Trong phòng cấp cứu, vị bác sĩ hỏi tôi:
- Anh là người thân của bệnh nhân?
- Dạ không. Tôi đang đi quanh bờ hồ Xuân Hương,
bỗng nghe tiếng trẻ con kêu cứu, tôi chen vào, thấy bác
nằm thở dốc dưới băng đá, cạnh chỗ bác ấy có
những vết máu đen sẫm. Tôi liền bế bác lên và đem vào
đây.
Vị bác sĩ nhìn tôi khâm phục, mỉm cười nói:
- Anh có lòng nhân.
Sau đó, vị bác sĩ quay sang khám cho bệnh nhân và
hỏi ông ta tên gì, ở đâu, để ghi vào hồ sơ bệnh án.
Bệnh nhân đáp:
- Thưa bác sĩ, tôi tên là Nguyễn Nguyên Nguyễn, 60
tuổi, quê quán huyện Trà Ôn - Vĩnh Long.
Vị bác sĩ ghi hồ sơ bệnh án xong, rồi quay sang
bệnh nhân:
- Ông đang bệnh lao vào thời kỳ thứ ba, chúng tôi
chuyển ông đến khoa lao. Nơi đây, các bác sĩ chuyên
khoa sẽ tiếp tục điều trị cho ông.
***
Tôi vừa đút từng muỗng sữa, vừa hỏi bác Nguyễn:
- Bác bị bệnh thế này, sao bác không ở nhà mà lên
Đà Lạt làm chi vậy?
Bác Nguyễn nghiêng người lại như cố giấu những
giọt nước mắt sắp vỡ. Thấy bác đang xúc động, tôi
ngại chạm đến điểm sâu kín trong tâm hồn của bác nên
tôi im lặng.
Nhìn cảnh tình bác Nguyễn, lòng tôi xót xa. Không
hiểu có phải vì bác là một bệnh nhân cô đơn, hay vì
nỗi khắc khổ hằn sâu trên gương mặt bác? Rồi tôi
tự nguyện với lòng, dốc hết sức mình ra chăm sóc để
bác chóng bình phục mà trở về với gia đình. Nên sau
giờ làm việc ở cơ quan tôi vẫn đến với bác, định
lúc nào bác khoẻ tôi sẽ trò chuyện, và tôi tin rằng
sẽ hiểu những thầm kín trong lòng bác ấy. Có lẽ do
sự chăm sóc của tôi, nên những người nuôi bệnh xung
quanh ngỡ tôi có họ hàng với bác. Tôi im lặng và
chấp nhận.
Một hôm thấy bác tự ngồi lên và múc cháo ăn được,
tôi mừng thầm trong bụng, rồi hỏi:
- Bác có tâm sự buồn?
Bác chìa bàn tay gầy guộc nắm chặt tay tôi, giọng
nghèn nghẹn:
- Bác chẳng có tâm sự gì buồn cả. Chẳng qua là
sự lo lắng của người cha đối với con. Nghĩ lại đời
bác còn may mắn nên mới gặp được cháu đây. Bác sẽ
kể cho cháu nghe và rất mong cháu giúp bác.
- Xin bác yên tâm tĩnh dưỡng, bệnh của bác sẽ
khỏi thôi. Giờ khoa học tiến bộ nhiều, đã có hoá
chất trị liệu bệnh lao rồi.
Tôi vừa dứt tiếng, một niềm vui hiện rõ trên gương
mặt xanh xao vàng võ của bác. Chợt giọng bác khe khẽ:
- Bác chỉ có thằng con trai duy nhất, lại sống ở
một xóm khá phức tạp. Vì thế, bác rất lo tương lai
của con mình. Phần thì bác phải lo việc cơm áo đời
thường bên kiếp thuỷ thủ bềnh bồng trên biển cả.
Đôi khi cả tháng mới quay về nhà một lần. Nên
chuyện giáo dục con cái, bác tin tưởng vào bác gái. Đến
lúc thằng Nguyện - con của bác trở thành một thanh niên
tuấn tú, vạm vỡ lại vừa đỗ vào đại học bác
mừng rơn, vì nó không nhiễm thói hư tật xấu của
những thanh niên trong xóm. Khi tốt nghiệp, nó có việc làm
ngay. Thấy cuộc sống của bác quá nhọc nhằn, nó bảo:
"Cha ơi! Cha nên ở nhà tiếp mẹ lo vườn rẫy cũng
kiếm đủ hai bữa ăn. Riêng con cố gắng tiện tằn có
dư, gởi tiếp với cha mẹ". Sau đó, cứ mỗi tháng
nó đều về thăm nhà và đưa phần lương còn dư cho
mẹ. Không đầy 3 năm sau, bác và bác gái trú ngụ trong
một ngôi nhà khang trang không còn cái cảnh phải đắp vá
mái nhà mỗi khi trời đổ cơn mưa. Trong xóm, ai ai cũng
khen ngợi lòng hiếu thảo và sự lo toan của nó.
Bác kể đến đây, tôi thoáng gặp nỗi buồn trong đôi
mắt thẳm sâu của bác. Rồi tôi chợt nghĩ có lẽ gia
đình bác đang xảy ra việc chẳng lành? Tiếng thở dài
rất khẽ, tôi ngước lên nhìn. Bác tiếp giọng trầm
buồn:
- Năm này, lúc rảnh rỗi bác thường xem báo. Khi
những dòng tin đập vào tầm mắt, bác lại lo lắng. Vì
tuổi trẻ bây giờ dễ sa ngã vào cơn nghiện ngập ma tuý.
Sở dĩ bác lo sợ là vì trước đây bác có một quá
khứ không tốt.
Tôi giúp bác lấy chai nước để trên bàn rồi rót ra
ly. Bác tiếp nhận, đưa lên miệng uống từng hớp
chậm rãi như người uống trà sành điệu. Bác tiếp:
- Thuở bác chưa gặp bác gái, bác là một thanh niên hư
hỏng, là một kẻ nghiện xì ke. Bao nhiêu lần bị chánh
quyền nguỵ bắt đi cai nghiện nhưng bác cũng không đoạn
tuyệt nổi cái chết trắng. Rất may quê hương được
giải phóng. Cháu biết không, thời điểm đó không có
kẻ nào dám chường mặt ra buôn bán cái thứ chết
tiệt này, vì họ rất sợ luật pháp của ban quân
quản. Nhờ thế mà bác đoạn tuyệt được với ma tuý.
Nay bác sợ cái gien di truyền qua thằng Nguyện. Những điều
mà bác hằng lo lắng nó đến quá đột ngột trong một
cú phôn của người bạn gái nó, buộc bác phải tin:
"Dạo này, anh Nguyện sa vào cái chết trắng nặng
lắm rồi, bác ơi!". Lòng bác như lửa đốt. Bác
tức tốc lên công ty tìm. Gặp nó rồi bác quan sát từ
gương mặt cho đến thể trạng. Lúc đó, mọi vật trước
tầm mắt bác như quay cuồng đảo lộn, bởi gương mặt
tai tái, đôi mắt lừ đừ có vẻ thiếu ngủ cùng dáng
hơi gầy của nó. Bác không đủ kiên nhẫn để hỏi han
kiểm chứng lại và không kềm được sự tức giận, bác
quả quyết một trăm phần trăm là nó nghiện rồi! Bác
liền đấm đá nó túi bụi và la hét ỏm tỏi lên...
Hình như sự tức tối còn đọng trong lòng bác nên cơn
ho lại kéo dài rũ rượi, tôi vội đỡ bác nằm xuống:
- Bác đừng nghĩ ngợi nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến
bệnh tình. Khi nào bác khoẻ hẳn hãy kể tiếp.
Bác lại cố chống tay ngồi lên, dựa lưng vào thành
giường:
- Cháu an tâm, bác không sao đâu, để bác kể hết cho
cháu nghe. Từ đó nó không về nhà và bặt tin cả mấy
tháng. Bác gái lại cằn nhằn về cách xử sự của bác
đối với con mình. Bác đành khăn gói ra đi kiếm tìm.
Đến công ty của nó làm thì được ban giám đốc cho
biết: "Thằng Nguyện bỏ nhiệm sở hơn ba tháng nay
rồi, bác ơi!". Trái tim bác như bị bàn tay ai bóp
nghẹt, đầu óc nặng chịch, rối mù. Bác cố bình tâm
lại, rồi lê chân khắp các tụ điểm hút chích trong mười
một quận của đất Sài Gòn. Cuối cùng tin tức về nó
như phiến mây gầy bay ngang giữa chiều tà.
Một hôm, bác được sự mách bảo của một tên
nghiện: "Thằng Nguyện đang là mặc rô đứng ra
bảo vệ đám buôn bán heroin ở bến xe Văn Thánh". Bác
liền tìm đến đó, hỏi thăm ai ai cũng lắc đầu.
Chợt cô gái ăn mặc rất mô-đen có vẻ là dân bán dâm
tiến lại, cất giọng ngọt dịu: "Bác kiếm anh
Nguyện phải không?". Bác hỏi lại: "Cháu làm ơn
chỉ dùm bác chỗ nó đang ở!". Cô gái tiếp:
"Anh Nguyện đã đi theo cô bồ ra ngoài Đà Lạt bỏ
mối bạch phiến mấy ngày rồi". Bác quầy quả bỏ
đi quên lời cám ơn cô gái.
Bàn chân của bác lại giẫm khắp những chốn ăn chơi
quanh thành phố sương mù theo sự chỉ dẫn của các chú
chạy xe ôm. Rồi bác cũng thất vọng. Phần không có đủ
tiền ăn uống, phần lang thang ngủ bụi, cộng vào đó cái
lạnh buốt da của Đà Lạt làm bệnh phổi của bác tái
phát.
***
Sau chuyến đi công tác phong trào một tháng, tôi trở
về, vội vã vào phòng thăm bác. Tôi rất ngạc nhiên khi
giường bác có người bệnh khác nằm. Tôi tìm cô y tá
trực hỏi thăm mới biết bác Nguyễn đã mất cách đây
nửa tháng. Nỗi buồn của tôi như sương mù.
Chân tôi bước nhanh vào nghĩa trang hướng mắt vào
những ngôi mộ. Chợt tôi thấy phía cuối nghĩa trang
một người đàn bà và một thanh niên đang quỳ kề bên
ngôi mộ mới đắp, khói hương đang bay toả lên hoà cùng
với sương mù trong buổi sớm mai. Tôi tiến lại gần,
cả hai đều ngước lên nhìn nhau ngỡ ngàng. Sau vài câu
trò chuyện, tôi được biết người đàn bà là vợ bác
Nguyễn, còn người thanh niên là Nguyện.
Vương Sỹ Ca