Bố mẹ tôi lấy nhau lúc hai người còn
rất trẻ. Mẹ kể: ngày trước, trong
đám sinh viên trường Mỹ thuật mẹ
chỉ để ý đến bố vì bố có
mái tóc rất đẹp. Mối tình của hai người
cũng lắm trắc trở. Bà tôi bảo:
"Con yêu gì thằng đó! Chân yếu tay mềm,
rồi cũng khổ thân mày". Mẹ cười
nói với bà: "Con yêu vì anh ấy có mái tóc
đẹp. Cái tóc là góc con người mà mẹ!".
Cả họ ngoại tôi đều bảo mẹ gàn.
Riêng bạn bè của mẹ thì khuyên ngăn:
"Chẳng lẽ mày yêu hắn chỉ vì mái
tóc". Mẹ triết lý: "Nhưng ít ra cũng
còn có cái để yêu". Lúc chỉ có hai người
với nhau mẹ cũng nói thật lòng với bố
như thế. Cứ tưởng rằng bố sẽ
buồn, nhưng không. Bố còn đùa tếu:
"Mái tóc muôn năm".Sau ngày đám cưới,
mẹ đi chợ mua sắm cho tổ ấm của
mình. Trong những thứ linh tinh mà mẹ khuân về
có một cái kéo, một con dao cạo sắc lẹm.
Mẹ tuyên bố: "Kể từ ngày hôm nay em sẽ
hớt tóc cho anh. Cấm anh ra tiệm!". Hôm
đầu tiên "ra nghề" mẹ phải
cày cục gần một buổi mới hớt xong
mái tóc của bố. Không biết "tác phẩm
nghệ thuật" của mẹ đạt đến
trình độ nào mà sáng hôm sau bố phải
đội sùm sụp cái mũ trên đầu để
đến cơ quan.
Qua mấy chục năm, tay nghề của mẹ
đến nay đã hết sức "vững
vàng". Mặc dù là hiệu trưởng của
một trường cao đẳng sư phạm, phải
bận giảng dạy, họp hành suốt ngày nhưng
chưa bao giờ mẹ quên việc chăm sóc mái
tóc của bố. Món quà mà mẹ tặng bố
sau những chuyến công tác về thường là
những chai thuốc gội đầu, những lọ
dầu xịt tóc. Và công việc trước tiên
là kiểm tra xem cái râu, cái tóc của bố có
"vấn đề" gì không. Còn bố, như
một chú học trò chỉ biết ngoan ngoãn vâng
lời, đi công tác ở nước ngoài gần
5 tháng trời nhưng bố vẫn không chịu hớt
tóc viện lý do là để vậy cho ấm. Bố
thường bảo: không có hạnh phúc nào bằng
sau những chuyến đi mệt nhoài được
ngả người trên ghế để cho mẹ
hớt tóc và gội đầu. Những lúc hai người
giận nhau thì bao giờ bố cũng làm lành trước.
"Chiêu thức" thường dùng của bố
là soạn "đồ nghề" ra nhờ mẹ
hớt tóc. Và mẹ chỉ chờ có thế để
chính thức tuyên bố "hoà bình".
Mẹ tôi ngã bệnh đã gần nửa năm
nay. Căn bệnh nan y đã rút cạn sức lực
của mẹ. Suốt thời gian đó bố túc
trực bên giường bệnh, tự tay lo lắng
tất cả, ngay đến việc bón cháo cho mẹ,
bố cũng giành làm vì sợ chúng tôi vụng về.
Một hôm mẹ nắm tay bố cười buồn
nói: "Thôi! Em cho anh ra tiệm hớt tóc đó. Gớm!
Tóc tai gì mà phát khiếp!". Bố nghẹn ngào
lắc đầu, chẳng nói được lời
nào.ít lâu sau thì mẹ mất. Chôn cất mẹ
xong, bố tôi già xọm hẳn đi. Lúc đêm vợ
tôi nói: "Mai anh đưa tiền cho cụ đi
hớt tóc. Trông cụ mà não cả lòng". Sáng
ra bố tôi bảo: "Thằng cả hớt tóc
cho bố". Nói xong bố đến bên bàn thờ
của mẹ, run run lần mở bọc vải lấy
ra những thứ "đồ nghề" mà mẹ
để lại và đưa cho tôi. Khi nhát kéo
đầu tiên vừa lướt qua thì những
dòng nước mắt nóng hổi của bố cũng
lặng lẽ rơi xuống. Tôi ôm lấy bố
nức nở. Phía trên kia mẹ vẫn cười
tinh nghịch./.
Nguyễn Khôi