Thêm một ngọn nến nữa được thắp lên trong ngày
con tròn hai mươi tuổi. Vậy là đã ba năm, ba năm kể
từ ngày con phải xa dì, ba năm con không còn được
thổi nến cùng dì. Con vẫn nhớ như in ngày ấy - ngày mà
dì bước vào ngôi nhà nhỏ bé của con và ba. Hồi ấy,
con mới chỉ là một cô bé hơn mười tuổi ương bướng,
nghịch ngợm vì quen được nuông chiều. Mẹ mất từ ngày
con ba tuổi, nhà chỉ có hai ba con. Thế rồi cuối mùa hè
năm lớp sáu, nhiều người nói với con: "Con sắp có
mẹ". Thật là lạ nhưng rồi con cũng hiểu ra. Trong
suy nghĩ non nớt của con, ba sẽ không còn là của riêng
con nữa, đêm đêm không còn được nằm ôm lấy ba nghe
ba kể chuyện; con sẽ phải gọi một người phụ nữ xa
lạ nào đó là mẹ... Rồi con bỗng nghĩ tới câu
chuyện Tấm Cám với đầy nỗi lo sợ xen lẫn tủi thân
và uất ức. Con chỉ mong điều đó sẽ không bao giờ
xảy ra.
Nhưng rồi ngày ấy cũng đến. Sự xuất hiện của dì
càng làm tăng nỗi lo sợ trong con. Con đứng nấp sau
cửa buồng len lén nhìn dì thắp nhang lạy mẹ. Rồi ba
dẫn con ra chào dì khiến bước chân con cứ ríu vào
nhau. Ba nói: "Đây là dì Diệu. Từ hôm nay dì sẽ
sống với ba con mình". Dì ôm con vào lòng, xoa đầu
con, hôn lên má, lên trán con. Con đâu ngờ đó lại là
ngày tạo nên bước ngoặt mới trong cuộc đời con.
Kể từ ngày có dì về, ba đi biền biệt, mấy tháng
mới về thăm nhà một lần rồi lại nhanh chóng thu xếp
ra đi. Ngày khai giảng năm ấy, ba không đưa con đến trường
như mọi năm. Con tủi thân chạy ra mộ mẹ khóc suốt
buổi chiều hôm trước. Sáng sớm sau, dì gọi con dậy
thật sớm, chuẩn bị quần áo, sách vở cho con. Vốn không
thích dì, con hất tung tất cả rồi tự chạy một mạch
đến trường. Con đâu biết rằng phía sau con là hai hàng
nước mắt nghẹn ngào của dì. Và thật bất ngờ, khi
con ngẩng mặt lên chào cô giáo, con mới biết người đó
lại chính là dì. Mắt dì vẫn ướt, hướng về phía
con như chia sẻ, tìm sự đồng cảm. Vốn tính ương bướng,
con chẳng thèm quan tâm hay suy nghĩ tới nỗi khổ mà dì
phải chịu đựng. Từ hôm đó lũ bạn nhìn con đầy
vẻ ghen tỵ vì cô giáo là "mẹ" con mà lại. Con
lấy đó làm lý do làm mình làm mẩy với dì. ở nhà,
con chẳng hé răng nói một câu, đến lớp thì cố tình
lộ vẻ mặt tức giận để dì phải khổ sở. Dì vẫn
ngày ngày lo lắng, chăm sóc cho con từ bữa ăn, giấc
ngủ đến bộ quần áo, đôi dép con đi. Dì sống trong
nhà như một cái bóng. Thi thoảng, ba mới ghé qua nhà
đưa quà cho con, ôm hôn con rồi hỏi thăm dì qua loa. Vài
ngày sau, ba lại đi. Thời gian cứ thấm thoắt trôi qua.
Ba năm sau, trong một lần ba về thăm nhà, con tình cờ
nghe được câu chuyện ba nói với dì:
- Anh rất hiểu tâm trạng của em. Đừng vì thế mà
quá buồn. Chẳng phải là chúng ta đã có con Thư rồi
sao. Em hãy yêu thương nó, chăm sóc nó bằng tất cả tình
yêu của một người mẹ. Anh tin là có ngày con nó sẽ
hiểu ra. Nó còn bé, em phải thông cảm cho nó.
Dì nói trong dòng nước mắt:
- Em rất yêu quý Thư và không trách gì con cả. Em
chỉ cảm thấy có lỗi với anh, khi không thể cho anh thêm
một đứa con, cho con Thư thêm một đứa em để bầu
bạn.
Con đỏ bừng mặt, đất dưới chân con như lún sâu,
cảnh vật quay cuồng. Rồi con khóc lúc nào không biết.
Lần đầu tiên sau ba năm, con khóc không phải vì tủi thân,
uất ức cho mình. Con khóc vì dì. Con thấy thương dì quá.
Những ngày sau đó, con biết là dì rất bất ngờ vì
sự thay đổi của con. Và chắc là sẽ chẳng bao giờ dì
biết được lý do. Con thấy hối hận quá. Dì biết không,
khi thấy ba nói chuyện với dì, con vẫn nghĩ là dì sẽ
nói xấu con, mách tội con với ba. Trong suy nghĩ của con
vẫn không có dì, không có những giọt nước mắt thầm
lặng của dì. Con đâu ngờ rằng dì lại phải chịu
biết bao đau khổ như vậy. Con chợt nhớ lại những đêm
khuya khi tỉnh giấc, thấy dì nằm bên cạnh, gối ướt
đẫm mà tay thì ôm chặt lấy con. Con đã cố tình lấy
chân đạp dì ra xa. Giờ đây khi biết được tất cả,
con thấy mình đáng ghét biết chừng nào. Vậy mà dì
vẫn thì thầm bên tai con:
- Cái con bé này! Ngày chạy nhảy đùa nhiều quá, đêm
ngủ còn mơ!
Rồi những lần dì bảo ban con bài vở. Con cố tình
tỏ thái độ với dì nhưng dì vẫn ân cần dạy dỗ. Đợt
thi học sinh giỏi vừa rồi, nếu không có dì chắc con cũng
khó đoạt giải. Vậy mà khi nghe tin ấy, con vẫn tự đắc
vì nghĩ mình giỏi giang mà đâu nghĩ tới công dì rèn giũa
từng câu từng chữ. Trong ngôi nhà này, dì chỉ có con
để bầu bạn, vậy mà con đã quay lưng lại với nỗi
đau của dì. Có hối hận cũng đã muộn, dì ơi! Con sẽ
bù đắp những mất mát để lại tìm thấy nụ cười
trên khuôn mặt dì.
Bữa cơm liên hoan mừng con đoạt giải thật vui, dì
nhỉ. Hai dì con mình tíu tít làm những món ăn mà ba thích.
Dì còn nói:
- Khi nào Thư đỗ đại học thì dì sẽ tự tay làm
cho con nhiều món ăn ngon hơn nhiều. Bữa cơm này cũng
một phần mừng ba con được nhận công tác gần nhà.
Đã lâu lắm rồi, con mới lại thấy dì vui như vậy.
Con chợt thấy mình hạnh phúc biết bao khi được dì yêu
thương chăm sóc.
Nhưng trớ trêu thay, hạnh phúc chẳng ở lâu bên dì.
Hai năm sau, dì biết mình bị bệnh - căn bệnh y học
phải bó tay. Dì gầy đi rất nhanh, tóc bạc nhiều hơn.
Dì phải nghỉ dạy ở trường vì không còn đủ sức
khoẻ. Con đã khóc rất nhiều. Tại sao những người
tốt như dì lại phải gánh nặng nỗi khổ đau suốt
cả cuộc đời như vậy? Tại sao ông trời không cho con
có thêm cơ hội gần gũi, yêu thương dì nhiều hơn để
chuộc lại những lỗi lầm của con?
Những ngày mắc bệnh, dì vẫn quan tâm chăm sóc con như
để quên đi nỗi đau đớn mà dì phải gánh chịu.
Những cơn đau ngày ngày dày vò, hành hạ dì. Giá như có
phép màu, con sẽ ước, ước một điều thôi! Con mong dì
mãi mãi bên con. Rồi cái ngày u ám ấy... Mắt dì đã
mờ đi. Dì ôm con thì thào những lời trăng trối:
- Thư ơi! Thế là từ nay dì không còn được ở bên
con nữa rồi. Cố lên con nhé. Hãy cứ nghĩ dì đang ở
cạnh con nhé!
Con ôm chặt lấy dì gào lên:
- Dì ơi! Không! Dì không thể chết! Dì phải sống.
Rồi dì nói với con lời cuối - điều ước của dì
mong con thực hiện. Đó là tiếng "mẹ" thiêng liêng
cao quý. Nước mắt con trào ra:
- Mẹ! Mẹ ơi!
Nhưng dì đã buông tay con. Con biết và con tin là dì đã
nghe thấy tiếng gọi của con, dù chỉ một lần./.
Nguyễn Hoàng Hoài Linh