NGƯỜI ẤY LÀ HƯƠNG GIANG

Anh ấy ra đi từ cuộc kháng chiến chống Pháp, chia tay người con gái. Chẳng phải vì bất đồng giữa hai người với nhau, mà là cản trở từ phía gia đình. Gia đình đằng gái tham giàu ép con gái lấy con một gia đình giàu có nhất làng, có tên "cha Đởn". Người con gái nhất quyết không nghe nhưng cũng không biết phải làm gì trước một ông bố (với cả mẹ) dữ dằn, tí tí là đánh, đánh cho chí chết nếu cô không nghe.

Người ra đi đó là Giao. Giao vào bộ đội đến ngày hoà bình năm 54 tập kết ra Bắc, được trên cho đi học Đại học Y khoa, ra trường phục vụ trong quân đội. Còn người ở lại đó là Hương Giang, quê ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Mười tám năm sau, năm 1972, Giao trở về quê chiến đấu, cơ quan quân y của anh đóng trong rừng. Một hôm người ta chuyển tới cho anh một ca thương binh bị thương vào đầu, băng trắng choán xuống mặt. Giao hỏi hai người cáng thương binh tới trạm:

- Đồng chí này bị thương như thế nào?

- Dạ, bị đạn mảnh vào đầu.

- Tư thế lúc bị thương đồng chí ấy nằm hay bò?

- Dạ, bò.

- Từ lúc bị thương tới giờ, có lúc nào đồng chí ấy tỉnh không?

- Dạ có - Hai người cứ thế tuồn tuột "khai" - Tỉnh rồi mê, mê rồi tỉnh. Nhưng như thế có sao không ạ?

Giao đã tính nói rằng: "Cực kỳ nguy hiểm, chết trăm phần trăm bởi là máu chèn não là do có khoảng tỉnh" nhưng nghĩ sao lại thôi. Giao hỏi hai người cáng thương câu khác:

- Tên đồng chí ấy là gì, quê đâu?

- Dạ, quê Phú Vang, tên Linh, họ Nguyễn.

Giao lẩm nhẩm: "Phú Vang, tên Linh, họ Nguyễn".

Rồi lại hỏi:

- Thế còn xã?

- Xã là xã X, thôn Y ạ.

Hai người nói tới đó nhìn nhau cười: "Bác sĩ hỏi cứ như là tìm người quen". Giao đã định nói: "ừ tìm người quen" nhưng vừa lúc đó người thương binh Linh mê sảng bỗng hô xung phong loạn xạ, đã cắt mất câu chuyện của họ. Tuy vậy, hai người cáng thương thấy câu chuyện nói tới đó "cũng vừa" xong mọi "thủ tục", họ lấy võng và đòn cáng quay về đơn vị. Còn lại việc của đội phẫu thuật, Giao cho mời anh em cộng sự tới "hội chẩn", Giao nói:

- Đây là trường hợp nguy hiểm. Tuy nhiên, sách dạy là vậy nhưng vẫn cá biệt có những người ở vào trường hợp "ngoại lệ", không chết. Thế nhưng bây giờ chẳng có thì giờ đâu mà nói chuyện đó. Chuyện gấp ngay bây giờ là phải mổ xem có cứu được đồng chí mình không. Đưa đồng chí ấy lên bàn cạo tóc rồi chuẩn bị thuốc men, bông băng. Tôi mổ, khẩn trương lên.

Giao nói tới đó thì bệnh nhân Linh bỗng chuyển sang trạng thái tỉnh, nói:

- Chị Giang ơi. Hai thằng cáng em, đứa là thằng Chí con ông Bách, đứa là thằng Lân con bà Tư Thuận An. Chị Giang ơi...

Giao bỗng thấy lòng quặn thắt: "Chẳng lẽ cái "khoảng tỉnh" nghiệt ngã tới nhường ấy? Và rồi ý nghĩ "còn nước còn tát" đã thôi thúc anh phải mổ gấp. Giao lấy hai ngón tay căng đám da đỉnh đầu Linh ra mổ. Nhưng may: chỉ vừa mới rạch đã thấy ngay một mảnh kim khí trồi ra, nhỏ như cái vẩy ốc sắc. Giao mừng thầm: Nó ở rất nông và anh dùng panh gắp mảnh đạn đưa lên xem. Máu từ vết thương phun ra toàn một thứ máu tím bầm. Giao gọi đưa gạc lau khô rửa sạch rồi băng. Công việc nhanh chỉ độ mươi phút, Giao nói qua khẩu trang với người cộng sự:

- Đây chỉ là trường hợp mê, tỉnh giả do choáng và do nhiễm trùng thể nhẹ ngoài vỏ não mà nên. May cho đồng chí ấy...

Sáng ngày hôm sau, hai người chuyển thương hôm trước lại tới trạm. Chưa để họ kịp hỏi, Giao đã hỏi họ trước:

- Cậu nào là Chí, con ông Bách? Cậu nào là Lân, con bà Tư Thuận An?

Chí, Lân hết sức ngạc nhiên, hỏi:

- Răng anh biết được tên chúng em tài thế?

Giao ừ ào thân mật nhưng không trả lời mà lại hỏi tiếp, làm cứ như là quen:

- Chị Giang của Linh giờ này mấy con rồi?

Lại một lần nữa Chí, Lân ngạc nhiên:

- Răng anh biết cả chị Giang? Chị là chị ruột Linh đấy. Ba chúng em đều thôn Y, xã X và cùng ở một đơn vị trinh sát. Mà anh tên là gì kia chứ?

Giao vẫn không trả lời thẳng vào câu hỏi, hỏi tiếp:

- Chồng chị ấy con trai "cha Đởn", giờ làm gì?

Càng ngạc nhiên hơn, Lân và Chí nhìn nhau cười:

- Lại còn thế nữa, chị ấy chồng con gì đâu. Dạo còn nhỏ, chúng em nghe nói chị Giang yêu một người tên Rách cùng thôn, yêu say đắm. Anh Rách cũng yêu chị vậy, song gia đình đã không cho lấy anh Rách - chắc chắn là vì nghèo - bắt ép chị lấy con trai "cha Đởn", nhưng chị trốn nhà ra đi đâu không biết. Một thời gian sau chị về, con "cha Đởn" đã đi lấy vợ. Từ đó, chị chỉ chờ có anh Rách thôi...

Nói tới đó, Lân và Chí nhìn Giao trân trân: "Hay anh là...". Giao hiểu ý nhưng không hiểu sao cứ lúng túng, chỉ nói mình là Giao, bác sĩ đội trưởng đội phẫu thuật tiền phương...

Vừa lúc đó thì Giao nhận lệnh trên báo khẩn cấp: Chuyển gấp đến địa điểm mới, địch sẽ đổ quân tới đây. Và thế là hai người cáng thương luôn thể họ chuyển Linh đi theo đường dây giao liên ra Bắc an dưỡng, điều trị. Còn lại Giao và đội phẫu thuật thu dọn khẩn trương rút khỏi địa bàn. Ngửng lên, Giao đã thấy hai người cáng Linh đi được khá xa, nhưng anh nói với theo (mà chẳng hiểu là họ có nghe được không):

- Đúng mình tên R...ách.

Từ đó trở đi, Giao phấn chấn làm việc với một niềm tin sắt đá vào ngày toàn thắng, ngày về với người mình yêu, người ấy là Hương Giang.../.

Vũ Huế

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC