Những cơn mưa chiều quay trở về
ám ảnh tôi. Ngày còn nhỏ, đã có những buổi
chiều mưa như thế tôi ngồi nghe bà kể
chuyện. Ngoài trời, mây đen vân vũ. Gió giật
tung những chiếc lá khô ném xuống vườn.
Tôi nép vào lòng bà, vừa sợ sệt, vừa
thích thú lắng nghe. Những câu chuyện mà sau
này lớn lên tôi hiểu hầu hết đều
không có thực. Nhưng lúc ấy tôi đã khắc
khoải chờ đợi. Bà tôi bảo sẽ có
những điều kỳ diệu hiện ra sau
cơn mưa, sau bảy sắc cầu vồng.
Cha thường đạp xe về thăm bà, thăm
tôi hai tuần một lần, cũng có khi cả
tháng. Tôi nhẩm tính thời gian và ra ngõ đứng
ngóng cha. Những cơn mưa chiều làm tôi ướt
rượt. Bà ôm tôi vào lòng ầu ơ bằng cái
giọng tắc nghẽn, vướng vít nơi cổ
họng. Mẹ tôi bỏ đi lâu lắm không thấy
về.
Còn dại, tôi hỏi cha:
- Cha ơi, mẹ đâu?
Cha tôi không trả lời mà bà trả lời
- Ngoan nào! Rồi bà kể chuyện cho con nghe!
Ngày xưa, ở một làng nọ...
Lớn thêm một chút nữa, tôi hỏi:
- Bà ơi, mẹ cháu đâu?
Bà ôm tôi vào lòng:
- Mẹ đi chợ! Mẹ mua con giống xanh
đỏ cho cháu đấy thôi
- Thế bao giờ mẹ cháu về?
- Sắp!
Chợ làng tôi đã đi. Chợ huyện tôi
đã đến. Đường có xa thật nhưng
rồi cũng phải về đến nhà. Mẹ
tôi đi, thời gian tính bằng tuổi tôi bà
dùng than vạch lên cột vách. Mưa nắng, nhà
dột, vạch sau rõ thì vạch trước mờ.
Tôi lớn dần lên.
Lớn dần lên, cha về, tôi khẩn khoản:
- Cha ơi, mẹ lâu về thế? Cha trả lời
con đi!
Cha nhìn bà. Bà gọi tôi, nhoèn nhoèn đôi mắt.
Tôi ương ngạnh bám lấy cha hỏi cho bằng
được:
- Cha trả lời con đi?
- Mai mẹ con sẽ về!
Cha bảo thế rồi đạp xe đi. Trong
mưa. Tôi nhìn những bong bóng nước vỡ lóp
nhóp trên sân gạch. Tôi chạy theo vết bánh xe
cha, vừa chạy vừa khóc:
- "Cha ơi! Cha đừng đi! Con không cần
mẹ nữa. Con không cần mẹ nữa, cha hãy
về với con".
Những cơn mưa ôm tôi vào lòng. Sau đó là
cầu vồng. Cầu vồng đẹp lắm!
Đêm đó về nhà tôi lên cơn sốt. Bà ngồi
bên cạnh người tôi nóng hầm hập. Tôi
lịm đi trong những cơn mê. Những cơn
mê mà sau này, tôi cố nhớ lại, cũng chỉ
thấy đến một lần trong đời.
Sáng hôm sau cha tôi về. Cha về cùng với một
người đàn bà gày và xanh lét như tàu lá.
Tôi hé mắt nhìn cha, cố nở một nụ cười.
Cha đặt tay lên trán tôi, lo lắng:
- Con thấy trong người thế nào? Có khó chịu
lắm không?
Tôi lắc đầu.
- Có đau không?
Tôi lắc đầu.
Tôi muốn nói với cha: "Con chỉ nhớ
cha thôi!" mà không thể, mồm miệng cứ
méo xệch.
Cha gọi người đàn bà:
- Na, em đến với con đi!
Chuyện gì xảy ra? Tôi cố gắng mở to
mắt. Người đàn bà mà cha gọi là Na,
đến bên tôi, từ từ ngồi xuống. Ngượng
nghịu đặt tay lên trán tôi. Bàn tay lạnh ngắt!
Tôi khẽ rùng mình. Người đàn bà vội rụt
tay lại.
Cha ngỡ ngàng:
- Na...
Tôi ghi cái tên ấy trong đầu.
Cha kéo chăn đắp cho tôi:
- Từ nay mẹ sẽ ở bên con! Gắng
đừng làm mẹ buồn, con nhé!
Rồi cha quay sang người đàn bà tôi sẽ
phải gọi là mẹ:
- Na yên tâm!
Tôi lờ mờ hiểu những thay đổi
đang diễn ra trong nhà. Đến chiều, cha
đạp xe đi, không giải thích hay nói gì thêm
nữa. Nhưng từ ấy, mỗi tuần cha về
thăm chúng tôi một lần. Vì thế, tôi
được gặp cha nhiều.
Mọi xáo trộn cũng đến lúc trở
nên bình thường. Nhưng xáo trộn trong tôi
càng lúc càng lớn. Tôi gọi "cô Na" thay phải
gọi "mẹ" như cha bảo. Tôi không hiểu
bây giờ mình cần gì. Cha cũng không hiểu
tôi nhưng có lẽ là cô Na hiểu.
Nỗi buồn mang những cơn mưa của tôi
đi xa. Tôi ngồi bó gối triền miên ngày này
qua ngày khác. Buổi chiều ráo hoảnh. Trời hầm
hập nóng. Cô Na cũng không thể làm dịu
đi những bức bối, khó chịu trong tôi. Mặc
dù tôi hiểu cô Na đã cố gắng rất nhiều.
Thường cô nói một đằng, tôi làm một
nẻo. Tôi dửng dưng và bướng bỉnh.
Nhưng đêm đến tôi nằm đếm những
giọt nước mắt lã chã của mình. Tôi thương
mọi cố gắng của cô Na. Thương những
cơn mưa của tôi không về nữa, mặc
dù trời rất nhiều mây và ầm ì tiếng
sấm. Bà bỏ quên thói quen xoa lưng ru tôi ngủ
từ ngày có cô Na. Những câu chuyện cổ
tích bay đi theo những cơn mưa, thưa dần.
Tôi nằm nghĩ và ngủ quên. Trong giấc mơ
của tôi có cơn mưa về làm mát.
Tôi bắt đầu lục lọi trong trí nhớ
về người đàn bà trước ngày cha
tôi thường nhắc. Người đó là cô
Na.
Cô Na bạn với cha tôi từ ngày trẻ. Chắc
chắn phải có mối quan hệ mật thiết
giữa hai người. Chiến tranh, cô Na đi
thanh niên xung phong, cha tôi lên đường nhập
ngũ. Nhưng cả cha tôi và cô Na đều mong
đến một ngày sẽ im tiếng súng, dứt
tiếng bom. Ngày ấy sẽ là một ngày đẹp
nhất của hai người...
Tôi bỏ học ở nhà cả một buổi
chiều lục tung tủ sách cũ chỉ để
tìm một quyển sổ duy nhất. Quyển sổ
cũ, bìa đã ố vàng, long lay sắp rời khỏi
gáy, phủ đầy bụi và bị gián nhấm
mất một góc. Giở những trang trong nét chữ
đã mờ, có trang nhoè hẳn, không đọc
được. Đó là quyển nhật ký của
cha. Trong một lần dọn nhà tôi vô tình nhặt
được nhưng lại quên ngay. Tôi xếp
nó lẫn vào đống sách cũ. May mà tôi chưa
ném vào sọt rác hay cân giấy vụn cho những
bà đồng nát.
Tôi leo lên giường nằm quay vào trong, tò mò
giở trang đầu tiên.
Chỉ có mấy dòng đề tặng:
"Thân yêu tặng anh cuốn sổ nhỏ này
làm kỷ niệm. Chúc anh lên đường may mắn,
hoàn thành tốt nhiệm vụ và nhớ mãi về
em!" và ký tên. Chữ ký không rõ ràng nhưng tôi
chắc chắn đó là của cô Na. Tôi đã gặp
nó ở tờ giấy nghỉ học cô Na viết
cho tôi hôm tôi ốm. Đây chắc là cuốn sổ
cô Na tặng cha tôi ngày cha tôi nhập ngũ. Bên dưới
cha tôi viết:
"Thương nhớ em nhiều! Em yêu của
anh! Ngày... tháng... năm... 1972" và mấy câu thơ
"con cóc": "Trai yêu văn nghệ cho vui/Gái
yêu văn nghệ cho đời nở hoa"...
Tôi giở tiếp những trang sau, cha bắt
đầu ghi nhật ký:
"Ngày...
Đơn vị mình vừa đánh lui cuộc tập
kích của địch. Anh em đang nghỉ lấy
sức. Có lẽ đêm nay chúng nó sẽ đánh
lên.
Anh tranh thủ ghi mấy dòng, nhớ Na da diết.
Bây giờ em đang làm gì? Nghỉ ngơi, ca hát?
Hay đang cùng các chị lấp những hố bom,
mở đường để đêm nay xe qua? Anh
nhớ em từng phút, từng giây. Mong em hoàn thành
tốt nhiệm vụ...".
"Ngày...
Đơn vị anh vừa thắng lớn, em có
biết không?
Giữa rừng nghe đồng đội mình
hát "Tiến về đồng bằng" anh
nghe nhấp nhỉnh trong dạ. Cứ đà này
thì chẳng bao lâu nữa ta sẽ vào tới Sài
Gòn...
Anh nhớ và thương em! Các chị có còn
chòng em nữa không? Em nói với các chị, ngày
hoà bình, em sẽ dẫn anh sang ra mắt các chị.
Na nhé!
Mong em hoàn thành tốt nhiệm vụ. Yêu
em..."
Những câu cuối cùng, cha tôi thường viết:
"Mong em hoàn thành tốt nhiệm vụ!" Dường
như trong những năm tháng ác liệt đó mọi
người đều tạm quên đi chuyện tình
cảm, đặt nhiệm vụ cầm súng chiến
đấu bảo vệ Tổ quốc lên hàng
đầu. Và cha tôi cũng như bao nhiêu người
trai thuở ấy quên đi những giọt nước
mắt của bà nội, hăm hở lên đường.
Trang tiếp theo bị nhoà, tôi giở mấy
trang sau:
"Ngày...
Na ơi! Mấy tháng rồi anh chẳng nhận
được tin tức gì của em. Hay là...
Mấy hôm vừa rồi, phía ấy nó ném bom nhiều
quá. Anh bỗng thấy lo cho em và các chị. Em thế
nào? Các chị thế nào? Có ai bị làm sao không?
Sao em không trả lời?
Anh không ngủ được. Cứ mở mắt
ra là thấy pháo sáng chúng nó bắn. Nghe nói, nó lại
lộn ra miền Bắc, quê mình... Chiều qua,
trong một trận đánh anh bị thương
ở đùi. Nhẹ thôi! ở đây có cô Thuỷ
y tá chăm sóc cho anh, cô ấy là bà tiên của
đơn vị, dịu hiền như em ấy..."
"Ngày...
Vết thương đã lành. Như thế là
mình lại được cầm súng. Thuỷ bảo
mình nên nghỉ ít hôm nữa. Nhưng trận tiếp
theo cực kỳ quan trọng. Anh em đang chuẩn
bị cho một chiến dịch lớn. Lẽ nào
mình lại nằm chơi! Thuỷ tốt với mình
quá..."
Những ngày sau đó, cô y tá tên Thuỷ bước
hẳn vào trang nhật ký của cha tôi. Cha tôi viết
nhiều về cô mà quên nhắc đến cô Na. Dường
như ở cha tôi bắt đầu có sự so
sánh, suy nghĩ về hai người đàn bà. Một
ở xa đã bặt tin và một ở gần kề,
ngay bên cạnh. Cũng phải thôi, trong hoàn cảnh
chiến tranh, sự sống kề bên cái chết
ai dám chắc mình còn lành lặn đến ngày trở
về. Cha tôi bắt đầu ngả sang cô Thuỷ
cũng là điều không khó hiểu...
Cô Na bị ốm. Cha tôi đạp xe về. Mấy
hôm nhìn cô Na quằn quại trên giường, trong
lòng tôi dấy lên niềm ân hận. Bình thường
cô Na đã gầy nay càng gầy hơn nữa. Gầy
và xanh như tàu lá. Người chỉ còn da bọc
xương. Những cơn đau đã làm cô kiệt
sức.
Cha tôi ngồi bên giường cô Na, lo lắng. Mắt
cô lạc đi mỗi khi cô oằn mình từng
đợt. Cha đau cùng nỗi đau của cô
Na. Có lúc tôi phải quay mặt đi không dám nhìn
cô chịu những cơn đau hành hạ. Mỗi
ngày, cô chịu đau đớn nhiều lần
như thế rồi mệt quá thiếp đi. Cha tôi
cứ ngồi bên giường cô không hề chợp
mắt. Cha không cho phép mình gục xuống. Nhưng
mệt mỏi, lo lắng và những đêm mất
ngủ liên tiếp đốn gục cha. Nhưng rồi
người lại ngồi thẳng lên, lại lao
ra bể vã nước lên mặt. Cha sợ nếu
ngủ quên, cô Na sẽ bị cơn đau hành hạ.
Tôi đọc được trong mắt cha sự
căm thù giặc Mỹ, căm thù chiến tranh.
Tôi ra đời khi đất nước đã
bình yên nên không hiểu chiến tranh là gì. Cha tôi
bảo: "Đất nước đã hoà bình, cỏ
cây đã mọc lên trên những hố bom. Hãy
để cho quá khứ ngủ yên, đừng
đánh thức nó dậy. Còn biết bao nhiêu việc
phải làm...". Và cha tôi chuyển sang ngành công
an, tiếp tục gìn giữ sự bình yên cho cuộc
sống.
Nhưng những cơn đau của cô Na làm
lòng cha không được yên ổn. Tóc cha bạc
trắng sau từng đêm như thế. Cùng với
sự kiệt sức của cô Na là dấu hiệu
cạn sức của cha tôi. Cha từng ngày từng
giờ bằng mọi cách kéo cô Na ra khỏi những
cơn âm hưởng hoảng loạn của chiến
tranh, giành về phía sự sống. Cô Na không đập
phá, không la hét nhưng ánh mắt của cô cứ
lạc dần, dại dần đi.
Một ngày tôi đạp xe lên huyện mấy lần
theo sự sai bảo của cha, tìm đến mọi
hiệu thuốc. Tôi mong cô Na qua khỏi đợt
này để cho tôi đỡ bị dằn vặt.
Nhưng mọi cố gắng của cha tôi đều
vô ích.
Cô Na mất vào một buổi chiều, lúc cha
tôi mệt quá gục xuống thiếp đi. Lúc
cha tỉnh dậy cô đã đi rồi. Cha lặng
im vuốt mắt cho cô và bảo tôi đến nhìn
cô lần cuối. Tôi đến bên cha. Cô Na nằm
đó, đôi mắt dẫu đã nhắm nghiền
như thiếp ngủ, nhưng gương mặt vẫn
phảng phất một nụ cười.
Cha tôi tìm mẹ tôi về theo lời dặn của
cô Na trước khi cô mất. Cô nói lúc đã mệt
sức lắm rồi:
- Anh... tha lỗi cho em! Anh... hãy... tìm chị Thuỷ
về. Con lớn rồi, cần phải có bàn tay
chăm sóc của mẹ nó.
Dừng lại một lúc để lấy sức,
cô tiếp:
- Không ai sống được bằng quá khứ.
Anh cũng không nên xa lánh chị Thuỷ như thế
mãi bằng một lỗi lầm chị ấy lỡ
gây ra. Anh... hứa với em đi!
Cha tôi chưa kịp hứa gì thì cô đã nhắm
mắt, thiếp đi...
Cha tôi phủ lên người cô Na một lá cờ
đỏ sao vàng. Đồng đội của cha
tôi và của cô Na tìm về đưa cô đông lắm.
Mẹ tôi về, bà dường như cảm thấy
lạc lõng trong đám người đông đúc
đó, đứng nép bên cánh cửa, lẻ loi.
Tôi nắm tay cha nhìn lại phía mẹ. Cha tôi bảo:
"Lại với mẹ con đưa cô Na đến
nơi an nghỉ cuối cùng..."
Cha tôi ôm quan tài cô Na lần cuối cùng. Rất
lâu. Lần đầu tiên tôi thấy cha tôi khóc. Mẹ
tôi cũng khóc.
Những câu chuyện cổ tích xa dần. Chiều
ấy, sau cơn mưa, bầu trời hiện lên
bảy sắc cầu vồng. Tôi đi ra mộ cô
Na. Trên mộ cô, cha tôi trồng một cây cúc trắng,
thứ hoa cô Na thích, trước hôm người
đạp xe lên huyện, về lại cơ quan. Mẹ
theo xe cha ra cổng định nói điều gì nhưng
không nói được... Mẹ khóc.
Tôi thắp cho cô Na ba nén hương. "Chiến
tranh đã qua rồi. Không ai sống được
bằng quá khứ, nhưng quá khứ giúp cho người
ta biết trân trọng những gì có được
ngày hôm nay. Phải không cô Na"./.
Nguyễn Thị Ngọc Khánh