TÌNH YÊU MUỘN

Hai Thế sống lủi thủi một mình mà mọi người không hiểu nguyên do tại sao anh lại cứ như thế. Cho đến buổi tối hôm đó, Hai Thế chợt lên cơn đau bụng. Nhà anh vốn neo đơn, chỉ có một thân một mình, chẳng ai đốt dùm anh ngọn đèn dầu hay chạy ra đầu ngõ mua dùm anh viên thuốc trị bệnh. Anh chỉ còn cách ôm lấy cái bụng đau của mình mà rên. May mà có chị Dung tình cờ đi ngang, nghe tiếng anh Hai Thế rên rỉ, chị nhìn vào thì chỉ thấy bóng tối tràn đầy trong căn nhà của người đàn ông đó. Chần chừ một lát mới đẩy cửa bước vào, trong ánh sáng lờ mờ, chị nhìn thấy anh Hai Thế đang ôm bụng rên la. Cám cảnh trước căn bệnh của người đàn ông đang sống một mình, chị đã đốt dùm anh ngọn đèn, kéo anh lên giường vạch lưng ra cạo gió. Chị lại lui cui xuống bếp nấu giúp anh bát cháo. Chuyện chỉ có vậy thôi nhưng đêm đó khi chị Dung bước vào nhà anh Hai Thế, chẳng che nổi mắt của người dân trong xóm Thúy Kiều. Cứ người này to nhỏ với người kia khiến chuyện giúp đỡ lẫn nhau thành chuyện họ phải lòng nhau. Cũng thật buồn cười khi xóm nhỏ có chưa tới ngàn dân này lại có cái tên rất quen, dù chưa chắc họ đã biết đến truyện Thúy Kiều của thi hào Nguyễn Du.

Chuyện xảy ra trong đêm chẳng liên quan gì tới cơm áo gạo tiền của gia đình nào, nhưng có lẽ bởi Dung dù sao cũng là một người phụ nữ nhan sắc, sống đàng hoàng chẳng hề để lại chút tai tiếng gì. Người đàn bà đàng hoàng lại ở trong nhà người đàn ông độc thân trong đêm thì làm sao lại không có tình ý? Đó là suy nghĩ của nhiều người. Vài hôm sau, Hai Thế rảnh việc, ra quán rượu của bà Ba béo đầu ngõ, kêu xị rượu ngồi uống chơi, dường như trong lòng còn mang bóng dáng của người đàn bà lo chữa bệnh, nấu cháo cho mình ăn hôm nào. Nói đúng hơn là, Hai Thế đợi chị Dung đi ngang qua. Giữa lúc đó thì cánh thanh niên ngồi lai rai ở bàn bên có lẽ cũng đã quá chén, một đứa cầm ly rượu tới chỗ Hai Thế ngồi:

- Anh Hai Thế thật là có phước. Khi nào anh với chị Dung làm đám cưới, nhớ cho tụi em này uống ké ly rượu mừng.

Hai Thế ném chai rượu xuống nền nhà khiến nó vỡ tan tành mà nói:

- Trai đơn gái chiếc có gì đâu mà mấy người dị nghị. Chỉ sợ cô Dung chê thằng Thế đưa đò này không lo nổi cho mẹ con cô thôi. Thằng Thế sẵn sàng lo chu toàn bổn phận của người chồng nếu cô Dung chịu về nhà Thế ở.

Đám thanh niên trong xóm vỗ tay hò reo:

- Ừ, có sao đâu. Rổ rá cạp nhau thì lại thành rổ rá. Chị Dung nấu cháo ngon không anh Hai?

Hai Thế cười hề hề:

- Cả cuộc đời tao chưa bao giờ ăn một bát cháo ngon như thế.

Bà Ba béo pha thêm vào câu chuyện:

- Ngon giống như bát cháo hành của Thị Nở nấu cho Chí Phèo ăn không?

Lập tức, Hai Thế trừng mắt nhìn bà Ba béo:

- Bà nói như thế mà nói cho bằng được? Thị Nở là con đàn bà xấu xí. Còn Dung thì sắc nước hương trời.

Tất nhiên là ai dám trêu chọc người say. Vả lại, Hai Thế tướng người to con, tánh tình nóng như lửa đốt dù cho là làm nghề chèo thuyền nhưng đố trai làng nào khoẻ bằng Hai Thế? Mọi người nghe kể lại là Hai Thế cũng đã từng có vợ, một cô vợ nhan sắc khá mặn mòi. Tuy nhiên, cô nàng lại không thích cam phận làm vợ một người chèo đò đưa người qua sông. Nhờ có chút nhan sắc, Nguyệt (vợ Hai Thế) mở quán nước ngay cạnh bến đò của chồng bán cho khách qua lại. Nào ngờ chính vì quán nước đó mà Nguyệt đã bị ngã lòng bởi một tay thu mua nông sản thường la cà ở quán nước buông lời trăng gió. Rồi một buổi sáng, Nguyệt đã khăn gói theo người tình chèo thuyền qua sông lên thành phố. Hai Thế đã căm giận đến chừng nào, nổi lửa đốt cái quán nước ven sông như chính nó là nguyên nhân gây ra chuyện vợ mình ngoại tình.

Với Dung thì lại là một trường hợp khác. Dung vốn không phải là gái làng nhưng theo chồng về quê theo tiếng gọi của con tim. Nhưng Nhân, chồng Dung vốn là người đàn ông yểu mệnh, lại là chàng trai mồ côi cha lẫn mẹ. Về ở với nhau được hơn năm, khi Dung vừa sinh ra đứa con đầu lòng thì Nhân bị cây đè chết trong một chuyến lên rừng tìm trầm hương. Bởi ở làng này người dân sống chủ yếu bằng nghề rừng. Cánh rừng dựa lưng vào làng có vô số của cải nhưng cũng đã cướp đi bao nhiêu sinh mệnh của những đàn ông trong làng. Điều lạ là ở chỗ thay vì dắt con rời khỏi làng sau khi chồng chết, chị Dung vẫn ở lại làng như thể làng Thúy Kiều này là nơi chôn nhau cắt rún của chị. Thằng Ngọc, con của chị Dung lớn như thổi, đều được dân làng yêu mến vì tánh tình ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Dung mở một quán cà phê bình dân ở chợ. Cà phê của Dung pha ngon, lại rẻ, thằng Ngọc phụ bán với mẹ nếu hôm nào không đi học. Cuộc sống của mẹ con nhờ thế mà chẳng phải vất vả. Vả lại, Dung cũng còn mở thêm hàng bán trầu cau lặt vặt và những thứ linh tinh như thuốc Cẩm Lệ, thuốc rê, dầu gội đầu, dầu gió ngay ở nhà.

Sau đêm Hai Thế bị đau bụng, dường như tình cảm của hai người trở nên thân mật hơn. Mọi người trong xóm Thúy Kiều gọi đó là mối tình "Trầu Cau". Chẳng ai hình dung ra là họ đã chú ý đến nhau từ lúc nào? Chỉ thấy vào những khi chiều xuống, chị Dung thường hay ra bến sông ngồi đợi Hai Thế chở khách về. Có khi bến đò không còn khách, Hai Thế lại cùng Dung chèo thuyền dạo chơi trên dòng sông. Tính ra, tuổi đời thì người nào cũng đã xấp xỉ bốn mươi rồi, tuổi mà theo mọi người thì chẳng còn hăm hở lao vào tình yêu khờ khạo, khi đó người ta cần có nhau để sẻ chia những vui buồn trong cuộc đời hơn là hò hò hẹn hẹn. Còn theo cách nói của các ông bà già xưa thì đó là kiểu rổ rá cạp nhau, góp gạo nấu cơm chung. Còn nói theo kiểu Hai Thế khi ngỏ lời với Dung là "Anh hay đau bụng, có người cạo gió anh mau khỏi", Dung không khỏi phì cười với lời tỏ tình như thế: "Vậy anh chỉ cần kiếm một người cạo gió cho anh thôi sao?".

Những lúc chỉ có hai người với nhau, Hai Thế nói:

- Hai mẹ con cứ về để tôi chăm sóc. Tôi vụng về lắm, nhưng tôi cũng cố gắng để trở thành người chồng tốt của em. Mình về ở chung một nhà cho ngọn lửa trong bếp nó cháy sáng hơn...

Dung ngần ngại:

- Cha thằng Ngọc chết sớm cho nên nó không được dạy dỗ cẩn thận. Nếu anh thương em thì thương luôn con của em. Anh đừng làm cho nó buồn.

Rồi một buổi trưa trời nhiều mây trắng, họ làm một bữa cơm nhỏ ra mắt hàng xóm, cùng về ở bên nhau.

Cho đến một buổi chiều bến sông vàng nắng chiều, Nguyệt bỗng nhiên trở về. Người vợ từng đã làm cho Hai Thế khổ đau, giờ đây cô ta lại cần anh đùm bọc sau khi bị người tình giang hồ buông bỏ giữa đường. Hôm đó, Dung ra chợ chưa về, còn Hai Thế thì khá bất ngờ khi đang sửa soạn gác mái chèo, kết thúc một ngày đưa đò. Hai Thế nhìn Nguyệt, lắc đầu:

- Muộn rồi.Tôi đã có vợ. Tôi chẳng thể cho cô về nhà tôi được đâu.

Nguyệt chẳng nói chẳng rằng, cứ bước chân theo Hai Thế. Nguyệt về nhà, rồi như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Tự tiện thay quần áo, dọn dẹp nhà cửa, xuống bếp nấu cơm. Nguyệt nói:

- Em chưa cho anh ly dị em. Không có ai được bước vô nhà này ngoài em.

Hai Thế hung dữ đến thế mà chẳng biết đối phó với tình huống như thế nào. Hai Thế nhỏ giọng:

- Dung và thằng Ngọc sắp về rồi. Cô làm ơn bước ra khỏi nhà tôi có được không?

- Không.

Tiếng Nguyệt gằn cứ như là Nguyệt không phải là người có lỗi.

Bến sông giờ đây chẳng có bóng dáng anh Hai Thế chèo đò. Anh lên đường đi tìm Dung và thằng Ngọc. Hy vọng là anh sẽ tìm ra Dung, dẫu rằng giữa muôn trùng người làm thế nào anh biết họ đi đâu?

Nguyệt đã phá vỡ đi hạnh phúc đến muộn của hai người. Với Dung, đó là nỗi đắng cay khi bị Nguyệt đay nghiến: "Hết đàn ông rồi sao mà mày đi giật chồng người khác?"./.

Phan Thị Tần

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected] 

Tổng Biên tập: Đinh Thế Lộc