TRỞ VỀ

Qua cửa sổ máy bay, tôi nhìn thấy Sài Gòn. Tôi vẫn gọi thành phố ấy là Sài Gòn, một cái tên vang mãi trong lòng tôi biết bao kỷ niệm êm đềm lẫn đớn đau. Nhưng Sài Gòn hôm nay đã khác, khác như thế nào tôi chưa nhìn rõ, chỉ biết trong lồng ngực trái tim tôi lại đập dồn dã. Cái gì vậy? Ngày ra đi lòng tôi lạnh băng với lời nguyền không bao giờ trở lại và có lẽ cũng không được quyênf trở lại. Thế nhưng thực tế tôi vẫn mong muốn trở về, và nay đã được trở về.

10 năm nước Mỹ đã giúp tôi nhìn vào tâm hồn đầy bóng đêm của mình, bóng đêm của tuổi thơ vất vả, của những định kiến hẹp hòi, của lòng ích kỷ vô biên. 10 năm vật lộn mưu sinh, những bon chen đời thường chiếm trọn thời gian, tâm trí, gặm nhấm dần dần hết mọi hoài vọng, tôi bàng hoàng tự hỏi lý tưởng của mình là đâu?

Tôi không nhận ra Hàng Xanh. Nếu đi bộ một mình chắc tôi sẽ đi lạc. Dòng người vẫn tấp nập nhưng tươi tắn, tự tin và lạc quan hơn. Nhỏ em họ Chi Mai đưa tôi đi khắp nơi, miệng líu lo như chim sáo. Cả nhà đều qua Mỹ cả, chỉ riêng nó ở lại, không phải vì lòng yêu nước cao cả mà đơn giản là: "Dại gì đi qua đó phải làm việc vất vả. Em không chịu được giờ giấc làm việc khắc nghiệt như thế. ở lại Việt Nam, lãnh tiền của ba mẹ gửi về sống khoẻ hơn". Nó sống khoẻ thật, thậm chí cơm cũng không thèm nấu, hết ăn ở tiệm này đến nhà hàng khác. Nhưng rong chơi mãi cũng chán, nó thi vào đại học. Ai cũng bảo làm gì đậu nổi với một lý lịch đen thui như thế. Chẳng phải anh em chúng tôi không ai có thể chen chân vào nổi dù điểm thi vượt xa điểm chuẩn đó sao? Nó chỉ xì một tiếng qua điện thoại: "Đây là những năm cuối thế kỷ 20, chứ không phải thời bảy mươi mấy tám mươi đâu". Có chuyện ấy sao? Thế là cả gia tộc tôi bên đất Mỹ một phen kinh ngạc khi nó điện qua bảo đã đường hoàng vào đại học. Hôm nay nó đã thành một phóng viên. Sống rất vô tư nhưng cũng rất nhiệt tình, năng nổ. Nhìn nó, tôi cảm giác như đang nhìn một Sài Gòn vươn vai đứng dậy, tràn đầy sức sống, tràn đầy nghị lực.- Anh Luân này, anh thấy ở đây cái gì thay đổi nhiều nhất?

- Mọi thứ, quang cảnh, con người, sự vật. Cả em cũng thay đổi nhiều.

- Mọi thứ đều đã khác, chỉ riêng mình mãi như vậy được sao? Em cũng không nghĩ mình thành người như thế này. Bây giờ em sống vui vẻ hơn ngày trước dù bận túi bụi. à, anh Luân ơi, anh không định đến thăm chị Hoà Bình sao?Tim tôi lại nhói lên. Suốt mấy ngày qua tôi sợ nhắc đến cái tên này nhất. Sợ, nhưng không lúc nào không nguôi nghĩ đến. Mười năm đã trôi qua, bao biến đổi thăng trầm, tôi vẫn không quên cái dáng mảnh mai của cô ấy đứng ở sân bay. Cô mỏng manh đến đáng thương, nhưng ánh mắc sắc đến đáng sợ. Trong ánh mắt ấy tôi đọc thấy lời trách móc lẫn thương hại.

Dẫu là ý nghĩa nào lòng tôi cũng đau đớn. Lúc ấy, tôi ngạo nghễ nghĩ rằng những gì đất nước không cho tôi thì nơi khác sẽ cho tôi; những gì đất nước không dùng đến tôi thì nơi khác sẽ dùng đến. Mười năm lăn lộn xứ người, chịu đựng sự giá rét của khí hậu lẫn lòng người, trái tim tôi mới ấm lại nỗi khắc khoải vọng cố hương và nhớ về mối tình non trẻ của tôi.

- Chị Bình có một đứa con gái.

Tim tôi thắt lại, dẫu biết lẽ tất nhiên phải thế.

Nhưng đã ly dị chồng - giọng Chi Mai vẫn lảnh lót. Tôi đứng sựng lại, trước mặt như có lớp sương mờ bao phủ. Trong màn sương trắng toát đó, Hoà Bình hiện ra như một nàng tiên giáng thế. Nàng tiên đó không xinh đẹp, kiêu sa mà gầy gò xanh xao. Nàng tiên ấy mười lăm tuổi, đứng trước cửa lớp mười, rụt rè ngơ ngác. Bọn con trai chúng tôi bấm nhau: "Lại một con bé đỏ từ rừng ra".

Con bé cộng sản nòi ấy chẳng mấy chốc trở thành "cái đinh" của lớp, của mọi phong trào. Cô rinh tất cả mọi phần thưởng. Ngang bướng đến đáng ghét, cô bảo vệ lý tưởng của mình một cách dũng mãnh trước tầng lớp nửa nạc nửa mỡ như chúng tôi. Phần lớn chúng tôi là con nhà giàu hoặc sĩ quan cao cấp chế độ cũ, nhà cửa bị tịch biên, cha chú đi học tập cải tạo, cuộc sống bỗng chốc trở nên nghèo khó, nên ít nhiều trong tâm trí cũng oán ghét chế độ nói chung, những người như con bé nói riêng.

Tôi đặc biệt căm ghét Hoà Bình vì lý tưởng của cô đi ngược với tôi, vì chính những người như cô, như ba cô đã làm gia đình chúng tôi khốn khó, dù thực tế khi đó cô còn có vẻ nghèo khó hơn chúng tôi nhiều. Cô thường xuyên không được ăn sáng, chiếc áo cũ rích mặc quanh năm suốt tháng. Tôi chế giễu: "Giải phóng làm gì mà ngay cả những người chiếm được chính quyền cũng chẳng được sung sướng gì?". Cô trả lời: "Mục đích của chúng tôi không phải vì sự no ấm của riêng mình". "Vậy thì vì ai đây?" - Tôi ngạo nghễ - Vì tôi, vì bạn, vì mấy đứa kia? Bạn thử nhìn lại xem có đứa nào đủ ăn đủ mặc không nào?". Cô bậm môi không nói. Cô có đôi mày rậm, mắt sâu, đầy vẻ cứng cỏi, cương quyết. Mùa gió bấc, mẹ sửa lại những chiếc áo len của ba cho tôi. Tôi xấu hổ vì mặc những chiếc áo cũ ấy, nhưng vì lạnh quá cũng phải mặc. Vào lớp tôi cố không nhìn ai. Nhưng khi ngẩng mặt lên tôi nhận thấy những đứa có áo ấm mặc như tôi không nhiều. Hoà Bình ngồi co ro trong lớp, vẫn chiếc áo mỏng dính, má tái xanh, đôi môi mím chặt, hai tay luôn xoa vào nhau dưới gầm bàn. Tôi cảm thấy người mình nóng lên, thấy chiếc áo len của mình quá xa xỉ. Hồi ấy, chúng tôi đã học lớp mười hai, những đối đầu trẻ con đã dần dịu lại, duy lý tưởng không thể dung hoà. Trong lòng tôi luôn có hai cảm giác mâu thuẫn, một tình cảm luôn mến phục cô gái Hoà Bình lúc nào cũng phơi phới, tràn đầy khát vọng, tràn đầy niềm tin; trái lại cũng có một cái gì đó ngấm ngầm bất mãn, chống đối những người như cô, như ba cô, những người dũng mãnh tiến vào Sài Gòn khiến gia đình tôi ly tán, ba tôi vào trại cải tạo, mẹ tôi vất vả mưu sinh, anh em chúng tôi không ai vào được đại học.

Mẹ tôi sau khi nghe kể Hoà Bình không có áo ấm mặc, bà chắc lưỡi:

Tội nghiệp con bé! Con mang cái áo của chị con cho nó vậy.

Ai lại thế - Tôi giãy nảy - Mà con cũng không có việc gì đến đó cả.

Sao con nói là hôm nay phải đến đó ôn bài?

Không đến nữa - Tôi lầm bầm. Dù tôi không muốn nhưng Hoà Bình vẫn phân công tôi đến kèm cô học toán, ngược lại cô giảng những bài văn cho tôi nghe, loại văn chương ca ngợi cách mạng tôi cố tình không muốn nghe và không muốn hiểu.

Tôi lang thang ngoài phố, nghĩ về kỳ thi đại học sắp tới. Chị tôi, anh tôi đã không vào được đại học. Số phận của tôi rồi cũng thế. Miên man nghĩ ngợi, tôi đụng phải Hoà Bình đang chở một xe rau muống về cho heo. Cô lôi tuột tôi theo về nhà, miệng líu lo:

- Tôi chờ Luân suốt cả trưa nay. Đã năm giờ chiều rồi đấy. Có rất nhiều bài toán một mình tôi không giải được, đọc mãi ngay cả cái đề cũng không hiểu nổi.

- Vậy sao? - Tôi nhếch môi - Vậy mà rất đông số người không giải được bài toán đó đường hoàng vào đại học, còn những đứa như tôi phải đứng ngoài đấy.

- Thôi đi - Đôi mày của Hoà Bình nhíu lại - Bạn hãy bỏ đi cái giọng điệu ấy. - Tôi hỏi Luân, Luân muốn xã hội này đối với Luân như thế nào? Trải thảm cho Luân đi ư? Trong khi hàng nghìn những người trẻ tuổi như chúng ta đang khai hoang, đào kênh, dời núi. Nếu những người như ba Luân chiến thắng, liệu ngay cả những đứa trẻ như tôi có còn được sống không? Huống chi cả đất nước đang chịu cảnh chung, cả một thế hệ chúng ta đang chịu ảnh hưởng của cả quá khứ và tương lai. Luân đòi hỏi mọi thứ phải dành hết cho mình ư? Luân nhìn kìa, ba tôi phải ngồi xe lăn, mẹ tôi lúc tỉnh lúc mê. Tôi từ năm mười hai tuổi đã gánh vác cả gia đình. Tôi còn chưa... - giọng cô chợt tắc nghẹn. Cô bật khóc. Tôi hốt hoảng:

- Hoà Bình, ý tôi không phải như vậy. Ba của Hoà Bình thấy con gái vừa đến cổng nhà đã khóc nên vội vã đẩy xe lăn ra. Không kịp để ông hỏi han điều gì, cô kéo tôi ra phía sau nhà. ấn tôi ngồi xuống ghế, cô úp mặt vào hai tay, vẫn thổn thức:- Luân biết không, nhiều khi tôi cũng mệt mỏi lắm, tưởng mình không chịu đựng nổi. Nhiều khi vào lớp tôi có cảm tưởng mình sắp ngã quỵ. Có lúc thèm một giấc ngủ thật dài, quên đám heo kêu inh ỏi sau nhà, quên mấy đứa em phong phanh đói lạnh, quên những cơn đau nhức của cha, quên những viên thuốc an thần của mẹ. Là bí thư chi đoàn, tôi còn phải làm hàng núi công việc trong lớp, củng cố niềm tin ở các bạn. Còn bạn, cuộc đời bạn sẽ không vào được đại học, nhưng đâu vì thế mà không có chỗ cho bạn thể hiện bản thân mình. Còn tôi, dù cánh cửa đại học có mở rộng tôi cũng không vào được.

- Sao vậy?

- Luân không thấy hoàn cảnh của tôi sao? Ai sẽ lo cho ba, cho mẹ, cho các em? Hết kỳ thi tốt nghiệp này tôi đã đi làm rồi.

- Đi làm?

- Không còn con đường nào khác. Như thế cũng tốt thôi. ít ra tôi cũng là người đầu tiên trong lớp mình tự kiếm được tiền - Cô nhoẻn miệng cười, nước mắt vẫn còn vương trên má.Mãi nhiều năm sau này tôi vẫn nhớ buổi chiều hôm đó. Hai chúng tôi ra ngồi ở một quán nhỏ ven đường. Bỏ qua mọi thù hận, oán ghét ở sau lưng, tôi ngắm nhìn Hoà Bình trong nắng chiều vàng thẫm. Mái tóc cô dài được buộc túm lại, đôi mắt sâu thẳm, môi mím chặt vẻ trầm tư. Cô có vẻ già trước tuổi nhưng cái dáng thiếu ăn trông như một đứa bé nhỏ nhoi tội nghiệp. Cô chưa tròn 15 tuổi, phải vất vả nuôi cả một gia đình. Vị tướng về hưu - ba cô - cả đời lăn lộn ngoài chiến trường nay trở về với tấm thân tàn phế, nhưng ở ông lúc nào cũng toát lên một phong cách lớn, một tấm lòng quảng đại bao dung. Tôi đến chơi nhà, ông luôn hỏi han về mẹ tôi, về cha tôi. Dù không bà con thân thuộc, dù ngày xưa đối đầu hai chiến tuyến, nhưng ông vẫn bảo lãnh ba tôi tạm về dự đám cưới chị tôi. Có lẽ chính ông là chỗ dựa, là nguồn cổ vũ lớn lao để Hoà Bình, là nguồn cổ vũ lớn lao để Hoà Bình mảnh mai kia luôn cứng cỏi, bản lĩnh, luôn đứng vững trước muôn ngàn khó khăn quá sức đối với cô.

Năm ấy Hoà Bình đi làm công nhân dệt, còn tôi thì không vào được đại học cũng do hàng rào lý lịch. Điều đó tôi đã biết trước. Mẹ tôi càng gầy yếu. Ba tôi được ra trại sớm vì mắt đã mù. Núi lửa căm hận trong lòng tôi bừng dậy. Hoà Bình vẫn nghiêm khắc nhìn tôi:

Bạn đang giận cái gì? Khi bạn đang oán ghét không ai mang đến cho bạn một tương lai, thì có cả nghìn người ở tuổi bạn đang ngã xuống ở chiến trường Tây Nam; khi bạn vùi đầu vào gối khóc thương bản thân mình thì tôi phải làm ca ba trong nhà máy. Biết bao giờ bạn mới tỉnh ngộ để không hoang phí cuộc đời mình?

Tôi không đếm xỉa gì đến lời cô nói. Tôi tham dự một chuyến vượt biên không thành. Chính Hoà Bình và ba cô đã lặn lội đường xa đến trại giam để bảo lãnh tôi ra. Không cả nhìn cô, tôi vội vã bỏ đi. Làm đủ mọi nghề, tôi nung nấu một hoài bão lớn, một hoài bão tôi tin rằng chỉ thực hiện nơi miền đất khác, không phải ở Tổ quốc mình.

Hoà Bình ơi, tôi vẫn nhớ mãi đến đêm cuối cùng em đến tìm tôi. Tôi đọc được trong mắt em nỗi khắc khoải mong chờ, mong tôi xua đi những bóng đêm oán hận trong lòng để hội nhập với đời, mong chờ một tiếng yêu thương cả em cả tôi đều biết mà tôi nhất định không chịu nói ra. Làm sao xoá những định kiến, ít ra là những định kiến trong lòng tôi?

Đêm xưa đó, tôi và Hoà Bình ngồi trên căn gác gỗ. Căn gác này bốn anh em tôi sống chui rúc trong đó nhiều năm trời. Tôi từng lớn lên trong một biệt thự lớn, có người phục dịch đủ mọi nhu cầu, nên căn gác gỗ này quá ư chật hẹp đối với cả thể xác lẫn tâm hồn tôi. Ngày mai này tôi sẽ đi thật xa, đến với những ước vọng của mình, đến với những khát khao có tầm thường có cả cao siêu. Tôi muốn nói với Hoà Bình tất cả mọi thương yêu. Nhưng có ích gì khi mai này tôi đã ở bên nước Mỹ. Giờ đây sau 10 năm sống nơi vùng đất mãi mãi xa lạ ấy, lòng tôi vẫn nhớ da diết về ô cửa nhỏ hướng ra đường phố trên căn gác nhỏ của tôi, nơi mà đến tận bây giờ tôi mới nhận thức đó là nơi tôi khao khát được trở về, được ngồi bên cạnh Hoà Bình ngắm vầng trăng vằng vặc, ngắm dòng người hối hả đi qua, hối hả sống để không phí một phút một giây nào.

Căn gác cũ đã biến thành một toà nhà cao tầng, nhưng tôi lại được đến một căn gác khác. Đó là nơi ở của mẹ con Hoà Bình hiện nay. Hoà Bình vẫn gầy như xưa, vẫn giản dị như xưa, nhưng cái nhìn đã có phần dịu lại, trầm lắng hơn. Sau phút bàng hoàng, dường như không chịu nổi gánh nặng của thời gian và sự gặp mặt bất ngờ, Hoà Bình ngồi thụp xuống ghế, úp mặt vào tay khóc rưng rức. Nước mắt lẽ ra phải chảy vào ngày tiễn tôi ở sân bay, được giữ trong tim, nay có dịp tuôn trào. Bao đắng cay đã qua đi, bao oán hận cởi bỏ trong lòng, tôi được trao tặng nỗi niềm yêu thương qua những dòng nước mắt. Tôi ước mình cũng được khóc như Hoà Bình, ước thời gian quay trở lại cái thuở mười tám đôi mươi, cất bỏ bao gánh nặng đớn đau của thời trẻ dại mà quỳ xuống trước mặt Hoà Bình, được lau những dòng nước mắt cho cô.

Tôi đến thăm ba cô. Ông vẫn ngồi xe lăn, vẫn tràn đầy niềm lạc quan yêu đời. Ông dẫn tôi ra sau nhà, giới thiệu giàn lan ông trồng. Ông chỉ bao quát căn nhà:

- Con xem, một tay Hoà Bình xây dựng nên cơ ngơi này. Bác cả đời chinh chiến, tài sản chỉ có chiếc balô đầy ắp kỷ niệm chiến tranh. Bác gái bị tù đày mất trí nhớ. Hoà Bình từ nhỏ đã cùng các em sống nương nhờ hết bên nội đến bên ngoại. Khi đoàn tụ cha mẹ ngỡ được sung sướng, hoá ra vác thêm nhiều gánh nặng trên vai. Tên nó là Hoà Bình, nhưng cả cuộc đời nó có khi nào được bình yên. Con đi rồi, mãi đến 5 năm sau nó mới lấy chồng. Anh chồng không được quảng đại cho lắm, thấy Hoà Bình cứ lo cho các em mình mãi thì đâm khó chịu. Lục đục nhau mãi rồi chia tay. Bác chỉ biết thầm thương cho nó chớ biết làm gì, vì hy sinh cho các em mà phải chịu nhiều thiệt thòi. Nó một mình nuôi con, còn phải nuôi các em ăn học. Con thấy con gái nó chưa? Con bé dễ thương lắm, lý sự đáo để. à, Luân này, con sang đó sống thế nào? Có vất vả lắm không? Gia đình con cái ra sao?- Con sống rất vất vả - Không hiểu sao với ông tôi không thể giấu giếm một điều gì - Con phải vừa đi làm vừa đi học, cuộc sống rất khó khăn. Chỉ vài năm sau này mới khá hơn một chút. Con chưa có gia đình - tôi cúi đầu, nói lí nhí như xưng tội.

Ông bật cười ha hả:

Con làm cái dáng vẻ gì giống như cô gái xấu hổ vì sự lỡ thì của mình vậy. Nam nhi mà, công danh sự nghiệp là trên hết. Bác ngày xưa ấy nếu không có tổ chức sắp xếp chắc tàn chiến tranh thì cũng tàn đời trai luôn. Không có thời gian nghĩ đến riêng mình đâu con ạ. Thôi, về đây, xem có đám nào khá thì tính tới. Phải có gia đình thôi con. Đi đâu cũng trở về mái ấm của mình. Chỉ có gia đình và quê hương là nơi trú ngụ an toàn nhất, chia sẻ những đau thương vất vả nhất.

Ông lăn xe đi giữa các hàng cây, vẻ bình yên thanh thản. Tôi chợt nhận ra Hoà Bình ngày nay cũng có một vẻ thanh thản như thế. Có lẽ vì cô đã làm xong bổn phận của mình. Mẹ cô đã mất trong êm ái, không vật vã đau đớn, các em đã vào đại học nhờ tuổi thanh xuân vất vả của cô. Gặp lại tôi, cô buồn vui lẫn lộn. Tuổi trẻ đã trôi qua, những tháng ngày lẽ ra tươi đẹp nhất của mối tình đầu đã bị bóng đêm chiến tranh che phủ. Bóng đêm đó choán hết cả tâm hồn tôi, che lấp hết những ước mơ tươi đẹp, những khát vọng đầu đời. Chúng tôi sống lại tuổi đôi mươi, đi bên nhau giữa Sài Gòn đầy nắng, đầy những tà áo dài bay phấp phới. Hôm nay tôi đã trở về nhưng lại hẹn cùng cô, cùng Sài Gòn một ngày trở về khác, trọn vẹn hơn, ý nghĩa hơn. Tôi biết dẫu Sài Gòn luôn biến đổi thăng trầm, bao đau thương mất mát, vẫn bao dung dang tay đón những đứa con trở về, miễn sao lòng tôi thật sự muốn trở về./.

Trương Thị Thanh Hiền

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC