Mấy lần, ngồi trước mặt các đồng chí tư lệnh
Bộ đội Biên phòng, tôi đã muốn đề nghị: "Cho tôi
ra Cồn Cỏ" một lần. Háo hức vậy mà ngại. Cồn
Cỏ cách bờ chẳng bao xa nhưng vẫn phải một chuyến tàu.
ít ra là một thuyền gắn máy. Trước Tết Nguyên đán,
tôi đã ra Cát Bà bằng cái vé tàu tôi mua. Ngủ lại Cát
Bà trong một phòng sang trọng bằng tiền tôi đặt chỗ.
Hết một đêm. Nghe no sóng, no gió rồi về. Thú vị mà
không gợi. Tôi thích những ý gợi trong từng chuyến
rong chơi để được trả về nơi đó một ý gợi mới
mẻ vào cuộc sống. Vậy nên tôi luôn hăm he, chờ có
dịp tỏ bày. Với ai và với đâu cũng được. Để mà
ra Đảo Cỏ.- Anh cho tôi ra đảo. Được không? - Tôi tha
thiết nhìn vào đôi mắt sáng và nhân từ của đại tá
chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị. Tha
thiết vậy bởi năm ngoái xin lên thăm đồn Cù Bai đã
trật rồi. Năm ngoái, tôi vào đến Đông Hà thì đại tá
Trần Đình Dũng đi vắng. Chắc những người tiếp tôi
nghĩ "Cái ông nhà thơ tóc dài ni lên Cù Bai mần chi
hè".
- Có dịp may đấy. "Đồn 214 mới thành lập nhưng
đã ổn định. Lần này có thanh niên ra "lập làng"
mới. Nhà thơ ra đảo, chắc tiện chuyến".
***
Huyền thoại về sự hình thành Đảo Cỏ khá mộng mơ.
Ông Trời gánh đất đắp bền chắc đất Minh Linh (tên
cổ của miền Vĩnh Linh, Gio Linh). Đất đá gánh về
nặng quá. Đòn triêng gãy. Đất đá tụt xuống. Một đầu
gánh đất thành đồi 74 ở mé ga Sa Lung bây giờ. Đầu
kia văng mạnh ra ngoài biển. Nổi giữa trùng khơi một
cồn xanh đảo đá. Cỏ mọc nhanh. Biếc xanh tên gọi muôn
đời. Cồn Cỏ là tâm Phật từ bi hạ xuống làm nơi
neo đậu tránh mưa, tránh bão của thuyền chài. Khi biển
bắc, biển đông dồn dập nổi mòi (sóng bạc đầu),
khi nền trời hạ xuống mà phơi mặt bủng da chỉ là
thuyền cá "bên ni Tùng Luật, bên tê Cát Sơn" ghé
nôốc, neo thuyền vào đảo đá mà núp tránh.
Cồn Cỏ là hòn đảo lửa. Chỉ có dăm năm của nửa
cuối thập kỷ sáu mươi trong thế kỷ trước mà đá, mà
cỏ cây lẫm liệt chí anh hùng. Rồi từ đó sóng đảo
vỗ vào tâm thức Việt Nam cái nhịp ngưỡng mộ đến
muôn năm. Muôn năm câu thơ của Bác Hồ khen ngợi
"Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận. Đánh cho tan xác
giặc Huê Kỳ".
Đến năm cuối của thế kỷ XX, Cồn Cỏ có một đồn
biên phòng trấn ngự. Trong pho sử địa chí nghìn triệu
năm, sự kiện lập đồn biên phòng là dấu chấm thời
gian rất nhỏ. Nhưng là chấm nhỏ bản lề. Đá rồi cũng
mềm ra vì đảo đá sẽ mềm mại sự sống sinh sôi. Đó
là dịp may Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng
Trị hứa dành cho tôi. Ngày 09 tháng 3 năm hai ngàn lẻ
hai này có lễ động thổ dựng "làng" trên đảo.
Cái xẻng thiêng liêng sẽ cắm phập vào đất đá. Không
phải để đào chiến hào, công sự. Lần này, lưỡi
xẻng chớm gặp màu tương lai.
Sau ba giờ băng qua Cửa Việt, cắt sóng ngang ra toạ
độ đông. Tàu cặp vào âu Cồn Cỏ. Tôi nói lời cám
ơn, tạm biệt các thuỷ thủ tàu 06.01 của hải đội 2
rồi bước lên bờ. Quay lại phía đất liền. Trời đã
giăng mù, trắng bạc. Không nhìn rõ Cửa Tùng, Cửa
Việt. Nhưng được nhìn rất rõ cái ngấn cảm xúc nâng
dần trong tôi. Tôi theo chân những người cùng đi. Một
đoạn trong cả tuyến đường quanh đảo đang được
một công ty của Binh đoàn 11 thi công.
***
Trung tá đồn trưởng Nguyễn Đình Lương ghé tai tôi:
"Bác về bên tụi em ở cho vui hí!". Lúc ấy, chúng
tôi đang ở dưới đảo bộ. Vậy là có hai màu áo lính
ở trên đảo tiền tiêu này. Lương bổ sung: "Bốn
chứ ạ! Biên phòng là một. Bác biết rồi. Đơn vị
bảo vệ đảo là quân của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh mà
chỉ huy trưởng là anh Thuận, bác vừa gặp. Một phân
đội kỹ thuật của Hải quân và ba người bên khí tượng".
- Sắp thêm một lực lượng thanh niên xung phong ra đảo
lập nghiệp.
- Dạ. Em có biết. Em lên đảo bộ dự họp để bàn
chuyện đón họ và góp phần tổ chức lễ động
thổ...
- Có cả nữ đấy. Vui không?
- Dạ. Vui hung! Khi đưa đơn vị ra xây dựng đồn, em
biết sẽ có ngày này.
- Liệu dự án của thanh niên có thành công không?
- Dạ. Được - Lương nói chậm như để những kỷ
niệm, kinh nghiệm ba năm rưỡi xây dựng đồn 214 của
anh kịp về hỗ trợ cho những nhận định của mình - Bước
đầu sẽ rất gian nan. Nhưng thanh niên ra đảo là con em
của mấy xã gần Cửa Tùng. Người ở đó có chí lắm.
Lương chỉ vào vườn chuối, vườn rau của đơn vị
mình: "Đất mềm lắm, bác ơi. Chịu khó khiêng vác
đá ra xa mà giành lấy đất. Đất bazan. Trồng và chăm
công phu một chút là sống được". Tôi bước theo Lương.
Đồn trưởng biên phòng đang nói về thổ nhưỡng, độ
mỡ màu của đất như một nhà nông học. Ôm bọc lấy
khu doanh trại biên phòng 214 là một vòng xanh đậm cây
rừng. Tiếp một vòng xanh non, xanh ngon, xanh nõn nà của
rau quả.
- Nghe nói có cả dê gửi vào đất liền biếu các
đơn vị? - Tôi hỏi Lương.
- Dạ. Có thứ biếu. Có thứ nhượng lại. Khi sung túc
nhất, tụi em có cả bầy sáu mươi con. Mau lớn và mắn
đẻ lắm.
- Nên mách nguồn lợi này cho thanh niên khi họ ra đây.
- Dạ. Khéo tổ chức cho hợp lý và khép kín là dễ
nuôi trồng. Ngoài dê ra, tụi em có bầy chó tám con. Hai
mươi sáu con vịt và hàng trăm gà. Thứ nuôi thịt. Thứ
nuôi ấp. Thứ lấy trứng.
Tôi nhắm mắt hình dung. Trung tá Nguyễn Đình Lương
cho tôi ấn tượng vui ban đầu. Từ bóng dáng một nhà
thổ nhưỡng đã thành một chủ trang trại đang làm ăn
phát đạt.
***
Nguyễn Đình Lương quê gốc ở Triệu Phong nhưng mẹ
anh sinh ra anh ở Vĩnh Linh, ngày chống Mỹ. Cha anh là
một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của
huyện uỷ Triệu Phong thời đánh Pháp. Ông trụ lại quê
nhà sau Hiệp nghị Geneva. Mẹ anh tập kết sang bờ bắc
sông Hiền Lương.
Chính quyền Ngô Đình Diệm đóng cửa cài then sông
tuyến. Người Quảng Trị lặng lẽ mở trăm lối qua
về, ra Bắc vào Nam. Các huyện, xã bờ nam ra Vĩnh Linh
họp hành. Ra báo cáo và nhận chỉ thị cho cả thời
kỳ và cho từng việc nhỏ. Ra thở một hơi thật dài vào
phổi vào tim rồi trở về tranh đấu. Ra làm việc nước
và ghé thăm vợ con.
"Con gái thì đặt tên là Hiền. Con trai là Lương.
Em hí". - Ông nói với vợ trước đêm vượt sông
Hiền Lương trở về Triệu Phong. Nguyễn Đình Lương ra
đời. Lần sau, cha anh ra Vĩnh Linh trong trường hợp
hiểm nghèo, nguy cấp. Mẹ con anh đã đi lần ra đến Nam
Định. Lương chưa bao giờ được nhìn mặt cha mình. Vì
lần ấy cha anh mang vết thương rất nặng. Thoát qua
Cửa Việt, Cửa Tùng rồi không thoát kịp cái chết trên
đất Vĩnh Linh...
- Em nhập ngũ và là chiến sĩ biên phòng luôn. Đi qua
nhiều chức vụ công tác, nhiều địa bàn thử thách,
nhiều năm tháng rèn luyện và ra đây năm 1998.
- Tình nguyện chứ!
- Dạ không. Em chấp hành sự phân công, bổ nhiệm. Và
tự uốn nắn ngay ngắn dần nhận thức ngay trên đảo này.
- Thế trước đó?
- Trước đó chẳng có lần nào lựa chọn phân vân.
Nhưng ra Cồn Cỏ là ra đảo xa mà bác - Lương lại nhìn
tôi bằng đôi mắt tin cậy rồi kể tiếp - Trăm ngàn
gian khổ lúc ban đầu. Em gian khổ một. Lính của em mười.
Những đêm dài thăm thẳm. Em nghĩ đến cha em. Thử thách
lớn lao nhất là cái chết mà cha em coi nhẹ. Lớp cán
bộ, chiến sĩ ra cùng ngày với em còn có Tuyến, Dũng. Cũng
như đồn 214 vươn lên từ điểm khởi đầu rất thấp.
Tụi em từ non nớt mà có rễ có cành.
- Lúc khó vậy, anh em có đồng tình không?
- Dạ có. Nhưng trước hết là cán bộ. Mà cũng
chẳng có gì ghê gớm lắm đâu. Cứ theo phép tính chia
đều. Chia đều buồn vui. Chia đều mặn nhạt. Cán bộ
được nói trước thì phải biết làm trước. Cả đến
khi cơ nghiệp đã vuông tròn vẫn phải trọng phép chia bày
ra trước ánh ngày của luật dân chủ. Ngửa bàn tay ra mà
nói, mà làm. Nắm chặt là úp mở...
Tôi có một đời yêu thương Quảng Trị. Yêu những
phẩm chất của tên người được trân trọng viết hoa.
Quảng Trị lâu ngày giờ gặp lại nơi Lương. Anh đồn
trưởng biên phòng Cồn Cỏ.
***
Chỗ gốc cây cao lớn mà Thái Văn A dựng một chòi
quan sát giờ là một gò mối lặng im. Từng mắt lá vây
quanh như xoáy vào tôi để hỏi một điều gì. Tôi sờ
vào những vách hầm mà tự định vị hầm thông tin,
hầm chỉ huy, hầm bếp núc theo từng trang kể của
Nguyễn Khải, Nguyễn Trọng Oánh, Hồ Phương... Mới đây,
tôi đã đọc những bài báo, tranh luận gay gắt, móc máy
đủ điều về việc tôn tạo một cửa hầm địa đạo
Vĩnh Mốc. Tôi nhớ những cuộc hội thảo, những tờ trình,
những phác thảo thiết kế về cây cầu Hiền Lương.
Vậy mà đây? Cồn Cỏ anh hùng mấy lượt! Sao cây lá
hoang vu, khí trời hoang vu? Rồi tôi đến gặp cũng hoang
vu. Tôi lật một hòn đá nhỏ. Gặp một hơi đá thở
lạnh toát người. Tôi điều chỉnh vội cái ngỡ ngàng
run rẩy. Lại như gặp một lời ca về con cua đá vẫn
"nó nằm trong đá, nó nằm trong khe, nó có tám cái
ngoe, có hai cái càng...". Thấy rõ ràng cái miệng cười
của nhạc sĩ Phan Ngạn, Nguyễn Ngọc Cừ và tốp ca nam
của Văn công Quân khu 4 mang "Con cua đá" ra Hà
Nội hát. Tôi lần bước xuống một ngách hầm lá phủ.
Có động. Một chú rắn lục ngoằn ngoèo lướt qua.
Nhớ có bài báo nào đó viết rằng "rắn lục ở đảo
Cỏ là rắn lành". Con rắn lành không bỏ đảo. Hay
vì nó còn biết trọng một thời chưa xa. Vậy mà chúng
ta quên. Rõ ràng là quên. Đảo Cỏ không dân. Nhưng luôn
luôn có ít nhất là vài phân đội ở, bảo vệ. Doanh
trại đảo bộ có ngôi nhà truyền thống nhưng không
một bóng dáng truyền thống được trưng bày.
Sau chiến tranh, ở vùng Bình Trị Thiên cũ lắm
chuyện lúi búi. Lúi búi dọc ngang bao chuyện rồi quên
một Cồn Cỏ ngoài khơi, một Cù Bai trên núi. Không
phải tôi nói sai điều này. Thiếu gì văn bản đã
nhắc đến như lời trách giận. Tôi biết trách ai. Và
chẳng biết ai ra sao mà trách nữa. Chỉ biết mình đang
buồn. Tưởng rồi đá cũng thấm buồn mà nát đá. Tưởng
rồi cây lá cũng tủi mà quắt khô.
Ta quên mà cây rừng biết giữ. Cứ xanh um lên mà
vẫy gọi. Cứ nõn nà lên mà tồn lưu. Suốt năm ngày,
biển đảo sóng chồm. Tôi có năm ngày trò chuyện với
mắt lá, nhành cây.
Sau lễ động thổ được bố trí ở đồi Yên Ngựa,
nơi các nhà thiết kế đã lãng mạn đặt tên là công
viên Cồn Cỏ, quan khách rời đảo. Đoàn đại biểu Chính
phủ và Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm trở về đất
liền bằng máy bay. Tôi cũng sẽ được theo đoàn đại
biểu tỉnh Quảng Trị trở về bằng tàu biển. Đảo
Cồn Cỏ vẫn như chiến hạm neo đậu giữa trùng khơi.
Thêm gần bốn mươi thuỷ thủ là nam nữ thanh niên và
niềm tin của họ. Niềm tin ấy, họ nhen nhóm gần một
năm nay. Vừa được các cấp lãnh đạo từ Chính phủ,
Trung ương Đoàn, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị và
Tỉnh Đoàn Thanh niên gia cố thêm vào neo đậu bằng
những lời hứa hẹn.
Tôi cầm tay một cô gái có tên là Hương. Trong lễ động
thổ xây dựng Đảo Thanh niên, Hương nói mấy lời đáp
lễ, bày tỏ quyết tâm của mình và đồng đội. Tôi xúc
động nhưng vẫn muốn hỏi thêm đôi điều. Bởi trước
micrô, tôi biết điều Hương nói như được học thuộc
lòng từ nhiều đêm trước.
- Người yêu của em có ra cùng chuyến này không?
Mặt cô gái tái đi rất nhanh rồi ửng đỏ trở
lại.
- Dạ, cháu chưa yêu ai.
Có thể là thật vậy. Theo thống kê riêng của tôi,
trên đảo Cồn Cỏ còn khá đông người hồi hộp với
tin này. Tin có cô gái Vĩnh Linh ra đảo mà chưa yêu ai.
- Thôi, chuyện đó rồi sẽ đến. - Tôi dặn cô gái.
- Các em sẽ học bao điều ở đảo. Khi có những trắc
trở, khó khăn muốn vượt qua, hãy nghĩ đến các chú, các
anh bộ đội. Họ đã thay nhau, tiếp theo nhau vượt qua
tất cả ở nơi này./.
P.N.C.