Trước Tết Nguyên Đán, nhà nào cũng tát
ao bắt cá, ra giêng ao chuôm trong làng vẫn còn cạn nước
lắm, người ta tranh thủ cấy cần. Nhà nào không cấy
thì vét bùn bạ lên vườn, lên những gốc chuối, gốc
na. Cụ Nghiên xắn quần móng lợn đứng trên bờ ao bảo
mấy đứa cháu:
- Đến lớp bùn đen, xắn bằng mai được,
chúng mày vật cho ông khoảng một khối để ông trồng
lan.
Mấy đứa cháu cụ tưởng bảo gì chứ vật
cho cụ một khối bùn đen thì thấm tháp gì. Chỉ một
lát, chúng xắn lên cho cụ những mai đất dẻo như đất
thó, lại cẩn thận vác lên tận sân cho cụ phơi nắng, cụ
phơi đi phơi lại cho khô hẳn rồi xếp gọn vào một chỗ
để sang tháng hai ta, hoa lan tàn thì có đất để sang chậu.
Cụ Nghiên quý những chậu lan lắm, hoa gì
cụ cũng không thích bằng hoa lan, chẳng nhiều nhặn gì, mấy
chục năm nay, cụ cũng chỉ có trên dưới mươi chậu thôi,
nhưng cái công cụ bỏ vào lan để cứ sau mỗi năm lan lại
nở hoa đúng vào dịp tết xuân có lẽ quá công chăm bón
cho một mẫu ruộng cấy hai vụ lúa. Ngoài thì giờ dắt
con bê cho vợ chồng thằng cả đã ra ở riêng thì cụ
dành để chăm sóc những chậu lan. Năm nào lan của cụ cũng
nở những bông đầu tiên vào hai mươi tám, hai mươi chín
tết, cụ lại cho mấy cụ bạn hàng xóm mượn mỗi cụ một
chậu để chơi cho nó thơm cửa thơm nhà. Cụ bảo:
"Nhất gia chủng chi, lưỡng gia gia hương" (Một nhà
trồng, hai nhà hưởng hương thơm).
Chơi Tết xong, các cụ hàng xóm lại sai
con cháu bê sang đặt ngay ngắn trước giàn cho cụ Nghiên,
kèm một ấm chè sen gọi là cảm ơn tấm lòng của người
trồng lan đã chia sẻ chút hương trời cao quý của lan đối
với tri âm tri kỷ. Nếp xưa cụ Nghiên vẫn giữ như thế.
Dạo năm kia, ông Đạo người hàng xóm ở Hà Nội về nghỉ
tại quê nhà thì cũng được cụ cho mượn một chậu để
chơi tết. Ông Đạo chơi toàn phong lan, mùa hạ thì chỉ
có phi điệp, hoàng thảo, mùa thu có quế lan, có kiều đạm
thanh, mùa xuân có đai châu, ông Đạo treo hơn chục giò
phong lan lủng lẳng trước hiên nhà. Khách đến, ông tiếp
ngay dưới những giò phong lan, kể cũng là sang. Ông Đạo
nói với mấy cụ hàng xóm sang chơi:
- Tôi mua những giống này họ bán đầy
ở chợ Bưởi. ở Hà Nội tù túng, nhà nào nhà nấy phải
làm lồng sắt che chắn kẻ trộm, phong lan nó cũng không
chịu ở trong cái cảnh ô nhiễm khói bụi, cho nên sống với
các cụ ở đất Hà Thành cũng là bất đắc dĩ. Từ ngày
đem nó về đây, hoa nó cũng nở đẹp hơn, chùm hoa cũng dài
hơn.
Mấy ông hàng xóm nghe ông Đạo nói liền
hỏi:
- Thế ông có biết giống lan mà cụ
Nghiên trồng không?
- Có, chơi địa lan khó lắm, ở Hà Nội,
người chơi được địa lan chỉ đếm trên đầu ngón
tay, tôi đã trồng thử nhưng đều thất bại. Giống ấy
quý lắm, có thời điểm phải bỏ tiền triệu mới mua nổi
một chậu.
Mấy ông hàng xóm trợn tròn mắt ngạc
nhiên, cụ Tưởng bảo:
- Tôi cứ nghĩ một chậu hoa như thế chỉ
vài chục là cùng, nào ngờ lại đắt tiền đến như vậy.
Thảo nào, cụ Nghiên những lúc rỗi rãi, không mấy khi cụ
ấy rời những chậu lan, cụ kỳ cặm kỳ cụi lau nhẹ
nhàng từng chiếc lá. Từ khi mắt kém, cụ phải nhờ người
lên tỉnh mua cho cụ một chiếc kính lúp để cụ soi cho
trong kẽ lá có con rệp nào không, phát hiện thấy cụ
dùng một cái tăm nhấm cho toè đầu rồi đẩy con rệp
ra, sau đó lại nhúng cái đầu tăm vào một chén mật cá
trắm, bôi vào những chỗ rệp hay bám. Trong làng, thấy
nhà ai làm thịt lợn, khi người ta cạo lông lợn cụ đều
đến xin. Một lần, anh Sương hỏi cụ:
- Cụ làm gì cái thứ này, cụ mang về ấp
vào gốc chuối tốt phải biết.
- Không, tôi mang về còn phải làm công phu
lắm, nghe anh ấp vào gốc chuối cho kiến vàng nó đến làm
tổ à, anh chỉ xui dại lão.
- Dạ, cụ cứ nói thế, con cháu đâu có
dám xui dại ông cha. Con tưởng cụ xin về làm phân bón
cây.
- Đúng là bón cho cây thật, nhưng mà là lấy
bón cho lan, phải làm kỹ thì mới bón được.
Thế thì con chịu, nào con có biết cụ
làm như thế nào. Phiên chợ, con sang lò mổ bên Đục, con
xin cho một tải.
Mấy ngày hôm sau, anh Sương mang sang nhà cụ
Nghiên một tải lông lợn. Cụ Nghiên mừng lắm, cụ cảm
ơn anh rồi pha trà mời. Cụ giảng giải để anh nghe cái
thú chơi lan của các cụ ngày xưa. Thực tình mà nói, con
cái cụ ở xa, chỉ có mỗi anh cả nhà cụ là lấy vợ
làng, đã ra ở riêng, còn các anh chị sau, thỉnh thoảng họ
mới về thăm cụ được. Vợ chồng anh con thứ khẩn khoản
mời cụ ra ở với họ ngoài thành phố nhưng cụ không
đi, cụ bảo:
- Tôi ra với anh chị ở trên gác ba gác tư
làm sao mà mang lan của tôi đi được.
Chị con dâu ra vẻ hiểu ý thích của cụ
nói:
- Ôi dào, bố cứ cầu kỳ, bố thích có
hoa, con ra phố Hàm Long con mua, hoa gì cũng có, cây thế cũng
có, đôn cổ, chậu cổ có hết, cây của Tàu người ta làm
y như thật, có khi còn đẹp hơn mấy chậu của bố để
ở nhà.
Cụ Nghiên nghe con dâu nói, phì cười rung
cả chòm râu bạc trắng:
- Con ơi, hoa thật, chậu đôn cổ thật của
các cụ để lại còn chẳng ăn ai nữa là con mua của giả
ở phố Hàm Long về để chiều bố.
- Bố ạ, đắt ra trò, có chậu cả trăm
nghìn đấy.
- Các con bận công việc, không trồng được
hoa thì các con chơi hoa giả cho nó vui mắt.
Nói đoạn, cụ Nghiên chỉ tay ra khóm hồng
nhung trước cửa nói:
- Con xem mấy bông hồng kia có đẹp hơn mấy
bông hông giả con mua ở trên phố không?
- Đẹp quá, bố ạ - cô con dâu nhận xét
- Đúng rồi, nó đẹp thế mà con lại bảo
là cây hoa giả của Tàu đẹp.
- Bố hỏi con ở ngoài đó con hay xem ti vi
thấy các cô lên sân khấu có đẹp không, bố công nhận,
nhưng mắt đàn bà Việt Nam làm gì có đôi lông mi cứng
quều như lông cật trâu như thế. Con ạ, cây hoa cũng vậy
thôi, hoa gì mà đem cọ rửa bằng xà phòng bột thì còn
cao quý cái nỗi gì, cho nên bố không thích, con ạ.
Chị con dâu nghe cụ nói đúng quá, thảo
nào cụ không thích ra thành phố sống là phải. Ở thành
phố cái quái gì cũng giả, đi chợ mua bó rau muống chỉ
được vài ngọn non che bên ngoài, về giở lạt buộc bên
trong toàn lá với ngọn già đau đáu. Về nhà, trông thấy
các thiếu nữ làng đi cấy hái mồ hôi mồ kê nhễ nhại,
cô nào cũng khỏe mạnh, má hồng môi đỏ, ngực căng tròn
trông mới thích làm sao. Là đàn bà sống ở thành phố,
chị còn lạ gì, muốn căng muốn tròn thì đi mỹ viện,
ít tiền thì lên Hàng Ngang, Hàng Đào, treo đầy trong các
tủ kính… Nghĩ mà chán, ông cụ trồng hoa là hoa thật,
hoa giả Tàu đẹp mấy thì cũng là của giả, thế mới biết
người già nhìn cái gì cũng phải nhìn thực chất chứ
không nhìn cái màu phấn son loè loẹt.
Cụ Nghiên được anh Sương cho một bao tải
lông lợn, trời nắng cụ đem tãi ra phơi trên một góc
sân, cụ giở đi giở lại trên nền xi măng nóng bỏng
vài nắng cho thật khô rồi cụ lại xúc vào bao tải để
trên góc bếp. Một hôm, ra đầu làng cụ bảo đứa cháu
nội con nhà cả:
- Mày lấy cho ông mượn cái dậm xúc hến.
Thằng Tôm trợn tròn mắt:
- Ông định ra sông xúc hến à?
- Ừ.
Sáng hôm sau, ba ông cháu vác dậm ra bờ
sông.
Bắt được đủ, cụ Nghiên đãi hến rồi
nhặt ra những con to cho vào dậm của hai đứa cháu.
- Thằng Tôm, thằng Cua đem về cho u cháu nấu
bầu, chỗ này để ông.
Thằng Cua bảo:
- Ông nhặt luộc những con bé bằng cái
cúc áo này thì đến bao giờ.
- Không, ông chỉ lấy nước thôi, ông lấy
nước để trộn với đất bùn ao để ra giêng hai thay đất
cho lan, các cháu ạ.
Thằng Tôm, thằng Cua vốn rất quý ông, những
lời ông nói bố mẹ chúng còn phải nghe phải sợ, hơi một
tí là phải lên xin ý kiến ông cơ mà, cho nên chúng vác
chiếc dậm ra về, dọc đường hai đứa gặp chú Túc đi
thăm đồng, chú Túc hỏi:
- Thằng Tôm, thằng Cua đi cào hến với
ông về đấy à? Chúng mày làm thế nào mà cào được toàn
hến cụ, thế hả?
Thằng Tôm nói:
- Ông cháu chọn từng con một, thế này
nhiều quá, chú ngồi xuống đây, cháu bảo.
Nghe thằng Tôm nói có vẻ quan trọng, chú
Túc bập chiếc cuốc xuống rệ cỏ rồi nghe xem thằng
Tôm nói gì. Nó ngửa cái dậm ra trút một nửa số hến
trong dậm vào chiếc rá rồi đưa chú Túc, nó nói một
câu rất giống câu của cụ Nghiên nói với nó lúc nãy:
- Chú Túc đem chỗ này về để thím nấu
canh bầu, ngọt lự, nhà cháu thế này nhiều lắm rồi.
Chú Túc nghe thằng Tôm nói, chớp chớp đôi
mắt, biết tính nó, chú nói:
- Chú xin, thím mày thích lắm đây. Lâu lắm,
chú mới lại trông thấy mớ hến toàn con to như thế này.
Trông chú Túc vai vác cuốc, một tay cắp
rá hến đi ngược bờ sông về nhà, thằng Cua bảo anh:
- Thế nào thím ấy cũng khen tắc lưỡi
cho mà xem.
***
Cụ Nghiên ra ngoài bờ ao bắc sáu viên gạch
làm đầu rau rồi lôi nửa cái thùng phi vẫn dùng để nấu
bánh chưng đặt lên, xong xuôi cụ đổ cả rổ hến vào,
cụ xuống ao múc nước cho đầy rồi gẩy củi châm lửa.
Cụ ninh suốt từ sáng cho đến gần trưa, khi thấy những
ruột hến cũng tan thành nước, cụ mới tắt lửa rồi đậy
vung lại. Xong xuôi, cụ ra đầu hồi bê từng tảng đất
bùn ao đã phơi khô vào góc sân, cụ ướm số đất đủ
để ngậm hết chỗ nước hến rồi dùng vồ đập nhỏ
ra, sau đó cụ mang trên gác bếp xuống tải lông lợn rũ
ra trộn đều. Lúc ấy, cụ mới dùng cái gáo múc nước hến
đổ vào, rồi đánh như phu hồ đánh vữa. Số đất trộn
nước hến cùng với lông lợn, cụ ước lượng vừa đủ
để đánh một cối vữa đất lù lù một đống ở góc
sân. Cụ cứ để như vậy phơi nắng hàng tuần, chờ cho
khô hẳn cụ mới bổ ra thành từng mảng cất vào bao tải
để chờ sang tháng hai mới lấy thứ đất bùn ấy chặt
nhỏ như con chỉ để sang chậu thay đất trồng lan.
Một hôm, cụ Nghiên sang chơi nói với ông
Đạo:
- Các cụ quê mình không có truyền thống
trồng lan nên hàng chục năm nay tôi cho giống để gây rồi
cũng vẫn hỏng.
Ông Đạo tiếp lời:
- Cụ ạ, làm gì thì cũng phải có truyền
thống, con hồi còn công tác ngoài Hà Nội, mất khối tiền
mua địa lan trồng mà cũng chẳng ăn thua, cuối cùng thì
chơi cái anh phong lan vậy. Con nghĩ địa lan nó cũng có ý
thức tình cảm như người hay sao ấy. Con hỏi cụ: Nếu
địa lan không có ý thức như người thì tại sao các cụ
quy tiên thì ở chậu, người nhà phải khoanh vôi trắng để
tang, thế rồi - chính mắt con trông thấy - chỉ sau một
thời gian thì lan cũng rạc.
- Đúng thế. Chơi được lan cũng còn do
cái tâm nữa, ông ạ. Người chơi địa lan mà không tĩnh
tâm thì không chơi được đâu. Cái chậu cổ mặt giàn
ngày xưa của nhà tôi các cụ để lại có hàng chữ Nho:
"Bất dung đan quế xưng tiền bối. Tức hứa hàn mai bộ
hậu trần" (Dù là đan quế xưng là tiền bối cũng không
dung nạp. Cây mai nghèo dù đến sau cũng lập tức được
trồng). Mấy chữ Nho viết trên chậu lan cũng nói lên cái
quan điểm của người xưa đấy, ông ạ. Chơi để khoe rằng
mình sang mà chả hiểu cái gì thì giống lan nó cũng chẳng
chịu ở với người ta.
Ông Đạo nói:
- Ngày con còn công tác, có một thời khá
nhiều ông này ông nọ lắm tiền mua những chậu lan cực
đắt, có chậu mặc biên mua năm bảy triệu mà mua nào có
ít, mua dăm chậu một lúc, thế rồi lan cũng hỏng.
Cụ Nghiên vuốt chòm râu trắng như cước,
nhìn ra những giò phong lan của ông Đạo, vẻ tâm đắc lắm.
- Tôi nghĩ, chơi theo lối người giàu khoe
sang, thực tình thì cái tâm họ có tĩnh đâu mà lan chả hỏng.
Bác là người cán bộ về hưu sống ở làng, bác chơi
được phong lan ấy là do bác đã bước đầu tĩnh tâm, tĩnh
nữa thì bác chuyển chơi cả địa lan, tôi chắc thế nào
bác cũng chơi được.
Hai cụ già hàng xóm, một cụ tám mươi, một
cụ mới hưu, ngẫm ra lời nói của người xưa chẳng bỏ
đi được câu nào: “Ông sáu mươi phải học ông sáu mốt,
cụ bảy mươi phải học cụ bảy mốt”. Ông Đạo ngẫm
nghĩ: Các cụ quê mình đâu có phải là xoàng./.
Thanh Tùng