Bụp! Một trái khế chín mủn rơi đúng ngay trang sách
tôi vừa mở ra. Chưa kịp hoàn hồn thì... Bụp bụp, hai
ba trái khế nữa liên tiếp nhắm vào đầu và lưng, tôi
ngước lên - thằng nhóc tướng mạo đen thui, ốm nhách
như con khỉ, thoăn thắc chuyển từ cành này sang cành
kia rồi rơi xuống trước mặt tôi, khoanh tay bối rối:
- Xin lỗi chị! Em không cố ý.
Miệng nó nói xin lỗi mà tia nhìn ngổ ngáo chiếu
thẳng vào mặt tôi không lộ chút gì "ăn năn"
khiến tôi phát bực:
- Đã ăn cắp khế còn làm bẩn hết quần áo người
ta. Tính sao đây?
- Em đâu có ăn cắp. Chị ở Sài Gòn mới về nên không
biết đấy thôi. Cây khế này "ngoại" cho phép
em được tự do hái mà.
Xời, đây là vườn của ngoại tôi. Ngoại tôi chỉ có
đứa cháu duy nhất là tôi. ở đâu lại "lòi"
thêm đứa cháu dung mạo như khỉ thế này?
- Chị đừng giận. Bữa nào sáng trăng, Di sẽ chèo đò
chở chị đi chơi sông. Thích lắm.
Coi bộ nó cũng không đến nỗi ngố. Cũng biết
"dụ khị" nữa chứ!
- Giờ em phải về nấu cơm, lát nữa còn phải xuống
rớ phụ anh Hai. Hẹn chị bữa khác nhé!.
Nó quay người... leo ngược lên cây khế, chuyền sang
nhánh chĩa qua nhà bên cạnh rồi.. "bịch", thế
là nó biến mất.
- Canh gì mà ngon thế hở ngoại?
- Canh chua cá dứa đấy!
- Chà - Tôi chép miệng nhìn tô canh bốc khói đang vơi
dần - Con nghe người ta bảo "không dễ ăn cá dứa
đâu nhé!", bộ cá dứa hiếm lắm hở ngoại?
Ngoại cười móm mém:
- Hiếm là đối với dân thành phố bọn bây, chứ
xứ biển thì khó gì. Hôm nào bắt được cá ngon là anh
em thằng Di cũng đem biếu ngoại. Mấy cái thằng... mồ
côi cha mẹ mà sống hòa thuận, ai cũng thương.
Thì ra "con khỉ" nói đúng. Nó với ngoại tôi
đã thân thiết từ lâu. Tôi tò mò:
- Anh em họ chỉ sống bằng nghề "quay rớ" thôi
hở ngoại?
- Thằng anh nghe đâu hồi xưa làm nghề gì đó ở thành
phố, không biết sao lại bỏ về đây. Còn thấy cái chòi
ở dưới sông không? Buổi tối, anh em nó quay rớ bắt cá.
Ngoại nghe hàng xóm bảo - Anh thằng Di còn làm nghề gì
"bí mật" lắm. Lâu lâu có người lạ mặt đến
nhà đưa tiền rồi mang đi những gói gì được gói
cẩn thận. Câu nói của ngoại khiến tôi cảnh giác.
Biết đâu hắn là tên buôn lậu đang che giấu hàng tung?
ở gần những kẻ có hành vi bí mật thế này, phải
dặn ngoại đề phòng mới được.
- Con đừng nghĩ oan cho người ta tội nghiệp. Chừng này
tuổi rồi, ngoại không nhìn lầm người đâu.
Cái nhìn của ngoại khiến tôi hơi ngượng nên đứng
lên. Chà, được nghỉ hè, tính về đây thăm ngoại và
thăm biển. Không ngờ ở đây cũng buồn quá.
- Chị Minh nè.. Ta đi chơi sông nhé!
"Con khỉ" thường xuất hiện bất chợt trên
cây khế với lời rủ rê như thế. Tôi đã quen với cái
tính lắc xắc và tướng mạo nhà quê của nó. ấn tượng
xấu lúc đầu phai dần từ đêm nó chèo đò chở tôi đi
hóng gió trên sông. ánh trăng mười bảy nhảy nhót trên
màu nước lờ lợ và những câu chuyện tiếu lâm với
pha trò rất tự nhiên của nó thường làm tôi cười
ngất.
Hôm sau nó hẹn tối nay sẽ dẫn tôi xuống rớ chơi.
Nó còn bảo xuống đó còn đãi tôi món tôm nướng
cuốn bánh tráng chấm mắm nêm. Nghe nó tả những con tôm
tươi rói vừa bắt lên và vào lò, để lửa xém lớp
vỏ ngoài, thêm một ít bánh tráng mỏng và rau thơm mà tôi
phát thèm. Hồi chiều tôi đã có ý "để dành"
bụng tối nay thưởng thức món đặc sản của nó.
Mặt trời đã chìm nghỉm ngoài khơi xa từ lâu mà chưa
thấy nó đâu. Con nước đang ròng nên dòng sông phơi mình
trơ trọi. Tôi nhìn dưới chòi rớ thấy có ánh đèn leo
heo sáng, chắc nó đang ở dưới đó. Tôi xắn quần
lội qua chỗ nước cạn gần bờ rồi đi bộ về phía
chòi rớ.
Chòi cao khoảng ba mét, có chiếc thang gỗ cột tạm. Tôi
leo lên đến bậc thang cuối, vừa ló đầu vào thì cùng
lúc, một khuôn mặt xa lạ cũng vừa quay lại nhìn tôi.
Hắn trạc khoảng ba mươi hoặc... hơn thế nữa. Nói
chung, hắn thuộc mẫu người khó đoán tuổi từ hình
thức bên ngoài. Mái tóc dài và mớ râu rìa "quên
cạo" khiến khuôn mặt hắn rất già, nhưng đôi
mắt thì rất sáng và... rất trẻ.
- ủa... chào hàng xóm. Em là Nguyện Minh phải không?
Đoán hắn là anh của "con khỉ" nên tôi không
ngạc nhiên lắm khi thấy hắn biết tên tôi. Điều làm
tôi ngạc nhiên là cái khung vải và bức trang đang vẽ
dở ở phía sau lưng hắn. Bức tranh vẽ một dòng sông.
Chỗ lạ của dòng sông là bên kia bờ ẩn hiện một vòng
đều tăm tắp trong như những cối xay gió tôi từng
thấy trong ảnh. Và chỗ lạ của bức tranh là nền
trời đỏ rực như tấm lửa khổng lồ đang phủ chụp
lên dòng sông. Những mảnh màu tương phản tạo nên
một cảm giác đối nghịch... Một sự đối nghịch
giữa tình yêu và tội lỗi. Giữa khung cảnh yên bình và
khói lửa tang thương hay... một điều gì tương tự.
Kiến thức năm đầu trường mỹ thuật chưa đủ tôi hoàn
chỉnh một tác phẩm nghệ thuật, nhưng cũng đủ để tôi
biết : Hắn là cây cọ thuộc trường phái ấn tượng.
- Thì ra anh là họa sĩ?
- Thì ra "hàng xóm" cũng là người thích tranh?
Cả hai cùng bật cười. Có lẽ sự đồng điệu trong
tiếng cười ở chỗ cả hai cùng nhận ra sự ngớ ngẩn
trong câu hỏi của mình - Biết rồi còn hỏi.
Hắn kéo tôi lại gần bức tranh đang vẽ dở, đôi
mắt hắn như có lửa, và tôi biết ngọn lửa ấy đang
tìm cách đột nhập vào trái tim đang bum bùm của tôi
bằng con đường ngắn nhất...
- Đây là những guồng xe nước ở quê tôi - Hắn
chỉ vào những vòng bánh xe đều tăm tắp - Ngày xưa, nó
là công cụ dẫn thủy nhập điền của nông dân. Quê tôi
có dòng Trà Khúc chảy qua khắp thôn làng. Có địa danh
tên gọi Mỹ Lai. Cha mẹ tôi và mấy trăm con người đã
nằm ở đó. Tôi yêu những dòng sông vì nó chảy qua
lịch sử bi tráng, nỗi niềm của sông to lớn quá
khiến tôi luôn khát khao khắc họa lại... Hắn không
hề than vãn, nhưng tôi biết trong lòng hắn ẩn chứa
nhiều nỗi đời bi thảm. Có lẽ lúc tôi trông hắn
bỗng già đi là những niềm riêng trong hắn bật dậy. Có
tiếng động nho nhỏ, "con khỉ" ló đầu vào.
- Đã bảo em ở nhà học bài. Sắp thi rồi.
- Xì... bảo đảm ngon lành mà anh Hai. Em sẽ đỗ cao
kỳ thi tốt nghiệp này. Với lại em lỡ hứa với chị
Minh...
Bỗng dưng tôi không còn thấy thèm món ăn mà "con
khỉ" hứa. Tôi cũng không muốn quấy rầy công
việc vẽ những dòng sông của hắn nên bảo với
"con khỉ" là tôi muốn về.
- Em đưa chị Minh về rồi ở nhà học bài. à... chờ
một lát.Hắn rút cuốn sổ nhỏ trong túi ra rồi bảo tôi
ngồi yên, hí hoáy vẽ. Tôi biết trong đầu hắn vừa
nảy sinh một ý tưởng, và hắn đang phác thảo cho bức
tranh đó. Con nước đã lên theo con trăng, bây giờ thì
không thể đi bộ trên sông được nữa. "Con
khỉ" vừa chèo đò chở tôi vào bờ, vừa tía lia:
- Anh hai em là họa sĩ "lớn" đó. Ngày xưa...
- Biết rồi - Tôi cắt lời nó - nhưng sao hai anh em
lại sống ở đây?
"Con khỉ" bỗng im lặng sau câu hỏi của tôi.
Hồi lâu nó mới lên tiếng, giọng không còn lí lắc
nữa.
- Cũng tại em nghe lời mấy đứa bạn, bỏ học
rồi... hút ma túy. Cũng may, anh Hai phát hiện sớm. Anh
ấy phải bỏ chuyến triển lãm nước ngoài mời, bán nhà
rồi đưa em về đây. à, nếu chị thích xem tranh thì
tối mai em sẽ đưa chị qua nhà xem phòng tranh của anh
ấy.
- Nhưng sao phải xem vào buổi tối?
- Buổi tối anh ấy không có nhà. Anh Hai không thích người
khác vào phòng tranh của mình.
Cho dù rất thích và tò mò, tôi cũng không thể nghe
lời "con khỉ" để mang tiếng là người xem lén.
Hai hôm sau, hắn qua mời tôi sang nhà chơi. Đúng như tôi
dự đoán, trong căn phòng tồi tàn chứa đầy những
"dòng sông" ấn tượng. Sông của hắn như biết
nói - Những dòng sông thanh bình uống khúc. Những dòng sông
khói lửa. Bức thì như khúc tình ca thầm thì... Bức thì
cuộn trào...
Hắn chỉ vào bức tranh vừa mới hoàn thành. Bức
tranh vẽ người thiếu nữ có khuôn mặt giống tôi, mái
tóc cô gái chảy dài như dòng sông lấp lóa ánh trăng -
Một vẻ đẹp rực rỡ thiên thần đang chảy trên một
dòng sông khô cằn trơ trụi khi con nước đang ròng. Tôi
không nhận bức tranh hắn tặng và vội vã quay về Sài
Gòn vì tôi biết - Tôi khó mà bình yên trước tia nhìn
đắm đuối của hắn.
Hơn nữa, đứng trước những dòng sông của hắn, tôi
thấy mình hãy còn quá trẻ./.
Huỳnh Hải Châu