Bố em mất sớm vì một bệnh hiểm nghèo.
Thương người vợ trẻ, nhà nghèo một nách hai con nhỏ,
trước khi nhắm mắt bố em căn dặn lại:
- Số anh đen bạc không thể cùng em chung sống
nuôi con đến ngày đầu bạc. Em mới ngoài ba mươi, nếu
có ai thương yêu nên sớm đi thêm bước nữa cho các con
có chỗ nương tựa. Có như thế vong linh anh mới thanh thản
được.
- Dở hơi! Anh phải yên tâm thuốc thang,
còn nước còn tát, chưa chi đã gở mồm gở miệng!
- Bệnh máu trắng đến thời kỳ hung phát
có ai qua được đâu, không dặn trước sợ phút lâm chung
luống cuống quên mất.
Mẹ tôi ôm mặt khóc òa.
- Con đẻ đứt ruột nuôi đến chín mười
tuổi bỗng dưng đem cho một người chưa biết tâm tính họ
ra sao để đi lấy chồng, có khác gì bỏ mồi bắt bóng.
Em không nghe anh đâu!
- Thương chồng quý con em nói thế, nhưng
phải nghĩ đến mình nữa chứ... Chị Bao không chồng
không con, sống độc thân muốn có đứa con nuôi. Chị ấy
bóng gió xin chúng mình một đứa. Nếu em thấy có thể
thì nhận lời.
- Ôi cái bà giám đốc không có trái tim đó!
Em hận bà ấy!
- Chị ấy khô khan, nhưng thẳng thắn, cho
hay không là quyền em, anh chưa hứa hẹn gì đâu.
Cha tôi qua đời, nỗi đau cũng dần dần
nguôi ngoai theo năm tháng. Bà giám đốc thỉnh thoảng đến
thăm hỏi cho chút quà bánh lặt vặt nhưng không dám đặt
vấn đề xin con nuôi với mẹ em. Còn em thì chẳng thích
thú gì những cuộc viếng thăm đó. Bà Bao tuổi ngoài bốn
mươi, vóc dáng đẫy đà oai vệ. Trong cặp kính trắng, đôi
mắt bà tinh anh nghiêm trị đầy lý trí. Tính khí thâm trầm
điềm đạm, buồn vui không biểu lộ làm bà thiếu đi cái
duyên dáng đa cảm của phái yếu. Có lẽ vì thế mà đàn
ông sợ không dám gần (?).
Có một ông ngoài sáu chục tuổi, tên là
Quang, góa vợ, cũng hay đến thăm mẹ em. Trai gái, dâu rể
ông đều ở lớp tuổi bố mẹ em. Họ thành đạt, khá giả,
con cái đông đúc. Ông Quang nhàn rỗi dong chơi nên lúc
nào cũng hồn hậu vui tươi yêu đời. Tuy tóc bạc phơ
nhưng vẫn nhanh nhẹn, phóng xe máy veo veo, cười nói hóm hỉnh.
Có lẽ vì đoán ra động cơ "không trong sáng" của
ông nên mẹ em cũng có ý lẩn tránh.
Một bữa ông xuất hiện ngoài cửa, mẹ vội
bảo hai chị em:
- Ông Quang hỏi mẹ, các con bảo đi vắng
nhé.
Ông khóa xe bước vào, hai chị em chắp tay
lễ phép:
- Chúng cháu chào ông ạ!
- Chào các cháu. - Ông cười. - Trông ta giống
ông già Nô-en lắm phải không?
Thằng Tuấn, em em liến láu trêu ông:
- Chẳng giống tí nào! Ông già Nô-en mỗi
năm đều đến cho quà một lần vào đêm Giáng Sinh. Còn
ông tuần nào cũng đến, lần nào cũng cho quà. Mẹ cháu
ái ngại vì sợ ông làm hư chúng cháu!
Nét mặt ông Quang bỗng ỉu xìu.
- Có đúng là các cháu đã hư đi từ ngày
ta đến thăm không?
Thằng Tuấn lúng túng không biết nói sao,
em đành trả lời thay:
- Thưa ông, ấy là mẹ cháu lo xa. Lần nào
đến ông cũng tốn tiền quà cáp. Các cháu quen thân, đến
khi ông nghèo không có quà cho thì sao? Liệu chúng cháu có
trách móc, vòi vĩnh không? Tình cảm dựa trên sự ban phát
sợ không bền!
Ông Quang vừa ngạc nhiên vừa thất vọng.
- Xin lỗi các cháu, ta hoàn toàn chưa nghĩ
đến điều đó. Ta cứ quan niệm là các cháu còn bé, mồ
côi và thiếu thốn. Còn ta thì khá giả và những chi tiêu
đó chẳng thấm tháp gì. Ta muốn chia sẻ niềm vui dư dật
của mình cho ba mẹ con thôi. Không ngờ các cháu đã thực
sự lớn khôn nhạy cảm, hiểu biết lẽ đời, tự trọng
chín chắn hơn ta tưởng. Ta nghĩ chuyện tặng quà cho trẻ
không hẳn là xấu. Có lẽ ta phải xin phép mẹ trước khi
đưa cho các cháu! Hôm nay cũng có quà đây, nhưng đành chờ
thôi!
Nói rồi ông quay sang chuyện học hành của
hai chị em. Thằng Tuấn đem mấy bài toán hắc búa nhất
ra "thử tài" ông già. Ông giương mục kỉnh xem kỹ
rồi kiểm tra nó trước. Sau đó ông mới gợi ý cho nó tự
đi tới đích. Thằng bé phục quá hỏi.
- Ông ơi, ông có làm thầy giáo bao giờ chưa
mà ông nhớ dai thế?
- Ta là kỹ sư như bố cháu. Nhưng ta phải
giúp đỡ cho các con rồi cả lũ cháu học hành nên không
quên.
Rồi đến lượt em cũng đem bài ra hỏi
ông, thời gian kéo dài, mẹ em không đủ kiên nhẫn trốn
trong bếp mãi, đành xuất hiện.
- Cháu chào bác ạ!
- Chào cô Yên! Sao các cháu bảo cô đi vắng?
Mẹ em cười lúng túng như thú tội.
- Cháu có chút việc định đi, dặn các
cháu nói thế để dãn khách! không ngờ...
- Không ngờ lại vớ được ông khách ngồi
dai hơn đỉa! Xin lỗi cô Yên nhé! Nếu vội sẵn xe để tôi
lai cô đi cho nhanh.
- Dạ cũng không vội lắm, cháu đạp xe đỡ
phiền bác.
- Tôi chỉ rong chơi chứ có bận việc gì
đâu mà ngại phiền?
Thấy mẹ lưỡng lự em khuyến khích:
- Nhờ ông lai đi cho nhanh. Cơm nước ở nhà
chúng con lo cho. Ông và mẹ về là vào bàn ăn được ngay!
- Cảm ơn cháu Hiền! Mẹ chưa mời mà ta
đã muốn nhận lời rồi đấy!
Khi hai người đi rồi thằng Tuấn hỏi em:
- Xui ông Quang lai mẹ đi không sợ à? Ông
ấy muốn lấy mẹ mình đấy!
Em ngạc nhiên về nhận xét của thằng
bé. Em mười ba nên đã có chút hiểu biết về đàn ông,
đàn bà. Còn bé mới mười tuổi, sao đã nhạy cảm thế!
Em mắng át đi.
- Ranh con! Không được ăn nói lung tung! Mẹ
mình không lấy chồng đâu. Nhưng mẹ cũng cần có những
người bạn tốt giúp đỡ.
- Chị có nghĩ ông Quang là người bạn tốt
bụng?
- Cũng chẳng tồi. Ông ấy quan tâm đến
chúng mình đấy chứ. ít ra chị em ta cũng có thể hỏi
bài. Mày kết bạn với ông ấy được đấy!
- Hí hí! Kết bạn với ông già khốt-ta-bít!
Liệu em có thể búng tai, béo mũi, chơi trò cưỡi ngựa với
ông ấy được không?
- Đối với ông bạn già đùa nhả như vậy
là hỗn láo, thiếu tế nhị. Song em có thể nghe truyện cổ
tích, đánh cờ, hỏi bài hoặc đi chơi công viên.
Thằng bé ngẫm nghĩ rồi nói:
- Nhưng sợ mẹ lại cấm như chuyện nhận
quà mất thôi. Em về phe mẹ, em nghe lời mẹ!
* * *
Xe lăn được một đoạn ông Quang mới
quay lại hỏi.
- Cô Yên định đi đâu bây giờ?
Chị giật mình vì chẳng có chỗ nào cần
đến. Chuyện nói dối cứ theo đà lao đi một cách tùy hứng.
Thấy cô lúng túng chưa hỏi được địa
chỉ, ông Quang liền đề nghị.
- Hôm nay chủ nhật mọi việc đều xếp lại,
cho phép tôi đưa cô đi Hồ Tây ăn bánh tôm!
- Cháu xin khất bác bữa khác. Các cháu đã
nấu cơm chờ ông con mình về. Ăn bánh tôm ngang dạ bỏ cơm
các cháu không bằng lòng đâu.
Ông Quang rất thích câu nói đó. Ông đang
muốn gây được mối thiện cảm ấm áp trong cái gia đình
bé nhỏ này. Ông liền chuyển chủ đề.
- Em có lũ con ngoan quá. Anh cho quà hai đứa
không nhận lại còn cho anh một bài học đấy!
- Nhóc con mà dám "lên lớp" cho
ông thì hư quá, cháu xin lỗi bác!
- Không có lỗi gì đâu! Chúng nó thật
thông minh và đáng yêu...
Ông kể lại câu chuyện buổi sáng khiến
chị cũng phải bật cười. Một loáng họ đã đến đường
Thanh Niên. Ông dừng xe đưa chị vào nhà hàng nhưng chị
nhất định từ chối.
- Thôi đi dạo mấy phút rồi về.
Ông Quang thỏa hiệp, gửi xe cùng Yên sóng
đôi tản bộ ven hồ. Họ đến một ghế trống. Ông ngồi
còn Yên vẫn đứng thơ thẩn nhìn trời nhìn nước. Ông
Quang giục.
- Ngồi xuống đi cô. - Ông nói vui. - Đứng
thế có người đến chiếm mất chỗ đấy.
- Bác yên vị rồi còn ai dám đến!
- Có đấy! Không tin cô cứ ngồi đây,
tôi lảng ra chỗ kia mấy phút. Sẽ có vài anh đến bám
quanh cô ngay cho xem.
Yên mỉm cười nhẹ nhàng ngồi xuống bên
ông.
- Bác có vẻ quen thuộc chỗ này lắm.
- Quen chứ! Tôi sống tự do, đâu vui thì
đến, thích chỗ nào thì ngồi. Cô cũng tự do, chỉ có
điều là không tận dụng hoàn cảnh của mình thôi.
- Cháu ạ? Một mình quần quật nuôi hai
con ăn học, làm gì còn thời gian nghĩ đến tự do!
- Tự do giống như con mồi khôn ngoan, phải
săn lùng, tìm kiếm mới thấy được. Ngồi chờ nó săn mình
thì khó gặp!
- Nghe bác nói rất hay nhưng cháu tối dạ
không hiểu được.
- Hãy làm bạn săn với tôi đi. Mọi chuyện
sẽ trở thành dễ hiểu.
Chị Yên cúi đầu yên lặng vân vê tà
áo. Thực lòng chị cũng đã hiểu những lời ẩn dụ của
ông Quang. Ông ngồi nhích lại gần Yên và tiếp tục câu
chuyện.
- Yên xưng cháu, lũ trẻ gọi bằng ông
làm tôi già đi. Liệu có thể "tân trang, hạ cấp"
được không?
Chị bật cười khúc khích.
- Quen mồm rồi, gọi khác thì ngượng lắm.
Biết nói với lũ trẻ thế nào?
- Chỉ cần Yên chấp nhận thôi, với lũ
trẻ anh sẽ có cách!
Chị ngước mắt nhìn ông nói nhỏ:
- Thực ra... cháu cũng chỉ bằng con đầu
của bác thôi.
- Yên chê anh già chứ gì? - Ông cười. -
Đến khách sạn vẫn được mấy cô tiếp viên trẻ măng
kêu bằng "anh" ngọt xớt!
Chị Yên bỗng cau mày, vẻ khó chịu.
- Bác coi cháu như mấy cô hầu phòng sao?
- Ôi xin lỗi, tôi kể lại sự thật chứ
không có ý gì xúc phạm em.
- Xem ra bác cũng sành sỏi chuyện nhà hàng
quán trọ lắm!
- Từ ngày vợ mất, đi du lịch, nghỉ mát
nơi đâu cũng chỉ có một mình. Người đàn ông độc thân
thường là vị khách dễ được mời chào săn đuổi. Đêm
đêm có nhiều cú điện thoại nặc danh gọi đến chào
hàng... (ông thì thầm vào tai Yên làm chị đỏ mặt quay
đi). Không ai quản nên dễ hư thân lắm Yên ạ!
Chị mỉm cười chua chát:
- Cháu không ngờ bác cũng là tay ăn chơi có
hạng, là gã nguyệt hoa sành sỏi đấy!
- Chưa sành sỏi nhưng cũng chẳng ngù ngờ.
Tuy nhiên không bao giờ sa đà trụy lạc thiếu nhân cách.
Em có tin tôi không?
- Sao bác không kiếm lấy bà hai? - Yên trả
lời bằng một câu hỏi. - Nếu muốn cháu làm mối cho.
Gái tân hẳn hoi nhé!
- Ai thế?
- Chị Bao, giám đốc xí nghiệp cháu đấy!
- Thôi tôi xin lạy cả nón! Bà ấy làm sếp
giỏi, nhưng không biết làm vợ! Người giàu quyền lực
thường lại nghèo tình cảm!
- Đã thử đâu mà vội kết luận! Có khi
bác chưa biết làm chồng lại hay kén chọn!
- Đúng là anh kén mãi và giờ đây quyết
định chọn Yên. Em bằng lòng lấy anh không?
- Cháu trai gái đủ rồi, lấy chồng đẻ
thêm khổ lắm, cháu không muốn.
- Đúng là con cái chúng ta đều đầy đủ.
Nhưng em còn trẻ, không nên phí hoài tuổi xuân. Chúng ta
cam kết không sinh con nữa!
* * *
Khi biết mẹ em đã có bạn tình, bác Bao mới
ngỏ lời xin em về làm con nuôi. Mẹ em nói mình không có
quyền, cần phải hỏi họ hàng nhà chồng và ý kiến em.
Bác Bao phải bàn thêm.
- Yên ạ, mình không có tham vọng biến con
bạn thành con mình. Cháu mười bốn tuổi rồi, nó đủ lý
trí để xét đoán thân phận, dòng dõi huyết hệ. Mình
cô đơn, nếu được sống với cháu mình sẽ hạnh phúc hơn.
Và mình cũng có điều kiện để nuôi dưỡng dạy dỗ để
cùng bạn bồi đắp cho tương lai Thu Hiền. Mình cam kết sẽ
bàn bạc với Yên mọi chuyện lớn liên quan đến cuộc đời
cháu. Mình hy vọng nó sẽ mãi mãi yêu mến cả hai chúng
ta. Đây không phải cho đứt mà phải hỏi gia tộc. Chỉ cần
cháu bằng lòng là đủ.
Khi mẹ gợi ý em chấp nhận ngay. Em vâng
theo lời bố trăng trối. Em muốn mẹ thanh thản đi thêm bước
nữa. Mình Tuấn ở với bác Quang là đủ.
Em sẽ yêu quý bác Bao nếu bác thực sự
thương em như con. Em cũng sẽ tận tụy nếu bác xem em như
đứa trẻ giúp việc. Em cần vừa học vừa làm để đỡ
lấy gánh nặng cho mẹ. May sao những ngày đầu đi làm nghề
nghĩa nữ, mọi chuyện đều êm xuôi. Thực ra bác Bao
không phải con người không có tim! Bác nghiêm khắc, lạnh
lùng nhưng tuân thủ lý lẽ, không đổi trắng thay đen, tiền
hậu bất nhất! Hiểu tính bác là rất dễ sống. Biết em
nhớ mẹ thương em, tuần nào bác cũng kèm xe về nhà. Bác
ngồi chơi chốc lát rồi cáo từ hẹn giờ đến đón.
Bác muốn em nói chuyện riêng tư với mẹ, với dượng, với
Tuấn được thoải mái tự nhiên. Chính mẹ em cũng phải
thay đổi định kiến với bác.
Bác Bao đã dồn hết tâm sức cho em thi
vào đại học. Em đỗ khiến mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố dượng,
em trai đều rất vui mừng. Tối hôm đó bác Bao đến ngồi
bên và quàng tay lên vai em khiến em vô cùng xúc động. Tuy
nói là con nuôi nhưng em vẫn chưa bao giờ gọi bác là mẹ.
Có đôi lần bác gọi em là con nhưng em vẫn xưng là cháu
nên bác đành đổi lại như cũ. Có lẽ vì em cố giữ khoảng
cách nên bác cũng không chầm vập vỗ về âu yếm như mẹ
em ở nhà. Bác nhẹ nhàng nói với em:
- Hôm nay cháu đã đi được một đoạn
đường quan trọng, bác cứ lo lắng phấp phỏng mong chờ,
nhưng bữa nay bác yên tâm vì đã làm được một phần lời
hứa với bố cháu. Cũng phải nói năm năm qua bác đã cố
gắng kèm cặp nuôi dưỡng cháu, nhưng về mặt tình cảm
bác chưa xứng đáng thay vị trí một người mẹ...
Em vội vàng ôm chặt và gục đầu vai bác.
- Ôi không phải thế đâu bác ơi! Bác đã
chăm sóc thương yêu con hơn rất nhiều người mẹ thông
thường. Trong thâm tâm con cũng yêu quý bác như mẹ Yên
con. Chỉ có điều trước khi đến đây mọi người đều
nói bác là người nghiêm khắc, khó tính. ấn tượng đó
in hằn vào tâm trí trẻ thơ của con khiến con không dám
biểu hiện lòng mình bằng những cử chỉ chầm vập sôi
nổi. Con muốn lấp bằng cái hố ngăn cách tình cảm đó
nhưng không dám. Xin bác tha thứ cho con!
Cánh tay bác xiết chặt vai em, những giọt
nước mắt nóng hổi lăn trên trán em. Lần đâu tiên em thấy
bác khóc.
- Bác mới chú ý nuôi dưỡng dạy dỗ chứ
chưa quan tâm đến cách ăn mặc, chăm chút nhan sắc, chưa
yêu chiều con như những bà mẹ khác vì bác nghĩ con còn
bé. Nay con đã thực sự thành cô gái, bác hứa sẽ lo cho
con bằng chị bằng em, bác yêu con, Hiền ơi! - Mẹ không
sinh ra con, nhưng nghe con gọi, mẹ cảm thấy thực sự hạnh
phúc như những bà mẹ khác. Đêm nay con gái ngủ với mẹ
nhé!
- Vậy con sẽ ngủ bên mẹ!
Đây cũng là đêm đầu tiên em nằm chung
giường với bà. Hai mẹ con chuyện trò rất khuya. Em bạo
dạn hỏi bà.
- Con có điều thắc mắc muốn hỏi. Mẹ và
mẹ Yên con hình như có chuyện gì lấn cấn với nhau nên
mẹ con có định kiến không hay với mẹ?
Mẹ Bao thở dài suy nghĩ rồi nói.
- Có đấy. Mẹ không định nói nhưng con
đã lớn khôn nên mẹ cũng muốn tâm sự cùng con. Xưa kia
bố con và mẹ yêu nhau tới mức (như người ta nói) già
nhân ngãi, non vợ chồng, chỉ chờ ngày cưới. Lúc đó mẹ
Yên là thư ký giúp việc cho mẹ. Có thể Yên cũng tình cờ
bắt gặp những trò âu yếm lả lơi giữa mẹ và bố con.
Rồi một lần khám bệnh bác sĩ phát hiện chứng vô sinh
của mẹ. Ông khuyên không nên lập gia đình nếu muốn
tránh những trục trặc về sau. Mẹ rất đau khổ, vừa
thương mình vừa thương bố con. Cuộc sống càng buông tuồng,
ân tình càng sâu nặng. Nếu cứ lặng lẽ đi đến hôn
nhân thì mẹ vẫn lừa dối được bố, nhưng nỗi ân hận
sẽ theo mẹ suốt đời. Nói thực ra để rút lời đính
ước sợ bố không nghe. Còn như bố thấy mẹ vô sinh mà
bỏ cuộc thì còn đau đớn cho mẹ hơn. Thế là mẹ đành
dứt tình với bố. Đầu tiên là thờ ơ rồi lánh mặt. Mẹ
đẩy cô thư ký ra tiếp. Nhiều lần như thế khiến bố
con nghi ngờ dò hỏi cô Yên xem mẹ có kiếm được đám
nào "thơm" hơn không! Dĩ nhiên cô Yên chẳng biết
gì nhưng lại thấy thương thương anh chàng kỹ sư thất tình.
Khi nhận thấy mối giao cảm giữa hai người đã khá nồng
thắm mẹ mới vờ nổi cơn ghen đẩy bố ra khỏi cuộc đời
mình. Mẹ còn viết luôn quyết định điều mẹ con xuống
đơn vị sản xuất làm thợ học việc. Dù có vô sinh dị
tật thì mẹ cũng là người đàn bà. Mẹ có thể hy sinh hạnh
phúc của mình giải thoát cho người tình. Nhưng mẹ vẫn
ghen tuông khi nhìn thấy các cô gái khác nép mình trong
vòng tay người mình yêu. Có lẽ vì thế mà cho tới ngày
sinh con hai người không bao giờ muốn gặp mẹ.
- Con nghĩ bố không đến nỗi tệ bạc
như mẹ nghĩ đâu. Trước khi chết bố cũng muốn cho con về
với mẹ.
- Đúng thế! Khi sinh con rồi, một lần gặp
nhau trong công việc mẹ hỏi thăm gia đình, bố mới trách
mẹ hành sự độc đoán, phi lý khiến cuộc tình tan vỡ.
Mẹ chỉ cười. Bố căn vặn tại sao chưa lấy chồng mẹ
đành kể chuyện vô sinh ra để thanh minh cho mọi hành vi
trong quá khứ. Bố con ôm lấy mẹ ứa nước mắt và
trách mắng mẹ mãi. Mẹ cầu mong bố hạnh phúc và sinh
giúp mẹ một đứa! Bố con đã nhớ điều này đến phút
lâm chung. Bố giấu kín chuyện bệnh tật hy vọng mẹ
không bị ế chồng! Đôi lần bố lén lút đến thăm người
tình cũ nhưng không qua được mắt mẹ Yên. Ghen tuông thù
hận biến thành định kiến cũng là chuyện thường tình.
Nhưng mẹ con cũng biết nghe lời chồng nên mới chịu cho
con về với mẹ.
Một buổi tối em lai xe mẹ Bao về thăm nhà.
Mọi người vui mừng ngạc nhiên. Dượng Quang reo lên.
- Ôi Thu Hiền! Con thực sự là cô gái
khôn lớn rồi! Đã biết lai mẹ đi chơi kia đấy!
Mẹ Bao trả lời thay em:
- Xưa đi xe mẹ, mẹ phải lai con. Nay đi xe
của con, con phải lai mẹ. Có thế mới an toàn!
Em khoe:
- Con thi đỗ nên mẹ Bao thưởng cho con chiếc
Dream mới nguyên đấy mẹ ạ!
- Chúc mừng con!
Nói rồi mẹ Yên quay đi để che giấu nỗi
buồn. Có thể bà tủi thân vì nghèo chẳng có gì cho con.
Cũng có thể bà tưởng đã hoàn toàn mất
em về tay người mẹ nuôi mà bà không mấy thiện cảm.
Chờ cho mẹ Bao mải chuyện với dượng
Quang, em kéo mẹ vào buồng kể hết câu chuyện ngày xưa
cho mẹ nghe. Sắc mặt bà bỗng bái nhợt. Bà chạy ra ôm lấy
mẹ Bao khóc òa.
- Chị Bao ơi, em xin lỗi chị. Gần hai chục
năm qua do hiểu lầm nên em đã hận chị. Nay nghe con em
nói mới thấy hết nỗi đau, lòng vị tha và đức bao dung
của chị. Xin chị hãy tha thứ cho em.
- Nín đi Yên! Chị vẫn yêu em như xưa chúng
ta sống bên nhau. Có lúc chị tưởng mình đã mất hết. Mất
tình yêu, mất em, mất cả tương lai. Nhưng giờ đây chị
đã có Thu Hiền, có Tuấn, có em...
Dượng Quang ngạc nhiên trước cảnh tượng
vô thường này.
- Có chuyện gì thế hai bà? Bố con tôi
không sao hiểu nổi.
Mẹ Bao gạt nước mắt mỉm cười:
- Không sao đâu anh Quang ạ. Chắc thấy
"người đàn bà không tim" này chảy nước mắt
anh lo có chuyện động trời! Phái yếu chúng tôi đau buồn
khóc, vui mừng cũng khóc. Nhưng hôm nay là những giọt nước
mắt hạnh phúc!
- Đúng thế đấy dượng ạ. - Em vui mừng
khẳng định. - Dượng kiên nhẫn đợi chờ, đêm nay thế
nào mẹ con cũng chia vui với dượng!
- Ôi con gái của hai bà mẹ tuyệt vời
làm sao!
- Anh Quang ạ, chúng ta đều không có diễm
phúc sinh ra Thu Hiền. Nhưng cả hai đều có quyền tự hào
vì con đấy!
Nhận những lời khen em hơi ngượng nhưng
cũng rất sung sướng. Em cố sao cho cả nhà không bao giờ
thất vọng vì mình./.
Triệu Huấn