Người lính gác đảo chìm
Mãi đến sâm sẩm tối, biển mới lặng dần. Nhưng
những đám mây xám đục vẫn tướp táp bay trên nóc đài
chỉ huy. Chật vật mãi, con tàu mới buông được neo.
Giờ thì nó chỉ còn lảo đảo, ngật ngưỡng trên sóng
như người vừa mới ốm dậy, vẫn chưa hết váng vất.
Nhưng đám lính trẻ đã tỉnh queo như sáo tắm. Họ ùa
cả ra tàu. Xuồng chật thì lóp ngóp bơi bộ. Bức thư
của tiểu thư công nương Mộng Tương lập tức được
chuyền tay khắp lượt đám trai trẻ. Hoá ra tụi lính tàu
không bịa. Tiểu thư vẫn còn đang đái dầm. Hai ùm cười
sùng sục:- Hay! Tha hồ là tương lai !
- Tương lai cái khỉ gì!
- Thì em Tương càng trẻ chứ sao? Cậu thích gái già
à?
Rồi Hai ùm toác miệng ứng tác luôn hai câu thơ mà cu
cậu rất lấy làm khoái chí: Tội gì mê gái đảm đang
- Chúng ta chờ lấy cháu ngoan Bác Hồ. Này! Đứa nào
muốn lọt vào mắt cháu ngoan Bác Hồ thì phải có
phiếu bé ngoan của bố Thuận nhé. Con xin đăng ký làm bé
ngoan đây!
Thế là đám lính trẻ lại vây lấy bố Thuận. Xứ
đảo chìm nhộn nhạo như một vườn trẻ. Tư Xồm có
vẻ buồn. Cu cậu không tham gia cuộc vui, chỉ nhếch mép
cười gượng gạo. Khi Hai đánh xuồng về lều bạt thì
Tư đã lên giường nằm. Chẳng biết nghĩ ngợi gì mà
cậu chàng cứ trằn trọc mãi, thỉnh thoảng lại đưa
tay gãi bụng sồn sột. Căn lều bạt hoang lạnh không
một ánh lửa. Trong đêm, trông nó rờn rợn như hang động
người tiền sử. Bầy chim biển chao chát quần lượn trên
nóc lều. Không biết trở trời hay sắp có bão mà chúng
lại về hành hạ thế này? Hai thấy mắt díp lại. Mấy
đêm thức trắng đợi tàu. Giờ người cứ bẫng lẫng.
Hai chọc chọc báng súng vào tấm lưng to bè như mai vích
của Tư Xồm. Cái thằng lạ thật! Có gì mà phải đai
nịt lỉnh kỉnh thế này. Tối mò còn làm đỏm. Chỉ
tổ cho rệp chim nó rúc. Thảo nào cu cậu gãi khiếp
thế. Hai càm ràm:
- Vô lý thật! Thằng được ngủ thì cóc ngủ được.
Thằng không được ngủ thì lại buồn ngủ trĩu mắt. Này,
thằng khỉ, gác hộ tao chút. Khi nào mày buồn ngủ thì
trả lại tao. Tao sẽ làm cho mày hai bài báo tường. Được
chưa? Bây giờ ngồi ôm súng nhớ em là tuyệt nhất đấy!
Lúc nào buồn ngủ thì đánh thức tao nhé!
Hai ghệch khẩu súng lên thành giường, rồi chui luôn
vào chăn. Trước khi cất tiếng ngáy như sấm, cậu ta còn
dậm doạ:
- Này, nhớ gác cho cẩn thận! Tư lệnh ra đấy. Bố
già rất hay chơi cái trò bất ngờ đột nhập đảo.
Lần trước ông cụ đã "cạo" thằng Thiêm một
mẻ tơi bời đấy!
Chuyện ấy xảy ra cách đây đã mấy tháng rồi. Đêm
đó đến ca Thiêm gác. Nhưng mấy ngày liền trằn trọc
chờ tàu ra, giờ thì mệt quá, cu cậu ghệch súng vào
lan can lều bạt, rồi cứ ngồi gục thế mà ngủ. Ngủ
như chưa bao giờ được ngủ. Ngoài mép san hô, tàu đang
chiếu phim. Cánh lính đảo dồn hết lên boong xem phim.
Con tàu cũng không xa căn lều. ánh sáng của ngọn đèn
trên nóc đài chỉ huy còn rập rềnh rọi qua cửa sổ
bạt soi rõ từng tấm chăn rách của lính. Làm sao có
thằng địch nào dám lẻn vào đảo. Thiêm biết vậy nên
cứ yên tâm đánh thẳng một giấc đến sáng. Khi mở
mắt, thì quái lạ, khẩu súng AK của cu cậu đã không cánh
mà bay. Thiêm tìm khắp không thấy. Lính mất vũ khí thì
toi rồi. Kỷ luật là cái chắc. Mà không khéo còn phải
ra hầu toà án binh nữa. Bụng Thiêm cồn cào như lửa đốt.
Trong lúc đang bối rối như thế thì Tư lệnh Giáp Văn Cương
đánh xuồng vào. Vừa thấy Thiêm, ông hỏi ngay:
- Mày mất súng phải không? Tao nhặt được đấy. Súng
tao cất ở ngoài tàu kia kìa! Ra đó mà nhận!
Thiêm nhảy lên mừng rỡ. Hoá ra đêm qua, Tư lệnh đột
nhập đảo, thấy Thiêm ngủ khò trong lúc trực chiến,
ông quyết định thu súng mang ra tàu. Phải cảnh cáo cu
cậu thôi. Không thể khác được. Gương mặt Tư lệnh
thoáng buồn ruợi.
- Lính tráng gì mà lạ. Canh gác kiểu ấy thì chỉ
cần một thằng người nhái vớ vẩn cũng chiếm được
đảo!
- Con mệt quá, bố ạ! Mấy hôm vừa rồi không ngủ
được!
- Mệt thì sao không báo đơn vị để thằng khác gác
thay cho. Có ai bắt người ốm làm việc đâu?
- Con xin lỗi bố...
- Mày cũng như con cháu tao thôi. Nỡ lòng nào mà tao đày
đoạ chúng mày. Nhưng khổ nỗi đây lại là Tổ quốc.
Tổ quốc thì không thể bỏ được! - Tư lệnh cười
buồn. - Nếu mày thấy làm lính mệt quá thì vào đất
liền làm Tư lệnh, để tao gác thay cho. Mày làm được
Tư lệnh không?
Thiêm bàng hoàng trước câu hỏi đột ngột của Thượng
tướng Giáp Văn Cương. Làm sao con làm được Tư lệnh?
Thiêm cười gượng gạo. Thượng tướng ứa nước
mắt. Giọt nước mắt của một ông già ngót bảy mươi
tuổi khiến Thiêm bủn rủn chân tay.
- Con xin lỗi bố !
- Thôi, ra tàu mà nhận súng đi!
Tư lệnh bỗng quát to, như để giấu nỗi xúc động.
Có lẽ thằng bé cũng chỉ bằng tuổi ông khi ông mới
nhập ngũ, mới tham gia trận đánh đầu tiên ở chân đồi
A1 Điện Biên Phủ. Cái tuổi ấy đang khoẻ ăn, khoẻ
ngủ. Nó có vứt súng đi thì cũng chẳng có gì lạ. Ông
định cứ để mặc cho thằng bé tìm kiếm bã bời ra đã
rồi sẽ gặp nó sau, để ít ra cu cậu cũng thấy sợ mà
chừa cái thói đểnh đoảng chết người ấy đi. Nhưng
rồi ông lại lo cậu ta tưởng súng rơi xuống biển,
lại lao xuống biển mò thì khổ nó mà cũng nguy hiểm
nữa. Thế là không kìm được, vừa rạng sáng, ông đã
đánh xuồng vào.
Bây giờ thì Thiêm đã thành người thiên cổ rồi. Không
biết rảnh xương tàn của cậu ta trôi dạt về đâu?
Biển cả mênh mông mù mịt thế này.
Tất cả chỉ tại cái lũ ó biển chết tiệt! ở
những hòn đảo lớn, bầy chim giũ xuống cát hàng
triệu triệu con rệp. Ngày nóng, lũ rệp lặn sâu dưới
cát. Đêm xuống, đảo nguội dần thì chúng ngoi lên,
rồi cứ nhè lính mà đốt. Đốt rất ngọt, không đau
đớn gì, nhưng sau đó thì ngứa. Ngứa khắp người. Da
thịt mẩn đỏ, rồi mưng mủ. Lính không biết chạy đâu
cho thoát rệp. Họ như bầy chim cánh cụt, không có lông
bao phủ, che chắn, nên bầy rệp tha hồ mở đại tiệc
trên da thịt lính. Tổng cục Hậu cần đã cử một đoàn
bác sĩ ra đảo, chỉ làm mỗi một việc là tìm cách
diệt rệp chim. Thuốc phun chưa tới được mặt cát thì
những trận gió biển cấp 5, cấp 6 đã cuốn bay sạch.
Đảo chìm không có cát, rệp lặn vào chăn chiếu, biến
chăn chiếu thành hang ổ kiên cố. Mấy đêm liền, lính
đảo không ngủ được. Thiêm đem chăn xuống biển
giặt. Rồi một đợt sóng bất ngờ ào đến, cuốn
chiếc chăn ra xa. Thiêm nhào theo vớt. Nước chảy rất
xiết. Thấy Thiêm chới với bên mép san hô, Tư Xồm
vội lao ra. Rồi Tư Xồm cũng bị sóng cuốn nốt. Thế là
Hai ùm nhảy xuống cứu bạn. Nhưng rồi ngay lập tức,
con cá kình ấy cũng lại bị biển nhấn chìm. Đảo
khẩn cấp báo động. Tàu trực chiến rú còi, rồi tức
tốc cắt sóng tìm những người bị nạn. Chật vật mãi
đến gần nửa đêm, cánh thủy thủ mới tìm vớt được
Hai ùm và Tư Xồm. Còn Thiêm thì chẳng thấy đâu cả. Có
lẽ cậu ta bị sóng quật vào đá ngầm, rồi mắc lại
ở một hốc đá nào đó. Mấy ngày sau cũng không tìm
thấy xác.
Suốt một tuần liền, cái chết đột ngột của Thiêm
thành bầu không khí nặng nề trùm khắp hòn đảo. Đến
cả tháng sau cũng vẫn thế. Bởi ở đây, ngày dài lê
thê, đêm lại ngắn choặn. Nhiều khi chưa kịp chợp
mắt cho khuây thì đã sáng mất rồi. Bữa nay cũng vậy.
Chưa đầy bốn giờ, mặt trời đã hắt nắng lên tận
nóc bạt. Nắng rọi qua cửa sổ. Nắng toả từ dưới
mặt nước lên. Chính những luồng nắng rừng rực ấy
đã đánh thức Hai dậy. Hai dụi mắt nhìn ra cửa bạt.
Rồi bàng hoàng. Ai như Tư lệnh Cương? Mà đúng là Thượng
tướng Giáp Văn Cương. Ông già đang ôm AK ngồi trước
cửa lều. Mái tóc xổ bạc trắng.
- ối chết, sao, sao lại thế này?Hai thảng thốt kêu
lên, rồi nhảy ào xuống sàn lều.
- Thằng Tư đâu rồi thủ trưởng?
- Tư nào?
- Tư Xồm! Cái thằng cu gác đêm qua ấy mà!
- Chẳng có Tư nào cả. Chính cậu đã trao gác cho
tớ.
Hai sửng sốt nhìn Tư lệnh. Chết chửa, hoá ra là
bố già. Mà sao bố đột kích đảo sớm thế, lại nằm
ngay trên chính cái giường của Tư Xồm. ừ, mà quả
thật lúc đó, mình cũng ngờ ngợ vì bộ quân phục nghiêm
chỉnh quá, nhưng lại nghĩ chắc cậu chàng muốn làm đỏm
trước mặt bố Thuận nên mới "quàn" trong bộ
cánh diêm dúa như thế. Ai ngờ bố già! Thảo nào đêm
qua, chim biển bay loạn xạ trên nóc bạt. Vậy mà tại
sao lúc ấy mình lại không nhận ra nhỉ?- Bố tha tội
cho con! Chết thật! Con cứ tưởng thằng Tư. Có lẽ đêm
qua nó ngủ lại ngoài tàu mà con thì lại không để ý.
Con thành thật xin bố xá tội...
- Tội lỗi khỉ gì! - Tư lệnh cười hiền hậu. -
Cậu là lính. Tớ cũng là lính. Cậu gác mấy năm trời
còn được. Tớ gác mỗi một đêm thì nào có bõ bèn gì!./.
(Trần
Đăng Khoa)
(Còn
tiếp)