THIÊN SỨ MUỘN MÀNG

Máy bay lăn bánh trên đường băng. Tôi ôm những bức tranh của Mạc vào lòng, bật khóc khi chợt hiểu ra rằng, mình đã bỏ lại đằng sau không chỉ một quê hương...Tôi đọc lại thư Trúc gửi: "... đò cập bến xong, mày cứ theo con đường đất trước mặt mà đi thẳng. Qua một cái cầu ván, một cái nhà máy xay lúa là đến nhà tao. Nhớ là nhà tao trồng toàn hoa tigôn trước cửa đó nghen...".

Tôi đã đi đúng theo lộ trình Trúc chỉ, giờ đây ngôi nhà lợp ngói đỏ, cánh cửa gỗ nâu đã cũ phủ đầy một màu hồng hoa tigôn này lại làm tôi ngơ ngẩn. Nắng rơi rớt từ giàn hoa xuống đất thành những đốm nắng nhỏ xíu nhảy lăn tăn trên thềm. Tôi xô cánh cửa nhỏ khép hờ, bước nhẹ trên mấy đám cỏ xanh còn ươn ướt, hít một hơi không khí trong lành của miền quê buổi sáng, lòng nghe rộn ràng vui. Thấp thoáng bên ô cửa sổ đầy nắng, một mái đầu con trai đang cúi xuống, tôi khe khẽ gọi: "Trúc ơi!".

Người con trai bên cửa sổ ngẩng đầu lên, đôi mắt sâu và hàng mi dài y hệt Trúc, tôi cảm thấy chắc chắn: "Dạ, anh là anh Mạc phải không?". Người con trai gật đầu. Tôi lúng búng "Dạ, em là Hạ, ở Cần Thơ xuống kiếm Trúc". Nụ cười thật lạ và bát ngát: "Hạ vào đi. Trúc đợi Hạ mấy ngày nay". Tôi cúi xuống lễ mễ xách giỏ quần áo căng phồng thầm trách anh của Trúc không biết ga lăng như con trai thành phố, thấy con gái tay xách tay mang vậy mà cứ ngồi hoài trong nhà. Phía sau cánh cửa mở sẵn là nụ cười thật ấm. Tôi sững sờ khi thấy Mạc ngồi trên một chiếc xe lăn. Trong những lá thư, Trúc luôn nhắc đến anh mình với tất cả vẻ thương yêu nhưng không hề nói Mạc bị tật ở chân. Tôi chợt nhiên thấy bối rối... vậy mà ban nãy tôi lại trách anh. "Đi xe có mệt không Hạ" - "Dạ, dạ không". Mạc chỉ bộ ván gõ bóng loáng: "Hạ ngồi chơi. Trúc ra chợ cũng sắp về. Anh phải làm xong công việc này" rồi nhanh nhẹn lăn xe về chiếc bàn lớn đặt bên cửa sổ. Tôi dạ khẽ, ngồi nhìn quanh căn nhà. Trên tủ thờ có ảnh ba và mẹ Trúc, nén hương đang cháy dở thoang thoảng mùi trầm. Trên vách nhà có treo mấy tấm tranh vẽ phong cảnh rất đẹp và một cây đàn guitar sờn cũ, tôi chợt nhớ Trúc nói Mạc rất đa tài, anh còn biết hát và chạy ngón rất tuyệt. Trên chiếc bàn chỗ anh đang ngồi bày la liệt những đinh vít phụ tùng và mấy cái cassette cũ kỹ. Tôi đoán chắc Mạc làm nghề sửa cassette, radio trong xóm. Mạc ngồi chăm chú làm việc, dáng nghiêng nghiêng, mái tóc để hơi dài và bồng bềnh. Sóng mũi thẳng, gương mặt góc cạnh và bờ vai vạm vỡ. Anh làm tôi liên tưởng đến anh chàng Richard Geere trong phim Người đàn bà đẹp mà tôi yêu thích. Rồi tôi thầm trách tạo hoá đã tạo nên một tác phẩm đẹp như vậy mà lại làm thiếu sót ở đôi chân.

"A! Cuối cùng rồng cũng chịu đến nhà tôm!". Tôi giật mình. Trúc đã về, áo bà ba bông xanh đỏ, tóc cột đuôi, mập hơn nhiều so với hồi đi học. Tôi đấm vai nó: "Mày ra dáng thôn nữ quá vậy Trúc", "Còn mày cứ thắt đáy lưng ong hoài hả?". Hai đứa cùng cười. Trúc quay sang Mạc dằn dỗi: "Anh Hai này, tiếp khách quý của em mà không trả không bánh gì hết". Mạc nói: "Hạ còn ở đây lâu, tha hồ tiếp đãi, phải không Hạ!". Tôi cười: "Dạ em cũng chưa biết" Trúc rộn rã kéo tay tôi: "Thôi. Mới xuống chưa kịp thở đã nói chuyện về. Ra sau nấu cơm với tao. Bữa nay tao có mua món rau nhút cho mày trổ tài nấu canh chua với cá bống kho tiêu, chịu không?". Tôi gật đầu lẹ, hớn hở đi theo Trúc. Những giọt nước giếng mới kéo lên mát rượi làm tôi quên hết những mệt mỏi trên đường đi.

Tôi đã ở quê Trúc một tuần, thấy người khoẻ hẳn ra, và tôi cũng quên luôn những muộn phiền luôn đeo đẳng tôi ở thành phố. Hôm ở Cần Thơ, tôi nhớ má nói: "Còn hơn tháng nữa là đi, con có bạn bè ở đâu má cho đi thăm". Giữa lúc đó thì nhận được thư Trúc gửi rủ về quê Trúc chơi, vậy là tôi khăn gói đi. Lúc đi má còn dặn: "Một tuần thôi nghe. Nhớ điện thoại về". Lúc ngồi trên xe đò tôi đã nghĩ làm sao chịu nổi một tuần. Còn bây giờ, tôi lại muốn ở quê Trúc chơi cho đến ngày đi. Vả lại, tôi cũng muốn mai kia sống ở xứ người tôi có thêm chút ít kỷ niệm để mà thương nhớ.

Ban ngày, tôi mặc bà ba, đội nón lá của Trúc, cùng Trúc đi chợ quê. Tôi mê mệt với những món ăn quê vừa ngon vừa rẻ: nào bánh khọt, bánh tằm, bánh dừa, bánh ú, bánh lá, bánh đúc, bánh lọt, bánh cam... Trúc dạy tôi cách giã cua nấu bột bằng cái cối đá nặng chịch để đổ những chiếc bánh khọt tròn tròn thơm nức mũi. Buổi tối, khi Trúc ngồi bên chiếc máy may cặm cụi may đồ cho khách thì tôi vừa đơm nút làm khuy giúp Trúc vừa nghe Mạc kể chuyện. Những câu chuyện vui và giọng nói trầm ấm của Mạc làm cho buổi tối thêm êm đềm. Rồi Mạc ôm cây guitar, cất tiếng hát mượt mà trong đêm: "Thà là rong rêu lênh đênh trên biển, thà là chim bay vui quên tháng ngày...". Mái tóc rũ rũ, ánh mắt buồn xa xăm, dáng Mạc ngồi trễ nải trên xe lăn chợt làm tôi mủi lòng. Mạc lúc nào cũng cười nói, làm việc vui vẻ nhưng tôi vẫn nhìn thấy trong anh ẩn chứa một nỗi buồn. Còn với tôi, vùng đất rực rỡ hứa hẹn bên bờ đại dương đang chờ đón tôi kia biết đâu cũng là bờ cõi của sự cô đơn.

Sáng nay, Trúc dậy sớm vì nhà bên có đám nên phải qua đó làm tiếp chuyện bếp núc. Trúc nói với tôi: "ở quê là vậy đó, chuyện nhà này cũng là chuyện nhà khác, tình nghĩa lắm". Tôi thấy cũng hay hay. Giữa những tình nghĩa như vậy, người ta sẽ sống dễ dàng và thoải mái hơn.Tôi quét sân xong, trở vào nhà đã thấy Mạc ngồi trầm tư bên cửa sổ. Hôm nay anh mặc áo sơ mi màu đen rộng, trông rất lạ và đẹp. Bên cạnh là cái giá vẽ bằng gỗ cũ lem luốc màu. Mạc di di mấy cây cọ lên lòng bàn tay: "Hạ có muốn ra vườn không? Ra đó Hạ câu cá, hái rau khỏi phải đi chợ. Lâu quá anh cũng không ra vườn".

Tôi gật đầu, lấy theo một con dao và chiếc cần câu rồi đẩy xe giúp Mạc ra khu vườn sau nhà. Những chiếc lá khô kêu xào xạc dưới vòng bánh xe. Có tiếng chim hót ríu rít đâu đó trên mấy vòm cây. Đến gốc mận đỏ rực bên bờ ao. Mạc móc mồi vào cần cho tôi ngồi câu, còn anh lăn xe một mình quanh trong vườn, say sưa ngắm nhìn những chú chim ngây ngô nghiêng mỏ trên mấy nhánh cây, những tia nắng vàng rực trên đám hoa chuối ngọc lốm đốm bông tim tím rồi anh lăn xe về phía bụi tre um tùm mát rượi tìm chỗ đặt giá vẽ. Gió thổi qua những chiếc lá tre đan vào nhau xào xạc. ở chỗ tôi ngồi nắng không vào được, tiếng gió rì rào trên những tầng lá thấp nghe như những lời ru. Tôi ngủ quên lúc nào không hay biết. Đến lúc nghe tiếng quẫy nước rất mạnh mới giật mình thức dậy. Một con cá lóc thật to đang cố vùng vẫy trong tay Mạc khi anh đang gỡ nó ra khỏi lưỡi câu. "Con cá lớn quá anh Mạc!". Mạc cười nheo mắt: "Nhờ Hạ ngủ say nên nó mới dám lên ăn mồi, rau anh hái rồi, Hạ đem vô bếp trổ tài đi...". Tôi đỏ mặt dạ khẽ rồi thu lượm mọi thứ để đẩy xe Mạc trở vào nhà nhưng anh nói tôi vô nhà nấu cơm trước, anh muốn ở lại vườn thêm chút nữa.Khi tôi đang loay hoay nhóm lửa, làm cá thì Trúc cũng vừa về tới. Tôi kể chuyện ngủ quên ngoài vườn làm Trúc ôm bụng cười mãi. Trưa đó bên nồi cá kho, canh rau bốc khói, chúng tôi vừa ăn cơm, vừa nói chuyện thật vui.

Má điện khẩn xuống nhắn tôi về gấp vì có giấy gọi sớm hơn dự định. Tôi gọi xin má cho tôi ở lại với Trúc thêm vài ba ngày nữa, nhưng má không cho, bà nói còn phải đi từ giã mấy người quen của bà ở Sài Gòn. Vậy là tôi phải rời khỏi nơi đây sớm hơn tôi tưởng. Trúc ngồi xếp mấy bộ đồ của toi, nhét luôn cả bộ bà ba tím rịm của nó vô giỏ tôi mà mặt máy buồn xo: "Mày đi chuyến này biết chừng nào tao với mày mới gặp nhau nữa, Hạ". Tôi cố đùa: "Thôi đừng có lấy nước mắt làm mềm lòng quân tử. Trước sau gì tao cũng đi, miễn sao lúc tao đi có mày với anh Mạc đưa tiễn là tao vui rồi". Trúc nước mắt loè nhoè quẹt mũi như con nít nói ngày đó sẽ mặc áo mới đi tiễn tôi. Trúc nói tôi đi rồi chắc căn nhà sẽ vắng và buồn lắm. Tôi thấy lòng nao nao khi nghĩ đến Mạc, chợt không biết nói gì để chia tay với anh. Tôi luôn luôn là người bối rối trước những cuộc chia tay dù biết chẳng có buổi yến tiệc trần gian nào lại không có lúc kết thúc. Đêm đó tôi cứ trằn trọc suốt, nằm thao thức nhìn gương mặt tròn đầy, mái tóc dài xoã mềm mại trên gối của Trúc trong giấc ngủ và lắng nghe tiếng đàn của Mạc. Đêm nay anh cũng thức khuya hơn mọi bữa, tiếng guitar một mình nghe buồn ray rứt như tiếng mưa đêm.

Về thành phố, tôi bận bịu suốt ngày vì phải cùng má đi từ giã những người quen và đi mua những chiếc măng tô dầy cộp, những chiếc găng tay, nón len trùm kín đầu, má nói ba điện về nói bên đó đang mùa đông, tuyết phủ ngập đường lạnh lắm. Tôi cần phải chuẩn bị mọi thứ chu đáo và đầy đủ để ra đi.

Chuyến bay của tôi sẽ bay lúc 19 giờ. Tôi thấy buồn khi phải nhìn mọi thứ khi ra đi dưới ánh hoàng hôn. ở sân bay, tôi ngóng mỏi mắt Trúc và Mạc trong đám đông, lòng cồn cào khó tả. Tôi thấy nhớ những ngày ở quê Trúc, nhớ giàn tigôn và khu vườn nhỏ, nhớ giọng cười Trúc hồn nhiên và dáng Mạc ôm đàn ngồi hát. Má giục: "Tới giờ rồi, vào trong đi con".Tôi năn nỉ má cho tôi được ngồi chờ thêm lát nữa.Trúc đến một mình. Tôi cuống quít hỏi Mạc. Trúc lắc đầu nói anh không quen cảnh tiễn đưa và gửi tôi gói quà. Trong chiếc hộp gỗ là những bức tranh. Trong những bức tranh là tôi ngồi dựa gốc mận đỏ rực tay thả dây câu bên bờ ao, tôi trên tóc có vòng hoa trắng ngủ mơ màng trong vườn, chung quanh đầy hoa cỏ, rồi tôi má đỏ hồng thổi cơm bên bếp lửa, tôi với chiếc áo trắng lướt thướt với đôi cánh trên vai... sau lưng bức tranh là những dòng chữ nghiêng: "Em là thiên sứ chắp cánh cho một ước mơ tưởng đã lụi tàn, nhưng rồi em cũng bay đi mất". Tôi sững sờ nhìn Trúc. Trúc nghẹn giọng: "Mày đi rồi ảnh buồn, thức đàn và vẽ cả đêm. Thôi mày đi mạnh khoẻ, đừng quên tao với anh Mạc nghe Hạ!". Tôi gật đầu, trái tim như sắp vỡ ra. Vào phòng cách ly, tôi nhìn lại dáng Trúc mờ mờ ngoài khung cửa, chiếc áo hồng lẻ loi trong đám đông như một nhành tigôn nhỏ. Máy bay lăn bánh trên đường băng. Tôi ôm những bức tranh của Mạc vào lòng, bật khóc khi chợt hiểu ra rằng, mình đã bỏ lại đằng sau không chỉ một quê hương./.

Hồng Ngọc

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC