TIỀN MỪNG

Sau đám cưới, bất kể tiệc mặn hay tiệc ngọt; đôi tân hôn, bất kể còn trẻ người non dạ hay đã nhầng nhầng lỡ lứa, hoặc đều là rổ rá cạp lại; cũng phải làm cái việc bất kể ngán hay thú này: ấy là tổng kê xem người ta - bao gồm người cửa, người nhà, người thân, người sơ, người gần, người xa... - mừng mình đến đâu.

Ngồi bệt xuống sàn, chân duỗi, chân co, đầu gối tì lên đống phong bì vừa moi móc ra từ cái xắc, từ hai túi quần, hai túi áo veston thảy đều ninh ních như bụng cóc, Tùng bảo Thoa - vợ mới cưới hồi chiều chưa ráo mồ hôi: "Em lấy giấy, bút ra ghi chép đi!". Anh đưa mắt nhìn vợ, tiếp: "Giấy má rời rạc thế kia, không được! Phải quyển sổ hẳn hoi. Dăm bảy năm sau, cũng có thể lâu hơn, còn phải dùng đến nó đấy. Bắt đầu nhá!". Nét mặt nghiêm trọng như ngồi vào bàn thi vấn đáp, bóc chiếc phong bì đầu tiên, Tùng đằng hắng: "Băng Thanh, một hai ba bốn năm sáu bảy tám chín mười. Mười tờ đỏ. Một trăm nghìn. Thông lệ bây giờ rồi". "Đọc thì đọc đi. Cái nào anh cũng phán như thánh sống ấy, có mà đến đêm cũng chưa xong" - Thoa sốt ruột.

Từ lúc này đổ đi, Tùng vừa đọc tên người kèm số tiền mừng, vừa nghĩ. Dường như chúng tự hoá thân thành những độc thoại loằng nhoằng vậy.

- Thu Minh, một trăm đô. "ái chà! ả này chơi "quân tử nhất ngôn" đây. Hứa sao làm thế. Thà nó cứ mừng một trăm nghìn như nhiều người, thì mình lại đỡ phải nặng nợ. "Ăn trước trả sau, rồi sẽ có ngay "đau như hoạn". Không sao! Có vay có trả. Lo gì".- Nguyễn Quỳ, năm chục: - "Thảo nào, bác ấy lắc mạnh tay mình, nói: "Tớ mừng cho cậu. Nhưng mà mừng theo kiểu hưu trí thôi. Mà này, có ông lão nom như ở hải ngoại về, gặp tớ ngoài sân và nhờ tớ chuyển cho cậu chiếc phong bì này". Tội nghiệp, bác Quỳ về hưu, vợ nằm liệt đã lâu, hoàn cảnh khó khăn quá. Không mời thì không phải đạo, chẳng gì thì trước cũng là đồng sự cùng ban, cùng sở, nhưng mời thế thì khác gì gieo quả tạ vào nhà người ta. Mười nghìn xe ôm đi, mười nghìn xe ôm về, năm chục tiền mừng, tổng chi là bảy chục ngàn, số tiền cũng chưa phải là bé tí đối với một người về hưu không ăn vào hậu vận. Còn ông lão mà bác Quỳ nói là ai thế nhỉ? Mình và mẹ mình chẳng quen biết ai là "Việt kiều việt kiếc" gì hết. Lúc ấy, cứ đưa hai tay xin nhận rồi nhét vội vào túi, chứ ai lại còn nhìn xem là của ai".

- Thểu, Lới, Thõm, Vín, Toè; năm người phòng tài vụ, bốn trăm. "Đếm đi đếm lại vẫn thế. Tám tờ năm chục mới coong, cạo râu được. Không phải là năm trăm hay hai trăm rưỡi, mà là bốn trăm. Đây cũng là phép tính đã cân nhắc kỹ càng. Dân kế toán có khác".

- Vợ chồng Huynh-Nguyệt, hai trăm. "Tưởng cố lắm nhà này đi được một người, mặc dù giấy mời vẫn ghi lịch sự là "anh chị và các cháu". Thế mà cả hai vợ chồng cùng đến. Chắc hẳn đền ơn mình hồi cưới hắn: mình vừa đi phù rể, vừa mượn giúp bộ complet, lại còn mừng nguyên cả cái phích Rạng Đông".

Trong lúc hai vợ chồng Tùng đếm tiền, vào sổ, thì mẹ anh như có ý tìm gì trong đống phong bì, bảo: "Mẹ sắp xếp hộ một tay cho nhanh, nhá!". "Thôi, mẹ cứ để chúng con làm" - Thoa nói. "Còn mấy túi thức ăn kia, mẹ xử lý đi ạ" - Tùng bảo mẹ, rồi đọc tiếp: Trần Ngân: bảy nhăm nghìn - "Cũng là một "ca" đáng chú ý đây. Hẳn ông ấy đã tính toán đầy đủ cho "đầu vào", kể từ thiếp mời, chụp ảnh, hoa hoét, đón dâu, đón diếc đến ngụm nước súc miệng... bổ theo từng thực khách. Sít sao và sòng phẳng. Chả trách mà sắp tới người ta rước ông ấy về Vụ Kế hoạch và Đầu tư cơ sở hạ tầng.

- Anh đọc tiếp để em ghi cho xong đi nào! - Thoa lại giục - Bỗng dưng sao lại thuỗn mặt ra vậy?

Như người đang mê, Tùng choàng tỉnh. Mở ra nhìn, rồi để riêng chiếc phong bì sang trọng có dòng chữ in bằng máy tính sang hẳn một bên, Tùng lẩm bẩm không thành tiếng, vì không muốn thành tiếng hoặc đã thành tiếng: "Ca" này mới đáng để tâm suy xét nhiều. Quyển vốn chặt chẽ. Cũng hơi khó chơi nữa. Chả bỗng nhiên mà lại hào phóng đột xuất với mình thế này. Anh ta cần gì ở mình nhỉ?". Tùng đảo lại một lô các sự chuyển động chưa đến hồi vãn cuộc ở sở độ dăm tháng nay khi nhiều cán bộ, viên chức thạo tin, bấm đốt ngón tay cũng chừng tháng ấy nữa, tay Phó giám đốc Sở sẽ về hưu già vì đã quá tuổi mụ năm năm. Bởi thế, không ít người có máu mặt hy vọng sẽ vịn tay được vào chiếc ghế có ngày tạm khuyết đó.

"Không thân quý mà cũng chẳng tức ghét gì mình, nhưng Quyển biết mình nỏ mồm, nói năng, diễn đạt có sức thu phục các cử toạ, nhất là đám áo ngắn ở sở. Hẳn vì thế, anh ta cần ở mình - kẻ không vào đường đua, một tiếng nói ủng hộ nặng đồng cân? Này bạn, theo tôi hai việc không dính dáng gì đến nhau đâu. Trước mắt, tôi cứ cảm ơn và mang nợ ông món này". - Tùng suýt nói ra miệng. Rồi anh tiếp:

- Em ghi đi! Anh Quyển ba trăm nghìn.

Cứ thế, sau mỗi cái phong bì dán hờ làm phép, Tùng ước đoán số tiền mừng, sau số tiền mừng anh lại hình dung ra chân dung, tính cách một con người cụ thể và mối quan hệ của anh với họ. Chính nét mặt anh cũng luôn luôn biến đổi, các sắc thái trái ngược luân phiên nhau.

Sắp đến chiếc phong bì cuối cùng.

Mẹ anh từ nãy giờ vẫn ngồi xem xét, phân loại các món ăn được tổng cả vào mấy cái túi ni lông to tướng do mấy mâm bị ế phải mang về cho đỡ phí. Tùng chịu, không thể đoán được mẹ nghĩ gì khi bà bảo:

Hết rồi thì đi ngủ đi. Để sáng mai đếm lại, tiền cũng chả thiu thối đâu mà sợ.

Như mọi tối thì anh đã sẵng: "Mặc con!". Nhưng hôm nay, anh không dám gắt câu nào, sợ làm hao hụt niềm vui của mẹ.

Quả vậy, không ít người đã nói với bà: "Cụ lo được cho anh Tùng như thế này là hết ý rồi". Thâm tâm, bà cũng thấy công việc thế là trọn vẹn. Suốt tiệc cưới, bà luôn miệng cười. Song, chốc chốc bà lại ngóng ra cửa hội trường, với mãi tận ngoài đường, như có ý đợi, vào những giây phút chót, ai đó có thể đến để góp vui với hai mẹ con bà chăng?

Nhưng không một ai nữa, ngoài mấy nhân viên khách sạn chạy đi chạy lại, thu nép dần vỏ chai, vỏ hộp và bát đĩa rếch. Người mẹ goá như bà còn mong ước gì hơn là được tận mắt thấy đứa con trai duy nhất của mình phương trưởng?

Bóc chiếc phong bì tưởng là cuối cùng, Tùng đứng dạy vươn vai, nghe rõ các khớp xương mỏi kêu răng rắc. Mắt cay xè vì trưa không được ngủ phút nào, anh chợt trông thấy cái phong bì loại rẻ tiền nhất, ở cạnh gầm bàn, bị gió thổi rạt rào. Hờ hững mở xem. Chỉ tờ giấy nhỏ. Không còn gì khác. Rõ vớ vẩn. Vớ vẩn hơn là ngoài phong bì ghi rõ: Chúc mừng nhân ngày vui. Một dáng chữ mà lớp trẻ bây giờ, thậm chí đâu còn trẻ như anh, cũng không thể có được. Rắn rỏi, xiên đều, đậm nét, nét thanh cân đối, rất mực cổ điển. Lơ đễnh, liệng nó lên mặt bàn, Tùng lên giường, mở màn cái gọi là đêm tân hôn, dù trước đó, anh đã thuộc làu từng nốt tàn nhang trên da dẻ nàng.

Bẵng đi dăm hôm, buổi tối ngồi uống nước, Tùng lại thấy chiếc phong bì rẻ rúng nọ, không hiểu Thoa hay mẹ anh đã chặn cái gạt tàn lên để gió khỏi thổi bay mất. Thuận tay, anh rút mảnh giấy ra xem họ viết gì? Mấy dòng tiếng Pháp. Vẫn bằng nét chữ mực thước để ngoài phong bì. Tiếng Nga hay tiếng Anh thì còn ú ớ chút ít, chứ tiếng Pháp thì anh "mít đặc". Đã định vò nhàu rồi quẳng vào sọt giấy, nghĩ sao Tùng lại nhét nó vào túi áo vét. Thoáng thấy cử chỉ ấy nhưng lại ngoảnh đi nơi khác, mẹ anh chẳng nói gì, như chẳng có gì để nói.

Lúc xuống phòng hành chính nhận tài liệu và lấy bút ký vào sổ văn thư, Tùng lại lôi tờ giấy có mấy dòng tiếng Pháp kia ra, hỏi xem ở sở có ai đọc được không? Chẳng ai đọc được.

Ông thợ chữa giầy ở gần cơ quan đã dịch hộ anh câu tiếng Pháp trên: "Mời anh đến gặp ông Paul Thái đang trọ ở số nhà 99 bis, tổ 999 phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy trước... giờ, ngày... tháng... năm để nhận quà mừng". "Lại còn trò vè gì nữa đây?". Tùng mỉm cười, vẻ mặt bông phèng. "Được. Ta sẽ đến xem Paul Thái là cha nào mà đùa nhả vậy? Còn hơn ngày nữa. Đi đâu mà vội".

Nếu không bị anh bạn học cũ cứ nằng nặc: "Mày uống với tao vài vại để tao xin lỗi, hôm mày cưới tao không dự được", thì Tùng đã tới nơi hẹn, sớm ít nhất cũng dăm bảy phút.

Anh bấm chuông ngôi biệt thự có lẽ là một khách sạn mini ở địa chỉ trên. Bà chủ nhà ra hỏi: "Anh là Tùng, đến gặp ông Thái phải không? Ông ấy sang sân bay cách đây mấy phút rồi. Ông nhờ tôi chuyển cho anh bức thư và tờ ngân phiếu này". Tùng vội mở thư ra đọc: "Cha đã đợi con đến phút cuối cùng. Con gắng thuyết phục mẹ tha thứ cho lỗi lầm của cha hơn 40 năm về trước. Cha sẽ trở lại để ký ngân phiếu cho con vào ngày gần nhất". Tùng kinh ngạc không hiểu đầu cua tai nheo thế nào. Người ta bày đặt chuyện gì để đưa mình vào bẫy chăng?" - anh lẩm nhẩm, mồ hôi chảy dọc sống lưng.

Mẹ anh bình thản: "Đúng, ông Thái, hay Paul Thái là cha đẻ anh đấy. Bây giờ mẹ bỏ qua mọi điều và cho phép ông ấy nhận con". "Sao trước nay mẹ vẫn nói là cha con mất từ lúc con chưa lọt lòng?". "Đi từ đó không về thì cũng xem như là chết!".

Giờ đây, Tùng biết, cuối năm 1955, sau ngày tiếp quản Hà Nội, khi mẹ anh đẻ anh, cha anh mê và đi theo một người đàn bà trẻ vào Nam làm ăn rồi không trở ra Bắc được nữa. Về sau, cả hai người sang Pháp sinh sống nhưng chẳng có con cái gì với nhau. Cách đây hơn tháng, cha anh mới lần về quê hương bản quán và tìm vợ con.

"ồ, thì ra cái ông lão nom như ở hải ngoại về" mà bác Quỳ nói chính là cha mình, đã đến tận cửa phòng cưới của mình mà mình không biết mặt". Tùng tiếc, trong lúc mẹ anh nói tiếp: "Nhiều hôm anh đi làm, ông ấy vẫn đến đây ăn năn, xin lỗi mẹ. Cha anh biết lỗi thì tôi đã hết đời. Bây giờ tôi cần gì cho lắm của nả? Cái món tiền mà ông ấy hứa cho anh đối với người bán xôi sáng như tôi, to thật đấy, nhưng thử hỏi có nuôi nổi anh từ tấm bé đến giờ không?"- bà mẹ nói, giọng đã dịu vơi oán trách và dâng đầy khoan dung.

Lặng người, không nói được câu nào, mắt Tùng nhoè đi, nhoè mãi...

Sau làn nước mắt, anh thấy những chiếc phong bì tiền mừng rụng xuống xung quanh đôi bàn chân vẫn chỉ thích đi đất của mẹ, tựa hồ đàn bướm trắng sã cánh tả tơi.../.

Bùi Văn Trọng Cường

 

     

 

Trang ch  |  English  |  Kỳ trước | Âm thanh


Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ-Hà Nội ĐT: (84 4) 9344231

Fax: (84 4) 9344230 Email:[email protected]

Tổng Biên tập: ĐINH THẾ LỘC