SAU CÁI BẮT TAY

Giữa tôi và Hoà luôn luôn có một khoảng cách vô hình. Một khoảng cách không dài, cũng không ngắn, rất vừa đủ để hai đứa học chung một lớp, một trường không thể trò chuyện, thăm hỏi nhau bất cứ điều gì, nguyên nhân không biết có phải là do lòng đố kỵ nhỏ nhen, ghen ghét tầm thường hay không, chỉ dám chắc một điều là giữa tôi và Hoà bao giờ cũng sục sôi sự ganh đua không mệt mỏi trong học tập, cũng như mọi sinh hoạt trong trường lớp. Qua hai năm học lớp 7 và 8, tôi chưa một lần để cho bạn nào qua mặt, gác trên điểm ở mọi môn, kể cả môn... ăn quà vặt trong giờ ra chơi. Vậy mà, năm học này, lên lớp 9, Hoà đã từ một vùng xa xôi hẻo lánh nào đó, chuyển đến học chung với lớp tôi, ngay tức khắc trở thành một đối thủ đáng gờm nhất, làm rung rinh ngôi vị "bất khả chiến bại" mà tôi từ lâu nay chiếm ngự. Hễ tôi hơn điểm Hoà môn Văn thì bị Hoà "gác cơ" ngay môn Toán. Vượt trên Hoà điểm Lý, Hoá thì tôi phải chịu kém hơn điểm Sinh vật. Cứ vậy, một cuộc "chiến tranh lạnh" ngấm ngầm diễn ra giữa tôi - lớp phó và Hoà - lớp trưởng. Một cuộc chạy đua không khoan nhượng, đầy hào hứng, hồi hộp và không thiếu... tức giận. Tức giận đến nỗi có một lần bị thua Hoà chỉ nửa điểm ở một bài kiểm tra môn toán, tôi đã điên tiết lên, lang thang một mình giữa trưa nắng gắt sau buổi tan trường, xuống ngồi dưới bãi biển hàng mấy giờ liền mà ôm cơn hờn oán địch thủ và trách móc chính mình. Gió thổi rối tung cả đầu tóc tôi như đang trêu ghẹo kẻ chiến bại, lại sốc vào mũi tôi mùi hương của biển xanh sóng gợn, tạt vào mặt tôi những tia bọt li ti mát rượi. Tôi liếm vành môi đang khô khốc, nếm được vị mặn của muối đại dương, nhưng sao lại là cay, là đắng, chứ không mặn mà như bao lần đứng trước biển. Có lẽ chiếc cặp đựng đầy sách vở, bút mực đang nằm trong vòng tay toi hôm ấy sẽ bị quăng xuống cho biển nuốt chửng đi, nếu như mình không kịp trấn tĩnh, kìm cơn tức giận. Tôi đã đứng bật dậy bằng cả sinh lực và quyết tâm "phục hận" từ giờ phút ấy. Và rồi, tôi đã lao đầu vào việc học tập chăm chỉ hơn bao giờ hết, không để trống hở một khoảng thời gian nào, trừ khi... ngủ. Hoà đã bị tôi gác điểm liên tục ở nhiều môn quan trọng, đến nỗi bạn bè phải ngạc nhiên, thầy cô phải lấy làm lạ. Từ dạo đấy, tôi có linh cảm rằng Hoà càng ghét tôi hơn. Khoảng cách giữa hai đứa đã được kéo dài ra thêm.

... Đã gần hết học kỳ 2. Mùa thi cực kỳ quan trọng đang rục rịch bò tới. Những cây phượng vĩ trong thành phố đây đó đã đua nhau khoe sắc hồng rực rỡ và bao chú ve sầu cất lên bản đồng ca quen thuộc, chào đón mùa hạ của chia tay, của những cuốn lưu bút chuyền tay nhau âm thầm với niềm lưu luyến, bâng khuâng. Tôi đã trao lưu bút đến hết thảy các bạn trong lớp và cũng đã ghi vào lưu bút của tất cả các bạn mấy dòng tình cảm ngậm ngùi, đôi vần thơ đầy cảm xúc chân tình. Chỉ trừ một người chưa nhận được cuốn lưu bút của tôi, và cũng chưa chịu trao tôi cuốn lưu bút của hắn, chính là Hoà. Tôi chờ Hoà. Có lẽ Hoà cũng đang chờ đợi tôi.

Rồi buổi sáng ngày 30 tháng 4, sau khi làm lễ kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, tan trường ra về, Hoà cho xe chạy song song với xe tôi trên con đường rợp bóng me chạy ra biển. Tôi xúc động, lúng túng trước chuyện bất ngờ, chuyện không tưởng, hai chân cứ luýnh quýnh vật lộn với đôi pêđan xe đạp. Hoà cười. Một nụ cười thật nhẹ nhàng, yếu ớt, nhưng lại... dễ thương làm sao. Hoà lên tiếng:

- Hoà đãi bạn một chầu kem ly được không?

Không hiểu sao, tôi lại gật đầu liền liền, mạnh dạn hỏi:

- Tôi ăn bốn ly chưa biết ớn..., ông chịu nổi không?

Hoà phì cười:

- Chục ly cũng... "mát trời ông Địa" luôn!

Tôi bật cười khanh khách, thích thú quá chừng, vì không ngờ Hoà ăn nói cũng có duyên, chứ không như lâu nay tôi cứ tưởng là... "đồ khô cằn sỏi đá". Hai đứa đến quán kem nằm bên bờ biển. Gió lồng lộng. Nhạc du dương. Lòng nhẹ nhàng thanh thản như vừa trút bỏ được một khối kim loại "khổng lồ" làm "khổ lòng", tôi tự dưng thấy mình gần gũi với Hoà, như đã thân thiết với nhau từ đầu năm học đến nay vậy. Hoà ngần ngại trao qua tôi cuốn sổ bìa cứng màu tím u buồn, nói nhỏ:

- Viết giùm ít chữ lưu niệm đi, còn chừa hai trang đặc biệt cho bạn đó!

- Mai giao lại nghen!

- Mai là ngày lễ Lao động, lại chủ nhật nữa. Viết liền bây giờ đi, Hoà ngồi chờ cũng được có sao đâu?!

- Mốt. Thứ hai gặp lại đưa cho. Nôn nóng gì...

- Lâu quá. Thích được đọc mau những gì bạn bè viết vào sổ.

Hoà cười gượng gạo. Gượng gạo nên không che giấu được nỗi buồn bã, thất vọng đang tràn lên trong đôi mắt đen láy. Tôi chợt xao lòng. Và, ma quỷ đã khiến tôi buột miệng nói:

- Thôi được, trưa nay tui viết. Chiều đem đến nhà ông trả lại cho nha!

Mắt Hoà sáng bừng lên như muốn rọi cháy cả vũ trụ. Tôi phì cười, giọng thân thiện dặn:

- Đừng cho ai biết nhé! Phải biết "đáp lễ", viết lưu bút lại cho tui nữa đó!

- Sẵn sàng. Kêu thêm kem nữa nghen!

Dĩ nhiên là tôi gật lẹ, không khách sáo, với một người bạn như Hoà, ít ra cũng trong lúc ấy. Nhạc nổi lên một bản Tango xập xình... Biển hôm ấy sao đẹp quá!

Ban đầu, tôi định viết tặng Hoà một bài thơ lục bát, nhưng rồi thôi, vì tự dưng cảm thấy "khớp". Hoà từng đoạt giải cuộc thi thơ viết về tuổi học trò trên tờ báo nọ, chính điều này đã bảo tôi "Đừng múa rìu qua mắt... sư phụ!". Tôi lại tính viết một đoạn văn súc tích và dí dỏm. Lại "khớp" nữa. Đụng chuyện mới biết là mình chưa đủ bản lĩnh, nội công chưa thâm hậu, còn thua sút Hoà rõ ràng ở cái tự tin. Sau cùng, tôi dùng sở đoản của mình: vẽ. Tôi vẽ nguyên một bàn tay to tổ bố trên giấy, và ghi hàng chữ to:

"Xin một cái bắt tay!". Xong, ngắn gọn, đơn giản vậy thôi. Chiều, tôi đạp xe đến nhà Hoà. Đứng nhìn dáo dác nơi cổng, Hoà đã đợi tôi từ bao giờ. Tôi nhoẻn miệng cười, trao lại cuốn lưu bút cho chủ nhân, thở phào một cái, nói:

- Xong cái nợ. Thứ hai, tôi đưa cuốn lưu bút của tui, ông viết lại giùm nghen!

- ừ! Vào nhà uống nước cái đã rồi về.

- Thôi, sợ lắm. Phải về ngay thôi!

- Chờ chút đã. Xem thử có viết rồi hay xạo chớ!

- ế, đừng có xem bây giờ. Mắc cỡ thấy mồ. Đợi tui đi khỏi nơi đây đã!Cản thì cản, Hoà vẫn cứ mở cuốn sổ ra. Đáng lý là phải đạp xe chạy đi cho mau, nhưng không hiểu sao tôi lại chôn chân cứng đờ, nhìn chăm chăm chờ Hoà. Hoà phì cười, rồi đặt bàn tay lên hình vẽ bàn tay mà tôi tặng. Nhìn tôi thật lâu, Hoà cất giọng run run hỏi:

- Được chưa? Còn yêu cầu gì nữa không?

- Đủ rồi, Hoà thấy sao?

Tôi đổi cách xưng hô một cách ngẫu nhiên. Hoà đáp:

- Thấy ấm áp. Rất vui. Cảm ơn bạn, cảm ơn rất nhiều.

Bất ngờ, Hoà chìa tay ra đưa về phía tôi, không nói năng gì hết. Tôi ngần ngừ chỉ ba giây thôi, rồi mạnh dạn đưa tay, nắm lấy bàn tay bạn mà xiết chặt. Thật chặt. Tôi xiết chứ không phải Hoà. Vì tôi là người có lỗi, Hoà là kẻ tha thứ. Sau cái bắt tay thân tình ấy, tôi mới thấm thía một nỗi buồn man mác khi phải chia tay với một người bạn, mỗi đứa đi một ngả đường. Tôi càng xót xa hơn khi hiểu ra một sự thật hiển nhiên: tình bạn mà tôi vừa tìm bắt được muộn màng sẽ phải vụt mất đi ngay sau khi bế giảng niên học, vì tôi được các bạn nói cho biết Hoà sẽ trở về lại ngôi trường ở một miền quê xa xôi.

Huyền Nữ Dương Chi

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC