nhau đẩy mẹ về trung tâm dạy nghề mới
thành lập gồm một giám đốc, một phó giám đốc và mẹ.
ở xó xỉnh này công việc của mẹ là đến vǎn phòng, vệ
sinh, pha nước, đọc báo. 3 nǎm hoài phí trôi qua, mẹ xin
chuyển công tác với lý do "cho được gần chồng gần
con". Và bố mẹ ra toà.
Nhà được bán chia đôi. Các tài sản
khác của ai sắm người ấy lấy. Bố ôm 4 triệu bạc ra
quán làm một trận tuý luý rồi về quê nội, đồ đạc
gửi hàng xóm.
Bốn mẹ con tôi dạt sang sống nhờ bà ngoại.
Cơ chế thị trường bùng nổ, chính sách giảm biên chế,
mẹ được nghỉ không lương và phải tự xoay xở để nuôi
3 cái tàu há mồm. Mẹ tôi làm đủ nghề, từ đan len, dệt
thảm, đến buôn lưới, buôn thuốc nhuộm. Nghề nào cũng
chỉ được một thời gian, nhưng chỉ đủ ǎn chứ không
khá lên được. Lần mẹ chung vốn buôn lưới với một
người, hai người vừa nhập về được một ôtô lưới
trong khi giá lưới đang tǎng. Chỉ vì mẹ đến chậm một
chút thôi mà người đó đã đón đường ôtô, cho người
đưa hết số lưới vào nhà mình và khoá trái cửa lại,
trả mẹ số tiền chung vốn. Mẹ thân cô thế cô chỉ
còn biết nuốt ực cục nghẹn vào lòng, quay về, người
ta nỡ tàn nhẫn giật bát cơm đã đưa lên miệng của
các con mẹ... Lần khác, mẹ đi Nga Sơn, lấy thuốc nhuộm,
trời đã tối không còn xe về tỉnh nên phải bắt xe ôm.
Đến quãng đồng không mông quạnh xe đột nhiên chết
máy. Người lái xe ôm bảo mẹ xuống để xem xét. Mẹ vừa
xuống xe thì anh ta nổ máy phóng vụt đi, mang theo toàn bộ
vốn liếng của mẹ buộc đằng sau. Giữa đêm mùng 9 trǎng
lưỡi liềm vàng ệch, mẹ vừa đi vừa chạy như bị ma
đuổi 6 cây số để quay trở lại nhà người quen... Sau này
nếu không có dì tôi kể, tôi cũng không biết. Tôi chỉ
nhớ sau những lần đó mẹ tôi về nhà thẫn thờ như
người mất hồn, chỉ nằm dài, không ǎn uống gì. Hỏi mẹ
tôi bị làm sao, mẹ chỉ ứa nước mắt... Nhắc lại chuyện
này, mẹ cười " Không có 3 đứa mẹ mày cũng nhảy
đại vào đâu đó chết quách cho rồi. ức không chịu
được!"
Anh tôi học hành dở dang nhưng lại gày yếu
nên khó có thể lao động chân tay được. Mẹ tôi lo lắng
cho anh nhất và cứ ân hận rằng ngày xưa cho anh uống quá
nhiều kháng sinh. Khi anh quyết định theo một người quen
đi Sài Gòn thử vận may, mẹ vẫn muốn anh ở nhà học
nghề may vá. Một nǎm anh chỉ viết 1,2 lá thư nhưng tết
nào anh cũng cố gắng gửi về cho mẹ vài trǎm tiêu tết.
Cầm giấy nhận tiền, bao giờ mẹ cũng khóc. Mẹ cứ tự
trách mình đã để anh đi khi anh mới 16 tuổi... 5 nǎm lǎn
lộn ở cái nơi được xem là giàu nhất nước này, cuối
cùng anh cũng có được một cái bằng lái xe.
Tôi và thằng út được học hành tử tế,
vì cả tôi và nó đều ham học và học rất khá. Nǎm tôi
thi đại học, thằng út thi lên lớp 10, chẳng biết nghe
ai, mẹ tôi đi xem bói. Thầy phán cả hai chị em tôi đều
trượt, khi báo điểm thì tôi được học bổng cả 3 trường,
còn thằng út cũng đứng đầu kỳ thi. Bấy giờ mẹ mới
lôi chuyện thầy bói ra để kể và để... chửi. Anh em bạn
bè kéo đến chật cả nhà, ai cũng tấm tắc khen mẹ tôi
thật là sướng...
Thư thằng út gửi ra, nhưng ngày đầu tiên
tôi học đại học là những ngày mẹ khốn đốn. Một tháng
chỉ hai trǎm ngàn thôi nhưng vừa gửi tiền đi là mẹ đã
lo cho ngày này tháng sau. Mẹ xoay ra nghề bán chè cạnh trường
học. Nhưng vừa mới quen khách một chút thì người ta đòi
địa điểm. Mẹ rủ một chị hàng xóm cùng bán bún riêu
cua ở chợ. Hai người hì hục dậy từ 3 giờ sáng nhóm bếp
than tổ ong, làm cua, lấy bún, rau hành, mắm muối... Tờ mờ
xếp tất cả vào thúng và gánh đi chợ. (Chị hàng xóm
gánh chứ mẹ tôi không biết gánh). 1500 đồng một bát, vậy
mà ở cái xứ nghèo này, người ta cũng không chịu ǎn
cho. Có những hôm ế ẩm, thằng út lại phải no bún thay
cơm.
Đùng một cái, anh Thanh trước đây cùng cơ
quan với mẹ, giờ đã là giám đốc một công ty tư nhân,
mời mẹ làm kế toán. Công ty anh đang đấu thầu một công
trình xây dựng ở Hà Giang. Như người chết đuối vớ
được cọc, mẹ dẹp gánh bún riêu cua lại, dồn tiền
may vài bộ quần áo tử tế, lại tiếp tục lên đường.
Vậy là thằng út thường xuyên phải ở nhà một mình, tự
lo ǎn, lo học mà không có mẹ bên cạnh. Nhưng tôi biết mẹ
rất tin thằng út, vì nó là một đứa hiểu biết và dễ
xúc động nhất trong 3 anh em. Những gì đã trải qua sẽ
hun đúc cho nó bản lĩnh để nó có thể vượt qua nhiều
điều...
Tôi về nhà thấy mẹ vui vẻ và trẻ ra
hàng mấy tuổi. Mẹ vẫn nhắc lại câu nói đã cũ:
"Sông có khúc, người có lúc mà con. Miễn là chúng
mày học giỏi..."
Thàng út nǎm nay thi đại học. Biết mẹ có
bệnh đau lưng kinh niên, đi châm cứu được thì tốt lắm,
nhưng mẹ tôi lại tiếc tiền cứ lần lữa mãi rồi cũng
qua, nên nó quyết tâm thi vào trường Y, để sau này mẹ
tôi khỏi phải tiếc tiền chữa bệnh. Từng ngày, từng
giờ tôi vẫn thầm mong cho ước mơ của em tôi thành hiện
thực. Mà đúng là nó sẽ trở thành hiện thực, phải
không em?./.
Hàn Bǎng Tuyết